Các lưu ý khi lấy mẫu máu xét nghiệm sinh hóa

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Trần Thị Huyền Trang - Bác sĩ xét nghiệm, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Thiếu sót trong kỹ thuật lấy bệnh phẩm có thể dẫn đến sai số của kết quả xét nghiệm. Để có kết quả xét nghiệm chính xác cần chú ý một số vấn đề khi lấy bệnh phẩm.

1. Thời điểm lấy máu

  • Đối với các xét nghiệm hóa sinh, khuyến cáo lấy mẫu máu vào buổi sáng sau khi nhịn ăn qua đêm 12 giờ (đặc biệt với xét nghiệm Triglycerid, Cholesterol, Fe bắt buộc nhịn ăn ít nhất 12 giờ). Trong trường hợp cần thiết, thời điểm lấy máu có thể tùy theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
  • Do có sự thay đổi nhịp sinh học, nồng độ một số chất có thể thay đổi tùy theo thời gian lấy máu, đặc biệt một số xét nghiệm như ACTH, Cortisol, Renin cần lấy máu trước 10h sáng.
  • Đối với xét nghiệm định lượng thuốc như Tacrolimus, Everolimus, Amikacin, Vancomycin, Methotrexat cần tuân thủ đúng thời điểm lấy máu, thường là thời điểm T0 (ngay trước khi dùng liều thuốc tiếp theo).
  • Ngừng tất cả các hình thức luyện tập 24 - 48 giờ trước khi lấy máu.
Xét nghiệm sốt xuất huyết bao nhiêu tiền
Thời điểm lấy máu ảnh hưởng đến chỉ số máu

2. Vị trí lấy máu xét nghiệm

Máu xét nghiệm có thể được lấy ở tĩnh mạch, mao mạch và một số xét nghiệm đặc biệt cần lấy máu động mạch (ví dụ khí máu). Có một số chất có thể có sự thay đổi do thay đổi chuyển hóa hoặc do sự phân bố khác nhau giữa hai khu vực của cơ thể. Ví dụ: Nồng độ ôxy, nồng độ glucose ở máu động mạch cao hơn so với máu tĩnh mạch; Nồng độ protein máu mao mạch cao hơn so với máu tĩnh mạch.

3. Một số lưu ý khác khi lấy mẫu làm xét nghiệm hóa sinh

  • Thời gian buộc garô: Cần cởi garô ngay sau khi kim đã vào tĩnh mạch do chuyển hóa yếm khí làm tăng phân hủy glucose, giảm pH máu, tích tụ lactate. Hiện tượng thiếu oxy dẫn đến sự giải phóng kali từ tế bào...
  • Tư thế của bệnh nhân khi lấy máu: Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi 10 phút trước khi lấy máu. Tư thế khác nhau của bệnh nhân khi lấy máu (nằm hay đứng) cũng có thể làm thay đổi nồng độ một số chất trong máu. Sự thay đổi nồng độ của một số chất trong máu khi thay đổi tư thế bệnh nhân từ nằm sang ngồi: Urê giảm 3%, Kali tăng 3%, Canxi tăng 4%, Creatinin tăng 5%, Protein tăng 10%, AST tăng 15%, ALT tăng 15%, đặc biệt Cholesterol tăng 18%.
  • Lựa chọn ống xét nghiệm

Tùy theo loại xét nghiệm mà chọn loại ống khác nhau như: Ống không chất chống đông hay có chất chống đông: EDTA- K3 hoặc K2, Natri Citrate 3.2%, Heparin, NaF.. . Sau khi lấy máu, đậy nắp ống và đảo ngược nhẹ nhàng 5-10 lần tùy loại ống xét nghiệm. Với ống không chống đông: không lắc ống

  • Thứ tự lấy mẫu máu vào các ống như sau:
      1. Cấy máu
      2. Ống đông máu (chống đông bằng Citrat Natri)
      3. Ống không chống đông (gel hoặc không gel)
      4. Ống chống đông bằng Heparin (gel hoặc không gel)
      5. Ống chống đông bằng EDTA
      6. Ống NaF
      7. Các ống khác (VD: máu lắng...)
Ống đựng máu
Các loại ống nghiệm trong xét nghiệm lâm sàng

Thời gian gửi mẫu: Với phần lớn các xét nghiệm, gửi mẫu trong vòng 1 giờ sau khi lấy, bảo quản ở nhiệt độ phòng. Thời gian bảo quản cho phép đối với huyết thanh hoặc huyết tương là 4 giờ ở nhiệt độ phòng, 24 giờ ở 4oC. Với một số các xét nghiệm, thời gian gửi mẫu một số xét nghiệm đặc biệt như sau:

  • Acid lactic (lactat), Amoniac(NH3) Lấy mẫu bằng ống NaF (Sodium Fluorid – Potassium oxalate), khi đó lactat máu ổn định được khoảng 8 giờ.
  • Glucose máu: Nếu lấy máu vào ống chống đông heparin thì phải ly tâm và tách huyết tương trong vòng 1 giờ sau khi lấy máu. Nếu không tách được huyết tương sớm thì máu nên được lấy vào ống chứa chất chống đông là Sodium Fluoride – Potassium oxalate, khi đó glucose ổn định 24h ở nhiệt độ phòng.
  • Nồng độ thuốc Tacrolimus, everolimus: gửi ngay xuống phòng xét nghiệm sau khi lấy máu. Nếu thời gian gửi bị trì hoãn thì phải bảo quản ở nhiệt độ khoảng 2- 4oC (có thể sử dụng hộp xốp chứa đá).
  • ACTH và Renin activity: trước khi lấy mẫu, lưu ống EDTA vào tủ lạnh trước để làm mát ống lấy mẫu. Sau khi lấy mẫu, gửi ngay xuống khoa xét nghiệm.


Phải loại bỏ các mẫu máu bị tan huyết: Tan huyết gây ra do sai sót lấy máu sẽ làm tăng các thành phần như kali, phosphate, SGOT, SGPT... trong huyết tương và làm tăng hemoglobin. Hemoglobin có thể gây nhiễu trong một số phương pháp xét nghiệm.

Ngoài ra kết quả xét nghiệm Creatinin có thể bị ảnh hưởng khi mẫu máu có nồng độ Bilirubin cao.

Tiêm truyền: Luôn phải lấy máu ở tay khác với tay được truyền glucose. Nồng độ glucose máu có thể tăng rất cao nếu máu được lấy ở cùng tay đang được truyền glucose.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: