Tác dụng của thuốc Guanfacine

Guanfacine thuộc nhóm thuốc tác động trên hệ thần kinh được sử dụng để điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Dưới đây là những thông tin chi tiết về thuốc Guanfacine và lưu ý khi sử dụng.

1. Guanfacine 1mg là thuốc gì?

  • Thuốc Guanfacine được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Guanfacine hàm lượng 1mg.
  • Guanfacine là một chất chủ vận có chọn lọc thụ thể alpha 2A - adrenergic, ái lực với thụ thể này cao hơn 15 - 20 lần so với các loại thụ thể alpha 2B hoặc alpha 2C. Trong các nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy guanfacine điều chỉnh tín hiệu trong hạch nền và vỏ não trước trán thông qua điều chỉnh trực tiếp quá trình dẫn truyền noradrenalin qua synap tại các thụ thể alpha 2A - adrenergic.
  • Không như các loại thuốc điều trị ADHD khác, guanfacine không phải là một chất kích thích. Phương thức hoạt động của thuốc để điều trị ADHD vẫn chưa được biết rõ. Guanfacine được cho là ảnh hưởng đến các thụ thể trong não, giúp tăng cường trí nhớ, giảm sự mất tập trung, cải thiện sự chú ý và khả năng kiểm soát xung động. Guanfacine có thể giúp cải thiện các triệu chứng ADHD như quậy phá, hiếu động, thiếu chú ý, hay tranh cãi với người lớn hoặc bốc đồng, mất bình tĩnh.

2. Tác dụng của thuốc Guanfacine

  • Thuốc Guanfacine được sử dụng ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 6 - 17 tuổi trong điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) mà các thuốc kích thích không phù hợp, không dung nạp hoặc không có hiệu quả, đồng thời kết hợp với các biện pháp giáo dục, tâm lý và xã hội.
  • Không sử dụng Guanfacine trong trường hợp quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Guanfacine

  • Trẻ em dưới 6 tuổi: An toàn và hiệu quả của thuốc chưa được thiết lập.
  • Trẻ em 6 - 17 tuổi:
    • Uống 1mg/ lần/ ngày, vào buổi sáng hoặc tối, vào khoảng cùng một thời điểm mỗi ngày, có thể chỉnh liều bằng cách tăng dần liều không quá 1mg/ tuần.
    • Để cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn khi dùng thuốc, khoảng liều được khuyến cáo tùy thuộc vào đáp ứng lâm sàng và khả năng dung nạp thuốc từ 0,05 - 0,12mg/ kg/ ngày.
  • Trẻ em từ 6 - 12 tuổi: Liều tối đa là 4mg/ ngày.
  • Trẻ em từ 13 - 17 tuổi: Liều tối đa là 7mg/ ngày.
  • Người cao tuổi: Tính an toàn và hiệu quả của thuốc khi dùng cho người cao tuổi bị ADHD chưa được xác định rõ ràng. Do đó, không nên dùng guanfacine cho đối tượng này.
  • Người bị bệnh suy gan: Có thể phải giảm liều ở những người suy gan ở các mức độ khác nhau. Tác động của tình trạng suy gan lên dược động học của guanfacine ở trẻ em và thanh thiếu niên 6 - 17 tuổi không được đánh giá.
  • Người bị bệnh suy thận: Có thể phải giảm liều ở người suy thận nặng (GFR 15 - 29ml/ phút), bệnh thận giai đoạn cuối (GFR < 15ml/ phút) hoặc người cần lọc máu. Tác động của tình trạng suy thận lên dược động học của guanfacine ở trẻ em và thanh thiếu niên 6 - 17 tuổi không được đánh giá.

4. Tác dụng phụ của thuốc Guanfacine

Khi sử dụng thuốc Guanfacine có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau:

  • Thường gặp:
    • Giảm sự thèm ăn, khô miệng, buồn nôn, táo bón.
    • Ảnh hưởng đến sự nhanh nhẹn, phiền muộn, mất ngủ, ác mộng.
    • Nhức đầu, chóng mặt, ngất xỉu, hôn mê.
    • Nhịp tim chậm, đánh trống ngực, hạ huyết áp.
  • Ít gặp:
    • Phản ứng dị cảm, quá mẫn.
    • Ảo giác, lú lẫn, kích động.
    • Block nhĩ thất cấp 1, rối loạn nhịp tim.
  • Hiếm gặp: Tăng huyết áp.

Khi sử dụng thuốc Guanfacine, nếu người bệnh gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào nghiêm trọng hãy ngưng dùng thuốc, liên hệ ngay với bác sĩ điều trị hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

5. Tương tác với thuốc Guanfacine

Khi dùng phối hợp Guanfacine có thể tương tác với các thuốc sau:

  • Khi sử dụng kết hợp guanfacine với các chất ức chế hoặc cảm ứng CYP3A4/5, có thể tăng hoặc giảm nồng độ guanfacine trong huyết tương, làm ảnh hưởng đến hiệu quả và độ an toàn khi sử dụng guanfacine. Guanfacine có thể làm tăng nồng độ trong huyết tương của các thuốc được chuyển hóa qua CYP3A4/5 khi dùng phối hợp với nhau.
  • Dùng đồng thời guanfacine với các chất nền MATE1 có thể làm tăng nồng độ của các sản phẩm này trong huyết tương.
  • Tăng nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của hạ huyết áp tư thế đứng và ngất khi dùng kết hợp Guanfacine với Duloxetine.
  • Tăng nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của hạ huyết áp và hạ huyết áp tư thế đứng khi kết hợp Guanfacine với Levodopa.
  • Không nên dùng Guanfacine trong các bữa ăn giàu chất béo do các thức ăn giàu chất béo có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến sự hấp thu của thuốc.

6. Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Guanfacine

Khi sử dụng thuốc Guanfacine, cần thận trọng trong các trường hợp sau:

  • Tránh ngừng thuốc đột ngột do có thể gây lo lắng, hồi hộp hoặc tăng huyết áp trở lại.
  • Guanfacine có thể gây ngất, nhịp tim chậm, hạ huyết áp. Trước khi bắt đầu điều trị, nên đánh giá tình trạng tim mạch của bệnh nhân để xác định các nguy cơ tăng huyết áp, nhịp tim chậm, kéo dài khoảng QT hoặc nguy cơ rối loạn nhịp tim. Việc theo dõi nên được duy trì hàng tuần trong quá trình điều chỉnh liều và ít nhất 3 tháng/ lần trong năm đầu tiên. Sau đó nên theo dõi hàng tháng trong 6 tháng, theo dõi thường xuyên hơn sau khi chỉnh liều.
  • Thận trọng khi điều trị cho bệnh nhân có tiền sử hạ huyết áp, nhịp tim chậm, bệnh lý tim mạch, người có tiền sử ngất hoặc một tình trạng bệnh lý có thể dẫn đến ngất như hạ huyết áp, hạ huyết áp tư thế đứng, nhịp tim chậm hoặc mất nước.
  • Thận trọng với người suy thận, suy gan mãn tính.
  • Thận trọng khi sử dụng ở những người có tiền sử kéo dài khoảng QT, các yếu tố nguy cơ gây xoắn đỉnh như nhịp tim chậm, block tim, hạ kali máu hoặc những bệnh nhân đang dùng các thuốc có tác dụng gây kéo dài khoảng QT. Những bệnh nhân này nên được đánh giá thêm về tình trạng tim mạch dựa trên các đánh giá lâm sàng.
  • Guanfacine có thể gây buồn ngủ, nhất là khi mới bắt đầu điều trị, thường kéo dài trong 2 - 3 tuần hoặc lâu hơn trong một số trường hợp. Trước khi phối hợp guanfacine với bất cứ loại thuốc trầm cảm có hoạt tính trung ương nào khác như rượu, thuốc an thần, barbiturat, phenothiazin hoặc benzodiazepin thì nên xem xét đến khả năng tăng tác dụng an thần.
  • Không nên uống rượu trong khi sử dụng guanfacine.
  • Guanfacine không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ mang thai.
  • Chưa biết rõ guanfacine và các chất chuyển hoá của nó có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Do đó nên ngừng cho con bú hoặc ngừng thuốc dựa trên cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi điều trị cho phụ nữ đang cho con bú.
  • Guanfacine có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, ngất. Do đó cần hết sức thận trọng khi lái xe hay sử dụng máy móc.

Ngoài những thông tin trên nếu còn bất kỳ thắc mắc gì về thuốc Guanfacine, người bệnh có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan