Chứng hạn chế cử động ngón tay ở người đái tháo đường

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ chấn thương chỉnh hình, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Các biểu hiện của bệnh đái tháo đường ở bàn tay đã được quan tâm nhiều vào những năm 1970 và 1980. Các thập kỷ sau đó dường như ít được chú ý. Trong khi ngày nay, số lượng người mắc đái tháo đường ngày càng nhiều, tuổi thọ con người ngày càng cao, điều đó đồng nghĩa với việc các biến chứng đái tháo đường kể cả ở bàn tay sẽ ngày càng phổ biến.

1. Bệnh phổ biến và âm thầm

Tỷ lệ bị hạn chế vận động ngón tay ở người bệnh đái tháo đường nhìn chung khá thay đổi, dao động từ 8% đến 50% tuỳ tài liệu. Sự dao động này là do sự khác biệt về tiêu chí đánh giá bệnh, cũng như mức độ kiểm soát đường huyết khác nhau của loạt bệnh nhân. Có nhiều bằng chứng cho thấy tần suất của biến chứng này gia tăng theo thời gian mắc bệnh tiểu đường.

Điều này đúng với cả hai loại bệnh tiểu đường type Itype II. Mức độ nặng của biến chứng hạn chế vận động ngón tay có liên quan với việc kiểm soát đường huyết kém.

Khả năng vận động khớp ngón tay hạn chế tạo nên hình ảnh đặc trưng bàn tay cứng. Da bàn tay của người bệnh dày, căng như có sáp, đặc biệt là ở mặt lưng của bàn tay. Ngón tay út thường bị ảnh hưởng nhất. Ngược lại, khớp ngón tay cái bị ảnh hưởng ít nhất. Trong những trường hợp xấu nhất, bệnh tiến triển thành co rút tư thế gập của các khớp liên đốt ngón tay, gây nên tàn tật.

Triệu chứng lâm sàng thường gặp người bệnh không có khả năng duỗi thẳng các ngón tay, nhất là ở khớp liên đốt. Dấu hiệu khá đặc trưng cho bệnh này chính là bàn tay cầu nguyện. Ở những bệnh nhân mắc bệnh, hai lòng bàn tay không thể áp vào nhau để tiếp xúc hoàn toàn.


Ngoài giới hạn vận động, các ngón tay bị ảnh hưởng thường có thể kém linh hoạt, dẫn đến bất tiện cho người bệnh trong việc cầm nắm, lao động và sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, hạn chế vận động ngón tay ở người đái tháo đường không gây triệu chứng đau và không có dấu hiệu viêm khớp, và đây thường là lý do chính để khiến bệnh nhân chậm trễ đi khám và điều trị

Đau khớp ngón tay
Khả năng vận động khớp ngón tay hạn chế ở người bệnh tiểu đường

Hạn chế vận động ngón tay có thể được phân làm 4 giai đoạn (theo Rosenbloom, 1989):

  • Giai đoạn 0: không có biểu hiện bàn tay cầu nguyện, người bệnh bắt đầu có triệu chứng cứng khớp ngón tay thoáng qua.
  • Giai đoạn 1: hiện tượng cứng khớp ngón tay biểu hiện ở một hoặc hai khớp liên đốt bàn tay 2 bên.
  • Giai đoạn 2: hiện tượng cứng khớp xảy ra ở trên 3 khớp liên đốt bàn tay hai bên.
  • Giai đoạn 3: biến dạng bàn tay khi nghỉ ngơi.

2. Bệnh giúp dự báo các biến chứng khác

Vận động khớp bàn tay hạn chế đã được công nhận là biến chứng lâu dài phổ biến nhất và sớm nhất của đái tháo đường type I. Nó cũng xảy ra ở đái tháo đường type 2. Có bằng chứng về mối quan hệ giữa cứng khớp bàn tay và các biến chứng mạch máu nhỏ: người bị cứng khớp bàn tay có nguy cơ tăng gấp 3 lần biến chứng mạch máu nhỏ.

Điều này có thể cung cấp manh mối giúp chẩn đoán sớm các biến chứng lâu dài ở nhóm bệnh nhân này. Mối quan hệ giữa hiện tượng cứng khớp ngón tay và biến chứng mạch máu nhỏ (bệnh lý võng mạc, bệnh tiểu đạm vi lượng) đã được ghi nhận rõ ở bệnh nhân đái tháo đường type 1.

Tuy nhiên, ở đái tháo đường type 2, hiện tượng cứng khớp ngón tay có liên quan đến các tổn thương mạch máu lớn như bệnh động mạch vành và bệnh mạch máu não.

Một khám phá mới thú vị là hiện tượng hạn chế vận động ngón tay cũng làm giảm khả năng vận động ở khớp bàn ngón chân, điều này góp phần gây ra biến chứng loét bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường. Điều này có nghĩa là, bệnh nhân bị giới hạn vận động ngón tay sẽ có nguy cơ loét chân cao hơn do vận động khớp bàn chân bị hạn chế dẫn đến phân phối áp lực chân bất thường gây ra loét.

Đau ngực dữ dội là một trong những triệu trứng bất thường sau phẫu thuật thay van tim
Vận động khớp bàn tay hạn chế giúp cảnh báo các nguy cơ về tim mạch ở người bệnh tiểu đường

Tóm lại, bàn tay là cơ quan đích của biến chứng đái tháo đường. Đây là một biến chứng phổ biến, âm thầm, nhưng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ mắc bệnh hạn chế cử động ngón tay tăng theo thời gian mắc bệnh đái tháo đường và tình trạng kiểm soát đường huyết kém. Chứng hạn chế cử động ngón tay cũng liên quan và giúp dự đoán các biến chứng khác của bệnh đái tháo đường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

668 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan