Các loại hóa trị phổ biến cho bệnh nhân ung thư vú

Hóa trị ung thư vú là sử dụng các nhóm thuốc chuyên biệt có khả năng gây độc tế bào nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên cũng có một số tế bào trong cơ thể người có đặc tính phát triển tương đối nhanh như tóc, tế bào máu, niêm mạc dạ dày và miệng dẫn tới nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ trên bộ phận này

1. Khi nào cần phải sử dụng hoá trị ung thư vú?

Điều trị ung thư vú bằng hoá trị chỉ là một trong các phương pháp trị bệnh lý này do đó không phải tất cả bệnh nhân ung thư vú phải cần đến hoá trị. Ung thư vú vẫn có thể điều trị hiệu quả bằng các phương pháp khác như phẫu thuật và xạ trị mà không cần điều trị toàn thân.

Các trường hợp sử dụng hoá trị liệu chủ yếu là có các khối u lớn và di căn đến các hạch bạch huyết gần. Ngoài ra, hoá trị cũng được sử dụng như liệu pháp bổ trợ hoặc ngăn ngừa ung thư quay lại sau khi khối u đã được loại bỏ hoàn toàn. Các trường hợp ung thư vú giai đoạn 3 với khối u lớn cũng cần điều trị toàn thân bằng hoá trị trước khi phẫu thuật để cải thiện kích thước khối u, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc mổ.

Mặc dù đã có rất nhiều thông tin nói về tác dụng phụ nghiêm trọng của hoá trị nhưng những cải tiến khoa học về thuốc cũng như việc nâng cao chất lượng quản lý tác dụng phụ hoá trị đã khiến cho giai đoạn hoá trị trở nên dễ chịu hơn cho người bệnh so với trước đây.

2. Các loại hóa trị liệu phổ biến cho bệnh nhân ung thư vú

Trước khi bắt đầu hóa trị ung thư vú, nhất là đối với bệnh nhân ung thư vú giai đoạn đầu thì bác sĩ chuyên khoa ung bướu sẽ sàng lọc dựa trên độ tuổi, giai đoạn ung thư và các vấn đề sức khỏe nội khoa khác để đưa ra loại hóa trị liệu phù hợp cho người bệnh. Đường dùng phổ biến của các loại thuốc hóa trị là tiêm tĩnh mạch. Các phác đồ hóa trị phổ biến nhất cho bệnh nhân ung thư vú hiện nay là:

  • CAF: cyclophosphamide (Cytoxon), doxorubicin (Adriamycin) và 5-FU.
  • TAC: docetaxel (Taxotere), doxorubicin (Adriamycin) và cyclophosphamide (Cytoxan).
  • AC-T: doxorubicin (Adriamycin) và cyclophosphamide (Cytoxan) tiếp đến là paclitaxel (Taxol) hoặc docetaxel (Taxotere).
  • FEC-T: 5-FU, epirubicin (Ellance), và cyclophosphamide (Cytoxan) tiếp đến là docetaxel (Taxotere) hoặc paclitaxel (Taxol).
  • TC: docetaxel (Taxotere) và cyclophosphamide (Cytoxan).
  • TCH: docetaxel, (Taxotere) carboplatin, và trastuzumab (Herceptin) đối với các khối u cho HER2/neu dương tính.

3. Các tác dụng phụ của hóa trị ung thư vú

Mặc dù các phương pháp hóa trị ung thư vú đã có những cải tiến theo thời gian nhưng các tác dụng phụ sau khi điều trị ung thư vú bằng hóa trị vẫn được ghi nhận như sau:

  • Rụng tóc: hầu hết các loại thuốc hóa trị ung thư vú giai đoạn đầu đều có tác dụng phụ này nhưng chỉ là tạm thời. Tóc người bệnh hoàn toàn có thể mọc trở lại sau khi ngừng điều trị hoá trị.
  • Buồn nôn: là tác dụng phụ cực kì phổ biến trước đây nhưng đang được cải thiện đáng kể nhờ các phương pháp điều trị tiến bộ. Người bệnh cũng có thể được kê các đơn thuốc steroids và chống nôn để cải thiện triệu chứng này.
  • Táo bón: là tác dụng phụ tiếp theo của hoá trị ung thư vú. Việc kết hợp thêm chất xơ vào chế độ ăn uống của thế làm mềm phân và cải thiện tình trạng táo bón.
  • Loét miệng: là tác dụng phụ không thường gặp, người bệnh có thể yêu cầu bác sĩ kê các đơn thuốc súc miệng để cải thiện tình trạng này. Ngoài ra việc hoá trị cũng có thể làm thay đổi vị giác của người bệnh.
  • Mệt mỏi: là tác dụng phụ phổ biến và dai dẳng của bất kỳ liệu pháp hoá trị nào. Nguyên nhân là do sự ảnh hưởng đến máu và tuỷ xương của hoá trị liệu gây thiếu máu, mệt mỏi thậm chí là nhiễm trùng.
  • Thay đổi kinh nguyệt: rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra sau khi hoá trị, một số phụ nữ còn bắt đầu mãn kinh sau khi hoàn thành hoá trị. Một số trường hợp kinh nguyệt có thể trở lại sau khi điều trị xong nhưng còn phụ thuộc vào độ tuổi và loại thuốc hoá trị được sử dụng.
  • Rối loạn về thần kinh cảm giác: sau hoá trị người bệnh cũng có thể gặp các tổn thương thần kinh gây ra triệu chứng ngứa ran, cảm giác râm ran và tê ở bàn tay và chân.
  • Loãng xương: là tác dụng phụ tiềm ẩn lâu dài do đó người bệnh sau hoá trị cần thường xuyên kiểm tra mật độ xương.
  • Nhận thức khó khăn: một số bệnh nhân ung thư vú sau hoá trị có thể gặp phải tình trạng mất trí nhớ ngắn hạn hoặc khó tập trung được.
  • Suy tim: Một số trường hợp hoá trị cũng khiến chức năng tim trở nên yếu hơn.

Trong suốt quá trình hoá trị người bệnh nên chú ý đến việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt và giữ tinh thần thoải mái. Suy nghĩ tích cực về việc hóa trị chỉ kéo dài trong thời gian ngắn có thể giúp giữ cho đầu óc phấn chấn hơn, Nếu gặp phải các vấn đề về trầm cảm, lo sợ người bệnh nên trò chuyện với người thân hoặc tìm gặp chuyên gia tâm lý để được cải thiện về mặt tinh thần tốt hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan