Đái tháo đường biến chứng thế nào?

Bài viết được viết bởi ThS.BS Vũ Thị Duyên, Bác sĩ Thận - Nội tiết, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose máu do cả 2 lý do là khiếm khuyết về tiết insulin và về tác động của insulin. Những người mắc bệnh đái tháo đường càng kéo dài và kiểm soát glucose máu không tốt thì gây ra rất nhiều biến chứng cho bản thân. Gồm có biến chứng cấp tính và mạn tính.

1. Biến chứng cấp tính nguy hiểm có nguy cơ tử vong

1.1. Nhiễm toan ceton

Nhiễm toan ceton: là tình trạng nhiễm độc do máu bị toan hóa, vì tăng nồng độ axit, đây là sản phẩm của những chuyển hóa dở dang do thiếu insulin gây ra. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Đây là cấp cứu nội khoa cần điều trị tích cực. Hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 bỏ điều trị hoặc bị bệnh đái tháo đường type 1 chưa phát hiện điều trị kịp thời.

Lâm sàng

  • Dấu hiệu của tiểu đường: đái nhiều, khát nhiều, ăn nhiều và sút cân
  • Dấu hiệu nhiễm toan Ceton bao gồm:

+ Buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy và tăng thông khí (thở nhanh và sâu, kiểu thở Kussmaul).

+ Mất nước toàn thể nặng.

+ Nặng hơn có hạ thân nhiệt, rối loạn ý thức ở các mức độ.

Truyền dịch
Nhiễm toan ceton với biểu hiện mất nước toàn thể nặng

1.2. Tăng áp lực thẩm thấu

Đường huyết quá cao có thể gây hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, đây là biến chứng nặng nhất và rất dễ tử vong đòi hỏi người bệnh cần phải được cấp cứu ngay lập tức.

Lâm sàng:

Dấu hiệu của tiểu đường: đái nhiều, khát nhiều, ăn nhiều và sút cân, rối loạn ý thức ở các mức độ.

Dấu hiệu tăng áp lực thẩm thấu gồm:

+ Glucose máu > 33,3 mmol/L (>600 mg/dL)

+ Không có thể ketone trong nước tiểu hoặc có rất nhẹ

+ Áp lực thẩm thấu máu > 330 mOsm/kg

+ Mất nước toàn thể nặng

1.3. Hạ đường huyết

  • Hạ đường huyết là đường huyết thấp bất thường có nguy cơ làm tổn hại bệnh nhân với ngưỡng đường huyết ≤ 70 mg/dL ( ≤ 3,9 mmol/l). Đây là biến chứng rất hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường.
  • Các biến chứng của hạ đường huyết:

+ Tử vong nếu không phát hiện điều trị sớm.

+ Hôn mê.

+ Biến chứng tim mạch.

+Mất tri giác.

+ Sa sút trí tuệ, giảm chất lượng cuộc sống.

  • Khi bị hạ đường huyết phải lập tức đưa 1 lượng đường vào cơ thể bằng đường uống (ăn kẹo ngọt, uống sữa, nước đường...) hoặc truyền glucose. Ngừng ngay thuốc đái tháo đường và khám lại chuyên khoa nội tiết để chỉnh liều.
Uống nước
Khi bị hạ đường huyết người bệnh nên bổ sung nước ngay

2. Biến chứng mạn tính

2.1 Biến chứng tim mạch

Đái tháo đường làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gây di chứng liệt hoặc tử vong.

2.2 Biến chứng thận

Bệnh tiểu đường gây ra các tổn thương mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến thận hoạt động kém hiệu quả hoặc suy thận. Bệnh thận phổ biến ở những người mắc tiểu đường hơn những người không mắc. Việc duy trì mức glucose máu và huyết áp bình thường làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh thận.

2.3 Biến chứng thần kinh

  • Tổn thương dây thần kinh: là biến chứng phổ biến và thường xuất hiện sớm nhất ở người bệnh đái tháo đường.
  • Bệnh đái tháo đường có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể khi glucose máuhuyết áp quá cao.
  • Biểu hiện ở các chi: tê bì, mất cảm giác hoặc rối loạn cảm giác, teo cơ, đau, thiểu dưỡng và loét do thiếu dinh dưỡng là nguy cơ của nhiễm trùng dẫn đến đoạn chi (cắt bỏ một phần của chi)...
  • Tổn thương dây thần kinh sọ có thể gây sụp mi, lác trong, liệt mặt.
  • Tổn thương thần kinh thực vật còn có thể gây nhồi máu cơ tim, liệt bàng quang, liệt dương, rối loạn tiêu hóa...
  • Biến chứng về thị giác: Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường sẽ phát triển một số loại bệnh về mắt làm giảm thị lực hoặc mù lòa. Mức glucose máu cao liên tục cùng với huyết áp tăngcholesterol cao là những nguyên nhân chính gây ra bệnh lý võng mạc. Tình trạng này có thể được kiểm soát qua kiểm tra mắt thường xuyên, giữ ổn định mức glucose máu và huyết áp gần hoặc bình thường.

2.4 Nguy cơ nhiễm trùng

Đường trong máu cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể vì vậy rất dễ bị nhiễm trùng như nhiễm trùng răng lợi, tiết niệu hay sinh dục, vết loét lâu liền... Tình trạng viêm nhiễm thường kéo dài, dai dẳng và khó điều trị...

Loét
Vết loét lâu liền là biến chứng mạn tính của đái tháo đường

3. Các biến chứng trong thời kỳ mang thai

Glucose máu cao trong thai kỳ có thể dẫn đến thai nhi bị quá cân. Điều này dễ dẫn đến các tai biến sản khoa cho trẻ và mẹ; nguy cơ hạ đường huyết đột ngột ở trẻ sau sinh; trẻ bị phơi nhiễm glucose máu cao trong suốt thai kỳ có nguy cơ cao bị tiểu đường trong tương lai hơn các trẻ khác.

Ngoài các biến chứng kể trên, đường huyết tăng cao còn có thể làm tổn thương tới rất nhiều các cơ quan khác của cơ thể như: xương, khớp, não bộ, suy giảm trí nhớ hay các bệnh về da...

Để hạn chế biến chứng tất cả các bệnh nhân đái tháo đường cần phải khám chuyên khoa nội tiết định kỳ bác sĩ chuyên khoa nội tiết để tầm soát các biến chứng sớm và tư vấn hướng điều trị theo dõi tiếp.

Nếu có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh đái tháo đường cần khám ngay bác sĩ chuyên khoa nội tiết.

Khám thai định kỳ tại Vinmec
Mẹ bầu nên đên gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan