Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý thường gặp hiện nay, cần rất nhiều yếu tố để chẩn đoán một cách chính xác nhất căn bệnh này. Xét nghiệm chẩn đoán bệnh khớp rất đa dạng và cần được thực hiện rất nhiều các loại xét nghiệm chẩn đoán bệnh khớp thì mới có thể khẳng định được chẩn đoán bệnh.
1. Vì sao phải làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh khớp?
Viêm khớp dạng thấp là một trong những bệnh lý bị gây ra bởi những rối loạn về hệ miễn dịch của con người và có độ phức tạp rất cao. Triệu chứng viêm khớp dạng thấp bao gồm:
- Sau khi ngủ dậy vào buổi sáng thường có dấu hiệu cứng khớp, diễn ra trong 1 giờ, lặp lại nhiều lần.
- Có khoảng từ 3 khớp trở lên bị viêm, những dấu hiệu viêm có thể thấy bằng mắt thường như các khớp viêm thường đối xứng nhau, thường xảy ra ở bàn tay, kéo dài hơn 1 tuần.
- Xuất hiện những hạt cứng dưới da, kích thước khoảng 5- 15 mm, không đau, cố định, vị trí thường ở khuỷu tay, cổ tay, đầu gối.
- Da xanh, thiếu máu
- Sốt, cơ thể mệt mỏi
Vì những triệu chứng lâm sàng cũng như những dấu hiệu viêm khớp khá dễ nhầm lẫn với những tình trạng bệnh lý khác nên khi bệnh nhân có những dấu hiệu nghi ngờ thì cần được thực hiện các xét nghiệm viêm khớp bao gồm rất nhiều loại để chẩn đoán được chính xác nhất có thể. Bên cạnh việc củng cố chẩn đoán bệnh viêm khớp, xét nghiệm chẩn đoán bệnh khớp còn góp phần đánh giá được mức độ cũng như diễn tiến của bệnh lý này.
2. Các loại xét nghiệm chẩn đoán bệnh khớp
Các loại xét nghiệm chẩn đoán bệnh khớp bao gồm 2 loại chính là xét nghiệm cơ bản và xét nghiệm đặc hiệu:
2.1 Xét nghiệm cơ bản
Một số xét nghiệm cơ bản nhằm kiểm tra tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể và có thể góp phần vào việc chẩn đoán phân biệt giữa viêm khớp dạng thấp và một số bệnh lý khác như sau:
- Xét nghiệm công thức máu: là xét nghiệm giúp kiểm tra số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu để đánh giá tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể cũng như tổng trạng sức khỏe của người bệnh. Khi cơ thể xảy ra viêm nhiễm thì thường số lượng hồng cầu sẽ giảm, thay vào đó bạch cầu và tiểu cầu sẽ tăng lên.
- Xét nghiệm hóa sinh: là loại xét nghiệm cơ bản giúp đánh giá được qua trình trao đổi chất diễn ra trong cơ thể có những vấn đề bất thường hay không như nồng độ chất điện giải, muối ion hóa như Natri, Kali, Clorua... Một số chỉ số hóa sinh còn giúp khảo sát tình trạng bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, đánh giá được chức năng thận, gan...
- Xét nghiệm tốc độ lắng máu ESR: là xét nghiệm kiểm tra tốc độ lắng của tế bào hồng cầu trong máu giúp đánh giá được viêm nhiễm diễn ra trong cơ thể. Ở trạng thái bình thường thì nam giới có tốc độ lắng máu là 1- 13 mm/hr và nữ là 1- 20 mm/hr nhưng khi bị viêm khớp dạng thấp thì chỉ số ESR tăng cao hơn mức này và dưới 100 mm/hr, nếu quá 100 mm/hr thì có thể là một tình trạng viêm nhiễm khác hoặc có thể là ung thư hay chấn thương. Đây là phương pháp khá nhanh và hiệu quả trong việc đánh giá tình trạng viêm nhiễm của cơ thể, tuy nhiên vẫn có hạn chế về mặt không thể tìm ra nguyên nhân viêm nhiễm.
- Xét nghiệm CRP: là phương pháp cho phép đo lượng protein phản ứng C có trong máu, cũng là một phương pháp để khảo sát hiện tượng viêm nhiễm, đặc biệt là viêm nhiễm cấp tính. Cụ thể là chỉ số CRP của một bệnh nhân có tình trạng viêm nhiễm sẽ tăng lên trong 6 giờ đầu. Ngoài ra, chỉ số CRP cũng độc lập với giá trị của Globulin và Hematocrit nên đối với những bệnh nhân có bất thường về 2 chỉ số này thì xét nghiệm CRP là một lựa chọn hiệu quả để đánh giá tình trạng viêm cấp tính.
- Xét nghiệm kháng thể kháng nhân ANA: đây là loại xét nghiệm giúp phân biệt được viêm khớp dạng thấp với những bệnh xương khớp khác và bệnh Lupus ban đỏ. Cách tiến hành xét nghiệm được thực hiện thông qua quan sát mẫu huyết thanh của bệnh nhân dưới kính hiển vi chuyên dụng. Theo một số thống kê cho thấy tỷ lệ ANA dương tính bị viêm khớp dạng thấp là 50% và với bệnh Lupus ban đỏ là 95%.
- Xét nghiệm Anti DNA và Anti Smith: là xét nghiệm góp phần củng cố thêm chẩn đoán cũng như phân biệt viêm khớp dạng thấp với bệnh Lupus ban đỏ. Nếu ANA dương tính và xét nghiệm có sự xuất hiện của Anti DNA và Anti Smith thì có thể kết luận bệnh nhân bị Lupus ban đỏ và loại trừ chẩn đoán viêm khớp dạng thấp trong trường hợp này.
- Xét nghiệm kiểm tra tình trạng phổi và thận: đánh giá chức năng phổi và thận có thể giúp khảo sát được mức độ nặng nhẹ của bệnh viêm khớp dạng thấp vì hội chứng viêm khớp có gây ảnh hưởng đến 2 cơ quan này. Có khoảng 20% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp sẽ bị viêm phổi mãn tính. Và khi điều trị hội chứng viêm khớp không đúng cách thì thường sẽ có những dấu hiệu tổn thương thận nên xét nghiệm này rất quan trọng trong việc đánh giá điều trị.
- Đo điện tâm đồ: đây là kỹ thuật giúp khảo sát mức độ biến chứng về tim mạch của bệnh viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, nếu có thực hiện phẫu thuật trong viêm khớp dạng thấp thì việc đo điện tâm đồ cũng giúp đánh giá tình trạng bệnh nhân trước mổ để tiến hành phẫu thuật .
2.2 Xét nghiệm đặc hiệu
Các xét nghiệm viêm khớp đặc hiệu có giá trị cao trong việc chẩn đoán bao gồm:
- Yếu tố RF trong huyết thanh: giá trị định tính và định lượng của yếu tố RF có giá trị rất cao trong việc chẩn đoán hội chứng viêm khớp và đặc biệt là bệnh lý viêm khớp dạng thấp. RF là một loại kháng thể được sinh ra bởi hệ miễn dịch của con người. Xét nghiệm viêm khớp RF thường cho giá trị cao khi bệnh nhân bị rối loạn hệ thống nói trên, gây ra tình trạng viêm nhiễm cho cơ thể. Nếu chỉ số RF tăng cao thì bệnh nhân đang mắc phải hội chứng viêm khớp hoặc hội chứng Sjogren. Vẫn có trường hợp RF âm tính nhưng bệnh nhân đang mắc phải viêm khớp dạng thấp là âm tính giả, hoặc RF dương tính với những bệnh nhân khỏe mạnh hoặc bị những bệnh lý khác gọi là dương tính giả. Vì những lý do trên là yếu tố dạng thấp RF không thực sự đặc hiệu và không phải là tiêu chuẩn vàng để kết luận bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp.
- Xét nghiệm Anti CCP: anti CCP là một yếu tố dạng thấp cũng được tạo ra bởi hệ miễn dịch và khi hệ miễn dịch bị rối loạn thì Anti CCP cũng tăng rất cao như yếu tố RF. Tuy nhiên, Anti CCP có nhiều ưu điểm hơn RF như độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn. Xét nghiệm Anti CCP thường được thực hiện cùng lúc với xét nghiệm viêm khớp RF và phải có những dấu hiệu lâm sàng kèm theo để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp.
- Chụp X quang và những kỹ thuật khác: hình ảnh chụp X quang cho kết quả có tổn thương ở khớp nào hay không, xương khớp có bị mòn không, có di lệch hay không. Thường thì sẽ có chỉ định chụp X quang tại 2 bàn chân, 2 bàn tay vì ở vị trí này thường xuất hiện viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, một số kỹ thuật khác như chụp cộng hưởng từ MRI, quét siêu âm cũng giúp các bác sĩ chẩn đoán và theo dõi tình trạng sức khỏe, những tổn thương phần mềm trên cơ thể bệnh nhân một cách tốt nhất.
Có rất nhiều loại xét nghiệm chẩn đoán bệnh khớp mà những bệnh nhân khi có triệu chứng nghi ngờ cần thực hiện đầy đủ để chẩn đoán bệnh cũng như đánh giá mức độ tiến triển của bệnh. Trong các loại xét nghiệm chẩn đoán bệnh khớp thì có một số xét nghiệm đặc hiệu mà bệnh nhân chắc chắn phải thực hiện để chẩn đoán xác định bệnh.
XEM THÊM