Cách chữa ráy tai ướt như thế nào?

Ráy tai là một trong những “sản phẩm" bài tiết mà rất ít khi được chú ý đến. Thực tế, việc xem xét ráy tai có thể giúp chúng ta phát hiện một số bệnh lý đang mắc phải, trong đó có tình trạng ráy tai ướt có mùi hôi. Vậy ráy tai ướt gợi ý gì và người bệnh nên áp dụng cách chữa ráy tai ướt như thế nào?

1. Vai trò của ráy tai

Để tìm hiểu cách chữa bệnh ráy tai ướt, chúng ta nên có những kiến thức cơ bản về sản phẩm bài tiết này. Ráy tai, có tên khoa học là cerumen, được cơ thể tiết ra và lưu lại trên da của ống tai ngoài. Thành phần của ráy tai bào gồm các chất bã nhờn và tế bào chết, kết hợp với bụi bẩn và mồ hôi trong ống tai. Sau khi hình thành, ráy tai sẽ được lớp nhung mao trên bề mặt tế bào tuyến đẩy ra ống tai ngoài. Ráy tai theo thời gian sẽ khô rồi bong tróc dần, sau đó quy trình cứ tiếp diễn như vậy và lớp ráy tai mới sẽ thay thế lớp ráy tai cũ. Vậy vai trò của ráy tai là gì?

Xét về nguồn gốc, ráy tai được cấu thành từ cholesterol và chất béo, do đó chúng thường có màu vàng cùng tính chất hơi dính khi mới hình thành. Tùy vào tình trạng sức khoẻ của cơ thể mà ráy tai sẽ thay đổi màu sắc, mùi hương hay thậm chí là thay đổi cả về cấu trúc. Do được đẩy ra ngoài ống tai ngoài và thường nằm chắn ở cửa lỗ tai nên ráy tai cũng đóng vai trò bảo vệ khi tạo ra một lá chắn ngăn cản các loại vi khuẩn, nấm mốc, bụi bẩn hay côn trùng bên ngoài xâm nhập vào tai. Bên cạnh đó, ráy tai có một công dụng phụ nhưng ít ai biết đến là hỗ trợ sóng âm thanh được truyền đạt dễ dàng hơn, qua đó giúp chúng ta nhận biết âm thanh tốt hơn.

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ráy tai ướt

Tại sao ráy tai bị ướt? và cách trị ráy tai ướt là gì? là những câu hỏi được khá nhiều người đặt ra. Theo các chuyên gia, tính chất của ráy tai có thể khác nhau giữa mỗi người, tùy thuộc vào cơ địa, môi trường sống, chế độ dinh dưỡng, độ tuổi hoặc đơn giản là do hoạt động khác nhau của các tuyến bài tiết. Đa số người Việt Nam có ráy tai khô ráo, nhưng dù ráy tai khô hay ướt thì nó vẫn đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ ống tai khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài. Do đó chúng ta có thể yên tâm vì ráy tai ướt là một tình trạng hoàn toàn bình thường và không phải là dấu hiệu của bất kỳ bệnh lý nào cả.

Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia cho biết gen di truyền là một yếu tố có thể quyết định tính chất của ráy tai là khô hay ướt. Theo đó, có đến 95% dân số tại Châu Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương có ráy tai khô, trong khi người dân khu vực Châu Âu và Châu Phi đa phần sẽ có ráy tai ướt. Điều này có thể được lý giải đơn giản khi tính chất di truyền của con người ở mỗi khu vực khác nhau sẽ biểu hiện những đặc tính khác nhau nhằm thích nghi với điều kiện và hoàn cảnh sống tại những khu vực có khí hậu khác biệt.

3. Cách chữa ráy tai ướt

Cần nhắc lại, ráy tai ướt đơn thuần không phải là triệu chứng bệnh lý. Do đó cách chữa ráy tai ướt có thể hiểu đơn giản là cách vệ sinh loại ráy tai đặc biệt này. Chúng ta cần trang bị những biện pháp lấy ráy tai đúng cách để vừa đảm bảo vệ sinh vừa không ảnh hưởng đến tai, trong đó quan trọng nhất là không tác động đến thính lực.

Các bước lấy ráy tai ướt:

  • Bản chất của ráy tai là chất sáp, do đó bước đầu tiên chúng ta cần làm mềm nó bằng cách nằm nghiêng một bên rồi tiến hành nhỏ vài giọt oxy già/dầu khoáng/dầu em bé/glycerin hoặc nước muối sinh lý vào ống tai. Sau đó nằm nằm yên ở tư thế này từ 1-3 phút. Các chất gốc dầu sẽ hỗ trợ làm mềm và hòa tan ráy tai nhanh hơn;
  • Bước tiếp theo chúng ta sử dụng các dụng cụ chuyên dụng (có thể mua tại các nhà thuốc) để lấy ráy tai sau khi chúng đã mềm và bị đẩy ra ngoài rìa ống tai;

Lưu ý: Thao tác lấy ráy tai ướt không được thực hiện ở những người đang bị nhiễm trùng tai hoặc tổn thủng màng nhĩ.

Sau khi đã loại bỏ được ráy tai ướt, chúng ta cần tiến hành làm khô ống tai ngoài theo các bước như sau:

  • Sử dụng bông y tế hoặc khăn mềm để lau vành tai một cách nhẹ nhàng;
  • Nghiêng tai về một bên và lót khăn bên tai đó;
  • Chờ khoảng 1-3 phút để ống tai khô ráo;

Lưu ý: Không nên dùng máy thổi không khí hay máy sấy để làm khô ống tai ngoài.

4. Một số tình trạng ráy tai bệnh lý

Bên cạnh những băn khoăn về cách chữa bệnh ráy tai ướt, vấn đề tiếp theo chúng ta cần quan tâm chính là những dấu hiệu bất thường hoặc dấu hiệu bệnh lý của ráy tai để thông qua đó biết được tình hình sức khỏe của bản thân.

4.1. Ráy tai đóng vảy

Theo các chuyên gia, ráy tai đóng thành vảy không phải là triệu chứng của một bệnh lý nào đó mà đây đơn thuần chỉ là biểu hiện quá trình lão hoá của cơ thể. Điều này có nghĩa tình trạng ráy tai đóng vảy chỉ xuất hiện ở những người lớn tuổi. Do đó chúng ta không cần quá lo lắng về tình trạng vì đây là hiện tượng sinh lý bình thường và khó tránh khỏi.

4.2. Ráy tai ướt có mùi hôi

Ráy tai ướt đơn thuần là bình thường nhưng ráy tai ướt có mùi hôi lại là triệu chứng gợi ý bệnh lý viêm tai giữa. Tình trạng này cho thấy tai đang bị tổn thương do nhiễm trùng và cần được can thiệp điều trị kịp thời trước khi các biến chứng xảy ra.

Đặc biệt, những trường hợp kèm theo các triệu chứng bất thường khác như ù tai, ống tai bị đầy hoặc tắc nghẽn ảnh hưởng đến thính lực, hay một số biểu hiện nghiêm trọng khác như nghe thấy tiếng kêu trong đầu và mất khả năng thăng bằng thì cần phải đi khám ngay lập tức.

4.3. Ráy tai chảy nước và màu xanh như mủ

Trường hợp ráy tai ướt, thậm chí là chảy nước có thể do chúng ta hoạt động mạnh và ra nhiều mồ hôi khiến mồ hôi chảy vào tai, hoặc khi tắm nước ùa vào tai. Tuy nhiên, nếu không làm gì mà ráy tai vẫn chảy nước, thậm chí có màu xanh hoặc vàng đậm như mủ, thì khả năng cao tai đang bị nhiễm khuẩn.

4.4. Ráy tai lẫn máu khô

Hiện tượng này có thể xảy ra do quá trình lấy ráy tai đã vô tình cọ xát dụng cụ với lớp biểu bì bên trong ống tai khiến nó bị trầy xước dẫn đến chảy ít máu. Tuy nhiên, ráy tai lẫn máu khô đôi khi không đơn thuần là do tổn thương bề mặt ống tai ngoài mà có thể do màng nhĩ bị thủng. Nếu tình trạng ráy tai lẫn ít máu khô diễn ra kéo dài mà không đi kiểm tra để xác định chính xác thì rất dễ để lại hậu quả mất hoàn toàn thính giác.

4.5. Ráy tai tiết ra quá nhiều

Ráy tai nhiều hay ít không chứng minh quá trình vệ sinh cơ thể của chúng ta có sạch sẽ hay không. Trên thực tế, ráy tai được sinh ra theo phản ứng của não bộ và như đã đề cập ở trên thì ráy tai có những nhiệm vụ quan trọng như ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập ống tai hoặc thông qua nó có thể nhận biết được một số vấn đề sức khỏe. Vì vậy, chúng ta không nhất thiết phải lấy ráy tai quá nhiều lần, vì thao tác này sẽ kích thích não bộ tiếp tục sản sinh thêm nhiều ráy tai, hoặc đôi khi các động tác lấy ráy tai lại gây tổn thương niêm mạc ống tai ngoài. Đến một lúc nào đó ráy tai được bài tiết quá nhiều và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác.

Bên cạnh đó, những người phải suy nghĩ quá nhiều, tinh thần luôn trong trạng thái căng thẳng quá mức, tiết nhiều mồ hôi hoặc có khuyết tật ở tai... cũng thường sản sinh ra nhiều ráy tai hơn bình thường. Chính vì vậy, tốt hơn hết nếu nhận thấy ráy tai được bài tiết quá nhiều, kèm theo những bất thường khác, và ảnh hưởng đến cuộc sống thì chúng ta nên đến gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

4.6. Ráy tai đột nhiên biến mất

Nếu trong một thời gian dài bạn không thấy có ráy tai thì cũng cần phải lưu ý, bởi tình trạng này đang gợi ý chúng ta đang mắc phải chứng tích tụ Keratin trong ống tai khiến cơ chế đào thải ráy tai bị dừng lại. Thay vì được đẩy ra ngoài thì ráy tai lại đứng im và tích lũy thành một nút cứng gây bít tắc ống tai. Khi đó, bệnh nhân có thể kèm theo các triệu chứng khác như sốt, đau tai, sưng viêm, đặc biệt khi ráy tai tích tụ quá nhiều.

Khi đó, người bệnh không được mạo hiểm tự lấy ráy tai, vì có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ, thay vào đó hãy đến gặp bác sĩ để được can thiệp y tế phù hợp.

Tóm lại, ráy tai là sản phẩm bài tiết của cơ thể và đóng một số vai trò nhất định. Tình trạng ráy tai ướt đơn thuần là hoàn toàn bình thường, tuy nhiên khi ráy tai ướt có mùi hôi hoặc kèm theo một số biểu hiện khác thì chúng ta nên lưu ý để có cách xử trí phù hợp nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan