Thuốc chống nôn ondansetron là một trong những thuốc chống nôn nhóm đối kháng thụ thể 5-HT3 được sử dụng khá phổ biến. Thuốc có thể được dùng riêng hoặc kết hợp với những thuốc khác để giúp cải thiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa ở bệnh nhân sau phẫu thuật hay đang dùng hóa trị liệu, xạ trị điều trị ung thư.
1. Thông tin về thuốc chống nôn ondansetron
Thuốc chống nôn ondansetron là một thuốc đối kháng thụ thể 5-HT3 được các bác sĩ chỉ định trên những bệnh nhân hậu phẫu, dùng hóa trị, xạ trị để nhằm giảm các triệu chứng nôn, buồn nôn. Ondansetron nằm trong danh mục thuốc kê đơn ETC.
Ondansetron có tác dụng trên cả hệ trung ương, ngoại vi và các đầu mút thần kinh phế vị hay vùng kích thích thụ thể hóa học. Ở những bệnh nhân dùng hóa trị, xạ trị liệu sẽ gây giải phóng serotonin ở ruột non, đồng thời thông qua thụ thể 5-HT để kích thích hoạt hóa dây thần kinh phế vị tạo nên phản xạ nôn. Lúc này, việc dùng thuốc ondansetron giúp ngăn chặn các serotonin được giải phóng, từ đó giảm cảm giác buồn nôn, cải thiện triệu chứng nôn. Ondansetron còn giảm phản xạ nôn nhờ có khả năng ức chế thụ thể ở sàn não thất IV.
Ondansetron có thể dùng được cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Các dạng thuốc chống nôn ondansetron:
- Dạng viên uống: có viên nén bao phim và viên ngậm. Dạng này có 2 loại hàm lượng là thuốc ondansetron 4mg và thuốc ondansetron 8mg.
- Thuốc dạng dung dịch uống có ondansetron 4mg/5ml.
- Dạng tiêm hiện tại có 1 loại hàm lượng là thuốc ondansetron 8mg/4ml.
Nghiên cứu thực nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng cho thấy thuốc chống nôn ondansetron hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Đối với đường uống, thuốc có tác dụng sau khi dùng khoảng 30 phút. Sau khi vào cơ thể, thuốc được chuyển hóa chủ yếu ở gan rồi đào thải ra ngoài ở dạng chuyển hóa qua nước tiểu và phân.
Liều lượng dùng ondansetron trên mỗi trường hợp bệnh nhân phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khoẻ và mức độ triệu chứng.
Với bệnh nhân điều trị hoá trị, xạ trị:
- Kết hợp cả đường tiêm và đường uống. Liều tiêm cho người lớn trong khoảng từ 8-32 mg trong 1 ngày, kết hợp uống loại 8mg sau tiêm 12h.
- Ở trẻ em chỉ dùng liều tiêm 0,15mg/kg cân nặng, liều uống 4mg sau tiêm 12h và dùng tối đa trong 5 ngày.
Với bệnh nhân sau phẫu thuật:
- Người lớn chỉ định tiêm bắp hoặc tĩnh mạch liều 4mg hoặc 16mg trước phẫu thuật 1 tiếng.
- Trẻ trên 2 tuổi không dùng quá 4mg tiêm tĩnh mạch, liều 0,1 mg/kg cân nặng.
- Không dùng quá 8mg/ngày trên bệnh nhân xơ gan, suy gan.
2. Tác dụng phụ của thuốc chống nôn ondansetron và những lưu ý khi dùng thuốc
Tác dụng phụ thường gặp:
ADR trên 1/100.
- Đối với hệ thần kinh trung ương, thuốc ondansetron thường gây đau đầu, buồn ngủ, đôi khi có thể bị sốt.
- Với hệ tiêu hóa, thuốc gây táo bón hoặc tiêu chảy tùy theo cơ địa từng bệnh nhân.
Tác dụng phụ ít gặp:
- ADR nằm trong khoảng từ 1/1000 đến 1/100.
- Ở khoảng này, thuốc sẽ gây chóng mặt, bệnh nhân hay bị khô miệng, có lúc bị co cứng bụng.
- Một trong những tác dụng phụ ít gặp của thuốc ondansetron là làm yếu hệ thần kinh cơ xương khớp trên người dùng.
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- ADR dưới 1/1000.
- Tùy theo thể trạng người bệnh mà sự xuất hiện của các tác dụng phụ hiếm gặp là khác nhau. Những tác dụng phụ có thể xảy ra trên một hoặc nhiều cơ quan nội tạng:
- Triệu chứng toàn thân: sốc phản vệ, quá mẫn với thành phần của thuốc.
- Thuốc gây hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh, đau đầu thậm chí có cơn động kinh.
- Trên hệ hô hấp, thuốc tạo cơn co thắt phế quản, khó thở, thở nông, thở khò khè.
Ngoài ra, thuốc còn gây đau ngực, tăng men gan, tăng bilirubin trong máu, nổi ban xuất huyết.
Để hạn chế việc xảy ra tác dụng phụ trên những người dùng thuốc ondansetron, khi sử dụng cần lưu ý một số điều như sau: Thuốc ondansetron nên được dùng với mục đích phòng bệnh thay vì điều trị bệnh. Khuyến cáo, tốt nhất nên dùng thuốc trong vòng 24 đến 48 giờ sau điều trị hóa chất.
Đặc biệt lưu ý thận trọng với các trường hợp:
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thuốc đối kháng thụ thể 5-HT3.
- Bệnh nhân có chẩn đoán mắc hội chứng QT dài bẩm sinh, hoặc có yếu tố nguy cơ gây kéo dài QT, hoặc nghi ngờ tắc ruột.
- Ở người đang dùng thuốc gây kéo dài QT, việc kết hợp sử dụng với thuốc ondansetron có thể gây ra tình trạng xoắn đỉnh.
- Thận trọng với người bệnh có rối loạn chức năng gan hay đang dùng thuốc serotonergic khác.
Đối với phụ nữ có thai và đang cho con bú: Thuốc ondansetron hiện thuộc phân loại nhóm B. Đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể nào về việc thuốc có truyền qua nhau thai hay không, nhưng qua các nghiên cứu thực nghiệm trên động vật người ta thấy rằng, ondansetron có khả năng tiết được vào sữa mẹ. Do đó, ở phụ nữ cho con bú không nên cho dùng thuốc này. Còn ở phụ nữ có thai, việc dùng thuốc có thể được xem xét nhưng cần cân nhắc giữa lợi ích và tác hại khi sử dụng và phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Về vấn đề dùng thuốc khi lái xe hay vận hành máy móc: Người ta đã tiến hành rất nhiều thử nghiệm hoạt động tâm thần vận động của thuốc trên những đối tượng này. Kết quả là thuốc không có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sử dụng máy móc hay lái xe của người dùng.
Khi dùng thuốc quá liều, cần báo ngay với bác sĩ chuyên khoa hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và xử lý kịp thời, nếu có dấu hiệu không tốt cho sức khỏe. Lưu ý, không có thuốc đặc trị để điều trị đặc hiệu cho những trường hợp này.
Nếu quên liều, hãy uống ngay khi nhớ ra, không uống bù liều đã bị quên.
Tóm lại, ondansetron là thuốc có tác dụng chống nôn mửa rất tốt, đặc biệt ở bệnh nhân ung thư dùng hóa trị liệu hay xạ trị. Tuy nhiên, thuốc cũng có những tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Tác dụng phụ xảy ra trên mỗi bệnh nhân không giống nhau cả về triệu chứng cũng như mức độ. Hãy báo bác sĩ chuyên khoa ngay nếu bạn đang dùng thuốc và thấy có những triệu chứng bất thường liên quan đến sức khỏe để được hỗ trợ xử lý kịp thời, không làm bệnh tiến triển nặng hơn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.