Các triệu chứng suy thận độ 4

Bệnh thận mạn tính là tình trạng chức năng thận bị suy giảm, bệnh được chia thành 5 cấp độ với mức độ nguy hiểm tăng dần đối với sức khỏe người mắc. Theo đó suy thận độ 4 có thể liên quan đến một số biến chứng nghiêm trọng... Vậy triệu chứng suy thận độ 4 bao gồm những biểu hiện gì?

1. Định nghĩa suy thận độ 4 là gì?

Thận một tạng quan trọng trong cơ thể con người, thận đóng vai trò bài tiết và thực hiện công năng như một máy lọc của cơ thể. Thận giúp chúng ta điều hòa dịch, điện giải, đào thải các chất độc tố ra bên ngoài thông qua đường tiết niệu (nước tiểu). Khi thận bị suy, các chức năng của thận sẽ không được thực hiện một cách bình thường, về lâu về dài sẽ khiến các chất thải và độc tố ứ đọng lại bên trong cơ thể, đe dọa đến tính mạng nếu tình trạng bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Vậy chỉ số suy thận độ 4 được định nghĩa như thế nào? Suy thận độ 4 được định nghĩa là có chỉ số GFR nằm trong khoảng từ 15 - 39 ml/phút, đồng nghĩa với việc thận đã mất gần 85 - 90% chức năng. Lúc này bệnh nhân suy thận độ 4 cần đến các liệu pháp y tế hỗ trợ như chạy thận hoặc ghép thận trong tương lai gần.

Cụ thể hơn, trong bảng phân độ suy thận, mức suy thận độ 1 và 2 được xem là giai đoạn nhẹ nhất, thận chỉ bị hư hại nhẹ và không hoạt động đủ chức năng. Tuy nhiên khi đến giai đoạn 3, một nửa chức năng thận đã bị mất. Đến giai đoạn 4, tình trạng tổn thương thận đã trở nên nghiêm trọng, do đó ư tiên hàng đầu của giai đoạn này là làm chậm sự mất chức năng thận bằng cách tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Kết hợp với việc quản lý chặt chẽ các vấn đề sức khỏe đi kèm khác như huyết áp cao, bệnh tim, rối loạn lipid máu... và một số trường hợp cần lọc máu. Bệnh thận độ 5 là cấp độ suy thận cuối cùng, cần phải lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Suy thận độ 4 có chữa được không? Hiện tại nên y học trên thế giới vẫn chưa có phương pháp nào được công nhận để chữa khỏi suy thận, tuy nhiên nếu được điều trị đúng và kịp thời, bệnh nhân suy thận vẫn có thể duy trì sống một cuộc sống lâu dài. Vậy triệu chứng suy thận độ 4 gồm những dấu hiệu nào?

2. Triệu chứng suy thận độ 4

Biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân mắc suy thận độ 4 đã xuất hiện khá rõ ràng. với một số triệu chứng do suy giảm chức năng lọc máu của thận gây ra như: da xanh xao, tăng huyết áp, xuất huyết tiêu hóa, chán ăn, tiểu đêm, buồn nôn, phù nề, ngứa toàn thân, đau nhức đầu thường xuyên, đau nhức xương khớp...

Khi độ lọc cầu thận giảm thấp, các chất độc tích tụ trong máu sẽ ngày càng nhiều, từ đó các, triệu chứng bệnh sẽ càng rõ ràng, đặc biệt là tình trạng nhiễm độc. Nếu bệnh nhân không được chữa trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm của bệnh như suy tim, tăng huyết áp, phù não, phù phổi, đái tháo đường, đau quặn 2 bên hông...

Khi đó để cải thiện các triệu chứng suy thận độ 4 và giảm nguy cơ gây tổn thương nội tạng, bệnh nhân cần được chạy thận sớm, đặc biệt đối với suy thận do đái tháo đường, chạy thận sẽ giúp loại bỏ lượng nước dư thừa và các chất độc có trong máu.

3. Nguyên nhân gây suy thận nói chung

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh suy thận, điển hình là:

  • Bệnh về thận: Bệnh viêm cầu thận, bệnh sỏi thận, viêm bàng quang, bệnh lý viêm đường tiết niệu, bệnh thận đa nang,...
  • Cao huyết áp.
  • Biến chứng của bệnh đái tháo đường và tiểu đêm nhiều lần.
  • Thói quen ăn uống quá nhiều thực phẩm chứa các chất độc hại.
  • Uống quá nhiều đồ uống có ga, có cồn dẫn đến nồng độ pH trong cơ thể bị thay đổi, đòi hỏi thận phải làm việc quá sức.
  • Sử dụng các loại thuốc giảm đau kéo dài hoặc với liều lượng lớn.
  • Dùng nhiều thực phẩm chứa chất phụ gia không tốt cho hệ thần kinh trung ương, máu và gây độc thận.
  • Thói quen ăn mặn dẫn đến tăng huyết áp, điều này khiến cho lượng máu trong thận khó lưu thông ổn định.
  • Uống ít nước làm giảm khả năng đào thải độc tố, khiến thận suy giảm chức năng.

4. Bệnh nhân suy thận giai đoạn 4 sống được bao lâu?

Bệnh nhân suy thận giai đoạn 4 sống được bao lâu? Bệnh thận giai đoạn 4 có thận bị tổn thương từ trung bình đến nặng, tình hình bệnh đã khá nghiêm trọng. Tuổi thọ của người bệnh suy thận độ 4 sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng bệnh lý, sức khỏe, tuổi tác, các tình trạng y tế khác và việc tuân thủ điều trị. Số năm ở người bệnh thận giai đoạn 4 có thể sống sót dao động từ hơn 1 năm đến hơn 15 năm.

Nghiên cứu năm 2012 cho thấy cả nam và nữ giới có chức năng thận thấp bị giảm đáng kể tuổi thọ. Phụ nữ có xu hướng sống lâu hơn khi khảo sát trong tất cả các giai đoạn của bệnh thận, ngoại trừ giai đoạn 4. Ở giai đoạn 4 này sự khác biệt về tuổi thọ của bệnh nhân chỉ chênh lệch một phần nhỏ về giới tính. Theo đó ở độ tuổi 40, nam giới thường sống thêm khoảng 10 năm và nữ giới là 9 năm, nhưng ở độ tuổi 60 nam giới là 5,6 năm và nữ giới là 6,2 năm, đến độ tuổi 80, khoảng 2,5 năm đối với nam và 3,1 năm đối với nữ giới. Do đó tùy theo tình trạng bệnh, lứa tuổi bị bệnh và phương pháp điều trị, các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra những khuyến cáo cụ thể để bệnh nhân có thể sống được lâu hơn.

5. Cần chú ý những gì đối với bệnh thận giai đoạn 4?

Bệnh thận giai đoạn 3 là giai đoạn nguy hiểm, chức năng của thận đã bị suy giảm đáng kể, vì vậy người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng suy thận độ 4 nghiêm trọng như sưng ở bàn tay, bàn chân, đau lưng, thay đổi thói quen đi tiểu và đặc điểm của nước tiểu... Các biến chứng do chức năng thận suy giảm cũng thường xảy ra ở giai đoạn 4 do thận không thể lọc chất thải và chất lỏng dư thừa như bình thường. Vì vậy người bệnh suy thận độ 4 có nguy cơ bị huyết áp cao, thiếu máu, bệnh xương khớp, biến chứng tim mạch - chuyển hóa... Đặc biệt là suy thận. Người bệnh thận độ 4 cũng cần chuẩn bị cho việc lọc máu hoặc ghép thận nếu suy thận cấp xảy ra đột ngột.

Không có phương pháp nào có thể điều trị chữa khỏi hoàn toàn bệnh thận mạn tính giai đoạn 4 mà chủ yếu chỉ nhằm làm chậm tiến triển bệnh và giữ cho cơ thể bệnh nhân được khỏe mạnh. Điều này thường bao gồm chế độ ăn uống, lối sống hoặc sử dụng các loại thuốc kiểm soát huyết áp, kiểm soát lượng đường trong máu.

  • Chế độ ăn (giúp làm chậm bệnh thận tiến triển, điều trị và ngăn ngừa các biến chứng: như hạn chế muối, hạn chế tiêu thụ protein, phốt pho và kali trong chế độ ăn.
  • Lối sống: bỏ hút thuốc, bỏ rượu, duy trì hoạt động thể chất.

Tóm lại, bệnh thận mạn tính là tình trạng chức năng thận bị suy giảm, bệnh được chia thành 5 cấp độ với mức độ nguy hiểm tăng dần đối với sức khỏe người mắc. Theo đó suy thận độ 4 có thể liên quan đến một số biến chứng nghiêm trọng... nhận biết sớm các dấu hiệu sẽ giúp người bệnh có phương pháp điều trị kịp thời. Ngoài ra, bệnh nhân suy thận độ 4 nên thường xuyên đi thăm khám bác sĩ để theo dõi các thông số trong máu và nước tiểu, loại trừ các biến chứng sức khỏe liên quan, đồng thời giúp nâng cao sức khỏe, sức đề kháng, chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan