Thuốc Ampha 3b được chỉ định sử dụng chủ yếu để điều trị các tình trạng như thiếu hụt vitamin nhóm B, bất ổn về hệ thần kinh, thiếu máu,... Việc sử dụng Ampha 3b cần tuân theo những khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa về liều lượng và thời gian điều trị để tránh tối đa các tác dụng phụ ngoại ý.
1. Thuốc Ampha 3b là thuốc gì?
Thuốc Ampha 3b thuộc nhóm khoáng chất và vitamin, được sản xuất bởi Công ty cổ phần Dược phẩm Việt Nam-Ampharco. Thuốc Ampha được bào chế dưới dạng viên nang mềm, đóng gói theo quy cách: Hộp 3 vỉ hoặc 10 vỉ x 10 viên, hộp 2 vỉ hoặc 6 vỉ x 15 viên. Trong mỗi viên nang Ampha 3b có chứa các thành phần chính sau:
- Vitamin B1: Hàm lượng 100mg.
- Vitamin B6: Hàm lượng 100mg.
- Vitamin B12: Hàm lượng 150mcg.
Sự kết hợp của 3 loại vitamin B trên giúp mang lại những tác động tích cực cho hệ thần kinh khi dùng liều cao. Mỗi thành phần trong thuốc Ampha 3b sẽ đảm nhận một vai trò khác nhau, cụ thể:
- Vitamin B1: Được biến đổi thành Coenzyme xúc tác trong những chuỗi B-oxy hoá khử của quá trình chuyển hoá năng lượng lipid, peptide và gluxit. Vitamin B1 thường xuyên tham gia hỗ trợ chuyển hoá, đặc biệt nhu cầu tăng cao đối với những trường hợp tăng chuyển hoá cơ sở.
- Vỉtamin B5: Được biến đổi thành Pyridoxal phosphat, tham gia vào quá trình tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh Gamma – aminobutyric, đồng thời giúp hỗ trợ tăng cường dẫn truyền thần kinh. Bên cạnh đó, vitamin B6 còn có vai trò rất quan trọng đối với việc chuyển hoá và hấp thu các axit amin.
- Vitamin B12: Đây là một hợp chất thiết yếu đối với sự chuyển hoá của chất béo và gluxit, giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng các mô trong cơ thể, điển hình là mô tạo máu. Ngoài ra, vitamin B12 còn góp phần duy trì cấu trúc sợi thần kinh của cơ thể.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Ampha 3b
2.1. Chỉ định sử dụng thuốc Ampha 3b
Thuốc Ampha 3b được chỉ định sử dụng cho các trường hợp dưới đây:
- Người bị thiếu vitamin nhóm B.
- Trẻ em bị suy nhược chậm lớn.
- Điều trị cho bệnh nhân có các bất ổn về hệ thần kinh, chẳng hạn như viêm dây thần kinh ngoại biên, đau dây thần kinh, viêm dây thần kinh do rượu / tiểu đường, viêm dây thần kinh mắt, viêm đa dây thần kinh, hội chứng vai cánh tay, dị cảm, suy nhược thần kinh, co giật do tăng cảm ứng của hệ thần kinh trung ương hoặc đau thần kinh toan.
- Điều trị bệnh Zona.
- Dự phòng và điều trị cho chứng buồn nôn và ói mửa đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai.
- Điều trị thiếu máu do thiếu hụt vitamin B6, B12.
- Giúp hồi phục và duy trì sức khỏe cho những người vừa ốm dậy, người cao tuổi hoặc làm việc quá sức.
2.2. Chống chỉ định sử dụng thuốc Ampha 3b
Không sử dụng thuốc Ampha 3b cho các đối tượng dưới đây:
- Người có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn với vitamin nhóm B cũng như các thành phần khác có trong thuốc.
- Người có cơ địa dễ bị dị ứng, chẳng hạn như bệnh Eczema hoặc hen suyễn.
- Người đang có khối u tiến triển trong cơ thể (ung thư).
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Ampha 3b
3.1. Liều dùng thuốc Ampha 3b
Liều khuyến cáo dành cho thuốc Ampha 3b sẽ dựa trên độ tuổi cũng như mục đích điều trị của từng bệnh nhân, cụ thể:
- Liều Ampha 3b cho người lớn: Uống 1 viên / lần, ngày uống 2 lần.
- Liều Ampha 3b cho trẻ em: Uống 1 viên / lần / ngày.
Nhìn chung, thời gian sử dụng thuốc Ampha 3b sẽ dựa trên mức độ đáp ứng và tình trạng sức khỏe hiện có của bệnh nhân. Theo khuyến nghị của chuyên gia, đa phần các bệnh nhân nên sử dụng thuốc Ampha 3b trong vòng từ 2 – 4 tuần để đạt kết quả tốt nhất.
3.2. Hướng dẫn sử dụng đúng cách thuốc Ampha 3b
Thuốc Ampha 3b được bào chế dưới dạng viên nang mềm, do đó thuốc cần được sử dụng bằng đường uống cùng nước lọc ngay trước bữa ăn chính. Trong quá trình sử dụng Ampha 3b, bệnh nhân cần tránh uống thuốc với các sản phẩm chứa chất kích thích hoặc đồ uống có cồn, bởi điều này dễ gây ảnh hưởng xấu đến cho công dụng của thuốc cũng như sức khỏe người bệnh.
3.3. Xử lý tình trạng dùng quá liều thuốc Ampha 3b
Việc uống quá liều vitamin B6 (từ 2 – 7g / ngày, hoặc 0,2g / ngày trong hơn 2 tháng) có thể khiến bệnh thần kinh giác quan trở nên trầm trọng hơn, kèm theo các triệu chứng như tê cóng chân tay và mất điều hoà. Những triệu chứng quá liều thuốc Ampha 3b này sẽ hồi phục sau khi bệnh nhân ngưng sử dụng thuốc khoảng 6 tháng.
4. Một số tác dụng phụ của thuốc Ampha 3b
Song hành với những tác dụng điều trị của thuốc, Ampha 3b có cũng có thể đem lại một số tác dụng phụ ngoại ý cho người bệnh trong thời gian sử dụng, bao gồm:
- Các phản ứng dị ứng hoặc quá mẫn thuốc như mề đay, nổi mẩn đỏ, phát ban da hoặc sốc phản vệ (nguy hiểm).
- Có cảm giác ấm áp, như kim châm, đau hoặc ngứa.
- Đổ mồ hôi.
- Yếu sức.
- Mất ngủ.
- Nghẹn cổ họng.
- Suy hô hấp.
- Phù mạch.
- Chứng xanh tim da.
- Xuất huyết tiêu hoá.
- Phù phổi.
- Buồn nôn / nôn mửa.
- Truỵ mạch.
- Giãn mạch.
- Hạ huyết áp thoáng qua.
- Dùng vitamin B6 liều cao lâu ngày làm tiến triển bệnh thần kinh ngoại vi.
Khi nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường được cảnh báo ở trên, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ sớm để có hướng điều trị phù hợp.
5. Một số điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Ampha 3b
5.1. Cần thận trọng điều gì khi sử dụng thuốc Ampha 3b?
Trong quá trình sử dụng thuốc Ampha 3b, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về liều lượng cũng như tần suất dùng thuốc. Tuyệt đối không tự ý sử dụng Ampha 3b khi chưa có khuyến cáo của bác sĩ, bởi điều này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe, dễ dẫn đến các vấn đề y tế khác ngoài dự tính. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần tránh tự ý đưa thuốc cho người khác có biểu hiện tương tự khi chưa được chẩn đoán cụ thể.
Một số điều khác mà bệnh nhân cần thận trọng khi sử dụng thuốc Ampha 3b, bao gồm:
- Thành phần vitamin B6 trong thuốc Ampha 3b có thể ức chế tiết sữa ở phụ nữ do khả năng ngăn chặn tác động của Prolactin. Vì vậy, bà mẹ đang nuôi con bú cần thận trọng và tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định bổ sung vitamin nhóm B hoặc điều trị các tình trạng sức khoẻ bằng thuốc này.
- Tính an toàn và mức độ hiệu quả của thuốc Ampha 3b chưa được chứng minh cụ thể đối với trẻ em, do đó cần tránh tự ý cho trẻ uống loại thuốc này khi chưa được bác sĩ nhi khoa chấp thuận.
- Không dùng chế phẩm này đối với phụ nữ đang trong thai kỳ bởi thành phần trong thuốc có thể dẫn đến hội chứng lệ thuộc thuốc cho trẻ sơ sinh.
5.2. Tương tác của thuốc Ampha 3b với thuốc khác
Thuốc Ampha 3b có thể tương tác với một số loại thuốc khác khi kết hợp sử dụng cùng lúc với nhau:
- Vitamin B1 có thể làm tăng tác dụng của thuốc ức chế thần kinh cơ khi dùng chung với nhau.
- Vitamin B6 có thể tương tác với thuốc Levodopa và làm giảm hiệu quả của loại thuốc này. Tuy nhiên, phản ứng tương tác sẽ không xảy ra nếu bệnh nhân dùng kèm chất ức chế men Dopa decarboxylase.
- Vitamin B6 khi dùng chung với Altretamin có thể làm tăng hoạt tính của thuốc này, làm giảm nồng độ của Phenytoin và Phenobarbital trong huyết thanh.
- Một số loại thuốc khác có thể làm tăng nhu cầu vitamin B6, chẳng hạn như Isoniazid, Hydralazine, Penicillamin hoặc các loại thuốc tránh thai đường uống.
Nhằm ngăn ngừa tối đa nguy cơ tương tác giữa thuốc Ampha 3b và các dược phẩm khác, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ về những loại thuốc hay thực phẩm bổ sung hiện đang sử dụng cũng như các vấn đề sức khỏe đang mắc phải. Bác sĩ có thể đánh giá nguy cơ tương tác thuốc và bệnh lý đối với việc sử dụng Ampha 3b, từ đó đưa ra hướng xử lý điều chỉnh liều thuốc, thời gian dùng thuốc hoặc loại thuốc khác phù hợp hơn cho bệnh nhân.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.