Các xét nghiệm hoá sinh về bệnh tiểu đường

Bài viết được viết bởi ThS.BS Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Hóa sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Biểu hiện lâm sàng của Đái tháo đường (ĐTĐ) type 1 và type 2 cơ bản giống nhau. Sự khác biệt giữa 2 type này chủ yếu là sử dụng các xét nghiệm miễn dịch để chẩn đoán kèm theo một số yếu tố nguy cơ khác (liên quan đến tuổi, tiền sử gia đình) cũng như triệu chứng ban đầu.

1. Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh lý tiểu đường, hiện nay được gọi bằng tên chính thức là bệnh lý đái tháo đường (ĐTĐ), là một rối loạn chuyển hóa mạn tính không có yếu tố lây nhiễm hiện đang có tỷ lệ gia tăng cao ở Việt Nam, đặc biệt là ĐTĐ type II.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý ĐTĐ là do cơ thể không sử dụng được glucose do sự thiếu hụt sản xuất insulin của cơ thể (do các bệnh lý tự miễn, tế bào beta của đảo tụy bị tấn công và hủy hoại, các thiếu hụt về di truyền, do sử dụng thuốc - ĐTĐ type I) hoặc cơ thể không đáp ứng với insulin (ĐTĐ type II) hoặc cả hai.

Theo công bố mới nhất của IDF 2019, cả thế giới hiện ước tính có khoảng 463 triệu người bị đái tháo đường (ĐTĐ), tức là cứ 11 người trưởng thành sẽ có 01 người bị bệnh. Tại Việt Nam, số liệu điều tra năm 2012 cho thấy tỷ lệ bị đái tháo đường trong dân số là 5.5% nhưng có tới 60% người mắc đái tháo đường nhưng chưa được phát hiện.

Đái tháo đường type 2 gây ra rối loạn tế bào beta
Đái tháo đường type II gây ra rối loạn tế bào beta

  • Đái tháo đường type I: do các tế bào β tuyến tụy bị phá huỷ bởi chất trung gian miễn dịch, thường dẫn tới thiếu insulin hoàn toàn, sự phá huỷ này có thể nhanh hoặc chậm. Dạng phá huỷ nhanh thường xảy ra ở trẻ em nhưng cũng có thể gặp ở người lớn. Dạng phá huỷ chậm hay gặp ở người lớn, gọi là đái tháo đường tự miễn dịch tiềm tàng ở người lớn (LADA: latent autoimmune diabetes in adults). Các kháng thể kháng lại kháng nguyên tế bào β có thể được tìm thấy ở hầu hết các bệnh nhân trước khi chẩn đoán, và trong một số thời điểm sau khởi phát bệnh đái tháo đường lâm sàng. Một số trường hợp đái tháo đường type I vô căn, không thấy căn nguyên tự miễn dịch. Những bệnh nhân này có thiếu hụt insulin liên tục nhưng lại không thấy rõ bằng chứng căn nguyên tự miễn dịch. Thể bệnh này hay gặp ở người châu Á và châu Phi.
  • Đái tháo đường type II: Tình trạng kháng insulin có thể được thấy ở hầu hết các đối tượng bị đái tháo đường type 2, và hiện tượng tăng glucose xảy ra khi khả năng bài xuất insulin của các tế bào beta của tụy không đáp ứng thỏa đáng nhu cầu chuyển hóa. Thiếu hụt insulin điển hình sẽ xảy ra sau một giai đoạn tăng insulin máu nhằm để bù trừ cho tình trạng kháng insulin. Suy các tế bào β tiến triển xảy ra trong suốt cuộc đời của hầu hết các đối tượng bị đái tháo đường type 2.
  • Đái tháo đường thai kỳ: là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc cuối của thai kỳ và không có bằng chứng ĐTĐ type 1, type 2 trước đó. Nếu phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu được phát hiện tăng glucose máu: chẩn đoán là đái tháo đường mới phát hiện, chưa được chẩn đoán trước đó và dùng tiêu chuẩn chẩn đoán như ở người không có thai. Đái tháo đường trong thời gian mang thai liên quan mật thiết với tăng nguy cơ các tai biến sản khoa như thai dị dạng, thai chết lưu, thai to so với tuổi thai và các biến cố sản khoa quanh cuộc đẻ. Sau đẻ thai phụ có 3 khả năng: trở thành đái tháo đường thực sự, trở thành giảm dung nạp glucose hoặc trở về bình thường nhưng có thể lại bị đái tháo đường trong những lần có thai tiếp theo.

2. Để xác định bệnh tiểu đường cần làm xét nghiệm nào?

Xét nghiệm tiểu đường
Các xét nghiệm sau được ưu tiên lần lượt sử dụng, cũng như kết hợp với các yếu tố nguy cơ đi kèm (tuổi ≥ 45, béo phì, có tiền sử gia đình mắc ĐTĐ type II, có các bệnh lý nền kèm theo như tăng huyết áp, mắc các hội chứng chuyển hóa ..)

Biến chứng của bệnh ĐTĐ xảy ra sớm hay muộn phụ thuộc vào type bệnh và quá trình chẩn đoán chính xác, điều trị cũng như kiểm soát bệnh. Có hai loại biến chứng của ĐTĐ là cấp tính (tăng/giảm glucose máu quá mức, nhiễm toan-ceton) và mãn tính (rối loạn lipid, tổn thương các mạch máu nhỏ và các mạch máu lớn và một số biến chứng về da, hô hấp, tiêu hóa ..).

Như vậy để giúp các bác sỹ chẩn đoán xác định bệnh lý ĐTĐ, đưa ra phương án điều trị hợp , những xét nghiệm nào sẽ được khuyến cáo áp dụng?

2.1. ĐTĐ type I

Các dấu hiệu chỉ điểm cho bệnh là 5 loại tự kháng thể liên quan đến đái tháo đường (diabetes-associated autoantibodies: DAA) có thể gặp đó là:

  • Các tự kháng thể GADA (glutamic acid decarboxylase antibodies, chủ yếu là GADA65);
  • Các tự kháng thể chống tế bào đảo tụy (islet cell autoantibodies: ICA);
  • Các tự kháng thể chống protein 2 liên quan đến u insulin giống tyrosine phosphatase (IA-2) (tyrosine phosphatase-like insulinoma associated protein 2 autoantibodies: IA-2);
  • Các tự kháng thể chống insulin (insulin autoantibodies: IAA);
  • Các tự kháng thể chống chất vận chuyển kẽm (Zinc transporter autoantibodies: ZnT8).

Gần 90% bệnh nhân tiểu đường type 1 có một hoặc nhiều hơn các kháng thể này tại thời điểm phát hiện ra bệnh. Bệnh nhân tiểu đường type 2 có nồng độ các chất này ở mức thấp hoặc không phát hiện được. Nói chung, các tự kháng thể ICA, IAA, IA-2A và ZnT8 thường gặp ở đái tháo đường tự miễn khởi phát ở trẻ em, trong khi các tự kháng thể GADA và IA-2A, đặc biệt là GADA hay gặp ở đái tháo đường type I khởi phát muộn hơn.Những kháng thể này có thể xuất hiện vài năm trước khi khởi phát triệu chứng. Khoảng 60–80% bệnh nhân có kết quả dương tính với xét nghiệm tìm kháng thể tự miễn kháng insulin hoặc tế bào đảo tụy sẽ bị tiểu đường phụ thuộc insulin trong vòng 10 năm, trong đó xét nghiệm GADA65 giúp đưa ra căn cứ xác định chẩn đoán ĐTĐ type I cũng như phân biệt giữa ĐTĐ type I và type II (trên những bệnh nhân ĐTĐ type I khởi phát muộn có thể gây nhầm lẫn giữa ĐTĐ type I và type II).

Tuy nhiên có một số điều lưu ý khi sử dụng các kháng thể tự miễn trong chẩn đoán ĐTĐ type I, đó là các xét nghiệm có thể bị ảnh hưởng nếu trong vòng 7 ngày trước khi xét nghiệm người bệnh có sử dụng các thuốc có đồng vị phóng xạ cũng như các kháng thể tự miễn phát hiện được trên trẻ em không giống với người lớn. Có hơn 50% bệnh nhân là trẻ em ĐTĐ type I dương tính với kháng thể kháng Insulin (IAA) trong khi hầu hết lại âm tính trên người trưởng thành.

Những bệnh nhân đã từng điều trị bằng Insulin cũng có thể sinh ra các kháng thể kháng insulin ngoại sinh (IAA). Xét nghiệm không thể giúp bác sỹ phân biệt được kháng thể mới sinh ra này và các kháng thể tự miễn, do đó người bệnh đã được điều trị bằng Insulin cũng không được khuyến cáo sử dụng xét nghiệm này.

Ngoài ra kháng thể chống tế bào đảo tụy ICA cũng có thể được tìm thấy trên những người mắc các bệnh lý nội tiết như viêm tuyến giáp Hashimoto hay bệnh Addison.

2.2. ĐTĐ type II

Để giúp các bác sỹ lâm sàng đưa ra chẩn đoán xác định ĐTĐ type II, các xét nghiệm sau được ưu tiên lần lượt sử dụng, cũng như kết hợp với các yếu tố nguy cơ đi kèm (tuổi ≥ 45, béo phì, có tiền sử gia đình mắc ĐTĐ type II, có các bệnh lý nền kèm theo như tăng huyết áp, mắc các hội chứng chuyển hóa ..)

Định lượng Glucose huyết thanh/ huyết tương lúc đói: Đây là xét nghiệm đầu tay trong các xét nghiệm giúp các bác sỹ lâm sàng định hướng và đưa ra chẩn đoán ĐTĐ. Nếu người bệnh được xét nghiệm thấy đường máu lúc đói (sau ăn 8h) ≥ 126 mg/dl (≥ 7,0 mmol/l) ở 2 lần xét nghiệm liên tiếp cách nhau ít nhất 24h thì được coi là đái tháo đường.Định lượng glucose huyết thanh/ huyết tương tại thời điểm bất kỳ: Glucose máu tĩnh mạch bất kỳ ≥11.1 mmol/l kèm theo các triệu chứng kinh điển: khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, có gầy sút cân.

Nghiệm pháp dung nạp glucose máu bằng đường uống: Glucose máu sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống ≥11.1 mmol/l. HbA1c: Người bệnh được chẩn đoán ĐTĐ nếu nồng độ HbA1c ≥ 6.5% (xét nghiệm theo phương pháp được chuẩn hoá NGSP).

Đặc biệt đối với các xét nghiệm Định lượng Glucose huyết thanh/ huyết tương lúc đói, Nghiệm pháp dung nạp glucose máu bằng đường uống và HbA1c cần có ít nhất một tiêu chuẩn thực

hiện 2 lần cách nhau 24 giờ hoặc có 2 tiêu chuẩn trên cùng một mẫu máu.

2.3. ĐTĐ thai kỳ

ĐTĐ thai kỳ thường không có triệu chứng nên phải làm nghiệm pháp dung nạp glucose.

Trong nghiệm pháp dung nạp đường huyết cho phụ nữ mang thai (tuần 24-28 thai kỳ):

+ Glucose lần 1: < 5,3 mmol/l.

+ Glucose lần 2: < 10,1 mmol/l.

+ Glucose lần 3: < 8,6 mmol/l.

Theo tiêu chuẩn của Nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Đái tháo đường và thai kỳ Quốc tế IADPSG (International Association of Diabetes and Pegnancy Study Groups) và Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ ADA (American Diabetes Association)

+ Nếu glucose máu lúc đói > 7,0 mmol/l thì thai phụ bị đái tháo đường lâm sàng.

+ Nếu một hoặc nhiều hơn các thông số ở cả 3 lần lớn hơn giá trị nêu trên là đái tháo đường thai kỳ.

+ Ở thai phụ bình thường, cả 3 thông số đều nhỏ hơn các giá trị nêu trên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: