Cách chăm sóc em bé mới sinh tại nhà

Em bé mới sinh khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài cơ thể mẹ sẽ dần dần thích nghi với việc tự thể, tự bú và các tác nhân bên ngoài. Theo đó, cách chăm sóc em bé mới sinh luôn là vấn đề mà nhiều cha mẹ vẫn còn chưa rõ tường tận, nhất là với những người làm cha mẹ lần đầu hay chăm sóc trẻ sinh non tại nhà cũng có một số điều cần chú ý hơn. Bài viết sau đây cung cấp những thông tin về cách chăm sóc em bé mới sinh giúp cha mẹ hiểu rõ.

1. Hướng dẫn bế em bé đúng cách

Khi lần đầu tiên bế em bé, các ông bố bà mẹ thường có một chút lúng túng nhưng hãy nhẹ nhàng, sau một vài ngày quen hơn thì mẹ cũng sẽ biết được em bé thích được bế trong tư thế nào nhất. Mỗi đứa trẻ sẽ thích được bế ở một tư thế riêng, có trẻ thích vác vai, có trẻ thích được bế ẵm ngửa,... Trước khi bế trẻ lên, người mẹ cần lên tiếng cho trẻ biết là sẽ bế trẻ. Trò chuyện, nhìn và âu yếm trò chuyện với trẻ, nhẹ nhàng luồn tay xuống dưới đầu, vai và mông trẻ để bế trẻ lên một cách nhẹ nhàng. Điều này sẽ giúp cho trẻ không giật mình hay khóc, vì bất ngờ bị nhấc lên khỏi chỗ nằm. Đối với những em bé mới lọt lòng, tư thế bế trẻ an toàn và dễ dàng nhất đó là cho em bé nằm ngang. Các mẹ cần cố gắng giữ cho phần đầu và cổ của trẻ nằm trên một đường thẳng, bụng em bé ép vào bụng mẹ và mặt bé quay vào ngực mẹ.

2. Hướng dẫn cho em bé sơ sinh bú đúng cách

Cho trẻ bú ngay giờ đầu tiên sau sinh là việc làm cần thiết để trẻ nhận được đầy đủ miễn dịch. Những giọt sữa non đầu tiên của mẹ chưa thực sự dồi dào nhưng lại chứa nhiều chất dinh dưỡng rất cần thiết cho trẻ. Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ, chỉ có thể chứa được 30-90ml sữa mỗi cữ bú, trẻ bú một lần sau mỗi 2-3 tiếng. Tùy từng trường hợp sẽ có trẻ bú nhiều hơn hoặc ít hơn. Mẹ cũng sẽ cần phải chú ý tới dấu hiệu trẻ đói. Một số trẻ khóc rất to, một số khác lại chỉ mút tay, liếm môi hay quay đầu để tìm sữa mẹ.

Tư thế bế trẻ khi đứng cần đảm bảo cho mẹ và trẻ đều thoải mái. Nguyên tắc đơn giản nhất khi cho trẻ bú mà những bà mẹ cần phải nhớ đó là giữ cho đầu và lưng của trẻ thẳng hàng, mặt trẻ hướng thuận vào bầu vú. Như vậy sẽ tạo ra tư thế bú đúng và trẻ sẽ bú dễ dàng thoải mái hơn, mẹ có thể cho trẻ bú ở tư thế ngồi hoặc nằm.

Một cách chăm sóc em bé mới sinh cần chú ý là mẹ nên cho trẻ bú hết một bầu sữa rồi mới chuyển qua bầu còn lại, việc này sẽ giúp cho trẻ có thể bú được cữ sữa cuối, kích thích giúp vú sản sinh ra một lượng sữa mới. Nếu sau khi bú sạch một bên vú mà trẻ vẫn khóc, hãy cho trẻ bú bên vú còn lại. Nếu như trẻ bú chưa hết mà đã no thì các bà mẹ hãy vắt lượng sữa còn lại cho trữ lạnh. Sau vài ngày, mẹ cũng sẽ biết được nhu cầu bú của trẻ, vào cữ bú tiếp theo mẹ có thể vắt bỏ một ít sữa đầu để cho trẻ bú được phần sữa có nhiều năng lượng nhất.

Hãy cho trẻ bú theo nhu cầu cả ngày lẫn đêm, thông thường trẻ bú mẹ sau mỗi 2-3 giờ, mỗi lần từ 15-30 phút. Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều và thậm chí có thể quên ăn. Do vậy, mẹ hãy đánh thức trẻ dậy bú sau mỗi 2-3 tiếng để phòng trẻ bị hạ đường huyết. Khi đánh thức trẻ, mẹ hãy cù chân nhẹ nhàng, không nên lay người trẻ, vì có thể làm ảnh hưởng tới hệ thần kinh non nớt của trẻ. Tuyệt đối không được để trẻ vừa bú vừa ngủ vì điều này khiến cho trẻ bị sặc rất nguy hiểm.

Trẻ sơ sinh cần được ợ hơi sau mỗi một cữ bú để không bị khó chịu trong bụng. Một cách đơn giản nhất để mẹ giúp trẻ ợ hơi đó là bế trẻ tựa vào vai, một tay đỡ mông chân trẻ và tay kia vỗ nhẹ lên lưng trẻ. Ngoài ra, trẻ sơ sinh cũng hay bị nấc, nên cha mẹ cũng không cần quá lo lắng, bởi vì đây là hiện tượng bình thường do những cơ quan của trẻ chưa được hoàn thiện như người lớn.

3. Hướng dẫn cách tắm rửa và vệ sinh cho trẻ

Tắm rửa và vệ sinh cho trẻ là việc làm rất quan trọng, cách chăm sóc bé gái sơ sinh cần được chú ý hơn cả do bộ phận sinh dục của trẻ gái có phần phức tạp hơn.

3.1 Thời gian thay tã cho trẻ

Mẹ có thể dùng tã vải hoặc tã giấy hay sử dụng xen kẽ cả hai loại tã để tiết kiệm chi phí. Khi lựa chọn tã giấy cho trẻ thì nên chọn loại có kích thước phù hợp, có khả năng chống ngứa, hăm. Trong trường hợp mẹ lựa chọn tã vải thì chọn loại có chất liệu cotton thấm nước tốt và mềm. Trẻ bú sữa mẹ sẽ có xu hướng đại tiện nhiều hơn trẻ bú sữa công thức, vì chất dinh dưỡng trong sữa mẹ dễ tiêu hoá hơn sữa công thức. Trẻ bú sữa mẹ thường đại tiện 4 lần hoặc nhiều hơn, trong khi đó trẻ bú sữa công thức sẽ đại tiện khoảng 1-3 lần tuỳ vào từng trẻ. Nếu như phân của trẻ có chứa nhiều chất nhầy màu trắng hoặc sọc hay đốm màu đỏ thì mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay lập tức, bởi vì đây có thể là dấu hiệu nguy hiểm.

Hãy thay tã ngay cho trẻ nếu trẻ tiểu tiện hoặc đại tiện. Khi thay cần vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục và phần hậu môn của trẻ bằng khăn mềm, nước ấm theo hướng từ trước ra sau. Hãy thoa kem chống hăm hoặc kem bảo vệ da trước khi mặc tã mới cho trẻ.

3.2 Cách tắm cho trẻ

Trẻ vừa mới sinh không cần thiết phải tắm hàng ngày. Trước khi tắm cho trẻ, hãy tắt máy lạnh, quạt và sau đó tiến hành massage cho trẻ. Sử dụng nước sạch pha với nước đun sôi để tắm cho trẻ, nước có nhiệt độ khoảng 36-38 độ C tuỳ theo từng mùa là thích hợp để tắm cho trẻ. Nếu không có nhiệt kế đo nhiệt độ nước tắm, mẹ hãy dùng cùi chỏ tay để thử nước tắm cho trẻ. Trong khi tắm hãy trò chuyện, âu yếm trẻ để trẻ cảm nhận được tình yêu thương. Khi tắm hãy chú ý vệ sinh cơ thể trẻ ở những phần có nhiều nếp gấp da như nách, cổ, chân, sau gáy hoặc bẹn,... Sau khi tắm xong hãy giữ ấm bằng cách lau khô người bằng khăn bông mềm, mặc quần áo và lau tai, nhỏ mắt mũi. Ngoài ra, khi tắm hãy đảm bảo phần cuống rốn của trẻ phải được giữ càng khô càng tốt để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, rốn sẽ rụng một cách tự nhiên sau 10 ngày.

4. Hướng dẫn chăm sóc rốn cho trẻ

Rốn là một trong những bộ phận nhạy cảm của cơ thể trẻ sơ sinh, vì vậy cần đặc biệt chăm sóc nhằm đảm bảo những hốc rốn khô và dây rốn của trẻ sơ sinh sẽ được rụng tự nhiên mà không có bất kỳ tổn thương nào. Nếu không chú ý, rốn ở trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm trùng và gây ra nhiều biến chứng khác như chảy dịch, chảy máu,... Cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh phải được thực hiện hàng ngày theo những bước sau:

  • Trước khi chăm sóc rốn cho trẻ, các mẹ cần rửa tay thật sạch và sát trùng tay bằng cồn 70 độ
  • Tháo băng rốn và gạc rốn của trẻ ra một cách nhẹ nhàng
  • Quan sát mặt cắt của rốn và vùng quanh rốn xem rốn có bị viêm đỏ, chảy dịch vàng hay có mủ không, chảy máu, có mùi hôi hoặc có bất thường nào khác không
  • Lau rốn bằng bông gòn với nước muối sinh lý, sau đó thấm khô lại vùng cuống rốn và chân rốn
  • Có thể che rốn bằng một lớp gạc mỏng vô trùng hoặc để hở
  • Quấn tã vùng dưới rốn, tránh để vấy bẩn như phân, nước tiểu dính vào
  • Luôn giữ cho rốn của trẻ sạch sẽ và khô thoáng
  • Không được sử dụng nước thơm hay rắc bột lên xung quanh rốn. Sau khi sinh khoảng 1-2 tuần, dây rốn của trẻ sẽ khô và rụng tự nhiên. Tuy nhiên, nếu có những bất thường như chảy máu hay nhiễm trùng thì mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám.

5. Hướng dẫn chăm sóc da cho em bé mới sinh

Làn da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, do đó việc chăm sóc da cho trẻ cần phải chú ý đặc biệt. Một số nguyên tắc khi chăm sóc da và lựa chọn sản phẩm cho da như:

  • Lựa chọn quần áo bằng các loại vải mềm cho trẻ
  • Tránh cọ xát vào làn da trẻ
  • Tránh để cho trẻ tiếp xúc với những loại xà phòng thô bởi những sản phẩm này thường có độ kiềm cao và dễ làm kích thích da của trẻ
  • Nếu khí hậu khô hanh hoặc tắm rửa quá nhiều có thể làm cho da trẻ bị mất nước. Vì vậy, mẹ nên thoa kem dưỡng da ở những vùng da khô và hay bong tróc
  • Việc không thay tã thường xuyên cùng với thời tiết nóng ẩm có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng, nhiễm nấm. Do đó, cần thường xuyên rửa sạch khu vực mang tã của trẻ bằng những chất làm sạch có chứa thành phần dịu nhẹ không gây kích ứng da
  • Làm sạch da trẻ với sữa tắm dịu nhẹ có độ pH cân bằng phù hợp sinh lý của da trẻ

6. Hướng dẫn chăm sóc mắt cho trẻ

Đôi mắt của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm. Để giúp cho đôi mắt của trẻ phát triển một cách tự nhiên tốt nhất thì cha mẹ cần thực hiện các bước chăm sóc như sau:

  • Trước khi vệ sinh mắt cho trẻ cần rửa sạch tay
  • Chuẩn bị nước muối sinh lý chuyên biệt để vệ sinh mắt, 2 miếng gạc vô khuẩn để vệ sinh riêng từng mắt của trẻ
  • Sử dụng nước muối sinh lý thấm ướt gạc vô trùng, sau đó lau nhẹ nhàng theo chiều từ đầu tới đuôi mắt

Cha mẹ nên vệ sinh mắt cho trẻ ngày 3 lần vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy, sau khi tắm và buổi tối trước khi đi ngủ. Đồng thời, kết hợp với rửa mặt cho trẻ bằng khăn sạch và nước ấm.

7. Hướng dẫn cách cho trẻ sơ sinh ngủ

Cách chăm sóc em bé mới sinh thường rất vất vả, đặc biệt là việc cho trẻ ngủ. Giấc ngủ đối với trẻ rất quan trọng, thiếu ngủ hay ngủ không đủ giấc sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ. Thông thường, trẻ mới sinh cho tới gần một tháng tuổi thường ngủ suốt ngày đêm và chỉ thức dậy để bú khoảng 2-3 giờ/lần. Vì trẻ chưa phân biệt được ngày đêm do đó, trẻ có thể ngủ nhiều vào ban ngày và thức vào ban đêm. Do đó, việc đầu tiên là dạy trẻ phân biệt được giữa ngày và đêm, bằng cách:

  • Chơi với trẻ vào ban ngày càng nhiều càng tốt khi trẻ còn thức
  • Nói chuyện hoặc hát cho trẻ nghe khi thức vào các cữ bú ban ngày
  • Hãy đảm bảo phòng ngủ luôn có nhiều ánh sáng vào ban ngày
  • Ban ngày không cần phải hạn chế tiếng ồn
  • Giữ yên lặng và nói khẽ vào ban đêm
  • Giữ phòng ngủ ban đêm tối và yên tĩnh

Tóm lại, chăm sóc em bé mới sinh luôn là một vấn đề mà nhiều cha mẹ quan tâm. Trẻ được chăm sóc đúng cách sẽ phát triển và thích nghi với môi trường nhanh hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu đời, nếu trẻ bất kỳ biểu hiện nào bất thường hãy đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và phát hiện kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

218 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan