Lập kế hoạch chăm sóc trẻ tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây từ người sang người, dễ bùng phát thành dịch. Bệnh do họ vi-rút đường ruột (Enterovirus) gây ra với 2 nhóm tác nhân gây bệnh chính là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm vì vậy việc lập kế hoạch chăm sóc trẻ tay chân miệng đúng cách là vô cùng cần thiết.

1. Đường lây truyền của bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Bệnh tay chân miệngbệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch. Virus tay chân miệng được lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa khi trẻ lành tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, hoặc với các chất dịch từ nốt phỏng, phân hoặc chất nôn của trẻ bị bệnh.

2. Triệu chứng nhận biết trẻ bệnh tay chân miệng

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng điển hình ở trẻ em:

  • Loét niêm mạc miệng: xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 - 3mm ở niêm mạc má, lợi, lưỡi. Các bóng nước này vỡ rất nhanh tạo thành những vết loét gây đau đớn, tăng tiết nước bọt, đau khi ăn khiến trẻ biếng ăn, nôn trớ, quấy khóc;
  • Tổn thương da: các bóng nước nhỏ (kích thước từ 2 - 10mm), màu xám, hình bầu dục còn xuất hiện ở trên da tại vị trí lòng bàn tay và lòng bàn chân, có thể lồi hẳn lên trên da, sờ vào có cảm giác cộm hay ẩn dưới da, ấn không đau. Các bóng nước xuất hiện ở vùng mông và gối thường nổi lên trên nền hồng ban;
  • Triệu chứng thần kinh: khi vi-rút xâm nhập thần kinh trung ương sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn tri giác như lơ mơ, li bì, mê sảng, giật mình, co giật ở trẻ bị bệnh tay chân miệng;

Ngoài các dấu hiệu điển hình nêu trên, bệnh tay chân miệng còn có thể biểu hiện các triệu chứng không điển hình khác như: bóng nước rất ít xen kẽ hồng ban, hoặc chỉ biểu hiện hồng ban và không có bóng nước, hoặc chỉ có biểu hiện loét miệng đơn thuần.

3. Nhận biết trẻ bị tay chân miệng theo từng giai đoạn

  • Giai đoạn ủ bệnh: 3 - 7 ngày hầu như không có triệu chứng nhận biết.
  • Giai đoạn khởi phát: kéo dài trong 1 - 2 ngày với triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, quấy khóc nhiều, tiêu chảy một vài lần trong ngày.
  • Giai đoạn toàn phát kéo dài 3 - 10 ngày với các triệu chứng điển hình của như: sốt nhẹ, nôn, loét miệng đường kính 2 - 3mm, bỏ bú, bỏ ăn, chảy dãi, phát ban dạng phỏng nước tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày), có thể để lại vết thâm nhưng rất hiếm khi ban da gây loét hay bội nhiễm. Biến chứng thần kinh (viêm màng não), biến chứng trên hệ tim mạch - hô hấp (viêm cơ tim, phù phổi cấp, suy tim, trụy mạch...) thường xuất hiện sớm trong giai đoạn này, khoảng từ ngày thứ 2 - 5 của bệnh, điều này có thể dẫn đến tử vong nếu không được theo dõi và lập kế hoạch chăm sóc trẻ tay chân miệng kịp thời.
  • Giai đoạn lui bệnh: ngày thứ 8 – 10, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

4. Lập kế hoạch chăm sóc trẻ tay chân miệng

4.1. Xác định chính xác trẻ có mắc bệnh tay chân miệng hay không

Theo kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị tay chân miệng: Tất cả những trẻ bị nghi ngờ tay chân miệng đều cần được bố mẹ đưa đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định bệnh, mức độ bệnh và đưa ra phác đồ điều trị đúng đắn nhất. Các trường hợp tay chân miệng nhẹ có thể được hướng dẫn lập kế hoạch chăm sóc trẻ tay chân miệng tại nhà.

Đối với những trẻ chưa có yêu cầu phải nhập viện thì về nhà cần phải chú ý cách ly, tránh tiếp xúc với những trẻ xung quanh để tránh lây nhiễm bệnh ra cộng đồng. Bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan mạnh nhất trong 1 tuần đầu tiên kể từ lúc phát bệnh, virus gây bệnh có thể tồn tại trong phân trong thời gian lên đến vài tháng sau đó.

4.2. Chăm sóc bé bị tay chân miệng tại nhà

  • Thuốc hạ sốtkháng sinh cần được sử dụng theo đơn của bác sĩ điều trị, các bậc phụ huynh không nên tự ý kê đơn thuốc cho con em của mình;
  • Chú ý thực hiện vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau mỗi lần chăm sóc trẻ;
  • Các loại thuốc giảm đau vùng miệng sẽ giúp cho trẻ dễ ăn uống hơn, thuốc được dùng theo chỉ định của bác sĩ và thường được bôi trước khi cho trẻ ăn 30 phút.
  • Đối với các loại thuốc bôi vệ sinh miệng cho trẻ thường được sử dụng sau khi cho trẻ ăn 1 giờ, nhằm tránh gây nôn cho trẻ.
  • Trẻ tay chân miệng nên ăn thức ăn nguội, mềm, lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, sữa, chia thức ăn thành nhiều bữa;
  • Tắm rửa vệ sinh thân thể cho trẻ hằng ngày bằng nước ấm, có thể hòa loãng các các loại dung dịch sát khuẩn vào nước để tắm cho trẻ. Dùng dung dịch xanh – methylen hoặc dung dịch Betadine để chấm lên các nốt phỏng nước sau khi tắm, nếu cần có thể hỏi ý kiến bác sĩ trước khi chấm các dung dịch thuốc này. Quần áo cho trẻ tay chân miệng mặc nên chọn loại vải mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi tốt.
  • Tái khám mỗi 1 – 2 ngày điều trị tại nhà, thực hiện liên tục cho đến ngày thứ 8 – 10 của bệnh.

4.3. Theo dõi phát hiện các dấu hiệu nặng lên của bệnh tay chân miệng

Trong quá trình chăm sóc bé tay chân miệng, khi thấy có một trong những dấu hiệu sau đây phụ huynh cần đưa trẻ nhập viện ngay:

  • Sốt cao ≥ 39 độ C hoặc sốt hơn 2 ngày, không đáp ứng với thuốc hạ sốt;
  • Nôn nhiều (trẻ nôn nhiều hơn 3 lần trong 1 giờ hoặc nhiều hơn 4 lần trong 6 giờ);
  • Trẻ có biểu hiện khó thở;
  • Trẻ bị giật mình;
  • Trẻ quấy khóc nhiều, tổng trạng bứt rứt khó ngủ, hoặc mệt mỏi, li bì;
  • Trẻ vã mồ hôi, tay chân lạnh, da nổi vân tím;
  • Tiểu ít;
  • Run chân, run tay hoặc yếu liệt chi;
  • Trẻ bị co giật.

4.4. Cách ly trẻ bị tay chân miệng đúng cách

Bệnh lây qua tiếp xúc với dịch tiết hô hấp, phỏng nước, phân của người bệnh. Do đó cần thực hiện cách ly nghiêm ngặt đối với trẻ bị tay chân miệng bằng các hình thức sau đây:

  • Cho trẻ nghỉ học từ 7 – 10 ngày;
  • Cách ly tuyệt đối giữa trẻ khỏe mạnh và trẻ bệnh trong cùng gia đình;
  • Giám sát chặt chẽ các hoạt động của trẻ bị tay chân miệng trong sinh hoạt hằng ngày.

Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế, sau đó nên rửa tay bằng xà phòng. Đồ chơi và vật dụng thường dùng cần được tẩy trùng bằng dung dịch sát khuẩn như Cloramin B 2%, nước Javel hoặc xà phòng sát khuẩn. Phòng của trẻ bị tay chân miệng cần thông thoáng, đủ dưỡng khí, sàn nhà cần được lau chùi sạch sẽ và thường xuyên với các dung dịch khử khuẩn.

Cả nhà nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, thay tã và làm vệ sinh cho trẻ...

4.5. Chú ý chế độ dinh dưỡng khi chăm sóc bé bị tay chân miệng

Chế độ dinh dưỡng cho bé bị tay chân miệng cần lưu ý những vấn đề sau đây:

  • Lựa chọn thức ăn mềm, mịn, các loại đồ uống thanh mát cho trẻ nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi thức ăn, nước uống đi ngang qua các vết loét trong miệng của trẻ, như: cháo nhuyễn, súp được hầm kỹ, bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai, bánh Flan... Cho trẻ ăn bằng loại thìa nhỏ, không có cạnh sắc để tránh chạm vào các vết loét đầu lưỡi và môi gây đau đớn, khiến trẻ sợ ăn.
  • Chia nhỏ bữa ăn, cữ bú thành nhiều lần trong ngày, duy trì bú mẹ thường xuyên để tránh tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra ở trẻ đang bị tay chân miệng. Các bữa ăn nên cách nhau khoảng 3 - 4 giờ. Lưu ý các bậc cha mẹ không gượng ép bé, gây cho trẻ tâm lý sợ ăn.
  • Tăng cường bổ sung Vitamin C từ các loại rau xanh, nước hoa quả tươi có vị dịu mát, không quá chua;

Khi bệnh tay chân miệng có chiều hướng thuyên giảm, cha mẹ có thể dần dần tập cho trẻ quay về thói quen ăn uống theo chế độ dinh dưỡng hợp lý như ngày thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan