9 nguyên nhân gây khô miệng khi ngủ dậy

Có nhiều lý do khiến bạn bị khô miệng khi ngủ dậy. Thói quen ngủ, loại thuốc đang sử dụng hoặc một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn đều có thể là nguyên nhân. Hãy khám bác sĩ nếu tình trạng khô miệng nghiêm trọng và kéo dài. Bác sĩ sẽ thăm khám để tìm nguyên nhân, đồng thời đề xuất kế hoạch điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

1. Khô miệng là gì?

Nước bọt có nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Không những giúp rửa trôi các mảng thức ăn còn lại trên bề mặt răng, giúp làm sạch răng. Nước bọt còn chứa các enzym giúp chống lại vi khuẩn, ngăn ngừa hôi miệng. Ngoài ra, nước bọt chứa một số protein và khoáng chất giúp bảo vệ men răng, ngăn ngừa sâu răng và các bệnh về nướu.

Khô miệng xảy ra khi các tuyến nước bọt không sản xuất đủ nước bọt. Khô miệng gây cảm giác khó chịu, khô niêm mạc miệng, cảm giác bỏng rát trong miệng. Ngoài ra, khô miệng có thể gây các triệu chứng như:

  • Đau họng từ nhẹ đến nặng, khô mũi và khô đường thở
  • Tình trạng khó nói, khó nuốt, khàn tiếng

Khô miệng dẫn đến mất vị giác, khó khăn trong nhai nuốt gây suy dinh dưỡng. Người bị khô miệng dễ gặp các bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nướu, bệnh nha chu,... Cùng với đó, khô miệng kéo dài gây các tác động về tâm lý như lo lắng, căng thẳng, trầm cảm.

2. Các nguyên nhân bị khô miệng khi ngủ dậy

Có nhiều nguyên nhân gây khô miệng khác nhau, một số nguyên nhân gây khô miệng tạm thời, một số nguyên nhân gây khô miệng lâu dài. Dưới đây là 9 nguyên nhân phổ biến nhất gây khô miệng khi ngủ dậy.

2.1. Thở bằng miệng

Thói quen thở bằng miệng có thể là nguyên nhân gây ngủ dậy bị khô miệng. Thở bằng miệng khi ngủ có thể do thói quen, do ngủ ngáy, do nghẹt mũi hoặc do đang mắc các bệnh lý nghiêm trọng như ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA),...

Một nghiên cứu thực hiện năm 2006 trên 1000 người trưởng thành có triệu chứng khô miệng khi ngủ dậy cho thấy có tới 16, 4% người có tình trạng ngủ ngáy, 31.4% người mắc chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn mức độ nặng thì khô miệng nghiêm trọng hơn những người bệnh mức độ nhẹ. Do đó khi có triệu chứng khô miệng nghiêm trọng, xuất hiện thường xuyên khi ngủ dậy, bạn cần khám bác sĩ để phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời.

2.2. Sử dụng các loại thuốc điều trị

Rất nhiều loại thuốc có tác dụng phụ gây khô miệng, đặc biệt là các thuốc điều trị các bệnh như:

  • Cao huyết áp
  • Bệnh tiêu chảy, buồn nôn, nôn, bàng quang hoạt động quá mức
  • Các bệnh lý tâm thần như lo lắng, trầm cảm
  • Tình trạng dị ứng, đau dây thần kinh,...

Bạn có thể bị khô miệng kéo dài nếu dùng thường xuyên các loại thuốc trên. Bạn cũng có nguy cơ bị khô miệng cao hơn nếu dùng nhiều loại thuốc cùng lúc. Để hạn chế nguy cơ khô miệng do thuốc, bạn hãy nhờ bác sĩ tư vấn thời gian uống thuốc để giảm tình trạng khô miệng hoặc đổi sang loại thuốc khác không có tác dụng phụ gây khô miệng.

bị khô miệng
Nhiều loại thuốc có tác dụng phụ gây khô miệng

2.3. Bị khô miệng do tuổi tác

Nguy cơ khô miệng tăng lên khi lớn tuổi. Tỷ lệ khô miệng ở người trên 65 tuổi là 30%, trong khi tỷ lệ này ở người trên 80 tuổi là 40%.

Bản thân sự lão hóa không gây khô miệng. Tỷ lệ khô miệng tăng cao ở người cao tuổi có thể do người cao tuổi phải dùng nhiều loại thuốc để điều trị các bệnh mãn tính. Một số bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi cũng có thể gây khô miệng như bệnh tiểu đường, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson,...

2.4. Khô miệng do bệnh tiểu đường

Khô miệng là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Khô miệng có thể do mất nước hoặc nồng độ đường huyết không được kiểm soát tốt, tăng cao. Khô miệng cũng có thể do các loại thuốc điều trị đái tháo đường đang sử dụng.

Bệnh nhân đái tháo đường nếu có triệu chứng khô miệng kéo dài, hãy thường xuyên theo dõi đường huyết để điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, hãy nhờ bác sĩ tư vấn về các loại thuốc điều trị có thể giảm bớt tình trạng khô miệng.

2.5. Khô miệng do bệnh Alzheimer

Alzheimer là tình trạng sa sút trí tuệ do các tế bào thần kinh bị tổn thương và chết. Sự hao hụt tế bào thần kinh gây mất trí nhớ, khó khăn giao tiếp, không có khả năng thực hiện các hoạt động phức tạp,...

Bệnh nhân Alzheimer có nguy cơ cao bị khô miệng do không có khả năng tự đi uống nước hoặc khó khăn trong giao tiếp khiến không thể nhờ người khác hỗ trợ đi lấy nước. Tình trạng mất nước sẽ làm tăng nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân Alzheimer. Do đó, nếu là người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer, hãy khuyến khích họ uống nước thường xuyên trong ngày.

2.6. Bị khô miệng khi ngủ dậy do hội chứng Sjögren

Hội chứng Sjögren là một bệnh tự miễn không rõ nguyên nhân, ảnh hưởng đến mô liên kết và các tuyến gần miệng và mắt. Khô miệng là một trong các triệu chứng đặc trưng của hội chứng này. Các bệnh tự miễn khác, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus, có thể xuất hiện cùng với bệnh Sjögren.

Hiện chưa có cách chữa khỏi bệnh hoàn toàn, việc điều trị chủ yếu là kiểm soát các triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.

2.7. Bị khô miệng do điều trị ung thư

Các liệu pháp điều trị ung thư đầu và cổ như xạ trị, hóa trị có thể gây tổn thương các tuyến nước bọt, dẫn đến khô miệng lâu dài. Bị khô miệng do điều trị ung thư có thể xảy ra ngay sau khi bệnh nhân bắt đầu điều trị hoặc xuất hiện sau vài tháng, vài năm điều trị.

2.8. Bị khô miệng do rượu và thuốc lá

Rượu có tính axit, có thể gây mất nước dẫn đến ngủ dậy bị khô miệng. Bạn cũng có thể bị khô miệng khi sử dụng nước súc miệng thành phần có cồn. Trong khi đó, thuốc lá có thể làm thay đổi tốc độ chảy nước bọt, gây khô miệng và nhiều tác động xấu khác đến sức khỏe răng miệng.

Một nghiên cứu năm 2010 được thực hiện trên 200 người, trong đó 100 người hút thuốc lá và 100 người không hút thuốc. Kết quả cho thấy, những người hút thuốc lá có tỷ lệ khô miệng là 39% so với tỷ lệ khô miệng 12% ở những người không hút thuốc lá. Cùng với đó, những người hút thuốc lá cũng có nguy cơ cao sâu răng, các bệnh về nướu, răng lung lay,...

bị khô miệng
Rượu và thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến ngủ dậy bị khô miệng

2.9. Khô miệng do sử dụng ma túy

Các loại ma túy như thuốc lắc, heroin, methamphetamine đều có thể gây khô miệng. Tương tự như thuốc lá, các loại ma túy có thể ảnh hưởng đến dòng nước bọt trong miệng. Sử dụng ma túy cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng. Đặc biệt là Methamphetamine có thể gây sâu răng nhanh chóng.

3. Các phương pháp giúp giảm tình trạng ngủ dậy bị khô miệng

Bạn có thể áp dụng các phương pháp sau đây để giúp giảm bớt tình trạng ngủ dậy bị khô miệng. Các phương pháp này hiệu quả ngay cả khi không thể điều trị khỏi nguyên nhân gây khô miệng.

  • Nhai kẹo cao su không đường
  • Ngậm kẹo không đường
  • Uống nhiều nước
  • Nhai kỹ trước khi nuốt
  • Hạn chế các thức ăn khô, cay, mặn
  • Hạn chế rượu và các thức uống chứa caffein
  • Sử dụng máy làm ẩm không khí cho phòng ngủ

Nếu tình trạng khô miệng nghiêm trọng, bác sĩ có thể tư vấn sử dụng các sản phẩm kích thích tuyến nước bọt và giảm khô miệng như kem đánh răng và nước súc miệng chuyên dụng, thuốc xịt mũi và miệng, các loại thuốc uống,...

Khô miệng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng. Do đó khi bị khô miệng, bạn cần phải tăng cường giữ vệ sinh răng miệng hơn. Một số phương pháp giúp giữ sức khỏe răng miệng gồm:

  • Đánh răng hai lần mỗi ngày bằng bàn chải lông mềm và loại kem đánh răng phù hợp.
  • Dùng chỉ nha khoa mỗi ngày.
  • Khám nha sĩ theo định kỳ để làm sạch vôi răng và kiểm tra sức khỏe răng miệng.
  • Ăn sữa chua thường xuyên để ngăn ngừa sự phát triển của nấm men
  • Súc miệng sau khi sử dụng thuốc hít qua đường miệng.
  • Kiểm soát tốt đường máu đối với người mắc bệnh đái tháo đường.

Có rất nhiều nguyên nhân gây khô miệng. Tùy từng nguyên nhân sẽ có cách khắc phục phù hợp. Theo đó, trường hợp người bệnh có các bệnh lý đi kèm thì nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và tìm ra hướng điều trị thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

70.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan