Có nên rửa tai bằng cách nhỏ nước muối sinh lý?

Nước muối sinh lý được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, việc hiểu hết về tác dụng của nước muối sinh lý có thể còn hạn chế. Nên một số người thường sử dụng loại nước này để vệ sinh tai hoặc thậm chí nhỏ trực tiếp vào trong tai. Vậy vệ sinh tai trực tiếp bằng nước muối sinh lý có cần thiết và ảnh hưởng đến sức khoẻ của tai không?

1. Nước muối sinh lý và công dụng

Nước muối sinh lý là dung dịch đẳng trương với thành phần muối Natri 0.9%, có áp suất thẩm thấu tương đương với các dịch của cơ thể trong điều kiện bình thường. Nước muối sinh lý có khá nhiều công dụng trong việc chăm sóc sức khỏe. Với dạng là dung dịch tiêm truyền thì nước muối sinh lý được sử dụng ở dạng nước bổ sung, điện giải khi người bệnh mắc nôn, tiêu chảy... Khi tiêm truyền trong quá trình điều trị bệnh, bác sĩ có thể chỉ định pha thêm nước muối sinh lý với các loại thuốc có công dụng điều trị, hỗ trong điều chỉnh tốc độ truyền dịch ở mức phù hợp cho từng cơ thể người bệnh.

Nước muối sinh lý còn sử dụng trong vệ sinh mắt để làm sạch các chất bẩn trên bề mặt. Đồng thời giữ ẩm và làm dịu cho mắt. Khi trẻ em mới chào đời, mắt trẻ còn dính khá nhiều sản dịch, và nước mắt trong tuyến lệ vẫn chưa phát triển hoàn thiện để tự làm sạch mắt thì có thể sử dụng nước muối sinh lý hỗ trợ.

Về cơ bản thì nước muối sinh lý có khá nhiều công dụng đối với sức khỏe chúng ta.

2 Cấu tạo tai và cơ chế làm sạch

Tai có cấu tạo và cơ chế làm sạch khá đặc biệt. Bên ngoài ống tai có một lớp lông mai nhỏ và tuyến nhờn, để tiết các chất nhờn hàng ngày giúp tạo độ ẩm tự nhiên cho lỗ tai và ngăn chặn sự xâm nhập của bụi bẩn. Không những thế còn giúp bảo vệ màng nhĩ của tai.

Thời gian trôi qua các tế bào chết, bụi bẩn và chất nhờn do tai tiết ra sẽ tạo thành ráy tai bám vào thành ống tai. Lớp lông mao trên ống tai chuyển động khi các cơ hàm chuyển động và đẩy ráy tai ra bên ngoài. Nhờ có quá trình chuyển động tự nhiên này sẽ làm cho tai sạch một cách tự nhiên mà không cần can thiệp bằng bất kỳ biện pháp nào.

Hơn nữa, ống tai có hình dáng gần giống với chữ S bao gồm ống tai ngoài hướng về phía trước, còn đoạn ống tai gần màng nhĩ lại cong và sâu xuống phía dưới. Vì vậy nếu nước vào tai sẽ có thể bị đọng lại ở vị trí này và lâu dần sẽ gây các bệnh về tai.

3. Có nên nhỏ nước muối sinh lý vào tai?

Do tai có chức năng vệ sinh tự nhiên nên việc sử dụng nước muối sinh lý rửa tai đôi khi là không cần thiết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể cần hỗ trợ thì có thể được chỉ định rửa tai bằng nước muối sinh lý.

Nếu tai không hề bị viêm nhiễm có thể sử dụng một cây lấy ráy tai có độ mềm vừa phải để vệ sinh tai mà không nên nhỏ nước muối sinh lý vào tai. Việc làm này dễ khiến cho tình trạng nước muối đọng lại ở màng nhĩ và lớp lông lao khiến cho tai bị ù. Lâu dần, tạo thành môi trường ẩm ướt trong tai gây ra các nguy cơ viêm tai.

Không những thế, với thành phần của nước muối sinh lý có thể được hấp thu qua cấu trúc da và đi vào lớp mỡ dưới da. Nếu có tổn thương dưới lớp da nước muối sẽ không thể thẩm thấu và phát huy tác dụng .

Những trường hợp ráy tai khô, nhiều và vón lại thành từng cục không có khả năng tự đẩy ra ngoài thì có thể nhỏ một chút nước muối sinh lý vào ống tai để làm cho ráy tai mềm hơn, dễ lấy ra hơn . Tuy nhiên, sau khi nhỏ nước muối sinh lý vào ống tai cần làm sạch và khô tai tránh tình trạng đọng nước và gây ẩm quá mức trong tai

Với trường hợp tai bị viêm nhiễm, tổn thương sâu trong tai khi được chỉ định dùng nước muối sinh lý rửa tai mới được thực hiện

4. Cách sử dụng nước muối sinh lý trong vệ sinh tai

Mặc dù nước muối sinh lý có khá nhiều công dụng tốt trong việc chăm sóc, vệ sinh, sát khuẩn nhưng khi sử dụng, bạn cũng cần lưu ý một vài vấn đề sau:

  • Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết cho quá trình vệ sinh như nước muối sinh lý, tăm bông, khăn sạch...
  • Nếu là trẻ nhỏ thì nên đặt trẻ nằm trên giường, nghiêng đầu về một bên
  • Nếu là người lớn hoặc trẻ nhỏ thì có thể ngồi ngăn ngắn trên ghế và đầu nghiêng về một bên.

Lúc này bắt đầu nhẹ nhàng mở nắp lọ nước muối sinh lý, tiếp đến nhỏ từ 3 đến 4 giọt day nhẹ vành tai cho nước muối thấm vào ống tai và đợi trong vòng vài giây. Tiếp tục nghiêng đầu trở lại cho dịch trong tai chảy ra bên ngoài rồi lấy khăn khô thấm cho sạch. Cuối cùng lấy tăm bông đã được vô trùng thấm hút hết dịch chảy ra bên ngoài đồng thời nhẹ nhàng kều ráy tai ra

Rửa tai bằng nước muối sinh lý chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết và có sự hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời cần phải lưu ý một số nội dung:

  • Bảo quản nước muối sinh lý trong nhiệt độ môi trường bình thường hoặc nhiệt độ phòng. Cần tránh tiếp xúc trực tiếp của nước muối sinh lý với các nơi có nhiệt độ lạnh hoặc nóng hoặc nhiệt độ khác biệt khá lớn so với nhiệt độ cơ thể.
  • Không nên sử dụng nước muối sinh lý để rửa tai thường xuyên, vì hành động này sẽ tạo điều kiện hình thành môi trường ẩm ướt trong tai từ đó giúp cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển một cách dễ dàng.
  • Không tự ý pha nước muối để rửa tai hoặc vệ sinh mà chỉ được sử dụng nước muối có nồng độ muối 0.9% và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
  • Những trường hợp tuyệt đối không được sử dụng dung dịch nước muối sinh lý tại nhà bao gồm bị đau tai, tai có đặt ống thông khí, người bệnh đang bị suy yếu hệ thống miễn dịch, có vết chàm ở gần tai, người bệnh đái tháo đường, người bệnh bị thủng màng nhĩ...

Về cơ bản việc rửa tai bằng nước muối sinh lý hiện vẫn được nhiều người áp dụng, tuy nhiên khi thực hiện cần khéo léo để không làm tổn thương bên trong tai đồng thời vệ sinh với tần suất vừa đủ là phù hợp nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan