Công dụng thuốc Garbapia

Thuốc Garbapia có chứa hoạt chất chính là Gabapentin được chỉ định trong điều trị động kinh, đau dây thần kinh... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Garbapia qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Garbapia

“Garbapia có tác dụng gì?”. Thuốc Garbapia chứa hoạt chất Gabapentin 300mg được bào chế dưới dạng viên nang.

Hoạt chất Gabapentin có cấu trúc liên quan đến GABA – chất dẫn truyền thần kinh. Thuốc tác dụng theo cơ chế tương tác với các Synapse của GABA, giảm một phần đáp ứng đối với chất chủ vận của Glutamate N – Methyl – D – Aspartate (NMDA), giảm nhẹ sự giải phóng của chất dẫn truyền thần kinh có cấu trúc Monoamine trên invitro.

Thuốc Garbapia được chỉ định trong những trường hợp sau:

Điều trị động kinh:

  • Gabapentin được chỉ định đơn trị liệu trong điều trị động kinh cục bộ có hoặc không kèm theo cơ toàn thể thứ phát ở trẻ em, người trưởng thành trên 12 tuổi;
  • Gabapentin được chỉ định như liệu pháp hỗ trợ trong điều trị cơn động kinh cục bộ có hoặc không kèm theo cơn toàn thể thứ phát ở người trưởng thành và trẻ em trên 3 tuổi. Độ an toàn và hiệu quả của phác đồ khi sử dụng ở trẻ em dưới 3 tuổi chưa được thiết lập.

Điều trị đau thần kinh: Thuốc được chỉ định trong điều trị đau thần kinh ở người bệnh trên 18 tuổi.

2. Liều dùng của thuốc Garbapia

Thuốc Garbapia thuộc nhóm thuốc kê đơn. Liều thuốc sử dụng được chỉ định bởi bác sĩ điều trị dựa vào tình trạng người bệnh. Một số khuyến cáo về liều thuốc Garbapia như sau:

Trong điều trị động kinh:

  • Người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi: Liều khởi đầu khuyến cáo là 300mg/lần x 3 lần/ngày trong ngày đầu tiên, liều thuốc sau đó có thể tăng lên tối đa 3600mg/ngày chia làm 3 lần uống trong ngày. Khoảng thời gian giữa các lần dùng trong ngày đối với phác đồ dùng 3 lần/ngày không nên vượt quá 12 giờ để tránh cơn co giật bùng phát;
  • Trẻ em từ 3 – 12 tuổi: Liều thuốc có hiệu quả là 25 – 35mg/kg/ngày chia làm 3 lần. Nên bắt đầu liều đầu tiên là 10mg/kg/ngày trong ngày đầu tiên, 20mg/kg/ngày trong ngày thứ hai và 30mg/kg/ngày trong ngày thứ 3 để tìm được liều thuốc có hiệu quả dùng duy trì cho người bệnh sau đó;
  • Nếu phải ngừng điều trị bằng Gabapentin hoặc thêm một thuốc chống co giật khác để thay thế thì cần ngưng điều trị bằng Gabapentin trước đó ít nhất 1 tuần.

Trong điều trị đau thần kinh ở người trưởng thành:

  • Liều thuốc khuyến cáo khởi đầu là 900mg/ngày chia làm 3 lần uống và tăng liều lên trong trường hợp cần thiết, liều thuốc tối đa khuyến cáo là 3600mg/ngày.

Liều thuốc Garbapia trong điều trị động kinh và đau dây thần kinh cần được hiệu chỉnh ở người bệnh suy thận. Đối với người bệnh đang được thẩm phân máu và chưa từng điều trị bằng Gabapentin nên dùng liều thuốc Garbapia khuyến cáo khởi đầu là 300 – 400mg, sau đó liều thuốc nên được giảm xuống còn 200 – 300mg sau mỗi 4 giờ tiến hành thẩm phân lọc máu.

3. Tác dụng phụ của thuốc Garbapia

Thuốc Garbapia có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Tác dụng phụ toàn thân: Yếu, suy nhược, phù mặt;
  • Trên hệ tiêu hóa: Chán ăn, đầy hơi, viêm lợi;
  • Trên hệ tim mạch: Tăng huyết áp;
  • Trên máu và hệ bạch huyết: Ban da, thâm tím gặp phải khi bị chấn thương;
  • Trên hệ cơ xương khớp: Viêm đau khớp;
  • Trên hệ thần kinh: Tăng vận động, chóng mặt, giảm hoặc mất phản xạ, lo âu, dị cảm, cảm giác hận thù;
  • Trên hệ hô hấp: Viêm phổi;
  • Trên hệ tiết niệu – sinh dục: Nhiễm khuẩn đường tiết niệu;
  • Trên giác quan: Bất thường về khả năng nhìn.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Garbapia

Chống chỉ định khi sử dụng thuốc Garbapia ở người bệnh mẫn cảm với Gabapentin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Garbapia như sau:

  • Mặc dù chưa có bằng chứng cụ thể về cơn động kinh bùng phát với Gabapentin, tuy nhiên sự ngưng đột ngột thuốc chống co giật ở người bệnh động kinh có thể làm xuất hiện cơn động kinh liên tục ở người bệnh;
  • Nhìn chung thuốc Garbapia không có hiệu quả trong điều trị cơn động kinh vắng ý thức;
  • Đối với phụ nữ đang mang thai: Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về độ an toàn khi sử dụng Garbapia ở phụ nữ đang mang thai. Vì vậy chỉ sử dụng thuốc ở đối tượng này khi thực sự cần thiết và được giám sát bởi nhân viên y tế;
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Gabapentin bài tiết được qua sữa mẹ, ảnh hưởng của thuốc trên trẻ bú mẹ chưa được nghiên cứu cụ thể. Vì vậy, việc sử dụng thuốc ở phụ nữ đang cho bú cần được chỉ định bởi bác sĩ dựa trên lợi ích và nguy cơ.

5. Tương tác thuốc

Thuốc Garbapia có thể gây ra một số tương tác như sau:

  • Sử dụng đồng thời Gabapentin và thuốc tránh thai chứa Norethindrone, Ethinylestradiol không làm ảnh hưởng đến đặc tính dược động học của cả hai thuốc trong huyết tương;
  • Sinh khả dụng của Gabapentin giảm khoảng 20% khi sử dụng đồng thời với muối Magie, muối nhôm. Vì vậy, cần uống Gabapentin cách các thuốc trên ít nhất 2 giờ;
  • Quá trình bài tiết Gabapentin qua thận bị giảm nhẹ khi dùng phối hợp với Cimetidine, tuy nhiên sự giảm này không có ý nghĩa lâm sàng;
  • Xét nghiệm protein nước tiểu bằng cách sử dụng que nhúng Ames N – Multistix SG cho kết quả dương tính giả trong thời gian điều trị bằng thuốc Garbapia.

Tương tác thuốc xảy ra làm giảm tác dụng điều trị của thuốc Garbapia, tăng nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn. Vì vậy người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm bổ sung đang sử dụng trước khi điều trị bằng Garbapia để đảm bảo an toàn, hiệu quả khi điều trị.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

47 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan