Những vấn đề có thể gặp khi cho con bú quá nhiều một bên

Quyết định cho con chỉ bú 1 bên hoặc cả 2 bên vú trong mỗi cữ tuỳ thuộc vào bạn và trẻ. Miễn là con bạn bú đủ sữa mẹ và phát triển với tốc độ ổn định, khỏe mạnh, thì việc bé bú 1 bên hay cả 2 bên vú trong mỗi cữ đều không thành vấn đề. Tuy nhiên, có khi chỉ bú một bên vú cũng có thể gây ra một số vấn đề như ngực lệch.

1. Nguyên nhân khiến trẻ chỉ bú một bên

Các yếu tố sau đây có thể là lý do cho việc cho con bú một bên:

  • Tư thế cho bú không thoải mái: Trẻ có thể thích bú một bên vú hơn nếu trẻ không được cầm thoải mái để ngậm vú bên kia.
  • Nhiễm trùng tai hoặc nghẹt mũi: Điều này có thể khiến trẻ khó chịu khi bú một bên.
  • Thiếu nguồn sữa: Đôi khi, người mẹ có thể có ít sữa hơn ở một bên vú. Ngoài ra, những phụ nữ đã trải qua phẫu thuật vú, bao gồm cắt bỏ mô tuyến, có thể không có đủ sữa ở vú đó. Có khả năng dòng sữa chảy chậm hơn hoặc nhiều hơn. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến việc trẻ thích một mặt cụ thể nào đó.
  • Chấn thương hoặc nứt núm vú: Nếu điều này xảy ra với một bên vú, các bà mẹ có thể thích cho trẻ bú bên vú còn lại.
  • Viêm vú tái phát hoặc tắc ống dẫn sữa: Điều này có thể gây đau hoặc nhức vú khi cho trẻ bú bên bị đau và mẹ có thể thích cho trẻ bú bên vú còn lại.
  • Khuyết tật về thể chất: Một số phụ nữ có thể cảm thấy khó khăn khi cho con ở một bên do các vấn đề về thể chất.
  • Nếu trẻ có sở thích nằm nghiêng, có thể do tư thế trong tử cung, như ngôi mông hoặc sử dụng kỹ thuật forceps trong khi sinh, khiến trẻ có thể miễn cưỡng quay đầu về một bên.
Mẹ nên cho con bú thường xuyên để kích thích tuyến sữa sản xuất ra nhiều sữa
Trẻ có thể thích bú một bên vú hơn nếu trẻ không được cầm thoải mái để ngậm vú bên kia

2. Cho con bú một bên thì có làm sao không?

Trong vài tuần đầu sau khi sinh, tốt hơn hết bạn nên cho trẻ bú cả hai bên trong mỗi lần cho bú. Cho con bú cả hai bên sẽ giúp kích thích sản xuất sữa mẹ trong khi bạn đang thiết lập nguồn sữa của mình.

Cho con bú cả 2 bên cũng có thể ngăn ngừa một số vấn đề phổ biến khi cho con bú như căng sữa, tắc ống dẫn sữa và viêm vú. Sau khoảng 4 đến 6 tuần, khi nguồn sữa của bạn được thiết lập tốt và con bạn tăng cân tốt, thì bạn có thể chọn phương pháp cho trẻ bú hiệu quả nhất cho bạn và con bạn.

Khi con bạn lớn lên, hãy làm theo mong muốn của trẻ. Hãy để trẻ bú một bên bao lâu tùy thích. Sau đó, khi trẻ ngừng bú mẹ, hãy giúp trẻ ợ hơi, thay tã và cho bú bên còn lại. Nếu trẻ muốn bú nhiều hơn, hãy để trẻ tiếp tục bú. Nếu trẻ chỉ cần bú ở một bên vú để cảm thấy hài lòng thì cũng không sao.

Việc cho con bú luân phiên mỗi cữ bú chắc chắn có lợi cho bạn khi cho bé bú cả 2 vú. Bên cạnh việc giúp tạo ra nguồn cung cấp sữa mẹ lành mạnh, luân phiên các vú trong cùng một cữ bú có thể giúp cho trẻ bú lâu hơn, cung cấp nhiều sữa mẹ hơn trong mỗi lần bú cho trẻ sơ sinh cần tăng cân và thậm chí có thể giúp giữ vú của bạn có kích thước đều đặn.

Khi bạn đã thiết lập nguồn sữa đều đặn, dồi dào và con bạn đang phát triển tốt, thì bạn có thể thuận tiện hơn nếu chỉ cho con bú từ một bên trong mỗi lần bú. Nếu bạn có nguồn sữa dồi dào, chỉ cho con bú một bên trong mỗi cữ bú có thể giúp giảm nguồn sữa ở vú bên kia. Cho con bú chỉ một bên vú trong mỗi cữ bú cũng có thể làm giảm trớ, quấy khóc và giảm các triệu chứng đau bụng ở trẻ.

Đôi khi bạn có thể không có sự lựa chọn. Nếu bạn có vấn đề ở một bên vú và vú tổn thương cần có thời gian để hồi phục, bạn chỉ có thể cho trẻ bú ở một bên vú tạo ra sữa mẹ hoặc con bạn chỉ thích bú sữa mẹ từ một bên, bạn có thể không cần phải chuyển vú trong mỗi cữ bú hoặc ở tất cả cữ bú.

Ngay cả khi bạn chỉ có thể cho con bú từ một bên thì cơ thể bạn vẫn có thể tạo ra nguồn sữa mẹ dồi dào cho con. Miễn là trẻ bú sữa mẹ tốt và tăng cân, thì bạn không cần phải lo lắng về việc có chuyển đổi vú trong mỗi cữ bú hay không. Nhưng nếu bạn cảm thấy con không bú mẹ tốt hoặc không bú đủ sữa mẹ, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ. Bất cứ khi nào bạn có câu hỏi hoặc thắc mắc về việc nuôi con bằng sữa mẹ, hãy liên hệ với bác sĩ, chuyên gia tư vấn cho con bú hoặc nhóm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ để được cung cấp thông tin và trợ giúp.

Khi cho con bú, cơ thể sản sinh ra loại hormone làm chậm kinh nguyệt
Trong vài tuần đầu sau khi sinh, tốt hơn hết bạn nên cho trẻ bú cả hai bên trong mỗi lần cho bú

3. Những vấn đề có thể gặp khi cho con bú quá nhiều một bên

Cho con bú một bên có thể gây ra một số vấn đề nhất định ở một số phụ nữ. Cả hai vú đều có thể gặp các vấn đề khác nhau như một bên không được sử dụng và bên còn thì lại bú quá nhiều lạm. Cho con bú một bên có thể dẫn đến:

  • Nứt núm vú: Đây là một trong những vấn đề lớn mà bạn có thể gặp phải nếu con bạn chỉ bú một bên vú. Một núm vú có thể bị đau và nứt do bú trẻ liên tục.
  • Vú đau: Bạn có thể cảm thấy đau cả hai vú. Trong khi một bên vú có thể khiến bạn đau do núm vú bị nứt, thì bên vú còn lại có thể khiến bạn đau do căng sữa.
  • Cương vú: Điều này xảy ra đối với vú mà trẻ không thường xuyên bú. Vú có thể trở nên cứng và đau do lượng sữa dư thừa, và núm vú có thể bị bẹp và căng ra, dẫn đến rò rỉ sữa.
  • Tắc ống dẫn sữa: Việc không loại bỏ sữa từ bầu vú không hoặc ít cho con trẻ bú có thể gây ra tắc ống dẫn sữa. Bạn cũng có thể xuất hiện dấu hiệu một cục u đau và tấy đỏ trên vú.
  • Viêm vú: Đây là tình trạng vú bị viêm do ứ sữa (dòng sữa bị hạn chế). Ban đầu, viêm vú có thể không có ảnh hưởng gì nhiều, nhưng nếu kéo dài có thể gây bội nhiễm vi khuẩn. Viêm vú cũng có thể xảy ra do nhiễm trùng các vết nứt trên vú mà bạn cho con bú thường xuyên.
  • Áp xe vú: Đây là tình trạng sưng đau và hình thành mủ trên vú. Tình trạng này xảy ra nếu viêm vú không được chăm sóc và điều trị đúng cách.

Một số tác dụng phụ của việc cho con bú một bên, chẳng hạn như ngực bị lệch (không đồng đều), không phải là mối quan tâm nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn có thể phải cẩn thận để tránh bị đau hoặc nứt trên núm vú. Bên Vú không được bú thường xuyên cũng cần được chăm sóc để tránh bị ứ sữa và các biến chứng khác. Đến cơ sở Y tế nếu bạn nhận thấy bất kỳ vấn đề nào được đề cập ở trên.

Áp xe vú đa ổ
Áp xe vú là tình trạng nguy hiểm mà bạn có thể gặp phải nếu bé chỉ bú một bên

4. Làm thế nào để khuyến khích trẻ bú cả hai vú?

Việc cho trẻ bú đều cả hai bên vú luôn luôn tốt, trừ khi bạn không thể thực hiện được. Nếu bạn không cảm thấy đau, chảy máu hoặc vết nứt nghiêm trọng ở một trong hai bầu vú, bạn có thể khuyến khích con bú cả hai bên vú bằng cách thực hiện theo những lời khuyên sau:

  • Đầu tiên cho con bú ở bên vú mà trẻ ít ưa thích hơn hoặc khi trẻ buồn ngủ, tuy nhiên bạn không nên ép buộc trẻ.
  • Xoa bóp bên vú mà trẻ ít ưa thích hơn; điều này có thể tăng cường cung cấp máu.
  • Bạn có thể cho trẻ bú ở bên yêu thích trước và sau đó đến bên ít ưa thích hơn. Trẻ có thể chấp nhận tiếp tục bú nếu không có đủ sữa cho bầu vú ưa thích.
  • Bạn có thể sử dụng trợ ti mẹ (nipple shield) nếu nguyên nhân khiến trẻ không thích một bên vú là do hình dạng của núm vú.
  • Bạn có thể thay đổi vị trí và tư thế cho trẻ bú.
  • Bạn có thể thay đổi từ vú yêu thích sang bên vú mà trẻ ít ưa thích hơn mà không cần trẻ phải thay đổi tư thế đầu. Sẽ rất hữu ích nếu trẻ không muốn quay đầu sang một bên nhất định vì vị trí trong tử cung hoặc sử dụng kẹp forceps hoặc trẻ bị vẹo cổ (torticollis). Mát-xa nhẹ nhàng vùng hàm và cổ sẽ có ích, và nếu không giải quyết được, bạn nên đến gặp bác sĩ chỉnh hình chuyên về trẻ sơ sinh.

Bạn có thể nhận thấy hai bên vú bị lệch hoặc không đồng đều nếu con bạn chỉ bú một bên vú. Ngay cả những phụ nữ thường cho con bú cả hai vú cũng có thể có hai bên vú không đồng đều sau khi cho con bú một bên vú. Sự không đồng đều cũng có thể xảy ra nếu tốc độ sản xuất sữa ở hai bên vú khác nhau.

Ngực xệ là hiện tượng bình thường ở các bà mẹ đang cho con bú và cũng dễ nhận thấy hơn trong vài tuần đầu sau khi sinh. Mặc dù một số phụ nữ có thể lo lắng về sự không đồng đều, nhưng hầu hết các trường hợp người khác đều không chú ý đến tình trạng không đồng đều này.

Các vấn đề thường gặp về vú khi cho con bú
Bạn có thể nhận thấy hai bên vú bị lệch hoặc không đồng đều nếu con bạn chỉ bú một bên vú

5. Khi nào thì gọi bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Đau ở núm vú hoặc vú
  • Chảy máu từ núm vú
  • Vết nứt ở núm vú
  • Nổi cục đỏ, mềm trên vú
  • Nguồn sữa ít
  • Trẻ đi tiểu ít hơn
  • Trẻ tăng trưởng kém

Trẻ sơ sinh nhìn chung dễ gặp bệnh về đường hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp và nhiễm trùng đường tiêu hóa nếu bé ăn dặm sớm hoặc việc lưu trữ và pha chế sữa không đảm bảo. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên thực hiện tốt việc cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (nếu được) và tiêm vắc-xin đúng lịch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, verywellfamily.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

39.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan