Lưu ý khi dùng thuốc điều trị thoái hóa khớp

Thoái hóa là bệnh lý xương khớp phổ biến nhất, thường khởi phát trong giai đoạn 40-50 tuổi và gần như xảy ra ở toàn bộ người từ 80 tuổi trở lên. Việc sử dụng các loại thuốc điều trị thoái hóa khớp đúng thời điểm sẽ giúp ngăn ngừa tiến triển của bệnh 1 cách hiệu quả.

1. Tổng quan về bệnh thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là bệnh lý gây tổn thương sụn khớp, kết hợp với phản ứng viêm và giảm số lượng dịch khớp do quá trình tái tạo không đủ bù đắp phần sụn khớp bị hao mòn. Dần dần, lớp sụn bao phủ trên bề mặt xương bị mỏng và hư tổn, từ đó dẫn đến các triệu chứng như đau nhức, hạn chế vận động và nghiêm trọng nhất là nguy cơ tàn phế.

Sự mất cân bằng trong cơ chế bệnh thoái hóa khớp bắt nguồn từ rất nhiều yếu tố khác nhau như: Gen di truyền, các tổn thương khớp hoặc quá trình lão hóa.

Về mặt triệu chứng, thoái hóa khớp thường diễn tiến từ từ, khởi đầu ở 1 hoặc vài khớp. Trong đó đau là dấu hiệu sớm nhất của thoái hoá khớp, đôi khi bệnh nhân miêu tả cơn đau sâu bên trong khớp. Tình trạng đau khớp tăng lên khi bệnh nhân ở trong những tư thế chịu lực nặng và giảm khi nghỉ ngơi, giai đoạn cuối cùng là đau liên tục bất kể tư thế.

Triệu chứng thoái hóa khớp phổ biến tiếp theo là tình trạng cứng khớp sau ngủ dậy hoặc sau khi không hoạt động, thời gian kéo dài dưới 30 phút. Tình trạng cứng khớp sẽ giảm đi khi bệnh nhân bắt đầu vận động khớp. Khi bệnh tiến triển, vận động khớp sẽ hạn chế dần, kèm theo đau răng và có dấu hiệu lục khục/ lạo xạo khớp. Sự tăng sinh của sụn, xương, dây chằng, gân, bao khớp và màng hoạt dịch, kết hợp tình trạng tràn dịch khớp sẽ dẫn đến triệu chứng sưng khớp.

Triệu chứng đau khi sờ nắn và đau sau những vận động thụ động là những triệu chứng tương đối muộn của thoái hóa khớp.

Các khớp thường bị thoái hóa nhiều nhất bao gồm:

  • Khớp liên đốt xa, liên đốt gần bàn tay;
  • Đĩa đệm và khớp liên mấu (trong thoái hóa cột sống cổ và thắt lưng);
  • Khớp bàn ngón chân 1 bàn chân;
  • Thoái hóa khớp háng;
  • Thoái hóa khớp gối.

2. Điều trị thoái hóa khớp và những lưu ý khi sử dụng thuốc

Hiện này, không có thuốc điều trị thoái hóa khớp khỏi hoàn toàn, đa phần chỉ hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng, đồng thời có biện pháp làm chậm quá trình thoái hóa, phục hồi chức năng khớp và hạn chế các tác động cơ học quá mức lên khớp của người bệnh. Mục tiêu điều trị thoái hóa khớp bao gồm:

  • Duy trì hoặc nếu có thể thì phục hồi chức năng của khớp;
  • Hạn chế tối đa biến chứng tàn phế;
  • Hạn chế tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị thoái hóa khớp.

2.1. Thuốc chống viêm, giảm đau điều trị thoái hóa khớp

Liệu pháp sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau bao gồm các thuốc chống viêm không steroid (NSAID), các thuốc giảm đau thông thường và Corticosteroid.

Biện pháp sử dụng các loại thuốc thuốc điều trị thoái hóa khớp có tác dụng chống viêm, giảm đau thường mang lại hiệu quả nhanh chóng (đặc biệt là các NSAID). Tuy nhiên các loại thuốc này thường gây tác dụng toàn thân hoặc nguy cơ gây ra nhiều biến chứng như viêm loét dạ dày-tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, tổn thương gan, thận... Thậm chí biến chứng nặng gây tử vong. Corticosteroid là thuốc điều trị thoái hóa khớp, đặc biệt là khớp gối, có tác dụng giảm nhanh triệu chứng nhưng việc dùng kéo dài có thể làm sụn khớp thoái hóa nhanh hơn hoặc gây biến chứng tại chỗ như phản ứng viêm khớp do tinh thể thuốc hoặc nhiễm trùng khớp.

Nhìn chung, các loại thuốc điều trị thoái hóa khớp nêu trên chỉ giảm nhẹ các triệu chứng chứ không thể làm ngừng quá trình thoái hóa, nguy hiểm nhất là gây ra nhiều tác dụng phụ.

2.2. Thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm

Nhóm thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm (gọi tắt là SySADOA-Symptom Slow Acting Drugs for Osteoarthritis) thường yêu cầu bệnh nhân sử dụng ít nhất 1 tháng và phải duy trì khoảng 2-3 tháng mới mang lại hiệu quả. Đặc biệt thời gian sử dụng các thuốc chống thoái hóa nên kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm nếu bệnh nhân muốn bảo tồn sụn khớp tốt hơn.

Một số thuốc điều trị thoái hóa khớp tốt nhất và được sử dụng phổ biến bao gồm:

  • Glucosamin sulfat: Liều khuyến cáo 1-1.5g/ ngày;
  • Chondroitin sulfat: Viên nang hàm lượng 450mg hoặc gói hàm lượng 250mg, liều khuyến cáo là 1g/ ngày;
  • Thuốc ức chế enzyme tiêu sụn như Metalloprotease. Jex Max Peptan: Khuyến cáo 2 viên/ngày, trong 3-6 tháng.

2.3. Tiêm Acid Hyaluronic nội khớp

Tiêm Acid Hyaluronic (hay được biết đến với tên gọi tiêm dịch nhờn) vào khớp được đánh giá là một cách điều trị thoái hóa khớp khá hiệu quả. Acid Hyaluronic hoặc dẫn xuất của nó đã được ứng dụng khá rộng rãi vì an toàn, ít gây tác dụng phụ và mang lại hiệu quả lâu dài.

Ở điều kiện bình thường, khớp gối có chứa khoảng 2ml dịch khớp, trong đó Acid hyaluronic là một thành phần quan trọng với hàm lượng từ 2.5-4.0mg/ ml. Acid Hyaluronic có tác dụng bôi trơn mô mềm, phủ trên bề mặt của sụn khớp và được tế bào sụn tổng hợp. Acid hyaluronic có chức năng giảm xóc và bảo vệ khớp, tăng độ đàn hồi khi gặp lực tác động lớn còn với lực tác động nhẹ thì đóng vai trò như dầu bôi trơn.

Phương pháp tiêm dịch nhờn nội khớp sẽ giúp cho khớp bị thoái hóa tăng tính đàn hồi, đồng thời hoạt động trơn tru hơn mà lại ít có tác dụng phụ.

2.4. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân

Huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP) là chế phẩm huyết tương có nồng độ tiểu cầu cao gấp nhiều lần so với huyết tương bình thường. Sản phẩm này được tách chiết từ máu của chính bệnh nhân. Khớp bị thoái hóa cần một lượng lớn tiểu cầu trong liệu pháp PRP vì khi tế báo máu này được hoạt hóa sẽ dẫn đến ly giải các hạt alpha bên trong, từ đó giải phóng nhiều loại protein (các cytokine chống viêm và nhiều yếu tố tăng trưởng Growth factor) đóng vai trò quan trọng đối với quá trình lành vết thương.

Các protein trên sẽ gắn kết vào các thụ thể đích tương ứng như tế bào nguồn gốc trung mô, nguyên bào xương, nguyên bào sợi, tế bào biểu mô, tế bào nội mô... Sự kết hợp này sẽ hoạt hóa một loại protein dẫn truyền tín hiệu nội bào để truyền thông tin đến gen đặc hiệu tương ứng, kết quả là kích thích quá trình tăng sinh tế bào, hình thành chất căn bản và các sản phẩm dạng xương, sụn, collagen... để tham gia vào quá trình sửa chữa, tái tạo tổ chức tổn thương sụn, xương và mô mềm...

2.5. Điều trị thoái hóa khớp bằng cấy ghép tế bào gốc

Tế bào gốc được chiết tách từ chính mô mỡ của người bệnh, sau đó được bơm vào khoang khớp. Đây kà phương pháp điều trị mới, vừa hiệu quả vừa an toàn. Các tế bào gốc khi tiêm vào khớp sẽ biệt hóa thành tế bào sụn, qua đó hỗ trợ phục hồi lại phần sụn khớp đã bị tổn thương.

2.6. Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật thoái hóa khớp được chỉ định khi các biện pháp dùng thuốc không còn tác dụng, kết hợp việc bệnh nhân hạn chế vận động nặng, hẹp khe khớp nặng, khớp bị biến dạng gây ra tàn phế (trung bình và nặng). Tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn các biện pháp ngoại khoa khác nhau như nội soi khớp, đục xương chỉnh trục hoặc thay một phần hoặc toàn bộ khớp.

2.7. Sử dụng thảo dược tự nhiên chữa thoái hóa khớp

Ngoài việc sử dụng thuốc thì giải pháp từ thảo dược như: Hy thiêm, nhũ hương, sói rừng... hoặc các thành phần từ tự nhiên như boron, MSM, L-carnitine... cũng hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp và chống oxy hóa hiệu quả.

Ưu điểm của phương pháp sử dụng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có bổ sung vi chất và chiết xuất hoàn toàn từ thảo dược thiên nhiên (Sói rừng, Nhũ hương, Hy thiêm chữa thoái hóa khớp...) là vừa giúp giảm nhẹ bệnh, an toàn, ít tác dụng phụ, chi phí thấp vừa hỗ trợ điều trị từ căn nguyên gốc rễ gây bệnh. Từ đó giúp điều hòa miễn dịch, giảm đau, kháng viêm, giảm nhanh các triệu chứng sưng đau và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.

Nhìn chung, việc sử dụng thuốc thoái hóa khớp sớm thì càng nâng cao hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì người bệnh cần trực tiếp đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc vì có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

148 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan