Vì sao cần cảnh giác với biến chứng mất nước ở trẻ bị tay chân miệng?

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đặc trưng của bệnh này là sốt cao, loét trong khoang miệng, nổi ban có bọng nước ở bàn tay, chân và cả ở mông. Bệnh phổ biến ở rất nhiều quốc gia châu Á và trở thành một vấn đề đáng lo ngại cho sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam.

1. Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng

Các virus thuộc nhóm Enterovirus là nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng. Nhóm virus này bao gồm nhiều loại khác nhau như: Poliovirus, Coxsackievirus, Echovirus và các loại Enterovirus khác. Vậy bệnh tay chân miệng có tự khỏi không?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bệnh tay chân miệng chủ yếu gây ra bởi virus coxsackievirus A16 với ít biến chứng và thường tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh còn có thể bắt nguồn từ các virus nhóm Enterovirus, bao gồm virus Enterovirus 71 (EV71) với rất nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong.

2. Trẻ em dễ mắc tay chân miệng hơn người lớn

Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Trẻ em có nguy cơ lây nhiễm virus và mắc bệnh cao hơn người lớn vì các em có khả năng đề kháng và miễn dịch yếu hơn. Hầu hết người lớn được miễn dịch nhưng những trường hợp thanh thiếu niên và người trưởng thành bị nhiễm virus cũng không phải là hiếm.

Biến chứng tay chân miệng
Trẻ em dễ mắc tay chân miệng hơn người lớn

3. Biến chứng tay chân miệng rất nguy hiểm

Hầu hết trẻ em mắc tay chân miệng sẽ hồi phục hoàn toàn sau khi mắc bệnh ở thể cấp tính. Bệnh tay chân miệng do nhiễm virus Coxsackievirus A16 là bệnh ở thể nhẹ và gần như tất cả bệnh nhân, kể cả trẻ em đều hồi phục sau từ 7 - 10 ngày mà không cần điều trị y tế và ít có biến chứng. Tuy nhiên, mất nước là biến chứng thường gặp nhất ở bệnh tay chân miệng do nhiễm vi rút Coxsackievirus, biến chứng này có thể xảy ra nếu trẻ uống quá ít chất lỏng do bị loét trong khoang miệng.

Rất hiếm khi bệnh nhiễm virus Coxsackievirus A16 tiến triển thành viêm màng não “vô trùng” hay viêm màng não do virus, theo đó trẻ bị bệnh sẽ bị sốt, đau đầu, cứng cổ hoặc đau lưng và có thể phải nhập viện trong vài ngày.

Bệnh tay chân miệng gây ra bởi virus EV71 có thể tiến triển thành bệnh viêm màng não và viêm não, trong một số trường hợp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm các biến chứng về thần kinh, tim mạch và hô hấp. Đã có những trường hợp tử vong do virus EV71 gây bệnh viêm não trong các đợt bùng phát.

4. Tay chân miệng không có thuốc trị

The CDC - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, không có điều trị cụ thể cho tay chân miệng. Sốt và đau có thể được kiểm soát bằng thuốc giảm sốt không cần kê đơn và thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen. Điều quan trọng đối với những người mắc tay chân miệng là uống đủ chất lỏng để ngăn ngừa hiện tượng mất nước.

Chưa có thuốc phòng chống virus hoặc các loại vaccine đặc hiệu để phòng ngừa các loại virus Enterovirus là tác nhân của bệnh tay chân miệng. Có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng các biện pháp vệ sinh chặt chẽ và can thiệp y tế kịp thời khi trẻ có các triệu chứng nghiêm trọng.

5. Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Biến chứng tay chân miệng
Vệ sinh tay trước và sau mỗi lần chăm sóc trẻ
  • Cách ly theo đường tiếp xúc, hạn chế cho trẻ ra ngoài để tránh lây nhiễm cho trẻ khác.
  • Phối hợp dùng thuốc kháng sinh và/hoặc thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Vệ sinh tay trước và sau mỗi lần chăm sóc trẻ. Vệ sinh miệng và bôi thuốc vùng miệng cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ (thường vệ sinh trước khi cho trẻ ăn 30 phút).
  • Cho trẻ ăn thức ăn nguội, mềm, lỏng, dễ tiêu: cháo, sữa; chia nhỏ bữa.
  • Giữ vệ sinh da sạch sẽ, dùng xanh - methylen để chấm lên các nốt phỏng nước.
  • Mặc quần áo vải mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi. Thay quần áo và tắm rửa hằng ngày cho trẻ bằng nước ấm.
  • Theo dõi tình trạng của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời: mạch nhanh, run chi, đi không vững (nếu trẻ đã biết đi). Giật mình >2 lần/30 phút.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước đặc biệt sau khi tiếp xúc với các vết bọng nước hoặc vết loét, trước khi nấu ăn hoặc trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh và thay tã; Tránh tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh; Che mũi/miệng khi hắt hơi...là những phương pháp bảo vệ trẻ khỏi bệnh tay chân miệng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan