Cơ chế hình thành hội chứng tăng thông khí

Hội chứng tăng thông khí phổi là chứng khó thở liên quan đến lo âu và thở nhanh kèm với triệu chứng toàn thân thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Cần phân biệt rõ hội chứng tăng thông khí và bệnh tâm thần hoảng loạn, vì cả 2 căn bệnh này có các biểu hiện khá tương đồng.

1. Hội chứng tăng thông khí là gì?

Hội chứng tăng thông khí là hiện tượng quá trình hít và thở của người bệnh mất cân bằng, cụ thể là xu hướng thở ra nhiều hơn là hít vào. Nếu hiện tượng này lặp đi lặp lại có thể gây thiếu hụt một lượng lớn CO2 gây ảnh hưởng đến người bệnh như khó thở, chóng mặt, nhịp tim nhanh bất thường, thậm chí là dẫn tới co thắt cơ nghiêm trọng và bất tỉnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hội chứng tăng thông khí có thể kể đến như:

  • Tâm lý bất ổn: Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra triệu chứng tăng thông khí, phần lớn là do các tác nhân hoảng sợ, lo âu, căng thẳng hay nóng giận. Ngoài ra các chất kích thích cũng góp phần xâm nhập vào cơ thể làm thay đổi cảm xúc thất thường gây tăng thông khí
  • Bệnh lý hô hấp: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, ứ khí phổi, hen suyễn
  • Bệnh lý não bộ: chấn thương đầu, tăng áp lực nội sọ, chấn thương sọ não
  • Đái tháo đường cũng có thể là nguyên nhân gây ra tăng thông khí

Ngoài ra, một số tác nhân khác gây ra hiện tượng tăng thông khí như: ô nhiễm không khí, phụ nữ mang thai, toan ceton, bị chảy máu hoặc đau nghiêm trọng hay do dinh dưỡng không đầy đủ.

2. Cơ chế hình thành hội chứng tăng thông khí

Cần phải xác định rằng có nhiều yếu tố tâm thần và cả thể chất tác động gây ra tình trạng này. Do đó có rất nhiều nguyên nhân gây tăng thông khí cùng lúc. Các nguyên nhân then chốt và cơ chế hình thành có thể tóm lại như sau:

  • Nguyên nhân tâm thần: bệnh nhân rối loạn lo âu có thể có khuynh hướng tăng thở dựa trên lỗ hổng sinh học, nhân cách và biến nhận thức. Ví dụ khi người bệnh tự lý giải cơn đau ngực là do bệnh tim nguy hiểm sẽ kích thích hệ thần kinh giao cảm và gây thở nhanh, tăng thông khí. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những bệnh nhân này có receptor hoá học tăng nhạy cảm với CO2, vì thế có thể tăng thở để đáp ứng với mức tăng CO2 rất nhỏ.
  • Nguyên nhân do bệnh hô hấp: các đặc điểm như hạ oxy máu, ứ khí phổi có thể gây kích thích receptor gây tăng thông khí
  • Rối loạn thần kinh trung ương: tổn thương thân não cũng có thể gây ra biến đổi kiểu thở như thở Biot, thở ức chế, thở Cheyne-Stokes do huỷ hoại trung tâm thông khí.
  • Toan chuyển hoá: là nguyên nhân phổ biến của thở nhanh như sự nỗ lực của cơ thể đào thải CO2 để giảm độ toan.
  • Mang thai: việc tăng progesterone trong quá trình mang thai kết hợp với estrogen làm tăng nhạy cảm với hạ oxy máu, gây ra tăng thông khí kiểu trung ương thông qua thân động mạch cảnh.

3. Các biểu hiện của hội chứng tăng thông khí

Hiểu một cách đơn giản, tăng thông khí chính là việc rối loạn hít thở của người bệnh kèm theo một số triệu chứng điển hình khác như sau:

  • Ban đầu người bệnh có xu hướng thở nhanh và nhiều lượng khí kèm theo nhưng lượng khí hít vào lại khá ít, lâu dần sẽ gặp phải tình trạng ngáp nhiều hơn mặc dù không phải do buồn ngủ.
  • Người bệnh có thể có cảm giác tức nghẹn như vật gì tắc trong lồng ngực, các cơn đau tức ngực xuất hiện càng lúc càng tăng dần thậm chí lan rộng ra cả lồng ngực.
  • Bệnh nhân bị tăng thông khí còn có thể sốt cao hoặc sốt âm ỉ kéo dài trong một số trường hợp
  • Rối loạn nhịp tim cũng là triệu chứng kinh điển của tình trạng tăng thông khí. Theo đó, tim người bệnh thường đập nhanh hơn bình thường, tâm lý cũng căng thẳng và lo âu hơn.

4. Điều trị hội chứng tăng thông khí như thế nào?

Về phương pháp xử trí nhanh hội chứng tăng thông khí:

  • Đầu tiên người bệnh cần giữ cho tâm lý ổn định, tránh hoảng loạn khiến tình trạng trở nên nặng hơn. Giữ không gian thoáng đãng để hỗ trợ việc thở dễ hơn, có thể nhờ người xung quanh hỗ trợ bằng cách xoa và vỗ nhẹ lên lưng
  • Phương pháp hít thở bằng từng lỗ mũi có thể giúp giảm lượng khí thoát ra khỏi cơ thể
  • Kiểm soát hơi thở bằng cách luyện thở chậm và sâu, nên giữ lượng khí trong phổi khoảng 5 giây rồi từ từ thở ra, việc này rất tốt cho điều hoà hệ hô hấp và nuôi dưỡng lá phổi khỏe mạnh.
  • Dùng túi giấy làm bình oxy thủ công, hít thở khoảng 12 lần trong túi rồi hít thở 12 lần bên ngoài cho đến khi hơi thở trở về bình thường

Đối với điều trị hội chứng tăng thông khí lâu dài:

  • Có các nhóm thuốc có thể dùng để điều trị tăng thông khí nhưng cần được bác sĩ chuyên khoa kê đơn và giám sát chặt chẽ.
  • Châm cứu cũng có thể áp dụng để giảm các nguy cơ bị tăng thông khí cho người thường xuyên bị căng thẳng
  • Các bài tập hít thở giúp điều hoà nhịp thở cũng hữu hiệu trong việc giảm nguy cơ tái bệnh.
  • Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ để có cơ thể khỏe mạnh.
  • Các bài dưỡng sinh nhẹ nhàng, yoga hay thiền cũng nên được thực hiện thường xuyên để thư giãn và điều hoà nhịp thở.

Hội chứng tăng thông khí phổi là chứng khó thở liên quan đến lo âu và thở nhanh kèm với triệu chứng toàn thân thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Hiểu rõ nguyên nhân và triệu chứng của hội chứng này giúp bạn dễ dàng phân biệt với những căn bệnh khác để được can thiệp, điều trị hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan