Đau đầu chóng mặt ở trẻ em: Khi nào là bất thường?

Đau đầu chóng mặt là trải nghiệm thường gặp ở trẻ em nhưng đa phần chúng không nguy hiểm và có thể được xử trí bằng một số phương pháp tại nhà. Tuy nhiên, một số bệnh lý có đau đầu chóng mặt là tình trạng cần được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. Để nhận biết khi nào là bất thường bạn cần tìm nguyên nhân gây chóng mặt đau đầu ở trẻ em cũng như các triệu chứng kèm theo khác.

1. Nguyên nhân gây chóng mặt đau đầu ở trẻ em

Đau đầu chóng mặt ở trẻ em hiếm khi do các nguyên nhân nghiêm trọng gây ra. Theo đó, một số nguyên nhân điển hình là:

1.1 Nguyên nhân gây chóng mặt ở trẻ em

Chóng mặt và ngất xỉu thường do lượng máu lên đầu giảm đột ngột. Nguyên nhân phổ biến của chóng mặt ở trẻ em bao gồm:

  • Đứng lên nhanh hoặc các thay đổi vị trí nhanh khác
  • Đói / không ăn
  • Đứng trong thời gian dài
  • Mất nước
  • Tắm nước nóng hoặc ngâm mình trong nước nóng lâu
  • Ở lâu dưới nắng nóng
  • Mất nước qua mồ hôi nhiều
  • Sốt hoặc ốm
  • Thiếu máu
  • Các vấn đề về tim
  • Các vấn đề về tiền đình cũng có thể gây ra chóng mặt, ví dụ như: say tàu xe, các tình trạng tổn thương hệ thống tiền đình tại tai trong, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) hoặc chóng mặt kịch phát lành tính thời thơ ấu (cảm giác quay cuồng đột ngột), migraine tiền đình.

1.2 Nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ em

Cũng như với người lớn, có nhiều nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ em, bao gồm:

  • Bệnh do virut
  • Căng cơ
  • Đói
  • Các nguyên nhân vô hại thông thường, chẳng hạn như tập thể dục nặng nhọc, ánh nắng gay gắt, nhai kẹo cao su , ho nhiều, tiêu thụ thức ăn hoặc đồ uống lạnh
  • Căng thẳng
  • Lo lắng
  • Nhiễm trùng xoang trán
  • Di truyền
  • Một số loại thực phẩm hoặc phụ gia thực phẩm như nitrat (phổ biến trong thịt nguội và pho mát lâu năm)
  • Một số mùi nhất định, chẳng hạn như nước hoa, khói thuốc lá, thực phẩm, sơn, xăng, chất tẩy trắng.
  • Mất nước
  • Không có một giấc ngủ chất lượng

Ít phổ biến hơn nhưng chứng bệnh nhức đầu ở trẻ em có thể do các tình trạng nghiêm trọng hơn gây ra như:

  • Chấn thương đầu
  • Viêm màng não (một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus của màng bao bọc tủy sống và não với các triệu chứng như sốt, cứng cổ gáy, hôn mê. Đây là một tình trạng nghiêm trọng có thể gây ra tử vong)
  • Rối loạn co giật, khối u, chảy máu trong não và những tình trạng khác

2. Triệu chứng xuất hiện đồng thời với đau đầu chóng mặt ở trẻ em

Với trẻ nhỏ, chóng mặt là một cảm giác khó có thể diễn tả được. Chúng có thể nói rằng đầu của chúng cảm thấy "thú vị", hay mơ hồ, hoặc tùy thuộc vào loại chóng mặt, sẽ có thể có cảm giác quay cuồng.

Các triệu chứng khác có thể xảy ra cùng với chóng mặt, bao gồm:

  • Buồn nôn, ói mửa
  • Ngất xỉu
  • Đau đầu
  • Mất phương hướng
  • Sự hoang mang
  • Các vấn đề về giữ thăng bằng
  • Những thay đổi về thị lực tạm thời, chẳng hạn như nhìn mờ thoáng qua hoặc aura thị giác
  • Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh hoặc mùi
  • Nhạy cảm với chuyển động

Các triệu chứng có thể xảy ra cùng với đau đầu phụ thuộc vào loại đau đầu và nguyên nhân gây bệnh. Hai chứng bệnh nhức đầu ở trẻ em phổ biến nhất là đau đầu do căng thẳng và đau nửa đầu.

Các triệu chứng phổ biến của chứng nhức đầu do căng thẳng bao gồm:

  • Đau đầu nhẹ hoặc trung bình
  • Đau đầu thường phát triển vào giữa ngày
  • Đau liên tục, âm ỉ hoặc từng cơn nhức nhối
  • Cảm thấy căng tức (giống như một dải) quanh đầu
  • Đau nhức đầu khu trú ở trán hoặc hai bên đầu
  • Đau cổ
  • Mệt mỏi
  • Đau đầu khởi phát chậm
  • Thay đổi tư thế ngủ
  • Trẻ nhỏ quấy khóc hoặc cáu kỉnh

Các triệu chứng phổ biến của migraine ở trẻ em bao gồm:

  • Đau một hoặc cả hai bên đầu
  • Đau nhói đầu
  • Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh hoặc với mùi
  • Buồn nôn, ói mửa
  • Khó chịu ở bụng
  • Đổ mồ hôi
  • Trở nên trầm lặng hoặc nhợt nhạt
  • Aura trước cơn đau nửa đầu, chẳng hạn như nhìn thấy những tia sáng không đều nhau, hình thù kỳ lạ hoặc những điểm sáng, thay đổi tầm nhìn.

3. Chẩn đoán đau đầu chóng mặt ở trẻ em

Thông thường, chóng mặt và/hoặc đau đầu không cần đến chuyên gia chăm sóc sức khỏe, nhưng đôi khi có thể cần thiết.

Đối với chóng mặt, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể:

  • Hỏi chi tiết về các triệu chứng, chẳng hạn như cơn chóng mặt bắt đầu khi nào, có kèm triệu chứng khác không
  • Tiền sử gia đình bị ngất xỉu, choáng váng hoặc các tình trạng có thể gây chóng mặt.
  • Khám sức khỏe tổng thể
  • Kiểm tra huyết áp và nhịp tim
  • Điện tâm đồ (ECG) hoặc kiểm tra siêu âm tim để kiểm tra nhịp tim
  • Xét nghiệm máu để xem trẻ có bị thiếu máu không,...

Đối với chứng bệnh nhức đầu ở trẻ em, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể:

  • Đặt câu hỏi về cơn đau đầu (ghi nhật ký về chứng đau đầu tái phát hoặc chứng đau nửa đầu có thể giúp xác định các yếu tố khởi phát)
  • Hỏi về tiền sử gia đình có bị đau đầu không hoặc các tình trạng khác có thể gây đau đầu
  • Hỏi về lối sống, môi trường của đứa trẻ như thói quen ăn, ngủ, sức khỏe tinh thần, cảm xúc của trẻ.
  • Khám sức khỏe tổng thể

Một số cận lâm sàng khác thường không cần thiết, nhưng có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Có thể bao gồm công thức máu đầy đủ, nồng độ sắt, nồng độ ferritin (một loại protein trong máu có chứa sắt) và xét nghiệm chức năng tuyến giáp
  • Chụp cộng hưởng từ
  • Chụp cắt lớp vi tính)

4. Điều trị đau đầu chóng mặt ở trẻ em

4.1 Điều trị đau đầu chóng mặt ở trẻ em tại nhà

Nằm xuống và nghỉ ngơi trong một căn phòng tối, yên tĩnh, nhiệt độ thoải mái thường là tất cả những gì cần thiết để loại bỏ chóng mặt hoặc đau đầu ở trẻ em.

Ăn một bữa ăn nhẹ, uống một ít nước hoặc nước trái cây cũng có thể giúp giảm chóng mặt và đau đầu.

Các biện pháp khắc phục chóng mặt tại nhà khác cụ thể hơn như:

  • Đặt trẻ nằm xuống với chân kê cao hơn tim.
  • Cho trẻ ngồi với đầu cúi xuống giữa hai gối.
  • Nếu trẻ bị quá nóng, hãy giúp trẻ giảm nhiệt
  • Nếu nghỉ ngơi, thức ăn, nước uống hoặc các hành động khác không làm giảm các triệu chứng, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa. Truyền dịch có thể cần thiết.

Nhức đầu

Nếu trẻ không cần chăm sóc y tế, đau đầu có thể được điều trị tại nhà với:

  • Nghỉ ngơi hoặc ngủ
  • Chườm mát lên trán, mắt, sau cổ
  • Chườm ấm (không nóng) lên đầu hoặc cổ, hoặc tắm nước ấm hoặc vòi hoa sen
  • Các kỹ thuật thư giãn như bài tập hít thở sâu, thư giãn cơ bắp liên tục, thư giãn hình ảnh tinh thần hoặc thư giãn với âm nhạc
  • Thức ăn, nước uống hoặc nước trái cây
  • Thuốc giảm đau như Ibuprofen hoặc Acetaminophen

4.2 Khi nào cần tìm kiếm sự điều trị y tế chuyên nghiệp?

Nếu bạn nghĩ rằng con bạn cần được chăm sóc y tế khẩn cấp, hãy gọi 115 ngay lập tức. Nếu cơn chóng mặt hoặc nhức đầu không thuyên giảm, trở nên tồi tệ hơn hoặc quay trở lại, hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám. Đó có thể là một tình trạng cần được giải quyết bởi những người có chuyên môn.

Chóng mặt

Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay nếu con bạn bị:

  • Ngất xỉu khi tập thể dục, chơi vận động hoặc chơi thể thao
  • Một cơn ngất kéo dài hơn 30 giây
  • Các đợt ngất xỉu hoặc chóng mặt lặp đi lặp lại nhiều lần
  • Đau ngực kèm theo chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Nhịp tim đập nhanh hoặc không đều
  • Một cơn động kinh hoặc các dấu hiệu của cơn động kinh như giật liên tục ở cánh tay, chân hoặc cơ mặt
  • Trong gia đình có người bị đột tử do tim
  • Nghi ngờ mất nước hoặc kiệt sức vì nóng / sốc nhiệt

Đau đầu

Gọi 115 nếu có cơn đau đầu dữ dội, đột ngột xảy ra lần đầu tiên, đặc biệt là với:

  • Nhìn đôi
  • Lơ mơ
  • Buồn ngủ / khó đánh thức
  • Nôn mửa
  • Cổ cứng hoặc trẻ phàn nàn về đau cổ, cùng với chứng bệnh nhức đầu ở trẻ em, đặc biệt là khi bị sốt, có thể là dấu hiệu của viêm màng não.

Đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám nếu đau đầu:

  • Xảy ra hàng ngày hoặc thường xuyên
  • Nguyên nhân là do gắng sức khi ho, hắt hơi, tập thể dục hoặc đi đại tiện
  • Đi kèm với đau mắt hoặc tai
  • Kèm theo lú lẫn, buồn nôn hoặc nôn
  • Với tăng độ nhạy với ánh sáng và âm thanh
  • Với tê
  • Đau đầu tiếp tục quay trở lại và ngày càng tồi tệ hơn
  • Sau chấn thương đầu và kéo dài một tuần
  • Đủ nghiêm trọng để đánh thức đứa trẻ khỏi giấc ngủ

Việc điều trị đau đầu chóng mặt ở trẻ em sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra các triệu chứng. Trong một số trường hợp, điều trị tại nhà và sử dụng thuốc không kê đơn có thể là đủ. Nếu những biện pháp này không hiệu quả, hoặc bạn nghĩ rằng trẻ cần được chăm sóc y tế hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh nhức đầu

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

56K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan