Bệnh thủy tinh mạc ở trẻ là gì?

Bệnh thủy tinh mạc ở trẻ em hay tinh hoàn thủy tinh xảy khi có sự tích tụ chất lỏng trong bìu. Hầu hết các trường hợp mắc phải thủy tinh mạc ở trẻ em sẽ tự giảm trong vài tháng đầu đời ở trẻ sơ sinh nên không cần điều trị. Nếu bệnh thủy tinh mạc vẫn tồn tại khi trẻ lớn lên thì một cuộc phẫu thuật nhỏ luôn có thể khắc phục được bất thường này.

1. Bệnh thủy tinh mạc ở trẻ là gì?

Bệnh thủy tinh mạc ở trẻ em hay tinh hoàn thủy tinh là tình trạng sưng ở bìu, một túi mỏng giữ tinh hoàn, xảy ra khi có quá nhiều chất lỏng tích tụ bên trong. Tình trạng này phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh, mặc dù hoàn toàn có thể xảy ra với bất kỳ nam giới nào.

Nghe có vẻ nghiêm trọng hay thậm chí gây đau đớn, bệnh thủy tinh mạc lại hoàn toàn không làm tổn thương em bé. Trong phần lớn các trường hợp, thủy tinh mạc ở trẻ em có thể tự biến mất khi trẻ lớn lên mà không cần bất kỳ can thiệp nào. Mặc dù vậy, cha mẹ vẫn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

2. Nguyên nhân thủy tinh mạc ở trẻ em là gì?

Bệnh thủy tinh mạc có thể đã bắt đầu trước khi trẻ được sinh ra. Tinh hoàn phát triển bên trong bụng và sau đó di chuyển xuống bìu qua một đường hầm ngắn. Một túi chất lỏng đi với mỗi tinh hoàn. Thông thường, đường hầm và túi này sẽ kín lại trước khi sinh và cơ thể em bé sẽ tiếp tục hấp thụ chất lỏng bên trong. Khi quá trình này không diễn ra như bình thường, tình trạng tinh hoàn thủy tinh sẽ xảy ra.

Có hai loại bệnh thủy tinh mạc:

  • Bệnh thủy tinh mạc không thông nối xảy ra khi túi bìu đóng lại như bình thường nhưng cơ thể không hấp thụ được chất lỏng bên trong túi.
  • Bệnh thủy tinh mạc có thông nối khi trẻ có thể tiếp tục sưng bìu hơn theo thời gian.

3. Triệu chứng của bệnh thủy tinh mạc như thế nào?

Bệnh thủy tinh mạc hoàn toàn không gây hại cho sức khỏe của trẻ. Triệu chứng duy nhất của bệnh lý này có thể nhận thấy là một hoặc cả hai tinh hoàn của em trông sưng lên. Ngay cả khi trẻ không biểu hiện đau đớn gì, cha mẹ cũng nên đến gặp bác sĩ nhi khoa để đảm bảo rằng trẻ không gặp các vấn đề sức khỏe khác gây ra tình trạng tương tự, chẳng hạn như nhiễm trùng, khối u hoặc thoát vị bẹn bìu.

Bên cạnh đó, trong bệnh thủy tinh mạc không thông nối, kích thước túi bìu không có sự thay đổi. Ngược lại, bệnh thủy tinh mạc có thông nối lại có thể lớn hơn qua từng ngày hay nếu nắn nhẹ, chất lỏng sẽ di chuyển ra khỏi bìu và vào bụng của trẻ nên kích thước sẽ nhỏ lại, nhưng khi dịch di chuyển xuống thì kích thước bìu lại tăng lên.

một túi mỏng giữ tinh hoàn
Tình trạng một túi mỏng giữ tinh hoàn xuất hiện trong bệnh thủy tinh mạc ở trẻ

4. Các cách chẩn đoán và điều trị bệnh thủy tinh mạc ở trẻ em

Khi đưa con đi khám, bác sĩ sẽ kiểm tra bìu xem có chất lỏng và độ mềm trong bìu hay không, đồng thời bác sĩ cũng sẽ chiếu đèn qua đó để xem có chất lỏng xung quanh tinh hoàn hay không.

Mặt khác, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra để đảm bảo rằng trẻ không bị thoát vị. Ngoài ra, trẻ cũng có thể được xét nghiệm máu và siêu âm bìu để chắc chắn rằng không có nguyên nhân gì khác gây ra vết sưng tấy, làm tăng kích thước của bìu.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh thủy tinh mạc thường tự biến mất trước sinh nhật đầu tiên của trẻ. Ngược lại, nếu túi ở bìu không biến mất hoặc nếu lớn hơn, trẻ cần đến bác sĩ tiết niệu. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật mà không cần đợi bệnh biến mất thêm nữa.

Trong quá trình can thiệp, trẻ sẽ được tiêm thuốc để làm tê cơ thể hoặc mê hoàn toàn. Sau đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch da trên bìu hoặc phần bụng dưới để dẫn lưu chất lỏng và khâu đóng túi lại. Khi kết thúc, trẻ hoàn toàn có thể về nhà ngay trong ngày.

Trong những ngày sau khi phẫu thuật tinh hoàn thủy tinh, cha mẹ cần phải giữ cho khu vực này sạch sẽ và khô ráo cũng như được hướng dẫn cách chăm sóc vết thương cho đến khi chúng lành lại. Sau một vài ngày, trẻ cần được tái khám để đảm bảo rằng cuộc mổ hoàn thành tốt đẹp.

5. Những biến chứng có thể mắc phải do thủy tinh mạc ở trẻ em

Bệnh thủy tinh mạc hoàn toàn không gây hại cho tinh hoàn và không gây đau cho các bé trai nếu mắc phải. Tuy nhiên, đối với bệnh thủy tinh mạc có thông nối, do túi vẫn mở, một quai ruột có thể bị đẩy qua lỗ này tạo ra khối thoát vị. Do đó, nếu bìu của trẻ đột nhiên xuất hiện triệu chứng đau đớn, cứng hơn và tăng kích thước, bé không ngừng quấy khóc, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức để được phát hiện sớm và can thiệp.

Ngoài ra, trong hầu hết các trường hợp, bệnh thủy tinh mạc thường không quá nghiêm trọng và thường không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này trong cuộc sống của trẻ khi trưởng thành. Tuy nhiên, đôi khi, sự hiện diện của túi dịch lại có thể tạo điều kiện nhiễm trùng tiết niệu hoặc khối u. Những điều này có thể làm giảm sản xuất hoặc chức năng của tinh trùng trong tương lai.

Tóm lại, bệnh thủy tinh mạc ở trẻ em hay tinh hoàn thủy tinh là khi chất lỏng tích tụ trong túi mỏng giữ tinh hoàn trong bìu. Bệnh khá phổ biến nhưng may mắn là trong hầu hết các trường hợp, bệnh thủy tinh mạc đều có thể biến mất mà không cần điều trị trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần đưa trẻ đi thăm khám đúng chuyên khoa sớm nếu túi bìu thay đổi kích thước hay sưng đau hơn, trẻ quấy khóc để kịp thời can thiệp nếu xảy ra biến chứng.

Tinh hoàn thủy tinh có thể khiến trẻ thấy đau bìu và gặp một số biến chứng
Tinh hoàn thủy tinh có thể khiến trẻ thấy đau bìu và gặp một số biến chứng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: childrenshospital.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan