Các tác dụng phụ thuốc giãn phế quản

Các loại thuốc giãn phế quản là loại thuốc rất cần thiết để dùng điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh có sự co thắt phế quản như hen suyễn hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Tuy nhiên, khi dùng thuốc này cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và ảnh hưởng tới nhiều bệnh lý khác. Vậy các tác dụng phụ thuốc giãn phế quản bao gồm những gì?

1. Thuốc giãn phế quản có tác dụng gì?

Thuốc giãn phế quản là loại thuốc có tác dụng tăng kích thước lòng phế quản, giãn cơ trơn phế quản. Được sử dụng trong các bệnh lý có sự co thắt phế quản. Các loại thuốc giãn phế quản cần thiết được dùng để điều trị cho bệnh nhân mắc rối loạn hô hấp đó là là hen suyễn (hen phế quản) và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Trong bệnh hen suyễn, sự thu hẹp đường hô hấp là do quá trình viêm ở phế quản do phản ứng quá mức với tác nhân kích thích gây nên sự co thắt phế quản. Bệnh COPD có sự tắc nghẽn sự thông khí hay giới hạn lưu lượng không khí ở hệ hô hấp, trong giai đoạn nặng của COPD, lòng phế quản bị chít hẹp rất nhiều, niêm mạc phế quản bị viêm dẫn đến sự tắc nghẽn ngày càng tăng làm bệnh nhân rất khó thở. Cả hai rối loạn hô hấp kể trên đều liên quan đến hiện tượng viêm và có sự co thắt phế quản.

Do đó, một trong những thuốc cơ bản dùng để điều trị hai tình trạng này là thuốc giãn phế quản, để giúp làm giảm sự co thắt và hẹp phế quản. Tuy nhiên, khi dùng thuốc giãn phế quản kiểm soát đặc biệt, vì nó có thể gây ra những tác dụng phụ.

Ngoài ra, một nhầm tưởng cần lưu ý đó là các thuốc giãn phế quản không phải thuốc điều trị khó thở. Nó chỉ giảm khó thở trong trường hợp có sự co thắt phế quản, còn nhiều nguyên nhân khó thở khác hay gặp nhất như suy tim, nếu dùng thuốc giãn phế quản còn làm cho tình trạng suy tim nặng hơn.

2. Các loại thuốc giãn phế quản

Các loại thuốc giãn phế quản có thể làm giãn phế quản theo cơ chế khác nhau. Do đó mà người ta chia các thuốc giãn phế quản 3 nhóm khác nhau, gồm:

  • Nhóm thuốc đồng vận beta-2

Thuốc chủ vận beta 2 là thuốc có vai trò kích thích receptor beta của hệ adrenergic trong đường thở. Thuốc này giúp làm giãn phế quản, từ đó giúp các cơ trơn xung quanh đường thở giãn ra, từ đó tăng luồng không khí ra vào phổi để hạn chế và cải thiện khó thở.

Thuốc động vận beta 2 được chia thành hai nhóm đó là thuốc có tác dụng ngắn và nhóm thuốc có tác dụng kéo dài. Các thuốc nhóm đồng vận beta-2 tác dụng ngắn hay dùng như fenoterol, salbutamol, terbutaline, có thể làm giảm triệu chứng bệnh nhanh chóng, nhưng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn. Ngoài đường uống thì loại này có thể dùng dạng hít có hiệu quả cao đối với trường hợp triệu chứng bệnh đến nhanh và nặng. Nhóm đồng vận beta-2 có tác dụng kéo dài như salmeterol, bambuterol, formoterol. Sau khi uống thường mất hơn 1 giờ mới phát huy tác dụng, nhưng hiệu quả của thuốc kéo dài lên đến hơn 12 giờ. Do đó, thuốc này có thể được sử dụng hằng ngày với mục đích để ngăn chặn các cơn co thắt phế quản và nhóm này không khuyến cáo sử dụng cho trường hợp khẩn cấp.

  • Nhóm kháng cholinergic

Nhóm thuốc kháng cholinergic còn được gọi là antimuscarinics. Thuốc kháng cholinergic có khả năng ngăn chặn hoạt động của acetylcholine. Acetylcholine là chất dẫn truyền thần kinh ở cả hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên. Chất này khiến cho phế quản bị co thắt, do đó việc dùng thuốc kháng cholinergic sẽ làm ức chế sự hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine, từ đó khiến cho đường thở của bệnh không bị co thắt mà được giãn ra.

  • Nhóm thuốc dẫn xuất xanthine

Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa biết được cách thức hoạt động chính xác của chất dẫn xuất xanthine khi đưa chúng vào cơ thể. Nhưng khi dùng thuốc cũng có khả năng làm thông thoáng đường thở của người mắc bệnh. Thuốc dẫn xuất xanthine thường được dùng nhất đó là theophylline. Theophylline là thuốc giãn phế quản và nó có tác dụng kéo dài, sử dụng đường uống ở dạng viên nén hoặc dạng viên nang, hoặc đường tiêm bằng cách tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch đối với những trường hợp bệnh có triệu chứng nặng, cần có tác dụng nhanh. Tuy nhiên, hiện nay các bác sĩ hiếm khi kê đơn theophylline cho bệnh nhân, vì nhiều người gặp phải tác dụng phụ đáng lưu ý khi sử dụng.

Các loại thuốc giãn phế quản thường được sử dụng tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Những bệnh nhân có tình trạng co thắt phế quản nặng hoặc có đáp ứng kém với các thuốc giãn phế quản thường được dùng thuốc giãn phế quản hơn với liều cao hơn, trong khi những bệnh nhân có bệnh ở mức độ nhẹ thường được dùng thuốc giãn phế quản liều thấp hơn.

Ngoài ra, việc sử dụng dạng bào chế nào còn tùy vào mức độ cấp tính của bệnh. Đối với các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh, ngắn thường được ưu tiên dùng trong các đợt cấp hoặc khi bệnh nhân có xuất hiện cơn khó thở. Các thuốc tác dụng kéo dài thường được ưu tiên dùng trong các trường hợp bệnh giai đoạn ổn định, giúp người bệnh có cảm giác thoải mái suốt cả ngày.

3. Các tác dụng phụ thuốc giãn phế quản

Thuốc giãn phế quản là loại thuốc cần thiết và rất hữu ích trong điều trị bệnh lý có sự co thắt phế quản, tuy nhiên đây cũng là một loại thuốc có thể gây ra những tác dụng không mong muốn, bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh: Đây là tác dụng phụ thường gặp nhất của các thuốc nhóm cường beta 2 của hệ adrenergic và thuốc nhóm theophylin. Tuy nhiên, tác dụng phụ xuất hiện ở nhiều mức độ khác nhau và còn tùy thuộc từng bệnh nhân, có bệnh nhân đã từng ghi nhận tác dụng mạch nhanh nhiều, thậm chí có hồi hộp, đánh trống ngực, nhưng có nhiều bệnh nhân tác dụng này chỉ thoảng qua. Vì tác dụng phụ này mà bạn cần phải hạn chế dùng thuốc cho những trường hợp có rối loạn nhịp, bệnh tim mạch, cường giáp...
  • Hạ kali máu: Tình trạng hạ kali máu có thể gặp khi dùng thuốc giãn phế quản nhóm cường beta 2 của hệ adrenergic. Nguy cơ bị hạ kali máu tăng lên và có thể nặng hơn khi bệnh nhân cần phải dùng kèm corticoid đường toàn thân để kiểm soát triệu chứng của bệnh, cần theo dõi.
  • Run tay, chân: Đây là tác dụng phụ thường thấy ở một số bệnh nhân cần phải dùng thuốc nhóm cường beta 2 adrenergic, có bệnh nhân xuất hiện run tay chân nhiều, đặc biệt là run tay nhưng cũng có nhiều bệnh nhân không thấy xuất hiện run tay. Tình trạng run tay thường sẽ hết ngay khi ngừng thuốc.
  • Ngộ độc: Đây là tình trạng dùng liều cao hơn khuyến cáo. Đây là tác dụng phụ đặc biệt nghiêm trọng, tác dụng phụ này dễ xảy ra khi dùng theophylline, bởi do liều độc và liều điều trị của theophyllin khá gần nhau. Các biểu hiện lâm sàng của ngộ độc theophyllin bao gồm: cảm giác lo lắng, vật vã, buồn nôn và nôn, hồi hộp trống ngực, nhịp tim nhanh. Bên cạnh đó, không được dùng kèm thuốc này với các thuốc kháng sinh nhóm macrolid do làm tăng nguy cơ xuất hiện tình trạng xoắn đỉnh.
  • Chuột rút: Có thể gặp tình trạng này trên những bệnh nhân dùng thuốc nhóm cường beta 2 adrenergic. Một số bệnh nhân nhận thấy các dấu hiệu chuột rút, đau cơ, thậm chí phải dừng thuốc. Tuy nhiên, tác dụng phụ này không gây hại cho người bệnh, nhưng cần chú ý khi bơi lội để tránh tai nạn dưới nước.
  • Tác dụng phụ khác của nhóm thuốc dẫn xuất xanthine như co giật, đau đầu, mệt mỏi.

Như vậy, việc dùng thuốc giãn phế quản khá phức tạp, khi dùng thuốc giãn phế quản, người bệnh cần được kiểm soát đặc biệt bởi các bác sĩ. Người bệnh cần đi khám và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, cần nhận biết về những bất thường xảy ra trong quá trình dùng thuốc và báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan