Tâm lý tuổi dậy thì ở nam giới

Khi bước sang tuổi dậy thì, nam giới có những thay đổi nhất định về tính cách, tâm lý và thể chất. Tuy nhiên, trẻ lại có xu hướng không muốn chia sẻ, ngại trò chuyện với cha mẹ. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm tới tâm lý tuổi dậy thì ở nam giới để có kiến thức nuôi dạy con phù hợp trong thời điểm nhạy cảm này.

1. Dấu hiệu nhận biết trẻ trai đã bước sang tuổi dậy thì

Theo các chuyên gia, giai đoạn tuổi dậy thì của trẻ sẽ kéo dài từ 2 - 5 năm. Các bé trai sẽ bắt đầu dậy thì từ khoảng 9 - 14 tuổi. Thông thường, con trai sẽ kết thúc giai đoạn dậy thì khi được 16 - 18 tuổi. Để đồng hành, hỗ trợ trẻ trong giai đoạn này, các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian chú ý đến những thay đổi của trẻ. Một số dấu hiệu về thể chất cho biết con trai đã bước sang tuổi dậy thì là:

  • Mọc lông: Bước vào tuổi dậy thì, các bé trai sẽ bắt đầu mọc lông trên các bộ phận của cơ thể, chủ yếu là ở vùng bụng, nách, ngực, chân,...;
  • Xuất hiện mụn trứng cá: Trong giai đoạn dậy thì, các tuyến bã nhờn ở trẻ sẽ hoạt động mạnh hơn so với bình thường, dễ dẫn đến tình trạng nổi mụn trứng cá;
  • Giọng nói trầm hơn: Dấu hiệu phát triển tuổi dậy thì ở nam là thanh quản sẽ bắt đầu mở rộng ra, giọng nói trở nên trầm hơn;
  • Cơ quan sinh dục: Cơ quan sinh dục của bé trai sẽ tăng kích thước khoảng 8 lần tới năm 20 tuổi. Ở tuổi dậy thì, các bé trai thường gặp tình trạng dương vật cương cứng, mộng tinh lúc ngủ;
  • Tăng cơ bắp: Các cơ bắp của con trai sẽ tăng lên, nhiều cơ bắp hơn các bé gái tới 50%;
  • Tăng chiều cao: Testosterone tăng lên sẽ làm cho khung xương của trẻ nam phát triển vượt trội hơn. Chiều cao của trẻ cũng sẽ tăng nhanh hơn trước;
  • Gia tăng ham muốn tình dục: Lượng testosterone gia tăng đáng kể, đánh thức ham muốn tình dục. Các bạn nam trong độ tuổi dậy thì sẽ có suy nghĩ mạnh mẽ hơn về chuyện tình dục.

2. Tìm hiểu diễn biến tâm lý tuổi dậy thì ở nam giới

Bên cạnh những dấu hiệu về mặt thể chất, khi con trai bước sang tuổi dậy thì cũng sẽ có sự thay đổi nhất định về tâm lý. Nếu con gái trở nên nữ tính, nhẹ nhàng hơn thì hầu hết con trai đều sẽ muốn khẳng định bản thân. Tuy nhiên, lúc này nhiều bạn nam trở nên trầm tính, ít thể hiện bản thân nên cha mẹ cần chú ý quan tâm con nhiều hơn.

Nắm bắt được tính cách, tâm lý con trai ở độ tuổi dậy thì sẽ giúp các bậc phụ huynh thấu hiểu, có cách giáo dục con phù hợp. Một số đặc điểm tâm lý tuổi dậy thì ở nam giới là:

2.1 Bắt đầu có những suy nghĩ riêng

Một trong những thay đổi tâm lý thường gặp nhất ở con trai khi bước vào tuổi dậy thì là hình thành suy nghĩ riêng. Có thể trước đây trẻ sẽ thường xuyên tham khảo ý kiến của cha mẹ, thầy cô nhưng khi bước vào giai đoạn này trẻ sẽ trẻ trở nên độc lập hơn, có những suy nghĩ riêng của bản thân.

Đây là giai đoạn trẻ phát triển nhanh về tư duy và nhận thức. Đồng thời, ở lứa tuổi này trẻ đã tích lũy được một phần kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sống nên đã hình thành các quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, lúc này trẻ vẫn chưa thể phát triển hoàn toàn về mặt tâm lý và nhận thức nên đôi khi vẫn có những quan điểm sai lầm.

Dù vậy, cha mẹ cần tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con. Nếu con đưa ra những suy nghĩ chưa đúng đắn thì cha mẹ nên bình tĩnh phân tích và đưa ra những lời khuyên phù hợp thay vì cố gắng áp đặt. Vì đây là giai đoạn để con tiếp nhận và hình thành quan điểm cá nhân nên hãy để con thoải mái bày tỏ suy nghĩ riêng của mình rồi điều chỉnh chúng theo hướng đúng đắn.

2.2 Bắt đầu nảy sinh tình cảm yêu đương

Con trai ở độ tuổi dậy thì sẽ bắt đầu xuất hiện tình cảm yêu đương. Đây là một trong những yếu tố tự nhiên trong tâm lý tuổi dậy thì ở nam giới nên cha mẹ cũng không cần quá lo ngại hay cấm đoán. Thay vào đó, các bậc phụ huynh hãy trò chuyện, hướng dẫn con cách thể hiện tình cảm đúng mực, giữ được tình cảm trong sáng ở tuổi học trò.

Nếu nhận thấy con bắt đầu lơ là học tập do chuyện yêu đương thì các bậc phụ huynh có thể liên hệ trao đổi với thầy cô, nhờ giáo viên quan sát và chú ý đến tâm lý của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ hay nhà trường tuyệt đối không nên cấm đoán hay sử dụng các biện pháp ngăn cản quá mức vì sẽ tạo cho trẻ tâm lý chống đối.

Cha mẹ nên tìm hiểu, tâm sự với con nhiều hơn về vấn đề này. Hãy dành cho con những lời khuyên hữu ích để cân bằng cả việc học hành và chuyện tình cảm.

2.3 Nhạy cảm hơn trước những lời phê bình

Con trai khi bước vào độ tuổi dậy thì thường trở nên nhạy cảm hơn. Trẻ hay suy nghĩ nhiều, dễ bị tổn thương bởi những lời phê bình, chê trách của cha mẹ hay những người xung quanh. Nếu như trước đây trẻ có thể dễ dàng chấp nhận lời góp ý của người lớn thì lúc này trẻ có thể sẽ trở nên cố chấp, ương bướng, không chịu nhìn nhận sai lầm của bản thân.

Đồng thời, nếu cha mẹ, thầy cô thường xuyên phê bình trẻ trước đám đông thì càng khiến cho trẻ tự ti, xấu hổ hơn. Do đó, nếu trẻ phạm phải sai lầm nào đó thì người lớn chỉ nên nói chuyện riêng với trẻ, phân tích cho trẻ biết được lỗi sai của bản thân và gợi ý cách xử lý tốt nhất. Cha mẹ cần phải khéo léo khi khuyên răn, tránh trách móc trẻ nặng lời.

Bạn có thể phạt trẻ bằng cách giảm thời gian chơi game, giảm tiền tiêu vặt hoặc yêu cầu trẻ làm việc nhà,... Ở trường lớp thì thầy cô có thể phạt trẻ bằng cách vệ sinh lớp học, viết kiểm điểm,... Những hình thức trách phạt này sẽ giúp trẻ rèn luyện được ý thức và tránh phạm phải sai lầm sau này.

2.4 Tính cách được hình thành rõ ràng

Tuổi dậy thì ở nam giới là giai đoạn trẻ hình thành tính cách một cách rõ ràng. Tâm lý tuổi dậy thì ở nam giới thường chịu nhiều sự tác động của các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là gia đình. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần phải làm gương, cẩn thận trong lời nói, hành vi và cách cư xử để trẻ học hỏi theo.

Nếu nhận thấy con bắt đầu hình thành những nét tính cách tiêu cực, không đúng mực thì trước tiên cha mẹ cần tìm hiểu nguồn gốc dẫn tới điều này. Sau đó, cha mẹ hãy nhẹ nhàng giải thích, giúp con điều chỉnh lại suy nghĩ và hành vi của mình. Cha mẹ cũng cần quan tâm tìm hiểu về các mối quan hệ bên ngoài của con. Nếu thực sự cần thiết, hãy giúp trẻ tránh xa các mối quan hệ xấu bằng cách thay đổi nơi ở, trường học,...

2.5 Quan tâm nhiều hơn tới ngoại hình

Ở tuổi dậy thì, con trai có rất nhiều sự thay đổi về ngoại hình, thể chất. Đặc biệt, lúc này các bạn nam đã có nhu cầu thể hiện tình cảm, xây dựng các mối quan hệ yêu đương tuổi học trò. Vì thế, trẻ thường để tâm hơn đến ngoại hình của mình.

Trẻ sẽ tự ti nếu xuất hiện các khuyết điểm trên cơ thể hoặc nghe được những lời chê bai về vóc dáng. Đây là một trong những thay đổi tính cách tâm lý bình thường ở trẻ nam khi bước vào độ tuổi dậy thì. Vì vậy, cha mẹ nên hỗ trợ con trong việc phát triển ngoại hình. Phụ huynh hãy hướng dẫn con cách chăm sóc cơ thể, chăm chút hơn về cách ăn mặc sao cho gọn gàng, tươm tất.

2.6 Khó kiểm soát cảm xúc

Cảm xúc của con trai ở độ tuổi dậy thì có những bất ổn định. Nguyên nhân vì đây là thời điểm hàm lượng hormone trong cơ thể tác động mạnh mẽ tới tính cách tâm lý của trẻ, khiến trẻ khó kiểm soát tâm trạng, cảm xúc, hành vi. Vì thế, đôi khi trẻ sẽ nóng nảy, cáu gắt vì một số tình huống nhỏ nhặt trong sinh hoạt hàng ngày.

Lúc này, cha mẹ không nên vội trách phạt trẻ mà hãy để con có thời gian suy nghĩ, đánh giá lại hành vi của bản thân. Khi thấy trẻ đã lấy lại sự bình tĩnh thì cha mẹ nên trò chuyện, đưa ra lời khuyên cho trẻ, giúp con hiểu được lỗi sai của bản thân. Nếu có điều kiện, cha mẹ nên cho trẻ tham gia các lớp dạy kỹ năng để trẻ có thể kiểm soát cảm xúc, cư xử đúng mực hơn.

2.7 Đề cao cái tôi, muốn khẳng định bản thân

Tuổi dậy thì là giai đoạn con trai rất hiếu thắng. Lúc này, trẻ luôn muốn thể hiện khả năng của bản thân, muốn thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh. Trẻ cũng bắt đầu ý thức được cái tôi, luôn đề cao bản thân.

Một số trẻ khẳng định năng lực bản thân qua thành tích học tập, cách giao tiếp,... Nhưng cũng có một vài trường hợp trẻ thể hiện bản thân bằng cách đánh nhau, tham gia vào việc cá cược,... Nếu nhận thấy trẻ có những hành vi tiêu cực thì cha mẹ cần kịp thời đưa ra lời khuyên, uốn nắn trẻ có định hướng đúng.

Cha mẹ có thể hướng con tới những hoạt động lành mạnh hơn, phát triển năng lực bản thân qua các môn thể thao, các hoạt động ngoại khóa,... Điều này giúp trẻ vừa khẳng định được bản thân vừa trau dồi thêm nhiều kỹ năng bổ ích.

2.8 Muốn được đối xử như người lớn

Tâm lý tuổi dậy thì ở nam giới chính là trẻ dần có chính kiến riêng, muốn trở nên độc lập. Trẻ muốn tự làm nhiều việc hơn, ví dụ như muốn tự đi học, tự chăm sóc bản thân, ăn mặc theo sở thích, tự đưa ra quyết định,...

Hầu hết các bạn nam khi bước vào tuổi dậy thì đều mong muốn được mọi người công nhận, đối xử giống như một người trưởng thành. Trẻ sẽ khó chịu nếu thường xuyên bị cha mẹ nhắc nhở về các vấn đề sinh hoạt, học tập,... Lúc này, cha mẹ cũng không nên nên cố gắng gò ép con theo ý muốn của mình. Thay vào đó, các bậc phụ huynh hãy gợi ý cho con lập sẵn kế hoạch, thời gian biểu cho từng công việc khác nhau.

Những thay đổi về tính cách tâm lý tuổi dậy thì ở nam giới thường khó nhận biết. Tuy nhiên, nếu cha mẹ quan tâm nhiều hơn đến trẻ thì sẽ dễ dàng nhận thấy những thay đổi trong suy nghĩ, lời nói và hành vi của con. Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kiến thức nuôi dạy con tuổi dậy thì để hỗ trợ tốt nhất cho con trong giai đoạn này, giúp trẻ trẻ dễ dàng vượt qua những “khủng hoảng” tuổi dậy thì để trở thành một chàng trai mạnh mẽ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan