Công dụng thuốc minata

Minata 1g là thuốc kháng sinh nhóm cephalosporin, có hoạt chất chính là Cefpirome là một kháng sinh dự trữ dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp, tiết niệu nặng, nguy hiểm tới tính mạng. Vậy Minata là thuốc gì và có tác dụng như thế nào?

1. Minata 1g là thuốc gì?

Minata (Cefpirome) là thuốc kháng sinh diệt khuẩn nhóm cephalosporin, là một cephalosporin mới có phổ tác dụng rộng trên các vi khuẩn Gram dương và Gram âm, có độ vững bền cao chống lại tác động của các beta - lactamase do cả plasmid và chromosome mã hóa. Cefpirome có tác dụng đối với vi khuẩn gây bệnh Gram dương như Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis, Staphylococcus saprophyticus và Streptococcus nhóm A,B,C. Những vi khuẩn Gram âm quan trọng, nhạy cảm với cefpirome gồm có Haemophilus influenzae, Escherichia coli, Proteus, Klebsiella và Enterobacter.

2. Thuốc Minata có tác dụng gì?

Minata (Cefpirome) có phổ tác dụng rộng trên các vi khuẩn Gram dương và Gram âm, là một kháng sinh dự trữ dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp và tiết niệu có biến chứng nguy hiểm tính mạng, nhiễm khuẩn huyết có căn nguyên từ đường tiết niệu hoặc đường tiêu hóa và được dùng kết hợp với kháng sinh chống các vi khuẩn kỵ khí.

3. Cách dùng - liều lượng của thuốc Minata

Cách dùng:

Minata 1g được bào chế ở dạng thuốc bột pha tiêm. Nhân viên y tế sẽ tiêm thuốc vào tĩnh mạch của bạn.

Liều lượng:

  • Đối với nhiễm khuẩn đường hô hấp có biến chứng, nhiễm khuẩn huyết, hoặc nhiễm khuẩn nguy hiểm tính mạng: 2 g, 12 giờ một lần.
  • Đối với nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng: 1g, 12 giờ một lần.
  • Trường hợp bệnh nhân suy thận có độ thanh thải creatinin dưới 50 ml/phút, cần điều chỉnh liều thuốc phù hợp.

Minata là thuốc dùng đường tiêm tĩnh mạch và chỉ dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn nặng, do đó, cần sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. Liều dùng và thời gian điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh, thể trạng, bệnh lý kèm theo của mỗi người sẽ khác nhau. Bạn cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ/chuyên viên y tế để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc.

4. Chống chỉ định khi dùng thuốc Minata

Minata là kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh Cephalosporin, do đó, nếu bạn từng có tiền sử dị ứng với thuốc nhóm Cephalosporin thì không nên sử dụng thuốc Minata.

5. Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Minata

Tiêu chảy là tác dụng phụ không mong muốn thường gặp nhất khi dùng thuốc Minata 1g. Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện một số triệu chứng khác như: đau đầu, mất ngủ, chán ăn, hạ huyết áp, chóng mặt, ngứa da, rối loạn số lượng tiểu cầu,...

6. Thận trọng - Lưu ý khi dùng thuốc Minata

  • Cần chú ý chức năng thận khi dùng kết hợp thuốc với các thuốc nhóm aminoglycosid, thuốc lợi tiểu quai do làm tăng các tác dụng không mong muốn ở thận.
  • Cần chắc chắn rằng bạn không có tiền sử dị ứng với các thuốc nhóm Cephalosporin, penicillin hoặc các thuốc khác nhóm beta-lactam
  • Tác dụng không mong muốn thường gặp khi dùng thuốc cũng như sau điều trị là tiêu chảy. Tuy nhiên đó cũng có thể là triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc. Bạn cần thông báo với bác sĩ để có chẩn đoán chính xác và có hướng xử trí đúng cách.
  • Trong thời kỳ mang thai bạn có thể dùng thuốc. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn vẫn cần xin ý kiến của các bác sĩ có chuyên môn.
  • Trong thời gian cho con bú, bạn nên ngừng sử dụng thuốc Minata

Lưu ý: Không khuyến cáo dùng thuốc cho trẻ em dưới 12 tuổi, chỉ dùng khi thực sự cần thiết và có sự chỉ định, giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. Các liều lượng ghi trong hướng dẫn sử dụng là tính cho người thể trọng bình thường (70kg).

7. Tương tác thuốc khi dùng Minata

  • Kết hợp thuốc Minata với Probenecid sẽ làm giảm sự đào thải của thuốc ở ống thận, làm tăng nguy cơ ngộ độc thuốc.
  • Nếu bạn đã có bệnh nền suy chức năng thận không nên kết hợp thuốc Minata với thuốc lợi tiểu quai, do làm tăng độc tính với thận.
  • Không dùng thuốc cùng với dung dịch Bicarbonat.

Trên đây là những thông tin cơ bản về thuốc Minata và tác dụng của thuốc Minata 1g, nếu còn bất kỳ câu hỏi nào về thuốc hay các bệnh lý khác, bạn hãy liên hệ với các bác sĩ/nhân viên y tế có chuyên môn để được giải đáp. Không nên tự ý sử dụng hay bỏ thuốc để tránh tình trạng kháng kháng sinh.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

154 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan