Công dụng thuốc Atibutrex

Thuốc Atibutrex với hoạt chất chính là Dobutamin, được sử dụng trong điều trị ngắn hạn tình trạng mất bù của tim, có thể xảy ra sau phẫu thuật tim, ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp tính hoặc suy tim sung huyết. Bài viết dưới đây cung cấp thông tin về công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng thuốc Atibutrex.

1. Atibutrex là thuốc gì?

Thuốc Atibutrex có thành phần chính là Dobutamin, được bào chế dưới dạng dung dịch đậm đặc pha tiêm truyền với hàm lượng 500mg/ 40ml.

Dobutamin là Catecholamin tổng hợp, thuốc có tác dụng tăng co cơ tim, được sử dụng để hỗ trợ tuần hoàn ngắn hạn trong suy tim giai đoạn cuối.

Dobutamin ít có tác dụng gây nhịp tim nhanh và loạn nhịp hơn Isoproterenol hoặc Catecholamin nội sinh. Dobutamin làm giảm tiền gánh và giảm nhiều đối với hậu gánh hơn. Tác dụng dược lý của Dobutamin tương đối phức tạp.

Dobutamin có một trung tâm không đối xứng, hai dạng đối hình (enantiometric) có trong hỗn hợp racemic (triệt quang) được sử dụng ở lâm sàng. Đồng phân (-) của Dobutamin là chất chủ vận mạch của thụ thể alpha 1, có thể gây đáp ứng tăng huyết áp rõ rệt. Đồng phân (+) là chất chủ vận beta 1 và beta 2 mạnh. Hoạt tính tổng hợp của hai đồng phân của thuốc cho tác dụng tăng co cơ mạnh, tuy nhiên làm tăng nhẹ hoặc vừa tần số tim. Đồng phân (+) là chất chủ vận beta-adrenergic mạnh hơn đồng phân (-) khoảng 10 lần. Cả 2 đồng phân của thuốc đều là chất chủ vận hoàn toàn.

Tác dụng trên tim mạch của Dobutamin racemic là kết hợp của tính chất dược lý khác biệt của những đồng phân lập thể (+) và (-). Dobutamin tác dụng trên tim, có tác dụng co cơ tim trội hơn tác dụng điều nhịp, khi so sánh với isoproterenol. Tính chọn lọc hữu ích này của Dobutamin một phần có thể do sức cản ngoại biên tương đối không thay đổi. Các thụ thể alpha 1 ở tim cũng góp phần vào tác dụng co cơ tim.

Khi sử dụng với liều tăng co cơ tim tương đương, Dobutamin làm tăng tính tự động của nút xoang ở mức độ yếu hơn so với isoproterenol. Tuy nhiên, cả hai thuốc đều có tác dụng tăng dẫn truyền nhĩ – thất và dẫn truyền trong thất giống nhau.

Dobutamin không làm giải phóng noradrenalin nội sinh. Sau khi dùng thuốc phong bế beta-adrenergic, tiêm truyền Dobutamin không làm tăng lưu lượng tim. Tuy nhiên sức cản toàn phần ngoại biên tăng lên, điều này chứng tỏ Dobutamin có tác dụng trực tiếp yếu trên thụ thể alpha trong hệ mạch.

  • Cơ chế tác dụng:

Dobutamine là thuốc co cơ tim trực tiếp, tác dụng của thuốc chủ yếu là do kích thích thụ thể adrenergic ở tim. Các tác động của Dobutamin đối với nhịp tim, huyết áp và dẫn truyền trong tim ở mức trung bình và thấp hơn so với isoprenaline khi dùng một liều thuốc tương đương. Thuốc Dobutamin ít khi làm tăng huyết áp động mạch, do sự bù trừ giữa tăng hiệu suất tim kèm theo giảm sức cản mạch ngoại vi.

  • Dược động học:

Khi tiêm truyền Dobutamin đường tĩnh mạch, tác dụng xuất hiện sau khoảng 1 – 10 phút. Đỉnh tác dụng của thuốc đạt được trong khoảng 10 – 20 phút.

Thời gian bán thải trung bình là khoảng 2 phút.

Chuyển hóa: Dobutamin được chuyển hóa trong gan và ở mô thành chất chuyển hóa không có hoạt tính, trong đó chủ yếu là 3-O-methyldobutamin và chất liên hợp của Dobutamin.

Chất chuyển hóa của Dobutamin được thải trừ trong nước tiểu.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Atibutrex

2.1 Chỉ định

Dobutamin được chỉ định trong điều trị ngắn hạn mất bù của tim có thể xảy ra sau phẫu thuật tim, ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp tính hoặc suy tim sung huyết.

Đối với bệnh nhân suy tim sung huyết mạn tính, nếu sử dụng thuốc làm tăng co cơ tim trong thời gian dài có thể có tác dụng có hại và làm cho tình trạng bệnh xấu đi. Do đó cần sử dụng thuốc thận trọng ở đối tượng bệnh nhân này.

Tiêm truyền dobutamin kết hợp với siêu âm tim được sử dụng để đánh giá không chảy máu những bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành.

2.2 Chống chỉ định

  • Bệnh nhân mẫn cảm với Dobutamin hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc Atibutrex (chẳng hạn như Natri Metabisulfit).
  • Bệnh nhân mắc bệnh tim phì đại tự phát do hẹp dưới van động mạch chủ.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Atibutrex

3.1 Cách dùng

Thuốc Atibutrex được dùng để tiêm truyền tĩnh mạch. Tác dụng của thuốc Atibutrex xuất hiện nhanh. Do đó, không cần liều nạp ban đầu và thường đạt nồng độ ở trạng thái ổn định trong vòng 10 phút kể từ khi bắt đầu tiêm truyền. Tốc độ và thời gian tiêm truyền thuốc Atibutrex được xác định bởi huyết động và đáp ứng lâm sàng của người bệnh. Chỉnh liều lượng thuốc Atibutrex theo huyết áp, tần số tim và lưu lượng nước tiểu.

Phải dùng dụng cụ tiêm truyền để kiểm soát tốc độ chảy của thuốc và tiêm truyền vào tĩnh mạch lớn.

Pha loãng dung dịch đậm đặc thuốc Atibutrex trước khi truyền, pha 20ml dung dịch thuốc với ít nhất 50ml dung dịch glucose 5%, dung dịch glucose 10%, dung dịch glucose 5% và natri clorid 0,9%, dung dịch natri clorid 0,9% hoặc dung dịch natri lactat, dung dịch Ringer lactat, dung dịch glucose 5% trong dung dịch Ringer lactat.

Nồng độ thuốc Atibutrex tiêm truyền phụ thuộc vào liều lượng và nhu cầu dịch truyền cho mỗi bệnh nhân, tuy nhiên không được vượt quá 5000microgam/ml.

3.2 Liều dùng thuốc Atibutrex

  • Trẻ em: Liều 2,5 – 15 microgam/ kg/ phút, điều chỉnh liều dùng cho đến khi đạt tác dụng mong muốn.
  • Người lớn: Liều 2,5 – 15 microgam/ kg/ phút, liều tối đa 40 microgam/kg/ phút, điều chỉnh liều dùng cho đến khi đạt tác dụng mong muốn.

3.3 Quá liều thuốc Atibutrex và xử trí

Triệu chứng quá liều thuốc Atibutrex là nhịp tim nhanh hoặc tăng huyết áp.

Xử trí: Giảm tốc độ tiêm truyền thuốc Atibutrex hoặc ngừng tiêm truyền cho đến khi tình trạng lâm sàng của bệnh nhân ốn định trở lại.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Atibutrex

  • Bệnh nhân phải được bù đủ thể tích tuần hoàn trước khi sử dụng thuốc Atibutrex.
  • Pha loãng dung dịch đậm đặc thuốc Atibutrex trước khi tiêm truyền.
  • Ngấm Dobutamin ra ngoài có thể gây viêm tại chỗ tiêm. Trường hợp thoát ra ngoài mạch do tiêm lệch có thể gây hoại tử da.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Atibutrex ở bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim.
  • Phải pha loãng dung dịch đậm đặc dobutamin trước khi dùng.
  • Phụ nữ mang thai: hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ khi sử dụng thuốc Dobutamin ở phụ nữ mang thai, do đó không sử dụng thuốc Atibutrex trong thời kỳ mang thai trừ khi lợi ích cao hơn so với nguy cơ có thể xảy ra cho thai.
  • Phụ nữ đang cho con bú:vẫn chưa rõ Dobutamin có bài tiết vào sữa mẹ hay không. Trường hợp cần thiết phải sử dụng thuốc cho người mẹ, phải ngưng cho trẻ bú trong thời gian dùng thuốc.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Atibutrex

Tất cả các tác dụng không mong muốn của thuốc Atibutrex phụ thuộc vào liều dùng và có thể kiểm soát bằng việc giảm tốc độ tiêm truyền thuốc. Ớ một số bệnh nhân, tần số tim và huyết áp có thể tăng một cách có ý nghĩa trong khi sử dụng Dobutamin. Bệnh nhân có bệnh sử tăng huyết áp có thể dễ xuất hiện tăng huyết áp quá mức.

Do Dobutamin làm tăng sự dẫn truyền nhĩ – thất, bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ tăng nhịp thất rõ rệt. Một số bệnh nhân có thể xuất hiện ngoại tâm thu thất.

Tương tự các thuốc có tác dụng tăng co cơ tim khác, Dobutamin có khả năng làm tăng mức độ nghiêm trọng của nhồi máu cơ tim do thuốc làm tăng nhu cầu oxy của cơ tim.

Sử dụng lặp lại trong thời gian dài với thuốc làm tăng co cơ tim có ảnh hưởng tiêu cực đối với tình trạng bệnh suy tim sung huyết mạn tính.

Đã có bằng chứng về sự phát sinh quen thuốc Dobutamin nếu tiêm truyền dobutamin liên tục kéo dài 72 giờ hoặc hơn; do đó có thể phải dùng liều thuốc Atibutrex cao hơn để duy trì tác dụng như trước.

  • Tuần hoàn: Thường gặp: Tăng huyết áp tâm thu, ngoại tâm thu thất, tăng tần số tim, đánh trống ngực, đau thắt ngực, đau ngực lan tỏa. Ít gặp: Viêm tắc tĩnh mạch. Hiếm gặp: Hạ huyết áp và nhịp nhanh thất.
  • Tiêu hóa: Buồn nôn.
  • Hô hấp: Thở nhanh nông.
  • Da: Viêm da tại chỗ tiêm trong trường hợp tiêm thuốc Dobutamin ra ngoài mạch máu.

Chú ý:

  • Đa số bệnh nhân có đáp ứng thường tăng tần số tim lên 5 – 15 nhịp mỗi phút và tăng huyết áp tâm thu lên 10 – 15 – 20 mmHg.
  • Bệnh nhân có ngoại tâm thu thất, có số ít trường hợp có thể xuất hiện nhịp nhanh thất. Dobutamin, tương tự như các thuốc chủ vận beta2, làm giảm nồng độ K+ huyết tương, và dẫn đến hiện tượng hạ kali máu (hiếm gặp).

Hướng dẫn xử trí các tác dụng phụ của thuốc Atibutrex:

  • Nếu tần số tim và huyết áp tăng trong khi sử dụng Dobutamin, cần phải giảm tốc độ tiêm truyền thuốc.
  • Dự phòng nguy cơ tăng tần số thất ở bệnh nhân có rung nhĩ bằng cách sử dụng thuốc Digoxin hoặc biện pháp khác.
  • Cân nhắc kĩ giữa nguy cơ có thể tăng mức độ nghiêm trọng của nhồi máu cơ tim khi sử dụng Atibutrex và tình trạng lâm sàng chung của bệnh nhân.
  • Trong quá trình điều trị bằng Dobutamin, cần giám sát nồng độ kali huyết thanh.
  • Điều trị trường hợp tiêm dobutamin ra ngoài mạch máu: Trộn 5 g phentolamin cùng với 9ml dung dịch muối đẳng trương, rồi tiêm một lượng nhỏ hỗn hợp dung dịch này vào vùng thuốc thoát mạch, sẽ hết tái nhợt ngay lập tức. Trường hợp vùng da tái nhợt trở lại, có thể cần tiêm bố sung phentolamin.

6. Tương tác thuốc

  • Giảm tác dụng:dùng đồng thời thuốc Atibutrex với thuốc phong bế Beta-adrenergic có thể làm giảm tác dụng của dobutamin, làm tăng sức cản ngoại biên.
  • Tăng độc tính: Thuốc gây mê (Cyclopropan hoặc halothan) dùng đồng thời với liều thông thường của Dobutamin có thể gây loạn nhịp thất nặng.
  • Dobutamin tương kỵ với các dung dịch kiềm như Natri bicarbonat.
  • Dobutamin tương kỵ với thuốc có tính kiềm như Furosemid, Aminophylin và Natri Thiopental.
  • Thuốc tương kỵ vật lý Calci Gluconat, Insulin, Bumetanid, Phenytoin và Diazepam.
  • Đã có báo cáo về tương kỵ của Dobutamin với Heparin, Alteplase và Natri Warfarin.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Atibutrex, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Atibutrex là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

54 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan