Tác dụng của thuốc Fluocinonide

Fluocinonide thuộc nhóm thuốc điều trị bệnh da liễu, có tác dụng chống viêm, chống ngứa, được dùng để điều trị cho các bệnh ngoài da khác nhau như eczema hình đĩa, eczema tiết bã, eczema dị ứng, viêm da dị ứng, lupus ban đỏ,... Thuốc Fluocinolone là thuốc được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ.

1. Thuốc Fluocinonide là thuốc gì?

Thuốc Fluocinonide có hoạt chất chính là Fluocinonide và các tá dược khác vừa đủ.

Thuốc được điều chế dưới dạng kem bôi ngoài da, gồm hai loại là kem bôi Fluocinonide 0,1% và Fluocinonide 0,05%, đóng gói thành hộp, mỗi hộp gồm 1 tuyp 60g.

2. Tác dụng của thuốc Fluocinonide

2.1 Công dụng - chỉ định

Cơ chế hoạt động: là thuốc thuộc nhóm Corticosteroid, hoạt động bằng cách làm giảm đi quá trình sản sinh ra một số loại hóa chất ở trong cơ thể như Prostaglandin, leucotrien gây sưng và ngứa, từ đó giúp làm giảm được các triệu chứng của bệnh.

Thuốc Fluocinonide là thuốc được sử dụng theo toa, có tác dụng điều trị các triệu chứng bệnh về da liễu như: nổi mẩn, viêm da, eczema, dị ứng,...

2.2 Chống chỉ định

Thuốc Fluocinonide chống chỉ định sử dụng cho những trường hợp sau:

  • Người bị trứng cá đỏ, trứng cá tuổi dậy thì, lao da, giang mai, bệnh da do nấm và virus, ung thư da
  • Trẻ còn đang trong quá trình bú sữa mẹ
  • Người bị nhiễm khuẩn ở da do nấm, vi khuẩn hoặc virus như thủy đậu, herpes
  • Người bị hăm bẹn.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Fluocinonide

Cách dùng:

  • Thuốc được điều chế dưới dạng kem bôi ngoài da nên bôi trực tiếp lên vùng da bị tổn thương.
  • Người dùng cần phải rửa tay thật sạch trước và ngay sau khi thoa thuốc, trừ vùng da tay cần phải bôi thuốc điều trị.
  • Vệ sinh vùng da bị tổn thương sạch sẽ, sau đó lau khô trước khi bôi thuốc lên để tránh nguy cơ bị bội nhiễm.
  • Tuyệt đối không được sử dụng băng gạc băng bó vùng da vừa thoa thuốc, trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ. Vì khi băng bó sẽ làm tăng khả năng hấp thụ của thuốc qua da, gây nguy cơ tăng khả năng xuất hiện các tác dụng phụ của thuốc.
  • Tránh để thuốc dính vào mắt, miệng. Nếu không may dính phải thì người dùng cần phải rửa sạch với nước nhiều lần.
  • Tuy thuốc được dùng để bôi ngoài da nhưng cần phải tránh vùng da mặt, háng nếu không có sự chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng:

Với người trưởng thành và trẻ em từ 12 - 17 tuổi:

  • Fluocinonide 0,1%: sử dụng một lớp thuốc mỏng để thoa lên vùng da bị tổn thương từ 1 đến 2 lần/ngày theo sự chỉ định của bác sĩ.
  • Fluocinonide 0,05%: sử dụng một lớp thuốc mỏng để thoa lên vùng da bị tổn thương từ 2 đến 4 lần/ngày theo sự chỉ định của bác sĩ.

Với trẻ em từ 0 đến 11 tuổi:

  • Fluocinonide 0,1%: chưa có xác nhận về mức độ an toàn của thuốc cho đối tượng này.
  • Fluocinonide 0,05%: sử dụng một lớp thuốc mỏng để thoa lên vùng da bị tổn thương từ 2 - 4 lần theo sự chỉ định của bác sĩ. Lưu ý, đối tượng này khi sử dụng thuốc cần phải có sự giám sát kỹ càng của người lớn để đảm bảo được mức độ an toàn.

Lưu ý: dù với đối tượng nào, nếu sau khoảng 2 tuần sử dụng thuốc mà tình trạng bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm thì người bệnh cần phải thông báo ngay cho bác sĩ để xem xét liều lượng hoặc đổi sang loại thuốc khác.

Trong trường hợp quên liều: Người dùng có thể bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, phải đảm bảo được khoảng thời gian sử dụng giữa hai liều liên tiếp từ 6-8 tiếng, nếu quá gần với liều sử dụng tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên. Tuyệt đối không được sử dụng gấp đôi số liều để bù cho lượng thuốc Fluocinonide quên đó.

Trong trường hợp quá liều: khi sử dụng quá liều, người dùng có thể gặp phải một số vấn đề nghiêm trọng. Vì vậy, khi phát hiện ra mình sử dụng quá liều và xuất hiện các triệu chứng bất thường, người dùng cần phải thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.

4. Tác dụng phụ của thuốc Fluocinonide

Trong quá trình sử dụng, ngoài công dụng chính mà thuốc Fluocinonide mang lại, người dùng còn có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn sau:

  • Kích ứng da, ngứa da, rạn da, mỏng da, thay đổi sắc tố của da, phát ban da.
  • Khó thở, mặt, môi lưỡi bị sưng.
  • Nhiễm trùng nang lông.
  • Tăng lượng đường huyết trong máu.
  • Mắc hội chứng Cushing.
  • Bị nhiễm trùng thứ cấp.
  • Dị ứng tiếp xúc.
  • Tạo áp lực từ bên trong hộp sọ.

Lưu ý: nếu trong quá trình điều trị, người dùng có những triệu chứng kể trên hoặc bất cứ triệu chứng nào khác nghi do dùng thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn xử trí kịp thời.

5. Tương tác thuốc Fluocinonide

Người dùng khi sử dụng thuốc cần ghi nhớ một số phản ứng tương tác giữa thuốc Fluocinonide với một số loại thuốc khác như:

  • Thuốc Fluocinonide có thể làm thay đổi đi khả năng hoạt động của một số loại thuốc khác mà người bệnh đang sử dụng hoặc làm gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để làm giảm đi tối thiểu các phản ứng tương tác không mong muốn xảy ra, người dùng cần phải thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng, thảo dược mà mình đang sử dụng.
  • Đồng thời, để đảm bảo độ an toàn khi sử dụng thuốc, người dùng không được tự ý ngưng hoặc thay đổi liều lượng mà không có sự cho phép của bác sĩ điều trị.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Fluocinonide

Người dùng khi sử dụng thuốc Fluocinonide cần lưu ý một số điều sau:

  • Với những người mắc bệnh tiểu đường, phụ nữ đang mang thai: không được sử dụng quá 3-4 tuần, không được sử dụng thuốc trên da mặt, da cổ hoặc vùng tầng sinh môn.
  • Những người mắc bệnh vẩy nến cần phải được theo dõi cẩn thận trong quá trình sử dụng thuốc vì bệnh có thể sẽ nặng lên hoặc tạo hiện tượng vảy nến có mủ.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc cho những người bị suy giảm chức năng gan hoặc những người đang điều trị bằng thuốc suy giảm miễn dịch khác.
  • Không dùng thuốc cho những người bị hồng ban da.
  • Với phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú: chưa có báo cáo rõ ràng chỉ ra rằng thuốc có làm ảnh hưởng đến thai nhi hay có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Chính vì vậy cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và bé.
  • Với trẻ em dưới 12 tuổi: chưa có báo cáo xác nhận về mức độ an toàn cho đối tượng này. Thông thường, khả năng hấp thụ thuốc của đối tượng này thường sẽ cao hơn người lớn nên nếu sử dụng thuốc trong thời gian dài sẽ làm cản trở sự phát triển của trẻ.

Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp cho người đọc hiểu thêm được tác dụng của thuốc Fluocinonide trong việc điều trị bệnh. Lưu ý, Fluocinolone là thuốc được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ nên người bệnh cần phải được thăm khám và kê đơn bởi bác sĩ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan