Trẻ bị thủy đậu bôi thuốc gì?

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp do virus Varicella Zoster gây nên. Biểu hiện lâm sàng là sốt, phát ban dạng nốt phỏng ở da và niêm mạc. Bệnh đặc trưng bởi phát ban dạng bọng nước ở da và niêm mạc, diễn biến lành tính, tuy nhiên các mụn nước này có thể bội nhiễm và để lại sẹo mất thẩm mỹ. Bạn đọc có thể theo dõi bài viết dưới đây để biết khi bị thủy đậu bôi thuốc gì không để lại sẹo?

1. Thuỷ đậu là bệnh gì?

Thủy đậu ở trẻ em là bệnh nhiễm trùng cấp tính, lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gần do virus Varicella zoster gây ra. Thuỷ đậu có tỷ lệ mắc cao ở trẻ em dưới 10 tuổi, những khu vực đông dân cư và vào thời điểm giao mùa đông xuân. Thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp, thông qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Đặc biệt với trẻ em chưa được tiêm phòng vắc-xin và có hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện, khi sinh hoạt chung ở môi trường như nhà trẻ, trường học... thủy đậu dễ lây qua việc tiếp xúc với các vật dụng chung như vật dụng cá nhân hoặc đồ chơi.

Nguồn lây lớn nhất là người với người, thời gian mà người bệnh có khả năng lây cho người khác là khoảng 48 giờ trước khi xuất hiện ban, trong giai đoạn phát ban (thường 4-5 ngày) và cho đến khi ban đóng vảy.

2. Lâm sàng của bệnh thuỷ đậu

  • Lâm sàng thể điển hình

Thời kỳ ủ bệnh: Bệnh thuỷ đậu thường có thời gian ủ bệnh từ 10 - 21 ngày sau khi tiếp xúc với mầm bệnh thuỷ đậu, trung bình 14 ngày. Thời gian này đa số người bệnh không có triệu chứng, do đó khó phát hiện và chẩn đoán bệnh.

Thời kỳ khởi phát: Bệnh nhân thường có biểu hiện sốt nhẹ 37-38°C, đôi khi sốt cao 39-40°C, kèm theo nhức mỏi toàn thân, ăn uống kém. Một số trường hợp bệnh nhân có triệu chứng như viêm họng và nổi hạch sau tai. Các biểu hiện ở giai đoạn này có thể gần giống với triệu chứng của bệnh cảm cúm thông thường, do đó hầu hết phụ huynh dễ chủ quan, có thể dẫn đến nhầm lẫn và bỏ qua thời điểm vàng trong điều trị bệnh ở giai đoạn này.

Thời kỳ toàn phát: Các triệu chứng của bệnh ở giai đoạn này trở nên rõ ràng hơn.

Nổi nốt phỏng nước: Thoạt đầu là các nốt nhỏ màu hồng, sau đó nổi gồ trên da kèm ngứa. Trong vòng 24 giờ các nốt nhỏ này trở thành nốt màu hồng có phỏng nước trong, rất nông. Các nốt phỏng nước này có thể xuất hiện rải rác khắp cơ thể, vị trí hay gặp nhất là ở mặt, ngực, lưng, trên da đầu và chân tóc luôn có. Đôi khi nốt phỏng nước có thể mọc ở niêm mạc khoang miệng, mí mắt hoặc ở vùng sinh dục. Số lượng và mức độ nặng của ban khác biệt giữa các người bệnh thuỷ đậu. Trẻ nhỏ thường có ít ban hơn so với trẻ lớn hơn. Nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách, sau khoảng 4 ngày, vẩy vàng xuất hiện và khoảng ngày thứ 10 trở đi thì bắt đầu bong vảy, thường không để lại sẹo.

  • Thủy đậu thể lan tỏa

Đây là thể bệnh thuỷ đậu nặng với tỉ lệ tử vong cao có thể gặp ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch (người bệnh ung thư điều trị hóa chất, người bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, điều trị corticoid kéo dài), trẻ đẻ non, trẻ sơ sinh.

Biến chứng của bệnh thuỷ đậu:

  • Viêm da bội nhiễm: Thường do vệ sinh không tốt, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết.
  • Biến chứng thần kinh.
  • Hội chứng Guillain-Barré.
  • Viêm não - màng não.
  • Viêm phổi: Xuất hiện vào ngày thứ 3-5 của bệnh với triệu chứng: Ho, sốt, thở nhanh và đau ngực.

Một số biến chứng thủy đậu khác có thể là: Viêm cơ tim, viêm gan, viêm cầu thận, viêm thận, ban xuất huyết giảm tiểu cầu, xuất huyết nội tạng, mất điều hòa tiểu não, viêm giác mạc và viêm khớp.

3. Trẻ bị thuỷ đậu bôi thuốc gì?

Điều trị thủy đậu ở trẻ có miễn dịch bình thường chủ yếu là điều trị hỗ trợ, bao gồm hạ sốt, chăm sóc tổn thương da và các biện pháp chăm sóc hỗ trợ khác. Điều trị đặc hiệu kháng virus Herpes có tác dụng giảm mức độ nặng và thời gian bị bệnh thuỷ đậu, đặc biệt đối với trường hợp bị suy giảm miễn dịch. Cụ thể:

Hạ sốt:

  • Hạ sốt cho trẻ bằng Paracetamol liều 10-15mg/ kg/ lần, uống cách nhau mỗi 4 - 6 giờ. Trẻ em bị thủy đậu cần lưu ý chống chỉ định sử dụng Aspirin để hạ sốt vì sử dụng thuốc này cho trẻ làm tăng nguy cơ xảy ra hội chứng Reye với biểu hiện tổn thương gan và não.

Chăm sóc tổn thương da:

  • “Trẻ bị thuỷ đậu bôi thuốc gì không để lại sẹo?”, đây là câu hỏi mà nhiều phụ huynh thường thắc mắc khi có trẻ nhỏ trong gia đình bị thuỷ đậu. Chăm sóc tổn thương da đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc hồi phục của da sau này. Nếu vùng da tổn thương được chăm sóc cẩn thận, thường sẽ khỏi nhanh và hạn chế được nguy cơ sẹo lõm.

Dung dịch sát khuẩn da:

  • Trẻ bị bệnh thuỷ đậu bôi thuốc sát khuẩn phải được thực hiện 3-4 lần/ ngày để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và giúp ngăn ngừa bội nhiễm tại các nốt phỏng nước thủy đậu bị vỡ. Có thể pha loãng dung dịch sát khuẩn ra tắm toàn thân để ngăn ngừa lây chéo. Nên lựa chọn dung dịch sát khuẩn thỏa mãn các tiêu chí sau cho trẻ bị thuỷ đậu:
  • Có tính sát khuẩn hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng.
  • Hiệu quả nhanh giúp mụn nước khô se mau chóng
  • Không cản trở quá trình lành sẹo tự nhiên và để lại sẹo sau khi khỏi bệnh.
  • Không gây xót, kích ứng niêm mạc, da.
  • Trẻ bị thuỷ đậu bôi thuốc sát trùng ngoài da tại chỗ nốt phỏng nước bị vỡ bằng dung dịch sát khuẩn nhẹ như xanh methylen, Betadin, Calamine lotion hoặc mỡ Acyclovir.

Dưỡng ẩm da:

  • Khi các nốt phỏng nước ngừng chảy dịch, vùng da tổn thương cần được dưỡng ẩm để tái tạo nhanh. Sau bước sát khuẩn, nên bôi một lượng kem dưỡng ẩm vừa đủ lên vết tổn thương. Một số loại kem dưỡng ẩm nên dùng: Dizigone nano bạc, Vitamin E, Vaseline và Lanolin...

Biện pháp hỗ trợ khác:

  • Ngoài việc biết “bệnh thủy đậu bôi thuốc gì?” thì tắm hàng ngày bằng nước sạch cũng là cách để hạn chế gây bội nhiễm các nốt phỏng ngoài da do vi khuẩn, giữ ấm về mùa đông. Vệ sinh tai mũi họng và răng miệng sạch sẽ bằng nước muối sinh lý. Cho trẻ mặc quần áo mềm và dễ thấm hút mồ hôi, rỗng rãi không bị cọ sát vào cơ thể, để tránh nguy cơ vỡ các nốt phỏng nước.
  • Dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi, trẻ bú mẹ cần tiếp tục cho bú sữa mẹ. Chăm sóc trẻ với chế độ dinh dưỡng tốt: Thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu, cho trẻ uống đủ nước và có thể bổ sung thêm nước hoa quả giàu vitamin.
  • Chống ngứa: Sử dụng thuốc kháng histamin H1 nếu cảm thấy quá ngứa ngáy, khó chịu. Việc gãi, chà sát nhiều lần dễ khiến các nốt phỏng bị vỡ và có thể dẫn đến bội nhiễm. Do đó, có thể cho trẻ bị thuỷ đậu bôi thuốc giảm ngứa hoặc uống theo chỉ định của bác sĩ để làm dịu cơ thể. Bên cạnh đó cần cắt móng tay, móng chân, giữ vệ sinh tay chân cho trẻ, có thể dùng bao tay vải để bọc tay cho trẻ nhỏ tránh trường hợp trẻ làm vỡ các nốt phỏng nước.
  • Nên cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi bệnh, tránh để trẻ tiếp xúc với người khác cho đến khi các nốt phỏng nước đã đóng vảy và không xuất hiện thêm các nốt phỏng nước mới.

Điều trị đặc hiệu:

Được chỉ định cho những trường hợp thủy đậu có nguy cơ bị biến chứng.

Acyclovir: Thuốc Acycolvir có tác dụng làm giảm thời gian bệnh, giảm triệu chứng và biến chứng. Thuốc có hiệu quả cao nhất khi dùng 24 giờ trước khi nổi bóng nước. Trẻ dưới 12 tuổi: 20mg/ kg x 6 giờ/ lần dùng trong 5 -7 ngày. Trẻ lớn (> 40kg): 800mg x 5 lần/ ngày dùng trong 5-7 ngày

Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc có biến chứng: Sử dụng Acyclovir 10-12,5mg/ kg x 8 giờ/ lần tiêm tĩnh mạch, trong 7 ngày.

Hoặc sử dụng Valacyclovir (tiền chất của Acyclovir) liều 1g/ lần x 3 lần/ ngày dùng trong 7-10 ngày. Hoặc Famciclovir 500mg/lần x 3 lần/ngày dùng trong 7-10 ngày.

Điều trị kháng sinh không nên áp dụng thường quy, chỉ sử dụng khi người bệnh thủy đậu có biến chứng bội nhiễm tổn thương da hoặc bội nhiễm tại các cơ quan khác. Trong trường hợp bệnh nhân có biến chứng bội nhiễm: Các tổn thương viêm da mủ thường do tụ cầu có thể điều trị bằng Vancomycin hoặc Oxacillin (Bristopen).

4. Phòng bệnh cho trẻ em

Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân trước và sau khi tiếp xúc với trẻ bị thủy đậu.

Tiêm vacxin phòng thuỷ đậu (vacxin sống giảm độc lực) có hiệu quả bảo vệ cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu.

  • Trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi: Tiêm 2 lần, mũi 2 nên cách mũi đầu khoảng 3 tháng hoặc tiêm mũi 2 vào lúc trẻ 4 - 6 tuổi.
  • Trẻ > 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, mũi thứ 2 cách mũi đầu từ 4-8 tuần.

Bài viết đã cung cấp thông tin giúp trả lời thắc mắc “thủy đậu bôi gì?”. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì khi mắc phải căn bệnh này, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và có biện pháp điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan