Các cách tự nhiên chữa giãn tĩnh mạch

Sự xuất hiện của các tĩnh mạch sưng và nổi rõ trên bàn chân và cẳng chân được gọi là giãn tĩnh mạch. Các tĩnh mạch bị giãn có màu tím sẫm hoặc xanh lam và xoắn, sần hay phồng lên. Trong một số trường hợp, nhiều tĩnh mạch bị giãn tạo thành tĩnh mạch mạng nhện, gây khó chịu và mất thẩm mỹ cho người bệnh. Cùng tìm hiểu các cách chữa giãn tĩnh mạch tự nhiên và hiệu quả trong bài viết sau.

1. Giãn tĩnh mạch là gì?

Giãn tĩnh mạch là các tĩnh mạch bị giãn to, xoắn lại, có thể nổi lên mặt da. Giãn tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng phổ biến hơn ở chân. Giãn tĩnh mạch thường không để lại hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, giãn tĩnh tĩnh mạch nói chung và tĩnh mạch mạng nhện nói riêng, có thể gây khó chịu vì gây mất thẩm mỹ.

Tĩnh mạch mạng nhện là một loại giãn tĩnh mạch nhẹ hơn, biểu hiện bằng các tĩnh mạch li ti, nhỏ hơn giãn tĩnh mạch, thường trông giống như một đám cháy nắng hoặc "mạng nhện", có màu đỏ hoặc xanh, thường thấy ở mặt và chân, ngay dưới da.

2. Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch

Giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở các tĩnh mạch gần bề mặt da. Giãn tĩnh mạch xảy ra khi huyết áp trong tĩnh mạch tăng lên trong thời gian dài.

Thông thường, máu di chuyển về tim bằng các van một chiều trong tĩnh mạch. Ngồi hoặc đứng trong thời gian dài có thể khiến máu đọng lại trong tĩnh mạch chân, làm tăng áp lực trong tĩnh mạch dẫn đến các tĩnh mạch có thể căng ra do áp lực tăng lên. Điều này có thể làm suy yếu thành tĩnh mạch và làm hỏng van, từ đó dẫn đến bệnh giãn tĩnh mạch.

Khi các van bị suy yếu hoặc bị hư hỏng, máu có thể tích tụ trong các tĩnh mạch. Điều này làm tăng huyết áp trong cho các tĩnh mạch, làm tĩnh mạch trở nên giãn rộng.

Giãn tĩnh mạch có thể phổ biến hơn ở một số gia đình (do di truyền). Tăng áp lực trong tĩnh mạch có thể gây ra giãn tĩnh mạch. Các yếu tố có thể làm tăng áp lực bao gồm:

  • Lớn tuổi
  • Giới nữ
  • Bất động chân kéo dài do chấn thương hoặc các nguyên nhân khác.
  • Thai kỳ.
  • Uống thuốc tránh thai hoặc điều trị rối loạn nội tiết với các loại hoóc môn thay thế.
  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • Hút thuốc lá.

3. Triệu chứng giãn tĩnh mạch

Triệu chứng của giãn tĩnh mạch rất đa dạng, tùy theo cơ địa mỗi cá nhân. Sau đây là những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh suy giãn tĩnh mạch, bao gồm:

  • Thay đổi màu sắc trên da.
  • Loét chân.
  • Dị cảm ở chân, chẳng hạn như cảm giác nặng nề, bỏng rát hoặc đau nhức.
  • Giãn tĩnh mạch nặng lâu ngày gây sưng nhẹ, lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề về da và mô nghiêm trọng hơn, như loét khó lành.

Thông thường, giãn tĩnh mạch không gây nguy hiểm, tuy nhiên nó gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ, gây khó chịu cho người bệnh. Cùng tìm hiểu những cách chữa giãn tĩnh mạch tại nhà an toàn và hiệu quả sau đây.

4. 8 cách tự nhiên chữa giãn tĩnh mạch

Kê cao chân

Kê chân cao hơn mức tim nhiều lần trong ngày là một cách chữa giãn tĩnh mạch đơn giản để giúp bạn giảm các triệu chứng của chứng giãn tĩnh mạch. Bạn có thể thực hiện bằng cách nằm xuống và kê một vài chiếc gối bên dưới chân.

Đối với chứng giãn tĩnh mạch từ nhẹ đến trung bình, kê cao chân sẽ giúp bạn cải thiện lưu lượng máu trở về tim và giảm sưng tĩnh mạch.

Tập thể dục

Bạn có thể thử bất kỳ bài tập thể dục nào có tác dụng với các cơ ở chân. Các cơ của chân giúp tĩnh mạch của bạn đẩy máu trở lại tim chống lại lực hấp dẫn. Bằng cách tập luyện cơ chân, bạn cũng sẽ ngăn ngừa sự hình thành các búi giãn tĩnh mạch mới.

Giảm cân

Thừa cân hoặc béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ chính của bệnh giãn tĩnh mạch. Khi bạn thừa cân, các tĩnh mạch gặp khó khăn trong việc đẩy máu về tim, về lâu dài có thể dẫn đến giãn tĩnh mạch. Giảm cân sẽ giúp các tĩnh mạch dễ vận chuyển máu trở lại tim và giúp ngừa sự hình thành của các giãn tĩnh mạch mới.

Mang vớ áp lực

Vớ áp lực với nhiều màu sắc, kích cỡ, kiểu chân, áp lực và độ dài khác nhau được thiết kế để ép sát các cơ ở chân của bạn giúp cải thiện dòng máu lưu thông đến tim. Ngoài ra, vớ áp lực còn giúp giảm đau, sưng và giảm các triệu chứng khó chịu liên quan đến chứng giãn tĩnh mạch.

Phụ nữ mang thai bị giãn tĩnh mạch có thể sử dụng vớ áp lực trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng.

Tránh đứng hoặc ngồi trong thời gian dài

Nếu bạn có lối sống ít vận động hay công việc của bạn phải ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, bạn có nguy cơ dễ bị giãn tĩnh mạch hơn.

Vì vậy, tốt nhất bạn nên tránh đứng hoặc ngồi trong thời gian dài. Bạn nên nghỉ ngơi sau mỗi 30 phút, sau đó đứng lên và đi lại. Đi bộ sẽ tạo điều kiện cho các cơ chân đưa máu về tim. Bạn có thể thực hiện phương pháp này tại nhà hoặc nơi làm việc để cải thiện lưu thông máu ở chân.

Bổ sung thực phẩm chứa Flavonoid

Bổ sung các loại thực phẩm có chứa Flavonoid cũng có thể giúp cải thiện giãn tĩnh mạch.

Flavonoid cải thiện lưu thông tuần hoàn, giúp máu lưu thông tốt và ít bị ứ trệ trong tĩnh mạch, giúp giảm huyết áp trong tĩnh mạch có thể làm giảm giãn tĩnh mạch. Một số loại thực phẩm chứa flavonoid như:

  • Các loại rau: Hành tây, ớt chuông, rau bina và bông cải xanh.
  • Các loại trái cây như: Cam quýt, nho, anh đào, táo và việt quất.
  • Ca cao
  • Tỏi, gừng

Hạn chế mặc quần áo bó sát

Mặc quần áo bó sát làm giảm lưu lượng máu từ tĩnh mạch về tim. Mặc quần áo rộng rãi có thể cải thiện tuần hoàn và không hạn chế việc cung cấp máu cho phần dưới cơ thể.

Đi giày bệt thay vì giày cao gót giúp làm giảm triệu chứng cũng như nguy cơ giãn tĩnh mạch.

Xoa bóp

Một trong 8 cách tự nhiên chữa giãn tĩnh mạch là nhẹ nhàng xoa bóp các khu vực bị ảnh hưởng có thể giúp cho máu lưu thông qua các tĩnh mạch. Có thể sử dụng các loại dầu massage nhẹ nhàng hoặc kem dưỡng ẩm để có hiệu quả tối ưu.

Tuy nhiên, điều quan trọng là tránh ấn trực tiếp vào tĩnh mạch, vì điều này có thể làm hỏng các mô mỏng manh.

5. Khi nào cần tìm trợ giúp y tế?

Giãn tĩnh mạch thường không nguy hiểm và không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, nếu giãn tĩnh mạch khiến bạn không thoải mái về ngoại hình của mình, bạn có thể gặp bác sĩ để khám. Ngoài ra, nếu bạn nhận thấy những triệu chứng này cùng với chứng giãn tĩnh mạch, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn ngay lập tức:

  • Sưng tấy
  • Chảy máu
  • Đau và ấm khi chạm vào
  • Đổi màu da

Một số biện pháp can thiệp y tế có thể sử dụng để chữa giãn tĩnh mạch bao gồm:

  • Chích xơ là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho giãn tĩnh mạch. Sử dụng dung dịch muối (nước muối) hoặc hóa chất tiêm vào tĩnh mạch gây xơ hóa.
  • Sử dụng laser hoặc sóng cao tần để cắt đốt có thể được sử dụng để phá hủy thành tĩnh mạch.
  • Phẫu thuật cột thắt tĩnh mạch để loại bỏ các tĩnh mạch giãn.
  • Cắt bỏ tĩnh mạch: các công cụ đặc biệt được đưa vào qua các vết rạch nhỏ (vết mổ) được sử dụng để loại bỏ giãn tĩnh mạch.

Giãn tĩnh mạch là tình trạng tĩnh mạch biến dạng, sưng hoặc phồng lên bên dưới bề mặt da và có màu xanh hoặc tím. Trong cuộc sống hiện đại, có rất nhiều người bị giãn tĩnh mạch. Đa phần không gây ra bất kỳ đau đớn nào nhưng lại ảnh hưởng đến ngoại hình. Bạn có thể tham khảo 8 cách tự nhiên chữa giãn tĩnh mạch tại nhà hiệu quả trên đây. Nếu chứng giãn tĩnh mạch khiến bạn khó chịu, không cải thiện, bạn có thể liên hệ với cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan