Cách chữa vi khuẩn HP bằng thuốc

Vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) là nguyên nhân chính gây đau và viêm loét dạ dày - tá tràng, thậm chí dẫn đến ung thư dạ dày. Tình trạng nhiễm HP rất phổ biến, dễ lây lan và tái phát. Do đó, người bệnh cần được thăm khám sớm để phát hiện tình trạng này và có cách chữa vi khuẩn HP dứt điểm và hiệu quả.

1. Vi khuẩn HP là gì?

  • Vi khuẩn HP có tên khoa học đầy đủ là Helicobacter Pylori, là nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày hoặc ung thư dạ dày. Vi khuẩn HP được tìm thấy lần đầu tiên trong dạ dày người vào năm 1982.
  • Vi khuẩn HP sống và phát triển trong môi trường acid của dạ dày, tiết ra enzyme Urease giúp trung hòa acid dạ dày. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn HP âm thầm phát triển và không gây ra bất kỳ triệu chứng gì. Sau nhiều năm, khi vi khuẩn HP đã tồn tại ở niêm mạc dạ dày đủ lâu sẽ làm xuất hiện các vết loét.
  • Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng nhiễm HP dạ dày là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây viêm loét dạ dày tá tràng, thậm chí dẫn đến ung thư dạ dày. Do đó, người nhiễm cần được thăm khám và dùng thuốc điều trị vi khuẩn HP dạ dày kịp thời để hạn chế ảnh hưởng đối với sức khỏe.

2. Cách chữa vi khuẩn HP

Nhiễm vi khuẩn HP trong giai đoạn đầu sẽ không có biểu hiện rõ ràng, chỉ khi bệnh diễn biến nặng hơn (viêm hoặc loét nặng) và bệnh nhân đến khám mới được phát hiện và điều trị. Các cách chữa vi khuẩn HP trong dạ dày tập trung vào mục tiêu là loại bỏ vi khuẩn, chữa lành vết loét và ngăn ngừa tái phát, giảm nguy cơ tiến triển thành ung thư.

2.1. Thuốc chữa vi khuẩn HP

Điều trị nội khoa thường là phương án được lựa chọn đầu tiên vì có hiệu quả nhanh, giúp người bệnh giảm nhanh các triệu chứng viêm loét dạ dày. Dựa vào kết quả test HP, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị vi khuẩn HP dạ dày phù hợp với từng bệnh nhân.

Nhiễm khuẩn HP dạ dày thường được điều trị bằng việc phối hợp 2 -3 loại thuốc chữa vi khuẩn HP như thuốc loại kháng sinh, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày và trung hòa acid, ví dụ như:

  • Các thuốc kháng sinh: Đóng vai trò chính trong điều trị HP dạ dày, có tác dụng ức chế sinh sinh trưởng và phát triển của vi khuẩn trong dạ dày như Amoxicillin, Clarithromycin, Levofloxacin, Tetracycline, Tinidazol,...
  • Thuốc ức chế bơm proton: Các thuốc này có tác dụng giảm sản xuất acid dạ dày như esomeprazole, omeprazole, lansoprazole, pantoprazole,...
  • Bismuth subsalicylate: Thường được phối hợp với kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn HP, có tác dụng bảo vệ vết loét khỏi sự tấn công của acid dạ dày.

Mặc dù có tác dụng nhanh, nhưng các thuốc điều trị vi khuẩn HP dạ dày có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như buồn nôn, nôn mửa, ăn không ngon miệng, khó chịu ở thượng vị, đầy hơi, khó tiêu, đau bụng, táo bón, thay đổi vị giác,... Các thuốc kháng sinh chữa HP có thể tiêu diệt luôn cả các loại lợi khuẩn ở đường ruột và gây đầy bụng, co thắt dạ dày, tiêu chảy,...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc chữa vi khuẩn HP:

  • Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng, đường dùng và thời gian điều trị. Không tự ý dùng thêm thuốc, ngưng thuốc hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc mà chưa được sự cho phép của bác sĩ để tránh tình trạng kháng thuốc.
  • Người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm đánh giá điều trị sau ít nhất bốn tuần sử dụng các thuốc điều trị vi khuẩn HP dạ dày. Nếu vi khuẩn vẫn còn, người bệnh sẽ được điều trị đợt hai với ít nhất một thuốc kháng sinh khác với những thuốc đã sử dụng trong đợt một.
  • Nếu xuất hiện tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc chữa vi khuẩn HP, người bệnh cần thông báo ngay với bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe như tăng tiết acid gây trào ngược dạ dày, nguy cơ loãng xương, viêm đại tràng, ...
  • Thời gian dùng thuốc chữa vi khuẩn HP thường kéo dài 1 - 2 tuần để tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa tái nhiễm.

2.2. Cách chữa vi khuẩn HP trong dạ dày tại nhà

Cách điều trị vi khuẩn HP có phát huy tốt hiệu quả hay không không chỉ liên quan đến thuốc mà còn phụ thuộc vào thói quen sống của người bệnh. Vì vậy, để điều trị vi khuẩn HP hiệu quả, giảm tái phát; người bệnh cần có lối sống lành mạnh như không thức khuya, nghỉ ngơi hợp lý, giảm căng thẳng, hạn chế sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn, chất kích thích,... Một số thực phẩm có khả năng chống lại vi khuẩn HP, làm giảm khả năng hoạt động của chúng. Vì vậy, ngoài việc dùng thuốc chữa vi khuẩn HP, người bệnh nên tăng cường tiêu thụ các loại thực phẩm như:

  • Rau củ quả: Các loại rau xanh, củ, quả chín như bông cải xanh, bắp cải, ớt chuông, quả mâm xôi, dâu tây, táo,... chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất, chất xơ giúp bảo vệ và tăng cường hệ miễn dịch. Từ đó giúp cơ thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn và giảm các phản ứng viêm nhiễm.
  • Sữa chua và các chế phẩm giàu men vi sinh: Chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho dạ dày, men vi sinh kích hoạt hoạt động của hệ tiêu hóa và giúp làm giảm các triệu chứng của viêm loét dạ dày.
  • Các thảo dược tự nhiên: Các loại nghệ, tỏi, gừng, mật ong, dầu oliu, cam thảo,... có tác dụng tốt trong điều trị viêm dạ dày, giảm triệu chứng của bệnh và giảm mức độ hoạt động của vi khuẩn HP.

Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế các thực phẩm gây kích thích dạ dày ruột như cà phê, rượu bia, socola, thực phẩm cay nóng, thực phẩm có tính acid mạnh,...

3. Cách phòng ngừa nhiễm khuẩn HP

Số lượng nhiễm vi khuẩn HP ngày càng tăng và có thể tìm được vi khuẩn ngay trong người khỏe mạnh. Mặt khác, vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa vi khuẩn HP. Do đó, bên cạnh áp dụng cách điều trị vi khuẩn HP khi bị nhiễm thì việc phòng ngừa nguy cơ tái nhiễm là rất cần thiết. Các biện pháp giúp phòng ngừa nhiễm vi khuẩn HP:

  • Rửa tay trước khi chế biến thức ăn và khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
  • Đảm bảo an toàn thực phẩm: Sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, hạn chế ăn hàng quán, vỉa hè, không dùng thức ăn đã ôi thiu, hư hỏng,...
  • Dùng nước sạch để chế biến thức ăn và rửa dụng cụ nhà bếp.
  • Ăn chín, uống sôi.
  • Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất, chất chống oxy hóa,...
  • Sắp xếp kế hoạch học tập, làm việc và nghỉ ngơi phù hợp, tránh căng thẳng, lo âu trong cuộc sống.
  • Hoạt động thể dục thường xuyên để tăng sức đề kháng, thay đổi thói quen sinh hoạt để có lối sống lành mạnh hơn.
  • Bảo vệ bản thân khi sống cùng người nhiễm HP
  • Khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm HP. Phát hiện bệnh sớm và chủ động tầm soát ung thư dạ dày, tuân thủ cách chữa vi khuẩn HP trong dạ dày để tăng hiệu quả điều trị.

Trên đây là những thông tin về cách chữa vi khuẩn HP. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, bạn có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

347 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan