Nhóm kháng sinh Aminosid: Những điều cần biết

Kháng sinh nhóm Aminosid hay Aminoglycosid là họ kháng sinh có nhiều tính chất tương đồng giữa các thuốc trong nhóm về hiệu quả điều trị nhiễm khuẩn nặng trên các loại vi khuẩn gram dương và âm. Tuy nhiên nhóm thuốc này lại có khoảng điều trị hẹp vì khả năng gây độc tính trên thận và thính giác nên việc sử dụng kháng sinh aminosid cần tuân thủ những hạn chế nghiêm ngặt về chỉ định, liều lượng cũng như theo dõi.

1. Kháng sinh Aminosid là gì?

Kháng sinh nhóm Aminosid là nhóm kháng sinh diệt khuẩn được lấy từ nấm và có cấu trúc hóa học mang đường cùng với chức amin. Một số thuốc kháng sinh tiêu biểu trong nhóm có thể kể đến như kháng sinh streptomycin, neomycin, kanamycin, amikacin, gentamicin. Các đặc tính chung của kháng sinh Aminosid gồm:

  • Hầu hết không dùng được bằng đường tiêu hóa
  • Cơ chế tác dụng diệt khuẩn
  • Phổ kháng khuẩn rộng dùng chủ yếu để chống vi khuẩn hiếu khí gram âm
  • Có độc tính chọn lọc với dây thần kinh VII và thận (thường hồi phục)

2. Nhóm Aminosid được chỉ định khi nào?

Những kháng sinh thuộc nhóm Aminosid rất hiếm khi được sử dụng đơn độc, trong các trường hợp sử dụng duy nhất nhóm Aminosid thường là điều trị các nhiễm khuẩn đường niệu (viêm cầu thận cấp, đặc biệt là dị ứng với nhóm beta-lactam hay vi khuẩn kháng cephalosporin thế hệ 3). Đa số các trường hợp khác kháng sinh Aminosid đều được sử dụng phối hợp với các kháng sinh khác nhằm mục đích:

  • Tăng cường tác dụng hiệp đồng diệt khuẩn
  • Dự phòng xuất hiện kháng thuốc
  • Mở rộng phổ kháng khuẩn

Theo đó, kháng sinh Aminosid được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn chưa rõ nguyên nhân
  • Điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao như bệnh nhân ghép tạng hay bệnh nhân suy giảm miễn dịch kèm nhiễm khuẩn huyết
  • Nhiễm trùng đường niệu
  • Nhiễm khuẩn đã được xác định hoặc nghi ngờ do Pseudomonas aeruginosa, Acinetobacter hoặc các cầu khuẩn đường ruột, liên cầu viridans, liên cầu nhóm B
  • Bệnh nhân viêm nội tâm mạc do nhiễm vi khuẩn gram dương
  • Viêm màng não do Listeria monocytogenes
Viêm màng não 1
Người bệnh viêm màng não do Listeria monocytogenes có thể được chỉ định dùng kháng sinh Aminosid

Thông thường các kháng sinh thuộc nhóm Aminosid sẽ được giới hạn điều trị chỉ trong giai đoạn khởi đầu khi số lượng vi khuẩn trong ổ nhiễm trùng cao với thời gian điều trị thường dưới 5 ngày để cân bằng các lợi ích và nguy cơ của thuốc.

XEM THÊM: Kháng sinh viêm đường tiết niệu cho trẻ em

3. Kháng sinh Aminosid được sử dụng như thế nào?

Kháng sinh nhóm Aminosid thường được dùng qua đường tĩnh mạch với thời gian truyền khoảng 30 phút và tránh tối đa tiêm bắp nếu có thể, cũng như không khuyến cáo đường dùng tiêm dưới da. Hầu các trường hợp kháng sinh Aminosid được dùng 1 liều duy nhất trong ngày nhằm mục tiêu:

  • Tăng cường thấm thuốc vào mô do sự chênh lệch giữa nồng độ thuốc trong huyết tương và nồng độ trong mô.
  • Hiệu quả lâm sàng rõ rệt tương đương với cách dùng nhiều lần một ngày
  • Giảm thiểu độc tính đến thận và tai

Tuy nhiên các trường hợp viêm nội tâm mạc vẫn cần chia liều dùng aminosid làm 2-3 lần theo các dùng truyền thống, trừ viêm nội tâm mạc do liên cầu hoặc cầu khuẩn ruột.

Liều dùng của aminosid với người lớn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh trên lâm sàng và độ dài đợt điều trị:

  • Gentamicin, tobramycin: 3-8 mg/kg cân nặng/ngày
  • Netilmicin: 4-8 mg/kg cân nặng/ ngày
  • Amikacin: 15-30 mg/kg cân nặng/ ngày

Đối với người lớn tuổi, nhiễm khuẩn ít nghiêm trọng hơn cần cân nhắc dùng liều thấp nhất do nhóm bệnh nhân này có nguy cơ làm tăng độc tính trên thận của thuốc. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì liều aminosid theo mg/kg tương đương với liều người lớn và tuân theo nguyên tắc dùng 1 liều duy nhất/ngày.

Tiêm thuốc
Liều dùng thuôc aminosid tùy thuộc vào bệnh trạng của người bệnh

4. Tác dụng không mong muốn của kháng sinh nhóm Aminosid

Những tác dụng không mong muốn của nhóm kháng sinh Aminosid gồm có:

  • Độc tính trên thận
  • Độc tính tiền đình và thính giác (thường không thể đảo ngược) có thể gây chóng mặt, mất điều hòa
  • Làm thời gian tác dụng của thuốc ức chế thần kinh cơ kéo dài
  • Các yếu tố như dùng liều cao, thời gian điều trị kéo dài, tuổi cao hoặc bệnh nhân có các rối loạn thận từ trước có thể làm tăng nguy cơ mắc độc tính khi sử dụng thuốc.

Kháng sinh nhóm Aminosid là nhóm kháng sinh diệt khuẩn, nhưng có khả năng gây độc tính trên thận nên người sử dụng cần tuân theo hướng dẫn hoặc theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý sử dụng, lạm dụng để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

126.9K

Dịch vụ từ Vinmec