Bị hen suyễn khó thở nên làm gì?

Hen suyễn (hen phế quản) là bệnh lý hô hấp thường gặp. Khó thở là một trong những triệu chứng điển hình khi lên cơn hen suyễn. Vậy bệnh nhân bị hen suyễn khó thở nên làm gì? Người bệnh tham khảo hướng dẫn xử trí ngay sau đây.

1. Sơ lược về hen suyễn

Hen suyễn (còn gọi là hen phế quản - Asthma) là bệnh lý có đặc điểm là tình trạng viêm mạn tính niêm mạc phế quản, làm tăng phản ứng của phế quản trước nhiều tác nhân kích thích, dẫn tới tình trạng co thắt cơ trơn phế quản. Sự co thắt phế quản không cố định, có thể phục hồi tự nhiên hoặc sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản.

Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc hen suyễn trung bình khoảng 3,9% dân số, có thể lấy đi sinh mạng của 3.000 - 4.000 người/năm do những biến chứng nghiêm trọng. Do mức độ nguy hiểm của bệnh, việc nhận biết cơn hen phế quản và xử trí ban đầu đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân. Thực hiện đúng cách chữa hen suyễn khó thở sẽ giúp người bệnh thoát khỏi cơn khó thở hoặc giảm bớt tình trạng khó thở trước khi nhập viện điều trị.

2. Dấu hiệu cơn hen suyễn cấp tính

Trước khi tìm đáp án cho câu hỏi: Bị hen suyễn khó thở nên làm gì, bệnh nhân cần nắm được những dấu hiệu nhận biết cơn hen cấp tính:

Cơn hen phế quản đặc trưng bởi các biểu hiện như: Ho, khó thở, khò khè, đau hoặc cảm thấy nặng ngực. Các triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột, xảy ra sau một số yếu tố kích thích như: Gắng sức quá mức, thay đổi thời tiết, nhiễm virus gây bệnh đường hô hấp, tiếp xúc với các chất dị ứng (khói bụi, khói thuốc lá, thuốc, thức ăn, hóa chất tẩy rửa,...).

Những triệu chứng báo trước cơn hen suyễn sắp xuất hiện gồm: Ngứa mũi, ngứa họng, ho, hắt hơi, chảy nước mắt, nước mũi,... Sau những dấu hiệu này, cơn hen phế quản xuất hiện, đi kèm các triệu chứng: Ho liên tục, thở nhanh, khò khè nặng,... Nếu nhận biết, điều trị kịp thời thì triệu chứng khó thở sẽ cải thiện sau khoảng vài phút tới vài giờ. Nếu chậm trễ thì các triệu chứng sẽ nặng hơn với biểu hiện nặng ngực, đau ngực, khó phát âm, lo âu, bất an, vã mồ hôi, da mặt nhợt nhạt, tím môi và đầu các chi,... Tình trạng này kéo dài có thể khiến người bệnh bị giảm oxy máu, thiếu máu não, mất ý thức, ngất xỉu,... thậm chí tử vong.

bị hen suyễn khó thở nên làm gì
Giải đáp bị hen suyễn khó thở nên làm gì?

3. Bị hen suyễn khó thở nên làm gì? - Hướng dẫn cách sơ cứu

Bị hen suyễn phải làm sao? Để hạn chế tối đa việc xuất hiện cơn khó thở cấp tính do hen suyễn, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ, đồng thời tránh các yếu tố gây cơn hen. Bên cạnh đó, người bệnh luôn mang theo bên mình 1 bình thuốc cắt cơn khó thở.

Người nhà bệnh nhân hoặc người bên cạnh nên nắm được các bước sơ cứu khi người bệnh lên cơn hen, khó thở như sau:

  • Bước 1: Ngay lập tức đưa bệnh nhân rời khỏi nơi gây kích động cơn hen tới khu vực thoáng khí, không tập trung nhiều người quanh bệnh nhân. Khuyến khích bệnh nhân ngồi thẳng, giữ bình tĩnh để giúp cơ thể thoải mái, giảm căng thẳng thần kinh, cho không khí đi vào phổi dễ dàng hơn;
  • Bước 2: Làm ấm cơ thể người bệnh, tránh quạt ẩm hoặc điều hòa;
  • Bước 3: Đỡ người bệnh ngồi dậy hoặc cho họ nằm kê cao nửa người trên giường để họ dễ thở hơn. Chú ý tuyệt đối không được xoa hay vuốt ngực cho bệnh nhân khi họ đang lên cơn hen vì việc này càng gây khó thở, tức ngực và nặng ngực hơn;
  • Bước 4: Sử dụng thuốc điều trị hen suyễn dạng xịt, có tác dụng nhanh như Ventolin hoặc Berodual cho bệnh nhân. Nếu bị hen phế quản nhẹ, xịt cho người bệnh 2 nhát/lần là thuốc sẽ có tác dụng, cắt cơn hen hiệu quả. Nếu sau 20 phút mà cơn hen vẫn không giảm thì tiếp tục xịt thêm 2 nhát. Sau đó, nếu triệu chứng vẫn không giảm thì lại xịt thêm 2 nhát rồi đưa người bệnh đi cấp cứu;
  • Bước 5: Nếu là cơn hen suyễn nặng (triệu chứng là khi ngồi nghỉ cũng khó thở, thở dốc, nói không hết câu) thì nên xịt thuốc cắt cơn rồi ngay lập tức đưa người bệnh đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất;
  • Bước 6: Nếu là cơn hen suyễn đe dọa tới tính mạng bệnh nhân (biểu hiện là da tím tái, lú lẫn, vã mồ hôi, không nói chuyện được,...) thì cần gọi ngay xe cấp cứu. Trong thời gian đợi xe, nên xịt ngay 2 nhát thuốc cắt cơn cho bệnh nhân. Nếu có thể thì người bên cạnh nên tiêm thuốc giãn phế quản beta 2 dưới da cho bệnh nhân.

Lưu ý: Ở những bệnh nhi hoặc người lớn tuổi khó hít dụng cụ thì có thể dùng buồng đệm hỗ trợ.

Xem ngay: Hen suyễn: Làm thế nào để thở tốt hơn tại nhà?

4. Biện pháp làm giảm triệu chứng khó thở mãn tính ở người bệnh hen suyễn

Bị hen suyễn khó thở nên làm gì nếu là tình trạng khó thở mãn tính? Để đối phó với tình trạng này, bạn có thể áp dụng các biện pháp giảm triệu chứng sau:

  • Thư giãn, thở chậm và sâu: Bạn hít vào nhẹ nhàng bằng mũi, thở ra bằng mũi hoặc bằng miệng. Nên giữ tâm trạng thoải mái và bình tĩnh;
  • Hít thở nhẹ nhàng: Bạn nên hít thở nhẹ nhàng, nhịp nhàng khi đi bộ hoặc leo cầu thang. Nên hít thở cùng nhịp với tốc độ mà bạn cảm thấy thoải mái;
  • Kiểm soát nhịp thở: Bạn cần hít thở nhẹ nhàng, đảm bảo thư giãn vai và cơ ngực trên;
  • Khi cảm thấy khó thở, bạn nên thay đổi tư thế đứng hoặc ngồi sao cho thoải mái, ví dụ: Nếu đang đứng hoặc đi bộ, bạn hãy chống tay vào hông hoặc cho tay vào túi; khi ngồi xuống, bạn có thể nghiêng người về phía trước, đặt cẳng tay lên đầu gối hoặc bàn,...
bị hen suyễn khó thở nên làm gì
Thư giãn, thở chậm và sâu giúp giảm triệu chứng khó thở mãn tính

5. Làm thế nào để hạn chế khó thở do hen phế quản?

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, tập luyện sẽ giúp bạn hạn chế được tình trạng hen suyễn khó thở. Cụ thể:

  • Chế độ ăn uống: Nguồn dinh dưỡng mà cơ thể hấp thụ mỗi ngày có thể gây những tác động xấu tới diễn tiến bệnh, kích thích các cơn hen suyễn xuất hiện nhiều hơn. Do vậy, người bệnh hen suyễn nên lưu ý tránh sử dụng thực phẩm có chứa chất kích thích, đồ uống có ga, thực phẩm giàu calo, thực phẩm có chất bảo quản, đồ ăn nhiều muối, thực phẩm gây dị ứng, đồ ngâm chua hoặc đông lạnh,... Thay vào đó, bạn nên tích cực sử dụng thực phẩm giàu vitamin A, vitamin D, magie, chất chống oxy hóa, chọn trái cây và rau củ giàu vitamin C và thực phẩm giàu Omega - 3;
  • Tập thể dục: Người bệnh hen suyễn có thể khởi phát các cơn hen nặng nếu theo các bài tập thể dục có cường độ cao. Vì vậy, thay vì chạy bộ hoặc tập các bài tập nặng, bệnh nhân hen phế quản nên chuyển sang đi bộ, tập yoga,... để hỗ trợ hô hấp dễ dàng, thoải mái hơn;
  • Lưu ý khác: Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thường xuyên đi khám định kỳ, tránh xa các yếu tố gây kích ứng đường hô hấp, duy trì cân nặng khỏe mạnh, không hút thuốc lá, tiêm vắc-xin phòng cúm hằng năm, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh,...

Bị hen suyễn khó thở nên làm gì? Không có biện pháp điều trị triệt để bệnh hen suyễn nhưng bệnh nhân có thể kiểm soát được triệu chứng của bệnh khi lên cơn hen. Người bệnh và người thân cần có kế hoạch phòng ngừa và điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh các yếu tố nguy cơ gây khó thở đe dọa tính mạng. Đồng thời, người bệnh cần chú ý tới các dấu hiệu xuất hiện cơn khó thở cấp tính, luôn mang thuốc bên mình để kịp thời xử trí.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan