Thiếu máu ruột gây ảnh hưởng gì?

Thiếu máu mạc treo ruột có thể ảnh hưởng đến ruột non hoặc đại tràng. Theo đó, tình trạng thiếu máu ruột có thể là thứ phát do tắc động mạch hoặc có thể do tắc nghẽn đường ra của tĩnh mạch. Đây là bệnh cảnh nặng nề, cần được đánh giá đúng mức và can thiệp tích cực ngay từ đầu cũng như biết thiếu máu ruột gây ảnh hưởng gì để kịp thời đề phòng.

1. Thiếu máu mạc treo ruột là gì?

Thiếu máu ruột hay thiếu máu mạc treo ruột (hay thiếu máu cục bộ đường ruột) có thể ảnh hưởng đến ruột non hoặc ruột kết. Trong đó, thiếu máu cục bộ mạc treo cấp tính là sự khởi phát đột ngột của giảm tưới máu ruột. Bệnh nhân thường có biểu hiện đau bụng đột ngột, diễn tiến xấu nhanh và cần phải được can thiệp phẫu thuật khẩn cấp. Ngược lại, thiếu máu cục bộ mạc treo mãn tính gặp ở những bệnh nhân bị xơ vữa động mạch mạc treo, gây ra tình trạng giảm tưới máu từng đợt trong ruột thường trở nên tồi tệ hơn sau bữa ăn.

Các nguyên nhân chính gây ra thiếu máu mạc treo ruột bao gồm:

  • Thuyên tắc động mạch mạc treo: Huyết khối thường nằm trong lòng động mạch mạc treo tràng trên cung cấp máu cho ruột non. Tình trạng này gây ra cơn đau bụng thường khởi phát cấp tính. Các yếu tố tiên lượng bao gồm bệnh cơ tim, rung nhĩ, chụp mạch máu gần đây, viêm mạch máu và bệnh van tim.
  • Huyết khối động mạch mạc treo: Huyết khối động mạch cấp tính thường là kết quả của xơ vữa động mạch hoặc thứ phát sau vỡ mảng xơ vữa cấp tính hoặc tích tụ dần dần cho đến khi có tình trạng hẹp nghiêm trọng. Các yếu tố dễ mắc bệnh bao gồm bệnh nhân bị xơ vữa động mạch, bệnh động mạch ngoại vi, tình trạng tăng đông máu, liệu pháp estrogen và hạ huyết áp kéo dài.
  • Huyết khối tĩnh mạch mạc treo: Huyết khối tĩnh mạch mạc treo làm tăng sức cản của dòng máu tĩnh mạch mạc treo. Những bệnh nhân có quá trình viêm cục bộ trong ổ bụng (chẳng hạn như bệnh viêm ruột) có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Những bệnh nhân bị tăng đông máu (nói cách khác là những bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông di truyền và mắc phải cũng như có các khối u ác tính) cũng có nguy cơ cao hơn.
  • Thiếu máu cục bộ mạc treo không đặc hiệu: Những trường hợp này thường liên quan đến sự co thắt mạch máu mạc treo, cuối cùng có thể gây giảm tưới máu đến ruột non và ruột già. Các yếu tố nguy cơ bao gồm bệnh động mạch ngoại vi, sốc nhiễm trùng, thuốc co mạch (như digoxin), lạm dụng cocaine, chạy thận nhân tạo,...

2. Các biểu hiện của thiếu máu ruột như thế nào?

Để đưa ra chẩn đoán, bác sĩ cần khai thác kỹ tiền sử cá nhân và gia đình về những bệnh nhân có thể bị thiếu máu cục bộ mạc treo. Bệnh nhân bị thiếu máu ruột cục bộ mạc treo tràng do tắc mạch cấp tính có tiền sử bị tắc mạch trước đó khoảng 30%. Ngoài ra, 50% những người bị huyết khối tĩnh mạch mạc treo tràng cấp tính đã có tiền sử cá nhân hoặc gia đình về huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi.

Triệu chứng phổ biến nhất của thiếu máu đường ruột là đau bụng. Hơn nữa, các triệu chứng và biểu hiện tại cơ quan khác của bệnh nhân có thể giúp xác định căn nguyên của bệnh thiếu máu cục bộ. Thuyên tắc động mạch thường gây ra cơn đau đột ngột, dữ dội, quanh vùng bụng và đi kèm với buồn nôn và nôn ói. Tắc động mạch mạc treo tràng do huyết khối thường kết hợp với cơn đau nặng nề hơn sau khi ăn. Bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch mạc treo thường có cơn đau bụng khởi phát chậm hơn và cường độ hay thay đổi.

Đôi khi bệnh nhân thiếu máu đường ruột có các dấu hiệu thăm khám sức khỏe bình thường. Một số khác có thể có căng chướng bụng mức độ nhẹ, còn các dấu hiệu phúc mạc bắt đầu xuất hiện khi đã xảy ra nhồi máu mạc treo và hoại tử ruột xuyên thành.

Thiếu máu ruột gây triệu chứng đau bụng cho người bệnh
Thiếu máu ruột gây triệu chứng đau bụng cho người bệnh

3. Làm cách nào để chẩn đoán và điều trị thiếu máu mạc treo ruột?

Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán thiếu máu cục bộ mạc treo là chụp mạch mạc treo. Tuy nhiên, chụp cắt lớp vi tính động mạch là đủ để làm phương thức chẩn đoán ban đầu.

Các xét nghiệm khác có thể giúp hướng tới chẩn đoán là số lượng bạch cầu, d-dimer và lactate, giúp hỗ trợ chẩn đoán thiếu máu cục bộ mạc treo, nhưng bác sĩ lâm sàng không nên chỉ dựa vào các xét nghiệm này. Trên thực tế, lactate và d-dimer không có giá trị đặc hiệu cao. Việc tìm hiểu kỹ tiền sử và khám sức khỏe, cùng với khám bụng kỹ lưỡng là quan trọng hơn cả.

Bệnh nhân bị thiếu máu cục bộ mạc treo tràng cấp tính thường cần can thiệp phẫu thuật ngay lập tức. Việc điều trị nên bắt đầu ngay tại khoa cấp cứu bằng cách hồi sức tích cực với bù dịch và truyền kháng sinh phổ rộng (có bao phủ hệ vi khuẩn đường ruột). Nếu bệnh nhân vẫn hạ huyết áp mặc dù đã được hồi sức tích cực bằng dịch truyền thì nên bắt đầu truyền norepinephrine. Tuy nhiên, về mặt nguyên lý, thuốc vận mạch có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu máu cục bộ và cần được sử dụng thận trọng.

Thiếu máu ruột do tắc động mạch mạc treo phải được điều trị bằng phẫu thuật mở ổ bụng sớm với phẫu thuật cắt nối. Mặc dù vẫn còn đang được nghiên cứu, một số bệnh nhân được chẩn đoán rất sớm là thuyên tắc động mạch mạc treo tràng (không có dấu hiệu của viêm phúc mạc) có thể được điều trị bằng cách truyền thuốc tiêu huyết khối tại chỗ. Huyết khối động mạch mạc treo thường cần phẫu thuật tái thông mạch máu với nong mạch mạc treo hoặc đặt stent. Ngược lại, huyết khối tĩnh mạch mạc treo đôi khi có thể được điều trị bằng thuốc kháng đông toàn thân nhưng chỉ định sẽ còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Cuối cùng, miễn là không có chống chỉ định, bệnh nhân bị thiếu máu ruột thường được điều trị bằng thuốc kháng đông toàn thân sau can thiệp ngoại khoa. Ngoài ra, bệnh nhân nên được khuyến khích ngừng hút thuốc lá và đảm bảo rằng huyết áp được kiểm soát thích hợp. Nhiều bệnh nhân có thể bị tiêu chảy do cắt bỏ ruột và có thể mắc phải hội chứng ruột ngắn, kém hấp thu sau đó nên cần được tư vấn chế độ dinh dưỡng thích hợp sau hậu phẫu.

4. Tiên lượng và thiếu máu ruột gây ảnh hưởng gì?

Tỷ lệ tử vong của thiếu máu ruột được ước tính là từ 60% đến 80%, đặc biệt ở những người có chẩn đoán chậm trễ hơn 24 giờ. Can thiệp phẫu thuật trong vòng 6 giờ kể từ khi có triệu chứng làm tăng tỷ lệ sống sót. Nói chung, tiên lượng phụ thuộc vào bệnh cảnh và nguyên nhân gây bệnh. Bệnh nhân có căn nguyên động mạch có tiên lượng kém khả quan hơn so với những bệnh nhân có căn nguyên tĩnh mạch.

Về biến chứng, thiếu máu cục bộ mạc treo có thể gây ra nhiều ảnh hưởng khác nhau, tại chỗ hay toàn thân với những mức độ khác nhau. Nếu thiếu máu cục bộ mạc treo không được điều trị kịp thời, các biến chứng bao gồm:

Hình ảnh quai ruột non hoại tử
Hình ảnh quai ruột non hoại tử do thiếu máu mạc treo ruột

5. Làm sao để phòng ngừa thiếu máu ruột?

Việc điều trị và phòng ngừa tiên phát của thiếu máu cục bộ mạc treo là một công việc liên chuyên khoa. Nhiều bệnh nhân trong số này có các bệnh đi kèm khác và cần được các chuyên gia y tế khác đánh giá. Do có bệnh lý mạch máu, các hệ cơ quan khác trong cơ thể cũng cần được theo dõi chặt chẽ.

Cụ thể là đối với những người bị rối loạn nhịp nhĩ, người bệnh cần dùng thuốc kháng đông lâu dài. Ngoài ra, bác sĩ theo dõi cũng phải đảm bảo rằng giá trị INR điều trị đã đạt được. Hồ sơ theo dõi kháng đông định kỳ là bắt buộc.

Tóm lại, mặc dù khả năng sống sót của những bệnh nhân sau khi bị thiếu máu mạc treo ruột đã được cải thiện trong 3 thập kỷ qua, đây vẫn là bệnh cảnh nặng, có tỷ lệ tử vong rất cao. Cách thức điều trị chủ yếu vẫn là phẫu thuật và liệu pháp kháng đông. Tuy nhiên, khả năng thiếu máu đường ruột vẫn có thể tái phát sau đó; vì vậy, người bệnh cần được theo dõi lâu dài, nhất là kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn mắc bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan