Công dụng thuốc Betamineo

Thuốc Betamineo là sự phối hợp của hai thành phần chính gồm Dexclorpheniramin và Betamethason. Thuốc được sử dụng để giảm các triệu chứng dị ứng, viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm mũi dị ứng,...

1. Thuốc Betamineo có tác dụng gì?

Thành phần chính là của thuốc Betamineo là Dexclorpheniramin Maleat hàm lượng 2mg và Betamethason hàm lượng 0,25mg. Dexclorpheniramin là một thuốc kháng histamin H1, có tác dụng chủ yếu trên da, mạch máu, niêm mạc kết mạc, mũi, phế quản và ruột.

Betamethason là một cocorticoid tổng hợp với tác dụng glucocorticoid rất mạnh. Betamineo có sự phối hợp của Dexclorpheniramin và Betamethason, cho phép giảm liều corticoid mà vẫn cho tác dụng như khi dùng corticoid liều cao. Thuốc Betamineo được chỉ định để điều trị các trường hợp sau:

Thuốc Betamineo chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng.
  • Bệnh nhân nhiễm khuẩn, nhiễm virus hoặc nhiễm nấm toàn thân.
  • Bệnh nhân đang trong cơn hen cấp.
  • Bệnh nhân có triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt.
  • Glocom góc hẹp.
  • Bệnh nhân bị tắc cổ bàng quang, tắc môn vị – tá tràng.
  • Trẻ em dưới 6 tuổi.
  • Người bệnh đang dùng thuốc lMAO.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Betamineo

Thuốc Betamineo được dùng đường uống. Bệnh nhân nên dùng thuốc sau khi ăn

Liều dùng nên được điều chỉnh tùy theo bệnh và mức độ trầm trọng của bệnh nhân. Khi các triệu chứng đã được kiểm soát đầy đủ, nên ngưng từ dạng phối hợp và xem xét thay thế bằng một kháng histamin đơn độc.

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Liều khuyến cáo là 1-2 viên, ngày dùng 4 lần sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Bệnh nhân không được dùng quá 8 viên mỗi ngày.
  • Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: Liều khuyến cáo là 1/2 viên, ngày dùng 3 lần sau khi ăn và trước lúc đi ngủ. Không được dùng quá 4 viên mỗi ngày.

3. Tác dụng phụ của thuốc Betamineo

Tác dụng phụ do thành phần Betamethason:

  • Chuyển hóa: Mất Kali, giữ Natri và giữ nước.
  • Nội tiết: Kinh nguyệt bất thường, hội chứng dạng Cushing, ức chế sự tăng trưởng của thai trong tử cung và trẻ nhỏ, tăng nhu cầu insulin, giảm hiệu lực của thuốc hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường.
  • Cơ xương: Yếu cơ, loãng xương, mất khối lượng cơ, teo da và dưới da, áp xe vô khuẩn.
  • Tiêu hóa: Loét dạ dày và có thể bị thủng và xuất huyết, viêm tụy, chướng bụng, viêm loét thực quản.
  • Mắt: Glocom, đục thể tinh thủy.
  • Da: Ban da, mày đay, phù thần kinh mạch.

Tác dụng phụ do thành phần Dexclorpheniramin Maleat:

  • Tác dụng trên thần kinh thực vật: Buồn ngủ, ngủ gà, nhất là vào thời gian điều trị đầu.
  • Gây khô niêm mạc, rối loạn điều tiết, giãn đồng tử, tim đập nhanh, bí tiểu.
  • Rối loạn cân bằng, hạ huyết áp tư thế, chóng mặt, giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung.
  • Mất điều hòa vận động, run rẩy, thường xảy ra ở người lớn tuổi.
  • Lú lẫn, ảo giác.
  • Có thể gây kích động, cáu gắt
  • Phản ứng quá mẫn cảm: Nổi ban, ban xuất huyết, mề đay, phù, hiếm hơn phù Quincke, sốc phản vệ.
  • Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu tán huyết.

Đa số các tác dụng phụ có thể hồi phục hoặc giảm thiểu bằng cách giảm liều thuốc. Nên dùng thuốc kèm với thức ăn để hạn chế kích ứng đường tiêu hóa. Bổ sung canxi và vitamin D có thể phòng ngừa loãng xương nếu phải sử dụng corticosteroid kéo dài. Bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày nên được sử dụng các thuốc bảo vệ dạ dày như thuốc kháng acid, thuốc ức chế bơm proton, misoprostol. Vì thuốc corticoid làm tăng dị hóa protein nên có thể cần tăng protein trong khẩu phần ăn ở bệnh nhân điều trị kéo dài.

4. Cách xử trí khi quá liều thuốc Betamineo

Thuốc Betamineo là một thuốc kết hợp, do đó cần cân nhắc độc tính có thể có của mỗi thành phần trong công thức. Độc tính khi dùng một liều duy nhất Betamineo chủ yếu là do Dexclorpheniramin. Các phản ứng quá liều xảy ra với các kháng histamin có thể thay đổi từ tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương (an thần, ngưng thở, trụy tim mạch) đến kích thích (mất ngủ, ảo giác, co giật) thậm chí gây tử vong. Các dấu hiệu quá liều khác bao gồm ù tai, chóng mặt, mất điều hòa và hạ huyết áp. Việc uống quá liều glucocorticoid vài ngày hầu như không gây nguy hại trừ khi với bệnh nhân có nguy cơ đặc biệt do đang có bệnh hay đang dùng đồng thời thuốc khác có khả năng tương tác với Betamethason.

Quá liều cấp: Cần lập tức gây nôn hay rửa dạ dày. Nên kết hợp điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân. Các cơn co giật nên được xử trí với các thuốc có tác dụng ngắn hạn như Thiopental. Lưu ý kiểm soát nước và chất điện giải cho bệnh nhân, đặc biệt chú ý cẩn thận đến sự cân bằng natri và kali.

5. Nhưng lưu ý khi sử dụng thuốc Betamineo

  • Thận trọng khi dùng thuốc trong trường hợp tăng huyết áp, suy tim sung huyết, nhồi máu cơ tim mới mắc, đái tháo đường, động kinh, tăng nhãn áp, thiểu năng tuyến giáp, loãng xương, loét đường tiêu hóa, rối loạn tâm thần và suy thận/suy gan.
  • Trẻ em có thể tăng nguy cơ đối với một số tác dụng phụ của thuốc. Bên cạnh đó, corticosteroid có thể gây chậm lớn ở trẻ.
  • Bệnh nhân đang dùng liệu pháp corticosteroid có nguy cơ dễ mắc nhiễm khuẩn hơn. Mặt khác, triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn có thể bị che lấp cho đến giai đoạn muộn.
  • Người bệnh bị lao tiến triển hoặc nghi lao tiềm ẩn không được dùng corticosteroid trừ trường hợp rất hiếm để bổ trợ cho điều trị với thuốc chống lao. Bệnh nhân lao tiềm ẩn phải được theo dõi chặt chẽ và điều trị dự phòng kháng lao nếu dùng thuốc kéo dài.
  • Thận trọng khi dùng ở bệnh nhân có bệnh sởi. Không được dùng vaccin sống cho người bệnh đang dùng liệu pháp corticosteroid toàn thân liều cao và ít nhất cả trong ba tháng sau, có thể sử dụng các vaccin chết, vaccin giải độc tố mặc dù đáp ứng có thể giảm.
  • Khi dùng thuốc Betamineo dài hạn, phải theo dõi bệnh nhân định kỳ. Có thể cần phải giảm lượng natri và bổ sung calci, kali cho bệnh nhân.
  • Tác dụng an thần của Dexclorpheniramin Maleat tăng lên khi uống rượu và khi dùng đồng thời với các thuốc an thần khác.
  • Vì thành phần tá dược chứa lactose nên không dùng cho những bệnh nhân kém dung nạp lactose, thiếu hụt lapp lactase, rối loạn dung nạp glucose – galactose.
  • Bệnh nhân điều trị kéo dài có nguy cơ bị sâu răng do tác dụng kháng cholinergic có thể gây khô miệng.
  • Khả năng lái xe và vận hàng máy móc: Thuốc Betamineo có thể gây ngủ gà, chóng mặt và suy giảm khả năng vận động ở một số người bệnh. Do đó phải thận trọng khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân thường xuyên lái xe và vận hành máy móc.
  • Dùng thuốc Betamineo thận trọng với người cao tuổi (> 60 tuổi) vì những bệnh nhân này thường tăng nhạy cảm với tác dụng phụ kháng cholinergic (khô mắt, bí tiểu, nhìn mờ).
  • Chỉ nên dùng thuốc Betamineo cho phụ nữ có thai khi thật sự cần thiết. Sử dụng thuốc trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ gặp phản ứng có hại của thuốc (cơn động kinh ở trẻ sơ sinh).
  • Thuốc Betamineo có thể bài tiết qua sữa mẹ và gây ra nhiều tác dụng không mong muốn ở trẻ. Do đó nhà sản xuất khuyến cáo không nên dùng thuốc ở phụ nữ đang cho con bú.
  • Tương tác thuốc: thuốc khác có thể xảy ra tương tác, làm gia tăng tác dụng phụ hoặc giảm hiệu quả của thuốc. Do đó tốt nhất bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ tất các các loại thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, vitamin, thực phẩm chức năng, thảo dược đang sử dụng để được tư vấn và điều chỉnh phù hợp.

Bài viết đã cung cấp thông tin về liều dùng, công dụng và những lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc Betamineo. Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến nhân viên y tế trước khi sử dụng để đảm bảo hiệu quả và tính an toàn của thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

429 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan