Công dụng thuốc Meyerviliptin 50mg

Thuốc Meyerviliptin 50mg làm tăng lượng insulin được sản xuất trong cơ thể, giảm lượng glucagon được sản xuất bởi tuyến tụy, ức chế gan tiết thêm nhiều đường hơn. Vì vậy, thuốc Meyerviliptin 50mg giúp giảm lượng đường trong máu ở những bệnh nhân bị đái tháo đường.

1. Thuốc Meyerviliptin 50mg là gì?

Hoạt chất của thuốc Meyerviliptin là Vildagliptin với hàm lượng 50mg. Đây là một trong các nhóm thuốc được sử dụng để điều trị đái tháo đường type 2 ở người lớn. Bác sĩ thường chỉ định thuốc Meyerviliptin 50mg khi chỉ số đường huyết không thể kiểm soát bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục đơn thuần. Trong thực hành lâm sàng, thuốc Meyerviliptin 50mg giúp kiểm soát lượng đường máu theo phác đồ đơn trị liệu hay phối hợp cùng với một số loại thuốc trị đái tháo đường khác.

Bệnh đái tháo đường type 2 hình thành và phát triển nếu cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc insulin không còn hoạt động hiệu quả. Hơn nữa, bệnh cũng có thể phát triển nếu cơ thể sản xuất quá nhiều glucagon. Trong khi insulin là một chất giúp giảm lượng đường trong máu, đặc biệt là sau bữa ăn, glucagon là một chất kích hoạt sản xuất đường của gan, gây tăng lượng đường trong máu. Tuyến tụy tạo ra cả 2 chất này.

Khi dùng Meyerviliptin 50mg, thuốc hoạt động bằng cách làm cho tuyến tụy sản xuất nhiều insulin và ít glucagon hơn. Điều này sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu cũng như ngăn ngừa các biến chứng đái tháo đường. Mặc dù vậy, để việc kiểm soát chỉ số đường huyết được hiệu quả, người bệnh không chỉ cần dùng thuốc mà phải tiếp tục tuân theo chế độ ăn kiêng và tập thể dục tối ưu.

2. Những điều cần biết trước khi dùng thuốc Meyerviliptin

Không dùng thuốc Meyerviliptin nếu bị dị ứng với Vildagliptin hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc này.

Nói chuyện với bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng thuốc Meyerviliptin nếu đang gặp một trong các tình trạng sau:

  • Bị bệnh đái tháo đường type 1 (tức là cơ thể không sản xuất đủ insulin) hoặc nếu đang mắc phải tình trạng nhiễm toan ceton do đái tháo đường.
  • Nếu đang dùng một loại thuốc điều trị tiểu đường được gọi là Sulphonylurea. Lúc này, bác sĩ sẽ cần xem xét giảm liều Sulphonylurea khi kết hợp thêm thuốc Meyerviliptin để tránh gặp phải tình trạng hạ đường huyết.
  • Suy giảm chức năng thận vừa hoặc nặng, thuốc Meyerviliptin sẽ cần dùng ở mức liều thấp hơn.
  • Đang chạy thận nhân tạo.
  • Bị bệnh gan, suy tim.
  • Đã hoặc đang mắc các bệnh lý về tuyến tụy.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể xem xét thay đổi liều lượng thuốc Meyerviliptin nếu người bệnh đồng thời đang dùng các loại thuốc khác như:

  • Thiazide hoặc thuốc lợi tiểu;
  • Corticosteroid;
  • Thuốc tuyến giáp;
  • Một số loại thuốc ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

3. Cách dùng thuốc Meyerviliptin như thế nào?

Cần phải sử dụng thuốc Meyerviliptin như bác sĩ đã chỉ định. Liều lượng dùng thuốc sẽ tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân.

Liều tối đa của thuốc Meyerviliptin hàng ngày là 100 mg.

Liều thông thường của thuốc Meyerviliptin là:

  • Thuốc Meyerviliptin 50 mg mỗi ngày, uống một liều vào buổi sáng nếu đang dùng cùng với một loại thuốc thuộc nhóm Sulphonylurea.
  • Thuốc Meyerviliptin 100 mg mỗi ngày chia thành 2 lần, 50 mg vào buổi sáng và 50 mg vào buổi tối nếu đang dùng thuốc Meyerviliptin đơn trị liệu hay phối hợp với một loại thuốc khác được gọi là Metformin hoặc Glitazone mà không có nguy cơ hạ đường huyết.
  • Thuốc Meyerviliptin 50 mg mỗi ngày vào buổi sáng nếu bị bệnh thận vừa hoặc nặng hay đang lọc máu.

Khi dùng thuốc, cần nuốt toàn bộ viên Meyerviliptin với một ít nước.

Việc dùng thuốc Meyerviliptin thường đòi hỏi một khoảng thời gian dài. Sau đó, bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi tình trạng và chỉ số đường huyết để kiểm tra xem liệu pháp điều trị này có đạt hiệu quả như mong muốn.

Nếu vô tình dùng quá nhiều viên thuốc Meyerviliptin, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc đến trung tâm cấp cứu do thuốc có ẩn chứa tác dụng hạ đường huyết.

Nếu quên uống một liều thuốc này, hãy uống ngay khi nhớ ra. Sau đó, dùng liều tiếp theo vào thời điểm mỗi ngày. Nếu gần đến lúc dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và không dùng liều gấp đôi.

Đừng tự ý ngừng thuốc Meyerviliptin vì có thể khiến tình trạng đái tháo đường trở nên kém kiểm soát và gây ra các biến chứng cấp tính liên quan.

4. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Meyerviliptin

Giống như tất cả các loại thuốc khác, Meyerviliptin có thể gây ra tác dụng phụ, mặc dù không phải ai cũng mắc phải

Cần ngừng dùng thuốc Meyerviliptin nếu gặp phải những tác dụng sau:

  • Phản ứng dị ứng.
  • Viêm gan: Các triệu chứng bao gồm vàng da và mắt, buồn nôn, chán ăn hoặc nước tiểu sẫm màu.
  • Viêm tụy: Các triệu chứng thường nghiêm trọng, bao gồm đau bụng và buồn nôn, nôn ói.

Các tác dụng phụ khác của thuốc Meyerviliptin:

  • Thường gặp: Run rẩy, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, lượng đường huyết thấp.
  • Ít gặp: Mệt mỏi, đau họng, chảy nước mũi, táo bón, phát ban da gây ngứa.

Tóm lại, thuốc Meyerviliptin được sử dụng để giảm lượng đường trong máu ở các bệnh nhân đái tháo đường typ 2. Trong quá trình điều trị với thuốc, người bệnh cũng cần kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách thay đổi chế độ ăn và tập luyện thể lực để tăng khả năng dung nạp đường, giảm nguy cơ mắc phải các biến chứng đái tháo đường về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan