Công dụng thuốc Itraxcop

Thuốc Itraxcop có thành phần chính là Itraconazole, là một thuốc chống nấm, dùng dùng trong điều trị các trường hợp nhiễm nấm ở phổi, khoang màng phổi, miệng, niêm mạc – da hoặc âm đạo. Cùng tìm hiểu thuốc Itraxcop có tác dụng gì và sử dụng thuốc đúng qua bài viết dưới đây.

1. Itraxcop là thuốc gì?

Thuốc Itraxcop được bào chế dưới dạng viên nang cứng với thành phần chính gồm:

  • Hoạt chất: Itraconazole BP 100mg.
  • Tá dược: Non pareil seeds.

Itraconazole là thuốc chống nấm nhóm triazole, có tác dụng diệt trừ các nấm nhạy cảm. Thuốc có tác dụng thông qua cơ chế ức chế các enzyme phụ thuộc cytochrom P450, từ đó làm ức chế sự tổng hợp ergosterol ở màng tế bào nấm.

Phổ tác dụng của Itraconazole hơi hẹp hơn Ketoconazole, bao gồm : Candida spp, Blastomyces dermatitis, Histoplasma capsulatum, Malassezia furfur, Aspergillus spp, Microsporum spp và Trichophyton spp.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Itraxcop

2.1. Chỉ định của thuốc Itraxcop

Dùng Itraxcop để điều trị nấm trong các trường hợp sau :

  • Nhiễm nấm candida ở miệng, họng, niêm mạc.
  • Nhiễm nấm ngoài da như nấm da chân, da thân, da bẹn, kẽ móng tay hoặc lang ben.
  • Các loại nấm móng ở tay, móng chân
  • Nhiễm nấm Blastomycosis ở phổi và ngoài phổi
  • Nhiễm nấm nội tạng như Cryptococcus, Histoplasma, Sporothrix, Paracoccidioides, Blastomyces.
  • Điều trị đề phòng nhiễm nấm tiềm ẩn tái phát ở nhiễm nhiễm AIDS.

2.2. Chống chỉ định sử dụng thuốc Itraxcop

  • Người dị ứng quá mẫn với Itraconazole, các ozol khác hoặc các thành phần của thuốc Itraxcop.
  • Người đang điều trị Terfenadin, triazolam dạng uống hoặc Astemisol.
  • Tuyệt đối không dùng thuốc Itraxcop điều trị nấm móng cho phụ nữ đang hoạc có dự định mang thai.

3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Itraxcop

Cách sử dụng:

Thuốc Itraxcop được sử dụng bằng đường uống. Bệnh nhân nên uống toàn bộ viên thuốc Itraxcop, không nên nhai, bẻ, nghiền nát vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Thuốc nên được sử dụng ngay sau khi ăn để tăng hiệu lực.

Liều dùng:

  • Nấm Candida âm hộ – âm đạo: Có 2 cách dùng: 2 viên/ lần, ngày 2 lần nếu điều trị trong 1 ngày; hoặc 2 viên/ lần, ngày 1 lần nếu điều trị trong 3 ngày.
  • Nấm ngoài da:
    • 2 viên/lần, ngày 1 lần, điều trị trong 7 ngày hoặc 1 viên/ lần, ngày 1 lần, điều trị trong 15 ngày.
    • Các vùng sừng hóa cao như lòng bàn tay, lòng bàn chân: 2 viên/ lần x ngày 2 lần, điều trị trong 7 ngày hoặc 1 viên/ lần, ngày 1 lần dùng trong 30 ngày.
  • Lang ben: 2 viên/ lần, ngày 1 lần điều trị trong 7 ngày.
  • Nấm Candida ở miệng hoặc họng: 1 viên/ lần ngày 1 lần, điều trị trong 15 ngày. Trường hợp người bệnh AIDS, suy giảm bạch cầu trung tính hoặc ghép tạng: 2 viên/ lần ngày 1 lần điều trị trong 15 ngày.
  • Nấm móng:
    • Bệnh nhân được điều trị thành các đợt dùng thuốc xen kẽ các khoảng không dùng thuốc. Bệnh nhân bị nấm móng cần uống từ 2-3 đợt, mỗi đợt 7 ngày, và khoảng cách mỗi đợt là 3 tuần. Liều dùng là uống 2 viên/ lần, ngày 2 lần chia sáng – tối.
    • Cách thứ hai, trường hợp bệnh nhân điều trị liên tục, liều dùng là 2 viên/ lần ngày 1 lần điều trị trong 3 tháng.
  • Nhiễm nấm nội tạng:
    • Nhiễm Aspergillus : 2 viên/ lần ngày 1 lần, điều trị từ 2-5 tháng, nếu bệnh không đáp ứng hoặc nặng lên có thể tăng đến liều 2 viên/lần ngày 2 lần
    • Nấm Candida : 1-2 viên/lần ngày 1 lần, điều trị từ 3 tuần đến 7 tháng.
    • Nấm Cryptococcus ngoài màng não : 2 viên/ lần ngày 1 lần, điều trị từ 2 tháng đến 1 năm.
  • Viêm màng não do Cryptococcus:
    • Liều khởi đầu: 2 viên/ lần ngày 2 lần
    • Liều duy trì: 2 viên/ lần ngày 1 lần.
  • Nhiễm nấm Paracoccidioides brasiliensis : 1 viên/ lần ngày 1 lần, điều trị trong 6 tháng.
  • Nhiễm nấm Sporothrix schenckii: 1 viên/ lần ngày 1 lần, điều trị trong 3 tháng.
  • Nhiễm nấm Histoplasma : 2 viên/ lần ngày 1 - 2 lần tùy mức độ bệnh, điều trị trung bình trong 8 tháng.
  • Nhiễm nấm Chromomycosis: 1 - 2 viên/ lần ngày lần, điều trị trong 6 tháng.

4. Lưu ý khi sử dụng Itraxcop

4.1. Tác dụng phụ của thuốc Itraxcop

Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Itraxcop là đau đầu, đau bụng, khó tiêu, buồn nôn. Ít khi nhận các trường hợp phản ứng phản vệ như ban da, ngứa, phù mạch, nổi mày đay.

4.2. Thận trọng khi sử dụng thuốc Itraxcop ở các đối tượng

  • Phụ nữ có thai: Trong các nghiên cứu trên chuột, Itraconazole trong thuốc Itraxcop gây độc cho chuột cống mẹ liền quan tới liều dùng và gây quái thai khi sử dụng liều 40 – 160 mg/ kg mỗi ngày. Hiện nay, chưa có nghiên cứu về độ an toàn của thuốc Itraxcop ở phụ nữ mang thai, chỉ sử dụng khi thật cần thiết và lợi ích vượt trội nguy cơ. Tuy nhiên, không khuyến cáo sử dụng thuốc Itraxcop ở phụ nữ đang mang thai hoặc có dự định mang thai.
  • Phụ nữ cho con bú: Itraconazole bài tiết qua sữa mẹ, cho nên không dùng thuốc Itraxcop cho phụ nữ mang thai.
  • Trẻ nhỏ: Chưa xác định độ an toàn và hiệu lực của Itraxcop ở trẻ em.
  • Bệnh nhân đã có bệnh lý hoặc bất thường về chức năng gan: cần làm xét nghiệm kiểm tra enzyme gan trước khi dùng thuốc và theo dõi trong quá trình điều trị. Hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc Itraxcop trong bữa ăn. Nếu có dấu hiệu lâm sàng bệnh gan nặng lên, phải tạm ngưng hoặc dừng thuốc ngay lập tức.

5. Tương tác thuốc Itraxcop

Thuốc Itraxcop có thể xảy ra tương tác nếu dùng cùng các thuốc sau:

  • Thuốc được chuyển hóa bới hệ enzyme cytochrome P4503A: Tăng nồng độ thuốc trong huyết tương, kéo dài thời gian, hiệu quả điều trị và làm tăng tác dụng phụ.
  • Diazepam, Midazolam, Triazolam
  • Warfarin: Tăng tác dụng chống đông máu của thuốc Warfarin khi dùng cùng với Itraconazole, làm tăng nguy cơ xuất huyết, chảy máu. Vì vậy, người bệnh phải theo dõi thời gian prothrombin và giảm liều Warfarin khi cần thiết.
  • Thuốc chẹn calci: Có thể gây ù tai, phù.
  • Thuốc hạ cholesterol máu như Simvastatin, Pravastatin: tăng nồng độ các thuốc này trong huyết tương, tăng nguy cơ tác dụng phụ như viêm cơ, tiêu cơ vân.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thành phần, cách sử dụng, tác dụng phụ và những lưu ý khi sử dụng thuốc Itraxcop. Bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì thuốc Itraxcop và tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe