Lưu ý trong chăm sóc sức khỏe sau khi sinh

Sau khi sinh cơ thể sản phụ sẽ bắt đầu hồi phục lại sau quá trình mang thai, việc nghỉ ngơi và sinh hoạt một cách khoa học là rất quan trọng và cần thiết để sản phụ có một sức khỏe tốt.

1. Sinh lý thời kỳ sau đẻ

1.1 Ngày đầu sau đẻ

Sau đẻ, các bà mẹ sẽ có những thay đổi sinh lý theo từng thời kỳ. Trong ngày đầu sau đẻ, sản phụ sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau bụng và tầng sinh môn, gặp khó khăn trong việc tự chăm sóc bản thân. Đặc biệt, trong 2 giờ đầu sau đẻ sẽ xuất hiện khối cầu an toàn. Những giờ tiếp theo sẽ có những biểu hiện như:

  • Sự co bóp của tử cung
  • Tắc mạch sinh lý ở diện rau bám
  • Huyết âm đạo ra nhiều
  • Tiết sữa non
  • Rét run sau đẻ.

1.2 Tuần đầu sau đẻ

Tuần đầu sau đẻ, sản phụ có thể cảm thấy mệt mỏi kéo dài, gặp khó khăn trong việc tự chăm sóc bản thân và chăm sóc con. Ngoài ra, sẽ có những thay đổi sinh lý như:

  • Sự co hồi tử cung
Tử cung
Sự co hồi tử cung khiến sản phụ cảm thấy mệt mỏi trong những tuần đầu sau đẻ

  • Sự co bóp tử cung
  • Sản dịch
  • Xuống sữa và tiết sữa thật sự
  • Vết khâu tại tầng sinh môn (nếu có) sẽ đau, có thể sưng nề gây khó khăn cho sản phụ trong việc đi lại, vệ sinh và chăm sóc con,...
  • Sự thay đổi về trọng lượng cơ thể
  • Đại tiểu tiện bị rối loạn.

1.3 Sáu tuần sau đẻ

Sau 6 tuần sản phụ có thể lo lắng vì có xuất hiện kinh non, hay gặp khó khăn trong việc tiết sữa và cho con bú. Cơ thể mẹ có những thay đổi sinh lý bao gồm:

  • Sự co bóp tử cung trong những ngày đầu
  • Sản dịch và dịch âm đạo trong những ngày sau đó
  • Tiết sữa nhiều và đều đặn
  • Bắt đầu xuất hiện vết sẹo ở tầng sinh môn (nếu có)
  • Sự thay đổi về khối lượng cơ thể
  • Đại tiểu tiện có thể bị rối loạn.

2. Chăm sóc sức khỏe bà mẹ thời kỳ sau sinh

Chăm sóc sức khỏe bà mẹ thời kỳ sau sinh là một vấn đề cần thiết để sản phụ có thể nhanh chóng hồi phục. Đồng thời, việc chăm sóc con sẽ được tốt hơn. Chăm sóc sức khỏe sau khi sinh cũng được chia theo từng thời kỳ, từng giai đoạn phù hợp với sự thay đổi sinh lý của bà mẹ.

Những vấn đề sản phụ thường băn khoăn sau sinh
Chăm sóc sức khỏe bà mẹ sau khi sinh cũng chia theo nhiều giai đoạn

2.1 Ngày đầu sau đẻ

  • Sản phụ cần nằm nghỉ tại phòng đẻ trong 6 giờ đầu sau đẻ. Sau đó đưa sản phụ về phòng.
  • Theo dõi toàn trạng, dấu hiệu sinh tồn như: Huyết áp, mạch, co hồi tử cung, máu ra âm đạo 15-30 phút/ lần trong vòng 2 giờ đầu, và những giờ tiếp theo 1 giờ/lần.
  • Cho trẻ nằm cạnh mẹ.
  • Hướng dẫn và giúp đỡ bà mẹ cho con bú, cách chăm sóc vú.
  • Hướng dẫn và giúp đỡ bà mẹ thay băng vệ sinh.
  • Hướng dẫn cách tự theo dõi hồi cầu an toàn và sự co hồi tử cung sau đẻ. Nếu thấy tử cung mềm cần tự xoa nhẹ nhàng trên thành bụng để kích thích tử cung co lại.
  • Hướng dẫn người mẹ cách chăm sóc trẻ và theo dõi chảy máu rốn, các dấu hiệu bất thường khác ở trẻ như: Không thở, không khóc, không bú, tím tái,...
  • Hướng dẫn cách tự nhận biết các dấu hiệu bất thường như: Đau bụng, chảy máu nhiều, nhức đầu, choáng, chóng mặt, mệt lả, mót rặn, bí đái,...

2.2 Tuần đầu sau đẻ

  • Cho sản phụ nằm nghỉ tại phòng sau đẻ.
  • Theo dõi toàn trạng, dấu hiệu sinh tồn: Mạch, nhiệt độ, huyết áp, co hồi tử cung, sản dịch 2 lần/ngày
  • Cho trẻ nằm cạnh mẹ.
  • Hướng dẫn và giúp đỡ bà mẹ cho con bú, cách chăm sóc vú, rửa đầu vú trước và sau khi cho trẻ bú, bú từng bên, vắt hết sữa thừa,...
  • Hướng dẫn cách mặc: Mặc rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, đủ ấm về mùa đông.
  • Hướng dẫn và giúp đỡ bà mẹ ăn uống đầy đủ chất, ăn no, uống nước đầy đủ, tránh kiêng khem vô lý.
Dinh dưỡng cho người bị Thalassemia
Sau đẻ sản phụ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để mau hồi phục sức khỏe

  • Đảm bảo cho bà mẹ ngủ đủ giấc.
  • Hướng dẫn và giúp đỡ bà mẹ thay băng vệ sinh. Vệ sinh bộ phận sinh dục hàng ngày 3 lần/ ngày bằng nước đun sôi để nguội.
  • Hướng dẫn và giúp đỡ bà mẹ chăm sóc vết khâu tầng sinh môn. Làm sạch tầng sinh môn sau mỗi lần đi đại tiểu tiện, thấm khô, cắt chỉ và ngày thứ năm sau đẻ. Nếu có nhiễm khuẩn cần được cắt chỉ sớm.
  • Hướng dẫn cách tự theo dõi sự co hồi tử cung sau đẻ. Nếu thấy tử cung mềm, cần tự tay xoa nhẹ trên thành bụng, nhằm kích thích tử cung co lại.
  • Hướng dẫn người mẹ cách chăm soc trẻ, theo dõi chảy máu rốn và các dấu hiệu bất thường khác ở trẻ: Không thở, không bú, không khóc, tím tái,...
  • Hướng dẫn cách tự nhận biết các dấu hiệu bất thường ở bà mẹ như: Đau bụng, chảy máu nhiều, nhức đầu, chóng mặt, choáng, mệt mỏi, bí đái, mót rặn,...

2.3 Sáu tuần sau đẻ

  • Hướng dẫn bà mẹ cách tự chăm sóc sức khỏe như theo dõi dấu hiệu sinh tồn: mạch, nhiệt độ, huyết áp, co hồi tử cung, sản dịch hàng ngày.
  • Hướng dẫn chế độ nghỉ ngơi, làm việc, vận động và giao hợp như: Ngủ đủ giấc, vận động nhẹ nhàng, tập thể dục nhẹ nhàng. Sau 6 tuần sau đẻ có thể giao hợp và nên áp dụng những biện pháp tránh thai thích hợp.
  • Hướng dẫn và tư vấn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

Chăm sóc sức khỏe sau sinh cần đảm bảo một cách tích cực cho bà mẹ trong việc chăm sóc bản thân và đứa trẻ. Tạo một môi trường và bầu không khí thoải mái cho bà mẹ sau khi chăm sóc, theo dõi và tư vấn hướng dẫn. Ngoài ra, đối với sản phụ sinh mổ, việc chăm sóc sức khỏe sau sinh mổ cũng giống như sinh thường. Tuy nhiên, cần lưu ý vệ sinh vết mổ phòng tránh nhiễm khuẩn và có kế hoạch hóa gia đình, không nên mang thai sớm

3. Biến chứng có thể gặp sau sinh

Một số biến chứng có thể gặp sau khi sinh như:

3.1 Giai đoạn ngay sau đẻ

  • Shock: Do đau, mất máu, gắng sức trong quá trình đẻ, hoặc do các bệnh lý có sẵn,...
  • Chảy máu sau đẻ: Do đờ tử cung, sót rau, chấn thương đường sinh dục khi sinh,...
  • Chấn thương đường sinh dục khi sinh: Rách tầng sinh môn, âm đạo, cổ tử cung, máu tụ đường sinh dục,...

3.2 Những ngày sau đẻ

  • Thiếu máu: Do mất máu, ăn uống kém hoặc nhiễm khuẩn,...
  • Nhiễm khuẩn: Ở tầng sinh môn, âm đạo, chỗ khâu các vết cắt hoặc rách của bộ phận sinh dục, nhiễm khuẩn ở tử cung, phần phụ,...
  • Sót rau: Gây chảy máu, nhiễm khuẩn,...
  • Các bệnh lý tại vú

Tóm lại, chăm sóc sức khỏe sau sinh giúp cho sự hồi phục sức khỏe của bà mẹ nhanh chóng ổn định, làm tử cung co hồi chắc hơn, giảm mất máu và các biến chứng sau đẻ như: Bí đái, rét run, nhiễm khuẩn, chảy máu,... Khi thấy có dấu hiệu bất thường, cần thông báo ngay với nhân viên y tế để được xử trí kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan