Gợi ý 5 bài tập chữa tiểu đường tại nhà

Một lối sống lành mạnh là điều cần thiết để phòng ngừa biến chứng bệnh đái tháo đường. Việc kết hợp giữa tập thể dục và chế độ ăn uống sẽ giúp cho người bệnh trở nên khoẻ mạnh và tăng hiệu quả điều trị. Vậy bị tiểu đường tập thể dục thế nào?

1. Tầm quan trọng của tập thể dục ở bệnh nhân đái tháo đường

Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng là điều hết sức cần thiết cho bệnh nhân đái tháo đường. Bên cạnh đó, tập thể dục cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích không kém như:

  • Duy trì cân nặng khoẻ mạnh
  • Duy trì cơ bắp và làm tăng sức mạnh của cơ
  • Giảm lượng đường có trong máu
  • Giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch vì tăng cholesterol tốt, và loại bỏ cholesterol không tốt, từ đó giữ cho huyết áp ổn định.
  • Giảm thiểu căng thẳng
  • Ngoài ra, tập thể dục có tác dụng làm tăng nhạy cảm với insulin máu và tăng tác dụng của insulin, do đó nhu cầu insulin sẽ giảm đi.

2. Các bài tập cho người tiểu đường

5 bài tập chữa tiểu đường và tăng cường sức khoẻ cho người bệnh bao gồm:

2.1 Đi bộ

Đi bộ là một trong những bài tập thể dục đơn giản và cực kỳ tiện lợi. Bởi vì bệnh nhân có thể tập ở bất cứ đâu và bất kỳ thời điểm nào. Đi bộ rất được ưa chuộng ở hầu hết mọi lứa tuổi. Bệnh nhân đái tháo đường có thể đi bộ nhanh trong khoảng 30-60 phút/lần, 3 lần mỗi tuần sẽ giúp cho cơ thể cải thiện được tình trạng sức khoẻ tốt hơn.

2.2 Thái cực quyền

Thái cực quyền là bài tập thể dục với những chuyển động chậm rãi, nhẹ nhàng, giúp cho người bệnh đái tháo đường thư giãn đầu óc và cơ thể tốt hơn. Theo một nghiên cứu vào năm 2009 với đối tượng nghiên cứu là 62 phụ nữ cho thấy nhóm người tham gia bài tập thái cực quyền có nhiều tác động tích cực tới sức khoẻ hơn so với nhóm người chỉ hoạt động bình thường như kiểm soát đường huyết tốt hơn, nhiều năng lượng và sức khỏe tinh thần cũng tốt hơn.

2.3 Yoga

Yoga là sự kết hợp của nhiều chuyển động nhịp nhàng tác động tới dòng chảy của cơ thể, tăng cường sự dẻo dai, sức mạnh và sự cân bằng. Tập yoga cực kỳ tốt cho những người mắc các bệnh lý mãn tính bao gồm cả đái tháo đường. Ngoài ra, tập yoga còn giúp giải tỏa căng thẳng, cải thiện các chức năng thần kinh và từ đó nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.

2.4 Bơi lội

Bơi lội cũng là một trong những bài tập rất phổ biến, giúp cho các bó cơ được giãn ra và nghỉ ngơi, các khớp cũng không phải chịu nhiều áp lực. Đây là một hoạt động cực kỳ phù hợp cho cả bệnh nhân bị đái tháo đường và những người có yếu tố nguy cơ. Bơi lội giúp cải thiện nồng độ cholesterol và đốt cháy nhiều calo hơn, giảm stress cho bệnh nhân.

Để đạt hiệu quả cao trong khi bơi lội thì người bệnh cần bơi với tần suất ít nhất 3 lần/tuần và thời gian mỗi lần kéo dài ít nhất 10 phút. Có thể tăng lượng thời gian bơi lên nếu như tình trạng sức khoẻ có khả năng đáp ứng được.

2.5 Khiêu vũ

Khiêu vũ không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất, mà khi nhảy chúng ta sẽ phải ghi nhớ các động tác từ đó sẽ giúp cải thiện năng lực trí não tốt hơn. Bên cạnh đó, người tập khiêu vũ sẽ tăng độ linh hoạt và giảm cân, đồng thời giảm được mức đường huyết và cải thiện sức khỏe tinh thần. Một người có cân nặng khoảng 68kg khi khiêu vũ sẽ đốt cháy được 150 calo chỉ trong 30 phút, vì vậy khiêu vũ là bài tập mà tất cả mọi người có thể cân nhắc lựa chọn.

3. Một số lưu ý để tập thể dục an toàn

Trước khi bắt đầu luyện tập bất kỳ chương trình nào thì người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo rằng bài tập đó phù hợp với tình trạng sức khoẻ của bạn. Ngoài ra, để tập thể dục an toàn người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Kiểm tra đường huyết trước và sau khi tập
  • Luôn đảm bảo đường huyết thấp hơn 250mg/dl trước khi tập. Đối với bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 1 nếu tập thể dục khi đường huyết tăng cao hơn 250mg/dl thì có thể dẫn tới chứng nhiễm toan ceton do đái tháo đường và làm suy giảm lượng hormone chuyển hóa carbohydrate, thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng.
  • Khởi động 5 phút trước khi bắt đầu bài tập và sau khi hoàn thành bài tập để cơ thể được thả lỏng.
  • Uống đủ nước trước, trong và sau khi tập thể dục để tránh tình trạng mất nước.
  • Luôn chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ giai đoạn nào của việc hạ đường huyết và luôn mang theo bên người những thực phẩm có thể làm tăng đường huyết kịp thời như kẹo, đường hay nước ép hoa quả.
  • Không tập thể dục trong điều kiện nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng
  • Sử dụng giày và tất phù hợp với kích thước chân để bảo vệ chân an toàn.

Tóm lại, tập thể dục là việc làm cực kỳ cần thiết để đảm bảo một cơ thể dẻo dai và khỏe mạnh. Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị và chế độ ăn uống hợp lý thì tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bệnh nhân đái tháo đường không chỉ cải thiện về sức khỏe, phòng ngừa biến chứng mà còn giúp cho tinh thần thoải mái. Vì vậy, hãy duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên và lựa chọn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khoẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

584 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan