Thoái hóa khớp háng: Tiến triển chậm, biến chứng nặng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thoái hóa khớp nói chung và thoái hóa khớp háng nói riêng đa phân gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là ở người cao tuổi. Thoái hóa khớp háng gây ra biến đổi cấu trúc của khớp, diễn biến bệnh âm thầm nhưng hậu quả để lại không hề nhỏ nếu không phát hiện sớm có thể gây hư khớp dẫn đến tàn phế.

1. Thoái hóa khớp háng

Hệ thống xương của khớp háng gồm chỏm xương đùi hình cầu và ổ chảo của xương chậu, bình thường bề mặt khớp háng được bao phủ bởi sụn khớp có cấu trúc trơn láng và đàn hồi, có tác dụng làm mặt phẳng đệm cho phép hai đầu xương trượt lên nhau và di chuyển dễ dàng. Bề mặt của khớp được bao phủ bởi một lớp màng mỏng gọi là màng hoạt dịch, khi khớp háng hoạt động bình thường lớp màng dịch này sẽ sản xuất ra một lượng nhỏ chất lỏng để cung cấp dinh dưỡng và làm bôi trơn sụn, hỗ trợ việc di chuyển.

Song song với đó, phần xương dưới sụn khỏe mạnh cũng sẽ bổ sung thêm dinh dưỡng cho sụn khớp và hỗ trợ sụn trong việc giảm áp lực giúp khớp háng vận động dễ dàng.

Khớp háng là khớp chịu tác động trọng lực rất lớn khi cơ thể di chuyển hay đứng nên qua thời gian quá trình lão hóa tự nhiên và các tác động cơ học hay các bệnh lý toàn thân làm cho sụn khớp, xương dưới sụn bị tổn thương, dẫn đến thoái hóa khớp háng. Nếu phát hiện sớm có thể điều trị làm chậm quá trình tiến triển, giảm nguy cơ biến chứng nặng.

2. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp háng

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thường do nguyên phát, chiếm tỷ lệ cao chủ yếu gặp ở người cao tuổi. Các nguyên nhân thứ phát gây thoái hóa khớp háng bao gồm:

● Tiền sử viêm khớp háng

Chấn thương khớp háng, gãy cổ xương đùi, trật khớp háng do lao động, chơi thể thao...

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi

● Do bẩm sinh cấu trúc khớp háng bất thường: Lồi ổ cối, chân cao chân thấp... sẽ tạo áp lực, chèn ép lên khớp háng là nguy cơ tăng thoái hóa khớp háng. Tuy nhiên trường hợp này ít gặp.

● Do biến chứng của các bệnh toàn thân như: Đái tháo đường, gout...

● Chế độ ăn thiếu khoa học thiếu chất dinh dưỡng, hút thuốc lá, uống rượu bia...

● Tình trạng thừa cân béo phì làm tăng áp lực lên khớp háng, tăng nguy cơ thoái hóa khớp háng.

Thoái hóa khớp háng
Tình trạng thừa cân béo phì làm tăng áp lực lên khớp háng, tăng nguy cơ thoái hóa khớp háng.

3. Triệu chứng

Đau là triệu thường gặp nhất: Đau vùng bẹn lan xuống đùi, đau tăng lên khi vận động, đứng lâu, khi thay đổi thời tiết và giảm khi nghỉ ngơi

● Thường kèm theo mỏi và cảm giác tê cứng khi vận động hay co duỗi khớp háng.

● Giảm tầm vận động khớp háng, gây hạn chế các động tác như ngồi xổm, lên cầu thang...

● Ở giai đoạn sau những cơn đau xuất hiện nhiều hơn, vào buổi sáng và chiều tối đau ngay cả khi nghỉ ngơi. Tầm vận động của khớp háng giảm nhiều, các cơ quanh khớp háng teo nhỏ làm mất các vận động xoay người, gập người hoặc dạng háng.

4. Tiến triển của bệnh thoái hóa khớp háng

Thông thường bệnh thoái hóa khớp háng diễn biến chậm, kéo dài nhiều năm, có thể nhanh hơn nếu thường xuyên mang vác nặng, hút thuốc, uống rượu bia...

● Nếu phát hiện sớm điều trị đúng sẽ làm chậm tiến triển của thoái hóa khớp háng, giảm triệu chứng, không gây hạn chế tầm vận động khớp.

● Nếu phát hiện muộn hay không điều trị đúng gây ra các biến chứng nặng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, không thể tự chăm sóc bản thân.

Do các triệu chứng của thoái hóa khớp háng ở giai đoạn sớm có thể dễ nhầm với các bệnh lý khác và đau có thể không thường xuyên nên người bệnh thường chủ quan bỏ qua các dấu hiệu này, đến khi xuất hiện biến chứng mới đi khám, khi đó việc điều trị nội khoa mang lại hiệu quả thấp, nếu thoái hóa khớp háng nặng có thể phải điều trị bằng phương pháp ngoại khoa phẫu thuật thay khớp háng.

5. Biến chứng

Thoái hóa khớp háng: Tiến triển chậm, biến chứng nặng
Đau nhiều làm giảm năng suất làm việc ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống và công việc của người bệnh

Thường xuyên gây ra các cơn đau khớp ảnh hưởng tới giấc ngủ gây rối loạn giấc ngủ, lo âu, có thể dẫn đến trầm cảm.

● Đau nhiều làm giảm năng suất làm việc ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống và công việc của người bệnh.

● Gây teo cơ vùng cạnh khớp háng, hạn chế vận động, thậm chí mất khả năng xoay người, gập người hay dạng háng.

● Biến dạng khớp người bệnh không thể đi lại được, tàn phế gây ra gánh nặng cho người thân.

● Tăng cân khi không vận động cơ thể không được tiêu hao năng lượng dư thừa, dẫn đến tích trữ năng lượng dư thừa gây thừa cân, béo phì tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp...

Thoái hóa khớp háng là bệnh diễn biến âm thầm, kéo dài nhiều năm có thể gây ra nhiều biến chứng nặng ảnh hưởng rất lớn tới đời sống sinh hoạt của người bệnh. Nên ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh thoái hóa khớp háng nên đến các cơ sở y tế thăm khám để được điều trị giúp làm chậm tiến triển của bệnh, giảm đau và giảm nguy cơ tàn phế. Thoái hóa khớp háng ở giai đoạn sớm, mức độ nhẹ có thể điều trị bằng phương pháp nội khoa, còn với những trường hợp thoái hóa nặng, gây đau nhiều và hạn chế vận động cần phải tiến hành phẫu thuật thay khớp háng toàn phần.

Người bệnh nên đi khám khi có các triệu chứng đã nêu trong bài để Bác sĩ có thể xác định được chính xác nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại của bệnh nhân. Đội ngũ nhân viên Y tế có chuyên môn cao, kinh nghiệm lâu năm trong việc khám và điều trị bệnh lý này. Đồng thời Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được trang bị nhiều trang thiết bị mới, hiện đại giúp hỗ trợ trong việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan