Ung thư phổi: Những điều bạn nên biết

Ung thư phổi là một bệnh nguy hiểm. Đây là một trong những nguyên nhân hay gặp gây tử vong do ung thư ở cả nam và nữ, bởi bệnh nhân thường được phát hiện khi ở giai đoạn cuối, cho nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

1. Ung thư phổi là gì?

Ung thư phổi là tình trạng tế bào ở phổi phát triển bất thường, tăng sinh không theo sự kiểm soát của cơ thể và có thể lan sang các cơ quan khác.

Ung thư phổi là loại ung thư có tỷ lệ mắc bệnh cao thứ 2 ở nam giới và thứ 3 ở nữ giới. Ung thư phổi cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong vì ung thư cao.

Có hai nhóm bệnh lý ác tính của ung thư phổi bao gồm ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) và ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC).

  • Ung thư phổi không tế bào nhỏ: Đây là loại phổ biến nhất chiếm khoảng 85% tất cả các trường hợp. Loại này có tốc độ lây lan sang các cơ quan lân cận chậm hơn loại ung thư phổi tế bào nhỏ. Trong trường hợp nếu phát hiện sớm bệnh, bằng các phương pháp điều trị bệnh như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị có thể giúp người bệnh chữa khỏi căn bệnh này với tỷ lệ cao. Trong loại bệnh ung thư phổi này, còn được chia thành 3 nhóm nhỏ bao gồm ung thư phổi tuyến, ung thư phổi biểu mô tế bào vảy và ung thư phổi biểu mô tế bào lớn.
  • Ung thư phổi tế bào nhỏ: Loại này ít gặp hơn, chỉ chiếm khoảng 10-15% các trường hợp ung thư phổi, nhưng đây là loại ung thư phát triển nhanh, có tiên lượng xấu hơn loại ung thư phổi không tế bào nhỏ. Thông thường, khi phát hiện thì bệnh thì đa số đã có tiến triển khá nặng. Do đó, dùng hóa trị là phương án tối ưu cho những ai không may mắc phải loại ung thư phổi này. Nhưng hiệu quả mang lại cũng chưa thực sự cao.

Đa số các trường hợp ung thư phổi ở giai đoạn sớm đều phát triển âm thầm, không gây ra triệu chứng rõ ràng. Cho nên, đa số các trường hợp đều được chẩn đoán muộn, dẫn đến việc điều trị gặp nhiều khó khăn và tỷ lệ tử vong cao.

2. Các nguyên nhân và yếu tố gây ung thư phổi

  • Thuốc lá: Thuốc lá là một nguyên nhân chính gây ung thư phổi, có 80% số bệnh nhân mắc ung thư phổi có liên quan tới yếu tố hút thuốc lá. Theo nghiên cứu những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao gấp 15 đến 30 lần so với những người không hút thuốc. Sau khi hút thuốc lá, các chất có nguy cơ gây ung thư sẽ tồn tại lâu bên trong phổi, rồi theo thời gian, các chất độc này sẽ làm biến đổi các tế bào bên trong phổi, dẫn đến bệnh. Kể cả những người không hút thuốc lá nhưng hít phải khói thuốc thường xuyên cũng có nguy cơ ung thư phổi cao.
  • Thuốc lá điện tử: Mọi người cho rằng việc sử dụng thuốc lá điện tử không gây hại cho cơ thể, điều này không chính xác. Bởi khi bạn hút thuốc lá điện tử thì bạn cũng đang đưa các chất có hại vào trong cơ thể đó là nicotine, fomandehit, kim loại nặng... nếu sử dụng loại có hương vị thì lại càng nhiều chất độc hại hơn. Những chất này ở bên trong cơ thể và nguy cơ gây ra các vấn đề tại phổi, thậm chí cả ung thư phổi.
  • Xì gà và thuốc lào: Ngoài việc hút thuốc lá thì hút xì gà hay hút thuốc nào cũng đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
  • Bụi phóng xạ và chất radon: Nếu bạn tiếp xúc với bụi phóng xạ hoặc radon cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi và các loại ung thư khác. Đặc biệt là radon có thể xâm nhập vào tòa nhà qua các vết nứt trên sàn, tường hoặc nứt nền móng.
  • Môi trường làm việc: Những người làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với amiăng (đây là một vật liệu sử dụng trong xây dựng để cách nhiệt và làm chất chống cháy) hoặc các chất khác như diesel, asen, niken, thạch tín, berili, crom cũng có thể bị ung thư phổi. Những người hút thuốc nếu làm việc tiếp xúc với amiăng có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 90 lần so với người không tiếp xúc.
  • Ô nhiễm không khí: Theo nghiên cứu người ta nhận thấy việc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ gây tử vong do ung thư và ung thư cũng phát triển nhanh hơn nếu thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm không khí.
  • Liên quan tới yếu tố di truyền: Nếu một thành viên trong gia đình bị mắc bệnh ung thư phổi như bố mẹ, anh chị em ruột, ông bà, anh chị em ruột của bố mẹ thì bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người không có tiền sử gia đình. Một vài đột biến di truyền gây phát triển tế bào mầm kèm theo ung thư biểu mô tuyến của phổi. Ngoài ra, nguyên nhân này có thể do là khi sống trong cùng một nhà, các thói quen về sinh hoạt, ăn uống sẽ giống nhau và nếu có người thân hút thuốc lá thì bạn có nguy cơ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
  • Tiền sử bệnh phổi: Một số bệnh phổi như bệnh lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phế quản mạn có thể gây viêm và sẹo ở phổi, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
  • Chế độ ăn uống: Nếu bạn ăn nhiều các thực phẩm chiên xào, hun khói, thức ăn nhanh,... ít sử dụng các loại thực phẩm lành mạnh, đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin như trái cây và rau quả, có thể khiến bạn bị tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

3. Các giai đoạn phát triển của ung thư phổi

Giai đoạn phát triển của ung thư thể hiện mức độ phát triển và lan rộng sang các cơ quan của khối u. Dựa vào đó bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp theo từng giai đoạn bệnh:

3.1 Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC)

Ung thư phổi không tế bào nhỏ được chia thành bốn giai đoạn chính:

  • Giai đoạn 1: Khối u tại phổi có kích thước ≤ 5cm, chưa có di căn hạch vùng và chưa di căn xa.
  • Giai đoạn 2: Kích thước khối u ≤ 7cm, di căn sang các hạch lân cận, chưa di căn xa.
  • Giai đoạn 3: Ung thư phổi giai đoạn 3 có kích thước khối u > 7cm hoặc kích thước bất kỳ, nhưng xâm lấn trong phổi cùng bên, xâm lấn các cấu trúc xung quanh như tim, mạch máu lớn, khí quản... và chưa di căn xa.
  • Giai đoạn 4: Hay ung thư phổi giai đoạn cuối, lúc này khối u di căn sang lá phổi đối bên, di căn ngoài lồng ngực hoặc nhiều vị trí khác.

3.2 Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC)

Trong thực hành lâm sàng, ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) được chia thành 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn khu trú: U phát triển nguyên phát tại phổi và hạch vùng, ở một bên phổi và chưa di căn xa.
  • Giai đoạn lan tràn: U phổi kèm theo xuất hiện các nốt khối u ở phổi còn lại, u đã di căn xa, di căn ngoài ngực hoặc ở một số cơ quan khác.

4. Các dấu hiệu bệnh ung thư phổi

Các triệu chứng của ung thư phổi loại không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ cơ bản khá giống nhau nhưng không rõ ràng, nên dễ bị bỏ qua:

Dấu hiệu ở giai đoạn sớm:

  • Ho mạn tính: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư phổi ở giai đoạn đầu, nhưng không phải ai cũng xuất hiện dấu hiệu này.
  • Ho có đờm và đờm có thể lẫn máu. Tình trạng ho mà sử dụng một số loại kháng sinh không có hiệu quả.

Ở giai đoạn muộn các triệu chứng phụ xuất hiện thuộc vào vị trí khối u và mức độ lan rộng của tổn thương:

  • Đau tức vùng ngực, đau dai dẳng, đau hơn khi hít sâu, cười hoặc ho.
  • Khó thở.
  • Viêm phổi tái diễn nhiều lần ở một vị trí.
  • Tràn dịch màng phổi
  • Hội chứng Horner: Gây sụp mí mắt, đồng tử co nhỏ, không ra mồ hôi ở một nửa mặt
  • Triệu chứng do khối u chèn ép: khó nuốt, nuốt gây đau, khàn tiếng, hồi hộp, tim đập nhanh...
  • Dấu hiệu do di căn: Di căn xương gây đau, gãy xương bệnh lý, giới hạn vận động. Di căn não gây nhức đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn nhận thức và vận động. Một số bệnh nhân không có triệu chứng tại phổi nhưng khi khối u đã di căn đến các cơ quan khác và gây ra triệu chứng do khối u di căn.
  • Suy nhược cơ thể và mệt mỏi
  • Sụt cân: Có thể có hoặc không kèm theo dấu hiệu chán ăn.

5. Cách chẩn đoán bệnh ung thư phổi

Ngoài việc định hướng nguyên nhân bằng các dấu hiệu lâm sàng, thì cần chẩn đoán bệnh bằng các phương pháp cận lâm sàng bao gồm:

  • Chụp xquang phổi: Có thể nhìn thấy khối trong phổi. Kèm theo các dấu hiệu như tràn dịch phổi...
  • Chụp cắt lớp vi tính: Một số trường hợp khi chụp Xquang không thể thấy rõ được tổn thương, cần tiến hành chụp CT. Khi chụp có thể phát hiện khối bất thường tại phổi, thấy được tình trạng khối u đã di căn hay xâm lấn các vùng lân cận hay chưa.
  • Sinh thiết mô phổi: Lấy tế bào mô phổi và tiến hành sinh thiết để xác định u lành hay u ác là chẩn đoán xác định. Giúp chẩn đoán loại ung thư phổi.

6. Ung thư phổi có chữa được không?

Đối với ung thư không tế bào nhỏ: Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hòa Kỳ từ năm 2010 đến 2016, nếu ung thư phổi không tế bào nhỏ được phát hiện khi khối u còn khu trú thì việc điều trị giúp người bệnh có tỷ lệ sống sót trong 5 năm là 63%. Nếu ung thư đã di căn xa (ung thư di căn đến phổi còn lại, đến não, xương, gan...) thì tỷ lệ sống sót trong vòng 5 năm chỉ còn khoảng 7%.

Đối với ung thư tế bào nhỏ: Ung thư phổi tế bào nhỏ là loại ung thư rất nguy hiểm, có đặc điểm tiến triển nhanh tới việc di căn xa. Cũng theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hòa Kỳ, thì ung thư phổi tế bào nhỏ, có tỷ lệ sống sót trong 5 năm ở giai đoạn khu trú là khoảng 27%. Nếu ung thư đã di căn xa thì tỷ lệ sống sót trong 5 năm rất thấp chỉ còn 3%.

Khi được phát hiện sớm thì cả hai loại ung thư phổi này đều có tỷ lệ sống cao hơn, khi đó các biện pháp điều trị cũng mang lại hiệu quả tối ưu. Các phương pháp điều trị ung thư phổi hiện nay bao gồm:

  • Phẫu thuật loại bỏ khối u: Đây là phương pháp mang lại hiệu quả cao khi ung thư phổi ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên phương pháp này không còn có tác dụng ở các giai đoạn sau của bệnh.
  • Hóa trị: Phương pháp phổ biến được sử dụng để giúp hạn chế sự phát triển và có thể tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Xạ trị: Phương pháp này sử dụng các tia phóng xạ có năng lượng cao để có thể diệt tế bào ung thư, thu nhỏ khối u ở khu vực được chiếu phóng xạ
  • Điều trị triệu chứng: Đây là phương pháp điều trị bổ sung, được sử dụng kết hợp với các phương pháp ở trên để giảm các triệu chứng của khó chịu của người bệnh, giảm các biến chứng do các phương pháp trên gây ra, tăng hiệu quả điều trị.

7. Cách biện pháp làm giảm nguy cơ ung thư phổi

Ung thư phổi rất nguy hiểm, dù không thể phòng tránh tuyệt đối, nhưng dựa vào các nguyên nhân gây ung thư phổi mà chúng ta có thể thực hiện một số biện pháp dự phòng, bao gồm:

  • Không hút thuốc lá và tránh việc phải tiếp xúc với khói thuốc. Nếu có thể bỏ thuốc lá thì sau 10 năm sẽ giúp bạn giảm nguy cơ ung thư phổi xuống còn một nửa. Không chỉ vậy, nó còn giúp hạn chế rất nhiều nguy cơ các bệnh lý khác.
  • Không hút thuốc lá điện tử, xì gà hay thuốc lào: Những loại này cũng có nguy cơ khiến bạn bị ung thư phổi.
  • Tránh tiếp xúc với tia bức xạ.
  • Giữ môi trường sống và làm việc thông thoáng, hạn chế hoặc tốt hơn là tránh tiếp xúc khói bụi.
  • Có các biện pháp bảo hộ lao động an toàn khi tiếp xúc với hóa chất, các chất khí độc hóa học trong môi trường làm việc, để hạn chế đến mức tối đa mức độ ảnh hưởng của hóa chất đến cơ thể.
  • chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, ăn nhiều thức ăn có vitamin như rau xanh, quả tươi, hạ chế đồ chế biến sẵn, thực phẩm chiên xào. Nên thường xuyên rèn luyện cơ thể bằng cách tập thể dục.
  • Khám sức khỏe tổng quát và tầm soát ung thư phổi định kỳ: Đây là biện pháp hiệu quả nhất để phát hiện sớm được bệnh ung thư phổi. Việc phát hiện sớm bệnh làm tăng hiệu quả của các phương pháp điều trị và tăng tỷ lệ sống sót. Bởi vì, các dấu hiệu lâm sàng của bệnh không đặc hiệu và thường tương tự như triệu chứng của một số bệnh phổi khác cho nên dễ bị bỏ qua. Việc tầm soát bằng các phương pháp cận lâm sàng sớm, giúp chẩn đoán chính xác bệnh và phát hiện được dấu hiệu bệnh có phải ung thư phổi hay không.

Ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm, mà lại phổ biến trong các loại ung thư ở nước ta hay trên thế giới. Nếu có các triệu chứng nghi ngờ của ung thư phổi, hãy đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh để được thăm khám và điều trị phù hợp giúp cải thiện cuộc sống và nâng cao khả năng sống sót.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

232 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan