Chụp số hóa xóa nền động mạch tủy

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Lê Hồng Minh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Dị dạng động mạch tủy là một bệnh bẩm sinh tiến triển âm thầm, ít biểu hiện nên dễ gây ra liệt đột ngột hoặc tử vong bất ngờ. Chụp số hóa xóa nền động mạch tủy là kỹ thuật được áp dụng để chụp lại các động mạch tủy giúp bác sĩ dễ dàng quan sát, chẩn đoán các bệnh lý liên quan, đặc biệt là dị dạng động mạch tủy.

1. Dị dạng mạch máu tủy là gì?

Dị dạng mạch máu tủy sống là tình trạng rối loạn ở trong hay gần dây sống. Đây là một trường hợp khá hiếm gặp.

Thông thường, máu sẽ đem oxy qua các động mạch và dẫn tới mao mạch nuôi sống tủy, máu khi hết oxy sẽ trở về tim, phổi theo đường tĩnh mạch. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân bị dị dạng mạch máu tủy thì máu sẽ đi từ động mạch tới tính mạch mà không hề tới mao mạch.

Hiện tượng này sẽ làm cạn kiệt oxy cần thiết và gây chết tế bào mô tủy sống. Động mạch và tĩnh mạch có thể bị vỡ ra gây xuất huyết. Dị dạng mạch máu cũng có thể lớn dần theo thời gian và ép vào tủy sống gây khuyết tật cũng như nhiều biến chứng khác.

Bệnh sẽ phát triển âm thầm mà không có triệu chứng nên rất khó chẩn đoán sớm. Kỹ thuật chụp số hóa xóa nền động mạch tủy là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh hữu dụng có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh dị dạng mạch máu tủy sống.

Dị dạng mạch máu trong tủy
Người bệnh sẽ được đặt nằm ngửa trên bàn chụp rồi tiến hành đặt đường truyền tĩnh mạch

2. Chụp số hóa xóa nền mạch tủy và nút dị dạng

Kỹ thuật chụp số hóa xóa nền và nút dị dạng thông động tĩnh mạch tủy bằng đường can thiệp nội mạch sẽ giúp bác sĩ dễ dàng quan sát và chẩn đoán các bệnh lý về mạch máu.

Phương pháp này được thực hiện bằng cách luồn các dụng cụ trong lòng mạch đến ổ dị dạng sau đó bơm chất làm tắc. Các ổ dị dạng thông động tĩnh mạch tủy này có thể nằm ở trong hoặc trên bề mặt tủy hay ở vùng màng cứng.

2.1 Chỉ định

  • Nút mạch làm giảm kích thước ổ dị dạng, giảm nguy cơ phát triển của dị dạng
  • Dị dạng thông động tĩnh mạch tủy bị vỡ hoặc có nguy cơ cao
  • Phối hợp điều trị trong phẫu thuật

2.2 Chống chỉ định

Không có chống chỉ định tuyệt đối cho kỹ thuật này. Chống chỉ định tương đối khi gặp trường hợp bệnh nhân bị rối loạn đông máu, phụ nữ có thai, bệnh nhân suy thận hay có dị ứng với thuốc đối quang.

2.3 Các bước thực hiện

2.3.1 Phương pháp vô cảm

Gây mê toàn thân hoặc gây mê tại chỗ là phương pháp vô cảm được dùng trong trường hợp này. Người bệnh sẽ được đặt nằm ngửa trên bàn chụp rồi tiến hành đặt đường truyền tĩnh mạch. Với trường hợp trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chưa có ý thức cộng tác cần tiêm thuốc tiền mê

Truyền tĩnh mạch
Người bệnh sẽ được đặt nằm ngửa trên bàn chụp rồi tiến hành đặt đường truyền tĩnh mạch để gây mê hoặc gây tê

2.3.2 Chọn kỹ thuật sử dụng đường vào của ống

Thông thường sẽ chọn đường vào từ động mạch đùi. Tuy nhiên nếu đường này không dùng được sẽ phải chọn cách đường khác như động mạch nách, động mạch cảnh gốc, động mạch cánh tay, động mạch quay.

2.3.3 Chụp động mạch tủy

  • Sát khuẩn gây tê tại chỗ chọc
  • Chọc kim và đặt ống lòng mạch
  • Tùy vào vùng tủy cần nghiên cứu bác sĩ sẽ luồn ống thông vào vị trí thích hợp rồi bơm thuốc
  • Thuốc đối quang được bơm qua máy với thể tích 6ml, áp lực 300 PSI và tốc độ 2ml/s
  • Ghi hình, chụp hình tập trung vào vùng tủy, có thể chụp nghiêng hoặc chếch nếu phát hiện có tổn thương.

2.3.4 Nút dị dạng động tĩnh mạch tủy

Các vi ống thông 1.3-1.4F sẽ được luồn vào cuống mạch nuôi đến ổ dị dạng với dây dẫn 0.08-0.11”.

Các phương pháp gồm có:

  • Nút bằng keo NBCA: NBCA được pha với Lipiodol tùy vào mức độ luồng thông. Nút bằng Onyx: Dùng vi ống thông để tách rời.
  • Nút bằng các vòng xoắn kim loại (Coil)

2.3.5 Nhận xét kết quả

Sau khi thực hiện kỹ thuật, ổ dị dạng động tĩnh mạch sẽ bị bít tắc một phần hay hoàn toàn và sẽ không còn giãn các tĩnh mạch màng cứng tủy. Các động mạch tủy trước và sau, cùng bên và đối diện vẫn lưu thông bình thường.

2.4 Một số tai biến

Khi thực hiện thủ thuật này, một số tai biến có thể sẽ xảy ra trong và sau khi thực hiện.

2.4.1 Tai biến trong khi làm thủ thuật

Khi thực hiện, người bệnh có thể bị rách động mạch hay bóc tách động mạch. Lúc này cần phải ngừng thủ thuật và đè ép bằng tay để cầm máu, băng lại theo dõi. Nếu máu ngừng chảy thì có thể thực hiện lại thủ thuật sau 1-2 tuần.

Chảy máu do rách mạch có thể xử trí bằng cách bơm tắc bít chỗ bị chảy máu. Nếu như xuất hiện huyết khối cần phải dùng thuốc tiêu sợi huyết và dùng dụng cụ lấy huyết khối để xử trí. Với trường hợp bị co thắt mạch, cần cho bệnh nhân dùng giãn mạch chọn lọc ở đường động mạch.

Nếu dụng cụ bị đứt gãy và sót lại trong động mạch, cần phải nhanh chóng dùng dụng cụ chuyên biệt để lấy ra.

2.4.2 Tai biến sau khi làm thủ thuật

Chỗ đặt ống thông có thể sẽ bị chảy máu hoặc xuất hiện máu tụ, lúc này cần phải băng ép lại và để bệnh nhân tiếp tục nằm bất động cho tới khi ngừng chảy máu.

Với trường hợp nghi ngờ tắc động mạch do có cục máu đông hay thuyên tắc vì bị bong các mảng xơ vữa thì cần khám xét kịp thời và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu bệnh nhân bị phồng hoặc thông động tĩnh mạch hoặc đứt ống thông, dây dẫn thì có thể xử trí bằng ngoại khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

47 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec