Công dụng thuốc Pegianin

Thuốc Pegianin có thành phần chính là Valsartan và Hydroclorothiazid, được dùng trong điều trị tăng huyết áp cho người lớn từ 18 tuổi trở lên. Cùng tìm hiểu thuốc Pegianin có tác dụng gì trong bài viết dưới đây.

1. Thuốc Pegianin có tác dụng gì?

Thuốc Pegianin có thành phần chính là ValsartanHydroclorothiazid với hàm lượng lần lượt là 160mg, 25mg. Valsartan là một thuốc đối kháng thụ thể typ I của angiotensin II. Hydroclorothiazid là thuốc lợi tiểu thiazid có tác dụng hạ huyết áp nhờ cơ chế tăng bài tiết natri clorid và nước do ức chế tái hấp thu các natri và clorid ở ống lượn xa.

2. Chỉ định của thuốc Pegianin

Thuốc Pegianin được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân trên 18 tuổi, bệnh nhân huyết áp không được kiểm soát đúng mức khi điều trị bằng liệu pháp đơn trị.

3. Chống chỉ định của thuốc Pegianin

Thuốc Pegianin chống chỉ định với các đối tượng sau:

  • Mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc, các thuốc khác là dẫn xuất của sulfonamid.
  • Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.
  • Bệnh nhân bị suy gan nặng, xơ gan, ứ mật.
  • Bệnh nhân mắc suy thận nặng
  • Người bị hạ natri máu, hạ kali máu, tăng canxi và tăng acid uric máu.
  • Sử dụng đồng thời với thuốc đối kháng thụ thể angiotensin hoặc thuốc ức chế men chuyển và aliskiren đối với bệnh nhân mắc đái tháo đường hoặc suy thận có mức lọc cầu thận dưới 60 ml/phút/ I,73m2.

4. Liều lượng và cách dùng thuốc Pegianin

Cách dùng: Thuốc dùng đường uống. Thời điểm dùng thuốc không phụ thuộc vào bữa ăn, do đó có thể uống thuốc trước, trong hoặc sau ăn.

Liều dùng:

Người lớn:

  • Liều điều trị: 1 viên 1 lần/ ngày.
  • Người suy gan: Không cần điều chỉnh liều ở những bệnh nhân suy gan ở mức độ nhẹ đến vừa.
  • Chống chỉ định cho bệnh nhân suy gan nặng có kèm theo ứ mật.
  • Người suy thận: Không cần điều chỉnh liều cho bệnh nhân suy thận nhẹ đến trung bình (tốc độ lọc cầu thận (GER) > 30ml/phút). Do thành phần hydroclorothiazid nên chống chỉ định ở bệnh nhân suy thận nặng (GFR < 30ml/phút) và vô niệu.
  • Người già: Không cần điều chỉnh liều
  • Trẻ em (dưới 18 tuổi): Tính an toàn và hiệu quả của Pegianin chưa được xác định ở trẻ em dưới 18 tuổi. Sau khi bắt đầu điều trị cần đánh giá đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân. Nếu huyết áp không được kiểm soát có thể tăng liều sau 1-2 tuần lên tối đa 320mg/25mg/ngày.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Pegianin

Tác dụng không mong muốn của thuốc Pegianin có thể xảy ra với tần suất như sau:

Thường gặp:

  • Thần kinh trung ương: đau đầu, chóng mặt
  • Tuần hoàn: đỏ bừng mặt, tăng tần số tim
  • Tiêu hóa: buồn nôn, nôn
  • Thận: Tăng urê máu

Ít gặp:

  • Tim mạch: Hạ huyết áp, ngất
  • Nội tiết: Tăng kali máu
  • Tiêu hóa: Tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn.
  • Máu: thiếu máu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính
  • Cơ xương: Đau khớp, đau lưng
  • Gan: Tăng enzym gan trong máu
  • Thận: rối loạn chức năng thận, tăng creatinin máu
  • Hô hấp: ho khan

6. Thận trọng và cảnh báo khi dùng thuốc Pegianin

  • Những thay đổi chất điện giải trong huyết thanh: Phải cần thận khi dùng thuốc bổ sung kali, thuốc lợi tiểu giữ kali, chất thay thế muối có chứa kali, hoặc các thuốc làm tăng nồng độ kali trong huyết thanh (heparin, v.v...).Thuốc lợi tiểu thiazid nên được sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân có các tình trạng liên quan đến mất kali đáng kể. Nếu hạ kali huyết kèm theo các dấu hiệu lâm sàng (ví dụ như yếu, liệt cơ, hoặc biến đổi trên ECG) nên ngừng sử dụng Pegianin. Nồng độ kali và magie huyết thanh nên được kiểm tra định kỳ. Tất cả các bệnh nhân dùng thuốc lợi tiểu thiazid nên được theo dõi sự mất cân bằng điện giải, đặc biệt là kali.
  • Thuốc lợi tiểu thiazid có thể làm khởi phát tình trạng hạ natri huyết và nhiễm kiềm do giảm clo huyết hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng hạ natri huyết có sẵn.
  • Bệnh nhân mất muối và hoặc mất thể tích tuần hoàn: Những trường hợp mất muối và/hoặc mất thể tích tuần hoàn nặng như do dùng liều cao thuốc lợi tiểu, hạ huyết áp có triệu chứng có thể xảy ra sau khi bắt đầu điều trị Pegianin. Nếu hạ huyết áp xảy ra, phải đặt bệnh nhân nằm ngửa và trong trường hợp cần thiết phải truyền nước muối sinh lý.
  • Bệnh nhân hẹp động mạch thận: Nên thận trọng khi dùng Pegianin ở bệnh nhân hẹp động mạch thận một hoặc hai bên hoặc hẹp trên bệnh nhân chỉ có một thận vì urê máu và creatinin huyết thanh có thể tăng ở những đối tượng này.
  • Bệnh nhân suy thận: Không cần điều chỉnh liều lượng cho bệnh nhân suy thận nhẹ đến trung bình (Tốc độ lọc cầu thận (GER) > 30ml/ phút. Do thành phần hydroclorothiazid, Pegianin phải được dùng thận trọng ở những bệnh nhân suy thận nặng (GER < 30ml/phút). Thuốc lợi tiểu thiazid có thể làm tăng nitơ máu ở những bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính. Đơn trị liệu với thuốc lợi tiểu thiazid không hiệu quả trong suy thận nặng (GFR <30ml/phút), nhưng có thể hữu ích khi kết hợp một cách thận trọng với thuốc lợi tiểu quai ngay cả ở những bệnh nhân với GFR < 30ml/phút.
  • Bệnh nhân suy gan: Không cần điều chỉnh liều lượng ở những bệnh nhân suy gan mức độ nhẹ đến vừa. Pegianin nên được sử dụng thận trọng, đặc biệt ở những bệnh nhân bị rối loạn tắc nghẽn đường mật và suy gan nặng.
  • Phù mạch: Phù mạch, bao gồm sưng thanh quản và thanh môn, gây tắc nghẽn đường thở và/hoặc sưng mặt, môi, cổ họng, và/hoặc lưỡi đã được báo cáo ở những bệnh nhân được điều trị với valsartan, một số những bệnh nhân này trước đây đã bị phù mạch với các thuốc khác bao gồm cả thuốc ức chế men chuyển angiotensin. Pegianin nên được ngưng ngay lập tức ở những bệnh nhân phát triển phù mạch và không nên tái sử dụng Pegianin nữa.
  • Bệnh nhân suy tim/ sau nhồi máu cơ tim: ở những bệnh nhân có chức năng thận phụ thuộc vào hoạt động của hệ thống renin-angiotensin-aldosteron (như bệnh nhân suy tim sung huyết nặng), điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc đối kháng thụ thể angiotensin liên quan đến thiểu niệu và /hoặc chứng tăng nitơ huyết tiến triển, và trong trường hợp hiếm hoi liên quan với suy thận cấp và/ hoặc tử vong. Đánh giá bệnh nhân bị suy tim hoặc sau nhồi máu cơ tim luôn luôn đi kèm với đánh giá chức năng thận.
  • Phụ nữ mang thai: Thận trọng với người mang thai, khi có kế hoạch mang thai thì phải ngưng dùng thuốc và thay thế bằng thuốc khác. Nghiên cứu cho thấy, những thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) cho phụ nữ có thai trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối được báo cáo là gây tổn thương và chết đối với thai đang phát triển trong tử cung. Thuốc lợi tiểu hydroclorothiazid liên quan tới vàng da hoặc giảm tiểu cầu ở thai nhi trong tử cung và trẻ sơ sinh, và cũng có thể liên quan tới những tác dụng phụ khác đã xảy ra trên người lớn.
  • Phụ nữ cho con bú: Chưa rõ valsartan có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Valsartan được bài tiết qua sữa của chuột cho con bú. Hydroclorothiazid qua được nhau thai và được bài tiết qua sữa mẹ. Do đó không dùng thuốc cho phụ nữ cho con bú. Nếu bắt buộc phải dùng thuốc, cần cân nhắc kỹ giữa việc không dùng thuốc hoặc ngừng cho con bú tùy theo mức độ cần thiết của thuốc đối với người mẹ.

Thuốc Pegianin có thành phần chính là Valsartan và Hydroclorothiazid, được dùng trong điều trị tăng huyết áp cho người lớn từ 18 tuổi trở lên. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

30 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan