Nên cho con bú kéo dài đến bao giờ?

Đối với nhiều bà mẹ, việc cho con bú là khoảng thời gian thú vị, giúp đem đến những cảm giác thư giãn, vui vẻ. Tuy nhiên, nếu phải làm việc thêm thì nhiều mẹ sẽ đặt ra câu hỏi: Khi nào thì dừng cho con bú? Nên cho con bú kéo dài đến bao giờ?

1. Cho con bú kéo dài là gì?

Thuật ngữ “cho con bú kéo dài” có một nghĩa khác tùy thuộc vào dân tộc, tôn giáo và khu vực địa lý mà đứa trẻ và gia đình đó đang sinh sống.

Ở một số nền văn hóa, việc cho trẻ bú sữa mẹ trong năm đầu tiên của cuộc đời là điều hết sức bình thường, nhưng sau khoảng thời gian đó, đa phần các bà mẹ sẽ cho con cai sữa. Theo thống kê, khoảng 36% trẻ vẫn đang bú mẹ khi được 12 tháng, trong khi đó chỉ có khoảng 15% trẻ vẫn bú mẹ khi được 18 tháng. Nhiều người nghĩ rằng việc cho con bú vượt quá khoảng thời gian đề xuất (tức là 12 tháng tuổi) đã được tính là cho con bú kéo dài.

2. Nên cho con bú kéo dài đến bao giờ?

Hầu hết các chuyên gia đều khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ trong tối thiểu 12 tháng sau sinh, thậm chí nhiều người khác còn muốn tăng mức thời gian khuyến cáo này lên 18 tháng. Dưới đây là những gì các tổ chức liên quan đến y tế lớn trên thế giới đưa ra nhận định về việc cho con bú kéo dài:

  • Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo rằng trẻ sơ sinh nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên, thời gian tiếp tục kéo dài đến ít nhất 1 năm. Sau đó, các bà mẹ nên cho con bú với điều kiện “mẹ và trẻ cùng mong muốn”.
  • Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến nghị nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên, sau đó tiếp tục cho trẻ bú mẹ “đến 2 tuổi và hơn thế nữa”.
  • Giống như AAP và WHO, Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ (AAFP) khuyến nghị tiếp tục cho con bú trong ít nhất 1 năm và nói rằng sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh là tối ưu “khi tiếp tục cho con bú trong ít nhất 2 năm”.
Mổ u nang khi đang cho con bú có ảnh hưởng đến việc tiết sữa mẹ?
Hầu hết các chuyên gia đều khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ trong tối thiểu 12 tháng sau sinh

3. Ưu và nhược điểm của nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài

3.1. Ưu điểm của việc cho con bú kéo dài

  • Mặc dù thời điểm hiện tại trẻ đã nhận được nguồn dinh dưỡng đầy đủ phục vụ cho quá trình phát triển về cả thể chất và trí tuệ từ các loại thức ăn dặm nhưng sữa mẹ vẫn là nguồn cung cấp năng lượng, hormone tăng trưởng, hệ thống miễn dịch, vitamin và enzyme rất giá trị cho bé. Các nghiên cứu cho thấy rằng trẻ mới biết đi bú mẹ ít bị ốm hơn sơ với những bạn cùng lứa tuổi đã được cai sữa.
  • Khi một đứa trẻ bị ốm, sữa mẹ có thể là thứ duy nhất mà hệ tiêu hóa còn non yếu của bé có thể hấp thụ được. Điều này sẽ giúp bé luôn duy trì đủ lượng nước, chất dinh dưỡng cũng như tăng cường hệ thống miễn dịch để chống lại bệnh tật.
  • Cho con bú cũng tốt cho sức khỏe của người phụ nữ. Khi so sánh với những người phụ nữ không bao giờ cho con bú, phụ nữ cho con bú có tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạchcao huyết áp thấp hơn hẳn.
  • Khi bé đã bắt đầu nhận thức được những gì diễn ra xung quanh, việc cho con bú sữa mẹ có thể là nguồn trấn an và hỗ trợ tinh thần quan trọng. Sự kết nối mạnh mẽ mà bé cảm nhận được từ mẹ của mình khi bú sẽ thúc đẩy tính độc lập, không khiến trẻ quá phụ thuộc hoặc trở nên yếu đuối sau này.
  • Kathleen Huggins, tác giả cuốn sách “Người mẹ cho con bú”, cho biết, đôi khi mọi người nghĩ rằng cai sữa sớm sẽ giúp trẻ phát triển ý thức về giá trị bản thân và tính độc lập. Nhưng buộc một đứa trẻ ngừng bú mẹ trước khi bé sẵn sàng phát triển chưa chắc đã có thể tạo ra một đứa trẻ tự tin hơn thậm chí còn khiến bé trở nên yếu đuối và phụ thuộc vào cha mẹ.
  • Trong trường hợp bé và gia đình có một chuyến du lịch và nghỉ qua đêm ở những nơi xa lạ, sự thoải mái và quen thuộc từ bầu sữa mẹ có thể là cách tốt nhất để xoa dịu nỗi sợ hãi và khiến trẻ cảm thấy an tâm hơn.
  • Việc duy trì cho trẻ bú có thể giúp những người phụ nữ trì hoãn việc có kinh trong một năm hoặc hơn tùy thời gian bé bú. Đây có thể là một lợi thế cho những nhiều người phụ nữ có triệu chứng kinh nguyệt nổi bật hơn bình thường ví dụ như chuột rút hoặc đầy hơi. Tuy nhiên cần lưu ý, cho con bú không phải là một hình thức kế hoạch hóa gia đình hiệu quả, đặc biệt là sau khi trẻ bắt đầu ăn dặm và bú ít hơn.
  • Tiếp tục cho trẻ bú có thể giúp các bà mẹ dễ dàng kiểm soát cân nặng của mình. Một số nghiên cứu cho thấy cho con bú kết hợp với một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn có thể giúp các bà mẹ giảm cân và giữ được vóc dáng cân đối trong nhiều năm tới.
  • Cho con bú đến khi trẻ sẵn sàng cho việc cai sữa có thể giúp bé cảm thấy tự nhiên và ít đột ngột hơn.
Cân nặng hằng ngày
Tiếp tục cho trẻ bú có thể giúp các bà mẹ dễ dàng kiểm soát cân nặng của mình

3.2. Nhược điểm của việc cho con bú kéo dài

  • Những người nghĩ rằng việc cho một đứa bé đã lớn bú có thể đưa ra những nhận xét hoặc chỉ trích khiếm nhã. Các bà mẹ cũng có thể sẽ cảm thấy bối rối và khó xử khi bé đòi bú ở những nơi công cộng, nhiều người qua lại.
  • Một số người cho rằng sẽ khó cai sữa cho trẻ hơn sau năm đầu tiên. Nhiều bà mẹ cũng lo lắng về việc cố cai sữa cho trẻ 2 tuổi theo thời gian biểu của riêng mình. Tất nhiên, họ có thể cai sữa cho con mình bất cứ lúc nào tuy nhiên sẽ cần đánh lạc hướng trẻ bằng những thứ khác như bài hát, đồ chơi, thức ăn hoặc các hoạt động khác khi bé muốn bú.
  • Bé có thể sẽ quen với việc dựa vào vú mẹ khi chán và cảm thấy đó là cách duy nhất để thu hút sự chú ý từ mẹ của chúng
  • Việc sắp sinh thêm một em bé nữa trong lúc vẫn đang cho trẻ bú có thể khiến nhiều phụ nữ cảm thấy quá sức.

4. Cách khiến việc cho con bú kéo dài trở nên dễ dàng

Nếu cảm thấy khó chịu bởi những bình luận hay cái nhìn khiếm nhã khi cho bé bú nơi công cộng, hãy làm điều đó ở nhà trước khi ra ngoài. Một số bà mẹ thích cho con bú vào những thời điểm nhất định trong ngày như buổi sáng sau khi thức dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ và cho trẻ bú bình trong các bữa chính cũng như bữa phụ.

Còn nếu không quan tâm đến những gì mọi người suy nghĩ hoặc nói, hãy chuẩn bị sẵn một số câu trả lời khi ai đó hỏi những câu đại loại như “Cháu nhà chị vẫn cần phải bú à?”. Tuy nhiên đôi khi, một câu trả lời đơn giản như “Đúng” sẽ là nút chặn cuộc trò chuyện tốt nhất trong trường hợp không muốn đề cập đến vấn đề này.

Nếu bé có vẻ đang bú vì buồn chán hoặc chỉ là để thu hút sự chú ý của mẹ hãy đánh lạc hướng của trẻ bằng những cách khác. Trẻ mới biết đi háo hức khám phá thế giới và cần được kích thích để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của trẻ.

Dạy bé một loại “mật mã” mà chỉ hai mẹ con biết và sử dụng khi trẻ muốn bú để khi đang ở nơi công cộng không ai để ý đến.

Học cách chăm sóc bản thân. Áp dụng một chế độ ăn uống bao gồm nhiều trái cây tươi và rau củ, protein, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu Canxi. Ngoài ra để giữ đủ nước hãy uống một cốc nước mỗi khi cho con bú. Và nếu không chắc mình nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, hãy trao đổi vấn đề này với các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Một điều cần lưu ý nữa là khi cho trẻ bú sau năm đầu tiên, hãy đảm bảo rằng ngoài sữa mẹ, bé cũng cần cung cấp những bữa ăn dặm khác nhằm cân bằng dinh dưỡng giúp trẻ tiếp tục phát triển. Nếu trẻ đang trong giai đoạn kén ăn, đừng lo lắng trẻ vẫn sẽ nhận được rất nhiều chất dinh dưỡng quý giá từ sữa mẹ.

Nếu các bà mẹ mang thai muốn tiếp tục cho con bú, cần lưu ý đến vấn đề giảm nguồn cung cấp sữa khi nồng độ hormone thay đổi. Họ có thể sản xuất ít sữa hơn khi cơ thể bắt đầu chuyển hướng các nguồn năng lượng cũng như dinh dưỡng cho thai nhi phát triển và hương vị của sữa có thể cũng sẽ thay đổi. Cũng đã có rất nhiều bà mẹ thành công trong việc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và cả trẻ mới biết đi khi mang thai. Việc này sẽ tốn rất nhiều thời gian và năng lượng, do đó cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đảm bảo được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.

Chế độ ăn
Các mẹ cho con bú kéo dài nên áp dụng một chế độ ăn uống bao gồm nhiều trái cây tươi và rau củ, protein, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu Canxi

Cho con bú kéo dài đã không được khuyến khích trong nhiều năm nhưng dường như mọi thứ đang thay đổi. Nhiều chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ với những trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên để giúp các bà mẹ có thể bình thường hóa trong vấn đề cho trẻ trên 1 tuổi bú. Quyết định của các bà mẹ về vấn đề có nên cho con bú kéo dài hay không cần được xem xét để làm sao tìm được sự phù hợp với bản thân các bà mẹ, với bé và cả gia đình.

Bên cạnh bú mẹ, trong giai đoạn này, trẻ cũng đang tập làm quen với việc ăn dặm. Vì vậy, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, healthline.com, brownskinmama.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

44.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan