Thiếu canxi là một trong những nguyên nhân của loãng xương - bệnh lý phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người mỗi năm. Canxi không chỉ quan trọng đối với sức khỏe xương mà còn là thành phần cần thiết để duy trì sự cân bằng và độ chắc khỏe của hệ thống xương khớp. Hãy cùng bài viết tìm hiểu nguyên nhân và phân tích sâu hơn các yếu tố liên quan như chế độ ăn uống, lối sống cũng như các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Vai trò của canxi với cơ thể và cơ xương khớp
Canxi là khoáng chất dồi dào nhất trong cơ thể con người, với 98-99% lượng canxi tập trung chủ yếu ở xương và răng. Phần còn lại, chỉ chiếm khoảng 1%, nằm trong máu và các tế bào nhưng lại rất quan trọng cho việc duy trì các chức năng cơ thể. Điều này giải thích tại sao việc đo nồng độ canxi trong máu không thể cho biết chính xác canxi có đang được nạp đủ vào cơ thể hay không hoặc liệu cơ thể có cần bổ sung thêm canxi hay không.
Không những vậy, canxi là một thành phần rất quan trọng trong cấu trúc xương, giúp xương phát triển, cải thiện chiều cao và tầm vóc của trẻ em trong giai đoạn dậy thì, đồng thời giữ cho xương luôn chắc khỏe. Canxi còn thiết yếu cho cơ bắp, khi thiếu canxi, cơ bắp không thể co lại bình thường. Do đó, có thể nói canxi là yếu tố thiết yếu để duy trì và hỗ trợ hệ cơ quan vận động, giữ cho tim đập nhịp nhàng, giúp máu đông lại, và tham gia vào nhiều hoạt động chuyển hóa trong cơ thể.
Khi cơ thể thải quá nhiều canxi qua thận, nếu không vận động đủ và uống ít nước, nguy cơ bị sỏi thận hoặc sỏi bàng quang sẽ tăng cao.

2. Triệu chứng khi thiếu canxi
Thiếu canxi là tình trạng cơ thể không đủ canxi. Ban đầu, tình trạng này có thể không biểu hiện rõ ràng nhưng nếu không được cải thiện sẽ trở nên nghiêm trọng theo thời gian. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp của thiếu canxi:
- Mất trí nhớ hoặc cảm thấy bối rối.
- Co cứng cơ bắp.
- Cảm giác tê bì và ngứa ở tay, chân và khuôn mặt.
- Cảm thấy chán nản.
- Trải nghiệm ảo giác.
- Chuột rút.
- Móng tay trở nên yếu và dễ gãy.
- Xương dễ gãy.
Một số biểu hiện khác của thiếu canxi bao gồm móng tay yếu, tóc mọc chậm và làn da trở nên mỏng manh hơn. Điều này cho thấy canxi không chỉ quan trọng cho xương và răng mà còn cần thiết cho sự ổn định của nhiều bộ phận khác trong cơ thể, bao gồm cả hoạt động của hệ thần kinh cũng như co thắt cơ bắp.
3. Thiếu canxi gây ra những bệnh và biến chứng gì?
3.1 Thiếu canxi gây loãng xương
Loãng xương do thiếu canxi là một căn bệnh âm thầm vì có thể làm yếu xương một cách lặng lẽ, dẫn đến tổn thương cấu trúc xương, khiến xương trở nên giòn, dễ gãy. Khoảng 60% trường hợp xẹp đốt sống do loãng xương không có triệu chứng rõ ràng. Khi triệu chứng xuất hiện, người bệnh có thể trải qua đau lưng, giảm chiều cao, cột sống bị cong (hay còn gọi là còng lưng) và dễ bị gãy xương ngay cả khi chỉ gặp chấn thương nhẹ.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc loãng xương do thiếu canxi trong cộng đồng rất cao, đặc biệt là ở phụ nữ. Cụ thể, một trong ba phụ nữ trên 50 tuổi sẽ mắc loãng xương, trong khi tỷ lệ này ở nam giới chỉ là 1 trên 10.
3.2 Những biến chứng khác do thiếu canxi
Thiếu canxi cũng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương thị lực, rối loạn nhịp tim và loãng xương. Trong đó, các biến chứng của bệnh loãng xương có thể nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, bao gồm:
- Loãng xương gây khuyết tật.
- Loãng xương dẫn đến gãy cột sống hoặc gãy xương khác.
- Loãng xương khiến đi lại khó khăn.
Đôi khi, tình trạng thiếu canxi nghiêm trọng không chỉ gây loãng xương mà có thể dẫn đến tử vong. Những biến chứng này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì mức canxi đầy đủ trong cơ thể để tránh các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
4. Vì sao cơ thể bị thiếu canxi?
Thiếu canxi trong cơ thể có thể phát sinh từ hai nguyên nhân chính. Một là do suy dinh dưỡng - khi khẩu phần ăn hàng ngày không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết hoặc thiếu vitamin D, làm giảm khả năng hấp thu canxi của cơ thể. Nguyên nhân thứ hai là do các rối loạn chuyển hóa canxi do các vấn đề nội tiết, quá trình lão hóa hoặc do lối sống ít vận động. Trong trường hợp này, dù khẩu phần ăn có đủ canxi, cơ thể vẫn không thể hấp thu hiệu quả do các vấn đề chuyển hóa.
4.1 Thiếu canxi do bữa ăn/dinh dưỡng không đảm bảo
Ở Mỹ, khuyến nghị lượng canxi cần bổ sung hàng ngày là 1.200 mg cho người trưởng thành và 1.500 mg cho người cao tuổi (đây là lượng canxi nguyên tố, chứ không phải là liều lượng viên thuốc). Tuy nhiên, theo khảo sát sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia, có hơn 80% người cao tuổi và khoảng 43% dân số nước này thiếu canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đặc biệt, khoảng 70% phụ nữ Mỹ lớn tuổi đã chọn sử dụng các sản phẩm bổ sung canxi. Trong khi đó, ở Đông Á và một số quốc gia Trung Mỹ, lượng canxi tiêu thụ thường chỉ bằng 1/5 đến 1/3 so với mức tiêu thụ ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ.
Việt Nam cũng được xếp vào nhóm các quốc gia có khẩu phần ăn thiếu canxi theo thông tin từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Người Việt Nam hiện nay có mức tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa khá thấp, lượng canxi hấp thu chỉ đạt khoảng 50-60% so với lượng khuyến cáo. Điều này có nghĩa là mỗi người chỉ tiêu thụ khoảng 400-600 mg canxi mỗi ngày. Do đó, để ngăn ngừa loãng xương, cần phải bổ sung thêm khoảng 500-600 mg canxi từ các nguồn khác để đáp ứng đủ nhu cầu canxi hàng ngày, đảm bảo sức khỏe xương và các chức năng khác của cơ thể.
4.2 Thiếu canxi do bữa ăn/dinh dưỡng không đảm bảo
Bổ sung canxi nắm giữ vai trò quan trọng trong điều trị loãng xương và đối với những nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ tiền mãn kinh và người cao tuổi, đặc biệt ở những nước có khẩu phần ăn thiếu canxi như Việt Nam.
Canxi có thể được hấp thụ qua chế độ ăn hàng ngày từ các nguồn thực phẩm dồi dào như:
- Hải sản: Tôm, cua, sò, cá là các nguồn cung cấp canxi tuyệt vời.
- Rau màu xanh đậm: Các loại rau như rau diếp, bắp cải, cải xoăn và cần tây không chỉ giàu canxi mà còn chứa vitamin K, giúp tăng cường khả năng hấp thụ canxi và tích tụ vào xương hạn chế tình trạng loãng xương.
- Sản phẩm từ sữa: Sữa và các chế phẩm của sữa như sữa chua, phô mai cũng là nguồn canxi dồi dào và dễ hấp thu.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy hiệu quả của việc bổ sung canxi khác nhau ở các khu vực trên thế giới, tùy thuộc vào lượng canxi trong chế độ ăn uống của mỗi người. Nói cách khác, những người sống ở nơi có chế độ ăn thiếu canxi sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ việc bổ sung canxi. Điều này đặc biệt quan trọng ở các nước châu Á - nơi tỷ lệ gãy xương hông đang gia tăng nhanh chóng do dân số già hóa. Dự đoán đến năm 2050, hơn một nửa số ca gãy xương hông trên toàn cầu sẽ xảy ra ở châu Á.
Do đó, duy trì một chế độ ăn giàu canxi là cần thiết để phòng ngừa các bệnh liên quan đến xương khớp. Nếu chế độ ăn không cung cấp đủ canxi, cần phải xem xét việc bổ sung canxi hàng ngày. Thiếu canxi không chỉ góp phần vào sự phát triển của các bệnh về xương như loãng xương mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã áp dụng thành công phương pháp điều trị các bệnh cơ xương khớp bằng công nghệ PRP (Huyết tương giàu tiểu cầu), mang lại kết quả điều trị hiệu quả, an toàn và giảm thiểu nguy cơ tái phát cho bệnh nhân. Vinmec còn là một cơ sở y tế hàng đầu trong lĩnh vực điều trị các bệnh lý cơ xương khớp như loãng xương, viêm khớp, thoái hóa, thoát vị đĩa đệm và đau nhức xương khớp, sử dụng các phương pháp y học hiện đại để đem lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.