Trẻ em nên ăn mấy quả trứng mỗi tuần?

Trứng là một thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho tim mạch và sức khỏe trí não, ngăn ngừa loãng xương. Tuy nhiên cho trẻ em ăn trứng như thế nào là đúng thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là một số thông tin để phụ huynh tham khảo và cho trẻ ăn trứng đúng cách.

1. Thành phần dinh dưỡng của các loại trứng

Xét về mặt dinh dưỡng, mỗi loại trứng đều có công dụng riêng đối với sức khỏe.

  • Trứng gà có chứa nhiều phốt pho, kali, kẽm, protein, vitamin A, D, E, đặc biệt ít calo và cholesterol nên rất phù hợp với những người lớn huyết áp cao, có bệnh tim mạch lẫn trẻ nhỏ. Thi thoảng để bổ sung dinh dưỡng có thể cho trẻ ăn trứng vịt.
  • Trứng vịt có kích thước lớn hơn so với trứng gà. Hàm lượng calo trong một quả trứng vịt là 130 calo, cao gấp đôi hàm lượng calo có trong trứng gà. Hàm lượng protein, vitamin, chất béo bão hòa của trứng vịt cũng vượt trội so với trứng gà. Trứng vịt cung cấp nhiều Omega-3 giúp chống viêm và giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính.
  • Trứng cút có kích thước nhỏ hơn nhiều so với trứng gà và trứng vịt (khoảng 8,5g) nhưng lại chứa nhiều dinh dưỡng nhất. Ước tính trong 1 quả trứng cút có chứa 14 calo, 1,2g protein và nhiều loại amino axit, khoáng chất, vitamin tương tự trứng gà và trứng vịt. Ngoài ra so với trứng gà, trứng cút ít có khả năng gây dị ứng hơn nên rất phù hợp với trẻ dưới 6 tuổi.

Nhìn chung, trứng là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, dễ hấp thu, cung cấp nhiều chất béo, các vitamin và khoáng chất (sắt, kẽm...) cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ.

2. Cho trẻ em ăn trứng thế nào mới là đúng cách?

Tuy trứng là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng cũng không nên cho trẻ ăn trứng quá nhiều bởi hàm lượng chất béo cao có thể dẫn đến đầy bụng, khó tiêu rối loạn tiêu hóa ở trẻ.

Tùy theo tháng tuổi của trẻ, phụ huynh có thể cho trẻ em ăn trứng với lượng khác nhau

  • Trẻ từ 6-7 tháng tuổi: mỗi bữa chỉ nên ăn một nửa lòng trứng gà, ăn 2-3 bữa/ tuần.
  • Trẻ từ 8-12 tháng tuổi: mỗi bữa ăn một lòng đỏ, 3-4 bữa trứng/tuần.
  • Trẻ từ 1-2 tuổi: Ăn từ 3-4 quả trứng mỗi tuần, ăn cả lòng trắng trứng.
  • Trẻ từ 2 tuổi trở lên: tùy vào khẩu vị, nếu trẻ thích ăn trứng có thể cho ăn mỗi ngày một quả.
cho trẻ ăn trứng
Không nên cho trẻ ăn trứng quá nhiều vì sẽ gây rối loạn tiêu hóa

3. Cách chế biến trứng cho trẻ tùy theo tháng tuổi

Đường sinh dục của gà có nhiều vi khuẩn (đặc biệt là Salmonella - một yếu tố gây ngộ độc thức ăn) nên cả trong và ngoài trứng gà đều dễ nhiễm loại khuẩn nguy hiểm này. Để phòng nhiễm khuẩn, không nên cho trẻ nhỏ ăn trứng gà sống hoặc cho trứng sống vào cháo nóng, canh nóng rồi hòa tan mà nên luộc hoặc nấu chín tới. Đây cũng là cách chế biến trứng tốt vừa bảo đảm được các chất dinh dưỡng như protein, lipid, khoáng chất... mà còn hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn.

Cách luộc trứng đúng nhất là cho trứng cùng lượng nước vừa đủ vào nồi rồi đun sôi. Khi nước đã sôi vặn nhỏ lửa đun khoảng 2 phút rồi tắt bếp ngâm trứng trong 5 phút. Như vậy trứng sẽ chín vừa tới, lòng đỏ không bị chín quá nên dễ hấp thu. Bên cạnh đó để lúc luộc để trứng không bị vỡ có thể cho thêm một chút muối.

Lưu ý: Trứng mới lấy từ trong tủ lạnh ra không nên luộc ngay, cũng không nên ngâm trong nước nóng hay luộc bằng lửa quá to vì khiến trứng dễ vỡ hoặc lòng đỏ không chín tới.

  • Trẻ từ 6-12 tháng: nên cho ăn trẻ bột trứng, tức nấu chín bột xong mới cho trứng vào. Cách làm: Đập lòng đỏ trứng cho vào bát đã có rau băm nhỏ, đánh đều trứng và rau. Trong lúc đó nấu bột sôi trên bếp rồi đổ trứng và rau vào khuấy đều nhanh tay, đợi bột sôi lên là được. Không nên đun bột quá kỹ khiến trứng khó hấp thu, cũng không nên luộc trứng chín rồi nghiền lòng đỏ nấu bột vì qua nhiều lần chế biến trẻ sẽ khó hấp thu.
  • Trẻ 1-2 tuổi: thời điểm này trẻ đã có thể ăn được cháo trứng, cách nấu cũng tương tự như bột trứng. Khi cháo đã chín mới cho trứng, ngoài ra có thể cho trẻ ăn trứng luộc vừa chín tới.
  • Trẻ từ 2 tuổi trở lên: đã có thể ăn các món chế biến từ trứng đa dạng như: cháo trứng, trứng luộc, trứng sốt cà chua, trứng rán đúc thịt ăn với cơm. Nên cho trẻ ăn trứng luộc chín tới.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển toàn diện.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

67.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan