Công dụng thuốc Midanium

Midanium thuộc nhóm thuốc gây mê, gây tê có tác dụng an thần và gây ngủ. Thuốc được chỉ định để tiền mê, dẫn mê, duy trì mê trước các phẫu thuật, thủ thuật để điều trị hoặc chẩn đoán bệnh.

1. Midanium là thuốc gì?

  • Midanium có thành phần chính là Midazolam - dẫn chất của benzodiazepin có tác dụng gây ngủ, an thần nhanh và mạnh trong khoảng thời gian ngắn. Thuốc dùng trong tiền mê để giảm đau trong các thủ thuật can thiệp gây khó chịu như nội soi ruột non, nội soi phế quản,... Ngoài ra, Midazolam còn có tác dụng chống co giật, giảm lo âu và làm giãn cơ.
  • Cơ chế tác dụng của thuốc là gắn vào các thụ thể GABA (gamma-aminobutyric acid) và thụ thể benzodiazepin trong hệ thần kinh trung ương - là các chất ức chế dẫn truyền thần kinh của não, từ đó ức chế hoạt động dẫn truyền của não trong thời gian ngắn.
  • Midanium hấp thu nhanh và hoàn toàn sau khi tiêm bắp, sinh khả dụng đạt trên 90% và đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau khoảng 5 - 15 phút tiêm. Nếu dùng ở đường tĩnh mạch thuốc cũng đi vào máu nhanh chóng nhưng nồng độ hoạt chất giảm hơn so với đường tiêm bắp; với liều thích hợp khi tiêm tĩnh mạch thuốc có tác dụng an thần , giảm lo âu sau 1 - 5 phút tiêm và kéo dài hiệu quả khoảng 2 giờ.
  • Sau khi vào hệ tuần hoàn, thuốc phân bố khắp các mô trong cơ thể, qua nhau thai và sữa mẹ. Midanium chuyển hóa ở gan thành các chất ở dạng hoạt động và cuối cùng đào thải chủ yếu ở qua nước tiểu.

2. Chỉ định của thuốc Midanium

Midanium được sử dụng điều trị trong các trường hợp sau

  • Sử dụng để giảm đau trước các thủ thuật can thiệp như nội soi.
  • Sử dụng để giãn cơ ở các bệnh nhân đang trong cơn động kinh, co giật.
  • Gây mê trước phẫu thuật.
  • Duy trì gây mê trong phẫu thuật.
  • Điều trị mất ngủ mãn tính.
  • An thần trong khi bệnh nhân còn ý thức trước và trong các thủ thuật chẩn đoán (nội soi ruột non, nội soi phế quản).

Không sử dụng Midanium trong các trường hợp sau

  • Dị ứng với thành phần Midazolam, các dẫn xuất benzodiazepine hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Bệnh nhân suy tim sung huyết, suy gan mức độ nặng.
  • Bệnh nhân nhược cơ, suy giảm chức năng vận động cơ.
  • Bệnh phổi cấp hoặc mãn tính, bệnh nhân suy hô hấp nặng.
  • Bệnh nhân ngộ độc rượu.
  • Bệnh lý glocom góc đóng.
  • Phụ nữ có thai 3 tháng đầu không có chỉ định dùng thuốc Midanium.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc Midanium

  • Midanium gây buồn ngủ, không minh mẫn trong suốt 12 giờ dùng thuốc. Vì vậy, không lái xe, vận hành máy móc hay làm các công việc đòi hỏi sự tập trung trong suốt thời gian dùng thuốc.
  • Thuốc qua được nhau thai, sữa mẹ và chưa đủ bằng chứng về độ an toàn của thuốc cho phôi thai hay trẻ bú mẹ. Vì vậy, không sử dụng cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, từ tháng thứ 3 của thai kỳ và giai đoạn cho con bú chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết dưới chỉ định của bác sĩ.
  • Bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân có các tổn thương thực thể ở não, các bệnh lý suy tim, suy hô hấp nên thận trọng khi dùng thuốc.
  • Midanium có thể gây nghiện nếu dùng thường xuyên.
  • Không sử dụng rượu bia hoặc các đồ uống có cồn trong 12 giờ trước và sau dùng thuốc.

4. Tương tác thuốc của Midanium

Một số tương tác có thể xảy ra khi phối hợp Midanium với các thuốc khác như sau

  • Phối hợp với các thuốc gây ngủ, thuốc điều trị trầm cảm, thuốc an thần, thuốc giảm đau có thể làm tăng tác dụng của thuốc, tăng tác dụng phụ, gây ức chế hô hấp.
  • Rượu bia, thức uống có cồn có thể làm tăng độc tính của thuốc.
  • Các thuốc kháng nấm, thuốc chẹn kênh calci, kháng sinh nhóm macrolid,... có thể làm tăng nồng độ Midanium trong huyết tương và kéo dài tác dụng an thần của thuốc.
  • Rifampicin, Carbamazepin, phenytoin làm giảm nồng độ Midanium trong huyết tương.
  • Phối hợp với Fentanyl gây hạ huyết áp nặng, đặc biệt ở trẻ sơ sinh.

5. Liều dùng và cách dùng

Cách dùng

  • Midanium được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm 5mg/1ml.
  • Thuốc dùng để tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch tùy mục đích điều trị.

Liều dùng

  • Gây mê trước phẫu thuật: Tiêm tĩnh mạch 1⁄2 ống (2,5 mg) 5 - 10 phút trước khi làm thủ thuật; Lặp lại 1⁄5 ống (1mg) nếu cần; Liều tối đa 1 ống/ lần. HOẶC: Tiêm bắp trước phẫu thuật 30 phút 0,07 - 0,1 mg/kg ở người lớn và 0,15 - 0,20 mg/kg ở trẻ em.
  • Dẫn mê: Tiêm tĩnh mạch 10 - 15 mg ở người lớn; Tiêm bắp 0,15 - 0,20 mg/kg kết hợp với ketamin 4 - 8 mg/kg ở trẻ em.
  • Duy trì mê: Liều tối đa 0,05 - 0,4 mg/kg/giờ.
  • An thần vẫn thức tỉnh ở người lớn nhỏ hơn 60 tuổi: Tiêm tĩnh mạch chậm 2 - 2,5 mg trong 30 giây; Liều tối đa 7,5 mg.
  • An thần vẫn thức tỉnh ở người lớn hơn 60 tuổi hoặc bệnh nhân thể trạng kém, bệnh mãn tính: Tiêm tĩnh mạch 0,5 - 1 mg; Liều tối đa 3,5 mg.
  • Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, tùy từng bệnh lý và đối tượng bệnh nhân bác sĩ sẽ có các chỉ định liều dùng khác nhau.

6. Tác dụng phụ của thuốc Midanium

Các tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc Midanium

  • Gây buồn ngủ, đau đầu, lú lẫn, chóng mặt.
  • Viêm tắc tĩnh mạch gây đau tại chỗ.
  • Buồn nôn, nôn, nấc sau phẫu thuật.
  • Giảm huyết áp tâm thu nặng.
  • Tăng nhịp tim, rối loạn nhịp tim nhanh.
  • Suy hô hấp gây ngừng thở.
  • Phản ứng phản vệ, ức chế hô hấp.
  • Kích động, gây hưng cảm, gây động kinh, run cơ.

Tóm lại, Midanium là thuốc có tác dụng an thần được sử dụng chủ yếu trước và trong các phẫu thuật, thủ thuật xâm lấn. Thuốc phải được sử dụng bắt buộc tại cơ sở y tế dưới chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan