Các triệu chứng của bệnh tiểu đường giai đoạn cuối

Đái tháo đường là bệnh lý mãn tính và trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Giai đoạn cuối bệnh đái tháo đường là giai đoạn toàn phát biến chứng khi mà các cơ quan trong nội tạng cơ thể bị ảnh hưởng lớn từ việc lượng đường trong máu tăng cao. Vậy các triệu chứng của bệnh tiểu đường giai đoạn cuối là gì?

1. Các giai đoạn của bệnh tiểu đường

1.1 Giai đoạn 1: bắt đầu với sự đề kháng insulin

Đái tháo đường giai đoạn đầu hay còn được gọi là tiền đái tháo đường, đây là giai đoạn lượng glucose có trong máu cao hơn mức bình nhưng chưa tới giới hạn để có thể chẩn đoán là bệnh đái tháo đường. Giai đoạn tiền đái tháo đường thường kéo dài từ 3-5 năm. Nếu tuân thủ điều trị thì người bệnh có thể được chữa khỏi và ngăn ngừa nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường type 2.

Mặc dù triệu chứng đái theo đường giai đoạn đầu khá mờ nhạt, tuy nhiên nếu thấy xuất hiện những mảng da tối màu ở các vị trí nếp gấp như nách, gáy, cổ tay, cổ chân hoặc đột nhiên đi tiểu nhiều, khát nhiều, mệt mỏi thì đây rất có thể là dấu hiệu cảnh báo tiền đái tháo đường.

1.2 Giai đoạn 2: đái tháo đường tiến triển

Trong giai đoạn này, cơ thể bắt đầu có hiện tượng không thể tự bù trừ được tình trạng kháng insulin, tuyến tuỵ bắt đầu giảm khả năng sản xuất insulin và hậu quả dẫn tới đường huyết tăng cao trên giới hạn cho phép như đường huyết lúc đói ≥ 7 mmol/l và sau ăn 2 giờ ≥ 11,1 mmol/l, HbA1c ≥ 7%. Lúc này, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những triệu chứng điển hình như thấy khát nhiều, ăn nhiều, đi tiểu nhiều, nhanh đói, sụt cân không rõ nguyên nhân, chân tay tê mỏi, mờ mắt, da khô, vết thương lâu lành,...

1.3 Giai đoạn 3: giai đoạn đái tháo đường khó kiểm soát

Giai đoạn 3 của bệnh đái tháo đường là tình trạng kháng insulin tăng, đồng thời tuyến tuỵ ngày càng suy kiệt khiến cho chỉ số đường huyết và HbA1c tăng cao. Bệnh nhân buộc phải sử dụng thuốc hạ đường huyết cùng lúc để điều trị, thậm chí nhiều trường hợp phải chuyển từ thuốc uống sang thuốc tiêm mới có thể kiểm soát được lượng đường trong máu.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, những biến chứng đái tháo đường trên mạch máu, mắt, thần kinh, bàn chân đã xuất hiện rõ rệt. Vì vậy, mục tiêu điều trị đái tháo đường giai đoạn 3 không chỉ đơn thuần là hạ đường huyết mà còn hướng tới việc cải thiện biến chứng và phòng ngừa biến chứng tiến triển nặng.

1.4 Giai đoạn 4: giai đoạn cuối của tiểu đường

Giai đoạn cuối của tiểu đường thường là khi các biến chứng của bệnh đã nặng và có thể đe dọa tới tính mạng. Triệu chứng của bệnh tiểu đường giai đoạn cuối bao gồm:

  • Suy tim: tình trạng xơ vữa động mạch do biến chứng mạch máu khiến cho tim phải co bóp nhiều hơn, lâu ngày sẽ bị suy kiệt gây khó thở, mệt mỏi, đau tức ngực, phù tay chân,... thậm chí tử vong vì xuất hiện những cơn nhồi máu hay rung nhĩ đột ngột.
  • Suy thận: Đây là biến chứng bệnh tiểu đường giai đoạn cuối thường gặp, khi lượng glucose trong máu cao không chỉ huỷ hoại các mạch máu lớn nuôi tim mà nó còn gây nên tổn thương nghiêm trọng tới hệ thống mạch máu nhỏ tại thận. Thận không có khả năng lọc máu sẽ khiến cho chất độc hại bị tích tụ trong cơ thể dẫn tới tình trạng chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn,... thậm chí người bệnh phải chạy thận mới có thể duy trì được sức khoẻ.
  • Liệt dạ dày: Nếu biến chứng thần kinh trong giai đoạn 2 và giai đoạn 3 chỉ làm cho người bệnh thấy chân tay tê bì, nóng rát và rối loạn tiêu hoá thì triệu chứng bệnh tiểu đường giai đoạn cuối khiến cho bệnh nhân ăn uống khó ăn, thậm chí cần đặt ống dẫn thức ăn vì tình trạng liệt dạ dày.
  • Loét bàn chân, thậm chí có thể dẫn tới hoại tử
  • Xuất huyết võng mạc, mù lòa,...

2. Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường tiến triển

Chế độ ăn uống và sinh hoạt ảnh hưởng lớn tới quá trình điều trị và ngăn ngừa bệnh đái tháo đường tiến triển. Một số loại thực phẩm mà người bệnh đái tháo đường nên sử dụng bao gồm:

  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt và tinh bột có chỉ số đường huyết thấp
  • Các loại cá có chứa nhiều omega-3 như cá mòi, cá hồi, cá trích cung cấp lượng acid béo omega-3 dồi dào cho cơ thể, giảm thiểu nguy cơ đột quỵ tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường giai đoạn cuối.
  • Các loại rau xanh lá là nguồn cung cấp vitamin dồi dào, bởi vì lá màu xanh rất bổ dưỡng, chỉ số đường huyết thấp, ít calo rất phù hợp với quá trình điều trị bệnh đái tháo đường.
  • Trái cây tươi: đặc biệt là trái bơ hay có lượng chất béo không bão hoà đơn. Theo hiệp hội đái tháo đường Mỹ (ADA) khuyến khích người bệnh đái tháo đường nên sử dụng bơ hàng ngày để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Một số loại trái cây khác có chỉ số đường huyết thấp mà bệnh nhân đái tháo đường nên dùng đó là dưa gang, thanh long,...
  • Sữa: người bệnh đái tháo đường nên sử dụng từ 1-2 cốc sữa mỗi ngày để cân bằng dinh dưỡng. Bệnh nhân nên sử dụng sữa không đường, ít béo để không ảnh hưởng tới lượng đường trong máu.

Tóm lại, giai đoạn cuối bệnh đái tháo đường là giai đoạn toàn phát biến chứng khi mà các cơ quan trong nội tạng cơ thể bị ảnh hưởng lớn từ việc lượng đường trong máu tăng cao. Triệu chứng bệnh tiểu đường giai đoạn cuối thường là huyết áp tăng cao, mắt mờ, vết thương lâu lành, nhiễm trùng, suy tim, suy thận,... Do vậy, để kiểm soát được triệu chứng của bệnh tiểu đường giai đoạn cuối, người bệnh cần đi khám định kỳ để phòng ngừa biến chứng và có biện pháp điều trị phù hợp.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan