Các biện pháp giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch

1. Hoạt động thể lực

Hoạt động thể lực là nền tảng của dự phòng bệnh tim mạch, làm giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do bệnh tim mạch, giúp tăng sức khỏe thể chất và cải thiện sức khỏe tâm thần.

Hội Tim mạch châu Âu khuyến cáo những người khỏe mạnh ở mọi lứa tuổi nên chọn các hoạt động thể lực phù hợp với thói quen hàng ngày. Các hoạt động phù hợp sức khoẻ không chỉ là các hoạt động liên quan đến thể thao như chạy bộ, đạp xe, bóng đá, bơi lội, ... mà còn bao gồm cả các hoạt động hàng ngày như leo cầu thang, làm việc nhà,làm vườn,...

Hoạt động thể lực
Hoạt động thể lực

Tần suất hoạt động nên ít nhất 3- 5 lần mỗi tuần, tốt nhất là hàng ngày. Mỗi người nên tập ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần với cường độ vừa phải hoặc 15 phút/ngày, 5 ngày/tuần cường độ mạnh hoặc kết hợp cả hai mức độ. Để kiểm soát lipid hoặc giảm cân, thời gian tập luyện cần kéo dài hơn, khoảng 60 phút - 90 phút/ngày.

2. Cai thuốc lá

Cai thuốc lá là biện pháp hiệu quả trong phòng ngừa bệnh tim mạch.

Cai thuốc lá
Cai thuốc lá

-Cai thuốc hiệu quả khi can thiệp tư vấn tạo động lực kết hợp với hỗ trợ ngừng hút thuốc lá bằng các thuốc thay thế và theo dõi hỗ trợ.

  • Tư vấn tạo động lực cai thuốc: tư vấn để giải quyết các mâu thuẫn khi bỏ thuốc lá và khuyến khích người hút thuốc lá lựa chọn giải pháp phù hợp với mục tiêu dài hạn của họ. Cần thể hiện sự đồng cảm và tránh tranh luận. Cần giúp bệnh nhân hiểu được những lợi ích của việc bỏ thuốc đối với bệnh nhân và cuộc sống.
  • Điều trị thay thế: Hiện tại có ba loại thuốc được khuyến cáo :
  1. Liệu pháp Nicotin thay thế
  2. Bupropion
  3. Varenicline

-Mục tiêu cần đạt trong chiến lược cai thuốc với Nicotin thay thế theo hướng dẫn của ASH (Action on Smoking and Health):

  • Trong 6 tuần đầu: giảm mức sử dụng xuống 50%
  • Từ 6 tuần - 9 tháng: tiếp tục giảm xuống và hướng tới ngừng hoàn toàn sau 6 tháng.
  • Sau 12 tháng: ngừng sử dụng liệu pháp nicotine thay thế.

3. Chế độ dinh dưỡng gỉam nguy cơ bệnh lý tim mạch

Thói quen ăn uống ảnh hưởng đến nguy cơ tim mạch qua việc tác động lên các yếu tố nguy cơ như Cholesterol, huyết áp, trọng lượng cơ thể, đái tháo đường và các bệnh mạn tính khác. Các chất dinh dưỡng ảnh hưởng nhiều đến bệnh tim mạch là các axit béo (chủ yếu ảnh hưởng đến mức lipoprotein), các khoáng chất (chủ yếu ảnh hưởng đến huyết áp) và chất xơ.

3.1. Các chất béo

Loại axit béo ăn vào quan trọng hơn rất nhiều tổng lượng chất béo (axit béo) ăn vào.

Tỷ lệ chất béo bão hòa (SFA) trong chế độ ăn uống có ảnh hưởng nhiều nhất đến nồng độ Cholesterol toàn phần, LDL-C và HDL-C. Các SFA làm tăng LDL-C và HDL-C. Các thực phẩm có chứa nhiều SFA là các sản phẩm sữa, thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, dừa và các sản phẩm dầu cọ.Mức năng lượng từ nguồn SFA chỉ nên chiếm <10% tổng năng lượng ăn vào hàng ngày.

Các axit béo không bão hòa đa nối đôi (PUFA) : axit béo omega-6 nhiều trong hướng dương, đậu nành, ngô và axit béo omega-3 trong dầu hạt cải, dầu đậu nành và thực vật bậc thấp như tảo. Cá ăn tảo trong sinh vật phù du có thể tạo ra axit béo omega-3. PUFA thay thế tuyệt vời cho các chất béo bão hòa giúp giảm cholesterol.

Nên ăn cá tối thiểu hai lần mỗi tuần để cung cấp axit béo omega-3. Điều này giúp giảm tỷ lệ tử vong do bệnh mạch vành xuống 36% và tử vong do mọi nguyên nhân xuống 17%.

3.2. Carbohydrate

Carbohydrate là thành phần chính của chế độ ăn và sau khi ăn sẽ làm tăng đường máu. Chỉ số Glycemic index (GI) là chỉ số phân loại thực phẩm theo lượng Carbohydrate.

Các loại thực phẩm có GI cao như bánh mì trắng, gạo trắng, pizza và đường được tiêu hóa và hấp thu nhanh chóng. Dẫn đến đường huyết cao, tăng tỷ số insulin/glucagon, tiết ra các hormone điều hòa và tăng nồng độ axit béo tự do. Những tác dụng này thúc đẩy hạ đường huyết và giảm HDL-C.

Lượng carbohydrate trong chế độ ăn cần thận trọng đối với bệnh nhân mắc rối loạn lipid máu. Người bệnh nên ăn các loại thực phẩm có GI thấp và hàm lượng chất xơ cao như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ quả và các loại đậu.

3.3. Các chất khoáng cho tim mạch

  • Natri

Các nghiên cứu cho thấy chỉ cần ăn bớt đi 1 gam muối/ngày đã làm giảm 3,1 mmHg huyết áp tâm thu ở bệnh nhân tăng huyết áp và 1,6 mmHg ở người không tăng huyết áp.

Trung bình, 80% lượng muối đến từ thực phẩm chế biến sẵn, chỉ có 20% lượng muối ăn vào là do thêm vào khi nấu nướng hoặc khi ăn. Giảm muối bằng cách hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, thay đổi cách chế biến thực phẩm (giảm lượng muối đưa vào khi chế biến).

  • Kali

Ăn tăng Kali cũng giúp giảm HA. Các nguồn chính cung cấp Kali là trái cây và rau quả. Có mối tương quan nghịch giữa lượng kali ăn vào và nguy cơ xảy ra đột quỵ . Ăn tăng Kali giúp giảm 24% đột quỵ.

3.4. Chất xơ

Tăng lượng chất xơ làm giảm Cholesterol toàn phần, LDL-C và nguy cơ biến cố mạch vành.

Tổng hợp các nghiên cứu cho thấy ăn >7g tổng các chất xơ một ngày làm giảm 9% nguy cơ BĐMV, và nếu ăn >10g/ngày thì giúp giảm 16% nguy cơ đột quỵ và 6% nguy cơ ĐTĐ type 2.

Lượng chất xơ tiêu thụ hàng ngày khuyến cáo là 5-15 g chất xơ hòa tan.

112 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan