Lấy dị vật phế quản qua ống soi mềm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Đức Hoàng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Lấy dị vật phế quản qua ống nội soi mềm là một phương pháp đang được sử dụng phổ biến và đem lại hiệu quả trong việc lấy dị vật ra khỏi phế quản. Tuy nhiên, cần chống chỉ định đối với những trường hợp có nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực,...

1. Lấy dị vật phế quản qua ống nội soi mềm là gì?

Dị vật trong phế quản hay còn gọi dị vật đường thở là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em và người già với biểu hiện hội chứng xâm nhập cấp tính. Nội soi phế quản ống mềm là một phương pháp hiệu quả để lấy dị vật ra khỏi phế quản. Đối với ống nội soi mềm có thể giúp cho người bệnh không đau đớn và giảm kích thích hầu họng.

2. Chỉ định, chống chỉ định lấy dị vật phế quản qua ống nội soi mềm

Lấy dị vật phế quản ống mềm được chỉ định khi có dị vật khí phế quản. Chống chỉ định đối với những trường hợp sau:

Đối tượng nào có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim?
Người bệnh bị nhồi máu cơ tim chống chỉ định thực hiện dị vật ống soi mềm

3. Các bước thực hiện lấy dị vật ống soi mềm

3.1 Chuẩn bị

Người thực hiện kỹ thuật lấy dị vật phế quản qua ống nội soi mềm là một bác sĩ và điều dưỡng chuyên khoa hô hấp đã được đào tạo về soi phế quản. Ngoài ra nhân viên y tế còn phải chuẩn bị một số thiết bị phục vụ cho quá trình nội soi như:

  • Hệ thống nội soi phế quản: Ống nội soi, nguồn sáng, kìm sinh thiết,...
  • Thuốc: atropine 1⁄4 mg, lidocaine 2%, adrenalin 1mg, salbutamol 0,5mg, methylprednisolone 40mg, ventolin 5mg, seduxen 10mg, midazolam 5mg, adalat 10 mg, furosemide 20mg, glucose 5%, natri clorid 0,9%, morphin 10mg, pulmicort 0,5mg.
  • Dụng cụ: Bơm tiêm, kim tiêm, bông, băng dính, dây truyền dịch, ống đựng bệnh phẩm, bình đựng dịch, găng vô trùng, gạc vô trùng, găng sạch, áo mổ, máy hút, ống dẫn oxy, mặt nạ oxy, bóng ambu, máy hút, mask khí dung, lam kính, dung dịch cố định bệnh phẩm.
  • Dụng cụ lấy dị vật: Kìm gặp chuyên dụng, giỏ, snare, sonde đốt điện cầm máu.

Đối với người bệnh sẽ được nhân viên y tế giải thích về mục đích và những biến chứng có thể xảy ra, và sau đó ký cam kết chấp nhận nội soi phế quản ống cứng. Bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi soi 4 tiếng.

nhịn ăn trước phẫu thuật
Bệnh nhân có thể phải nhịn ăn trước khi làm thủ thuật

Người bệnh phải được soi phế quản ống mềm trước để xác định vị trí, hình dạng của dị vật, tổ chức viêm xung quanh và phía dưới của dị vật. Trường hợp tổ chức viêm xung quanh dị vật nhiều cần điều trị kháng sinh, corticoid đường toàn thân trong thời gian 7 – 10 ngày trước, sau đó soi lại phế quản bằng ống soi mềm để đánh giá mức độ viêm.

3.2 Các bước tiến hành

Tiến hành kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm lấy dị vật:

  • Bệnh nhân sẽ được đặt ở tư thế nằm ngửa. Nếu người bệnh cảm thấy khó thở cần cho nằm cao đầu.
  • Gây tê họng bằng lidocain 2%.
  • Cho người bệnh ngậm canuyn miệng.
  • Đưa ống soi qua miệng vào đến thanh môn.
  • Gây tê bổ sung tại dây thanh âm, khí, phế quản 2 bên.
  • Quan sát khí quản, phế quản từng bên.
  • Khi nhìn thấy dị vật, đánh giá: Hình dạng dị vật, tổ chức viêm bám xung quanh dị vật, nguy cơ chảy máu.
  • Lựa chọn dụng cụ thích hợp để gắp dị vật.
Nội soi phế quản
Kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm lấy dị vật

  • Khi đưa dị vật ra đến gần đầu ống nội soi đồng thời rút ống soi ra ngoài. Chú ý di chuyển dị vật giữa lòng khí phế quản.
  • Khi dị vật ở khí quản có thể yêu cầu người bệnh ho mạnh.
  • Trường hợp có nguy cơ chảy máu nhiều cần đưa ống soi vào lại khí quản, phế quản để đánh giá tình trạng chảy máu. Thực hiện cầm máu bằng Adrenalin hoặc đốt điện đông. .
  • Trường hợp dị vật lớn, sắc nhọn hoặc nội soi ống mềm không lấy được dị vật cần nội soi phế quản ống cứng.

3.3 Theo dõi và xử trí biến chứng

Bệnh nhân cần được theo dõi tại giường noi ít nhất 15 phút sau khi soi. Sau đó, tiếp tục theo dõi tại bệnh phòng các dấu hiệu sinh tồn như mạch, nhịp thở, nhiệt độ, huyết áp và độ bão hòa oxy trong máu. Bệnh nhân có thể bắt đầu ăn sau khi soi phế quản 2 giờ.

4. Một số biến chứng có thể xảy ra sau khi nội soi lấy dị vật

Một số biến chứng có thể xảy ra trong và sau khi nội soi lấy dị vật như:

  • Giảm oxy máu: Tăng lưu lượng oxy đảm bảo duy trì đủ oxy cho người bệnh. Nếu tình trạng giảm oxy máu không cải thiện phải ngừng việc soi phế quản.
  • Co thắt thanh, phế quản: Thường gặp ở những người tăng tính phản ứng phế quản như: Hen phế quảnbệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại vi trước khi soi phế quản để xử trí kịp thời khi có biến chứng. Xử trí bằng cách dừng thủ thuật lại, tiêm corticoid tĩnh mạch, truyền tĩnh mạch salbutamol, khí dung bằng ventolin, pulmicort.
  • Chảy máu: Bơm adrenalin hoặc nước lạnh.
  • Làm rơi dị vật vào phế quản khác: Cần tiến hành lấy dị vật nhưng cần lựa chọn dụng cụ gắp phù hợp.
  • Suy hô hấp cấp: Cần dừng thủ thuật và tăng lưu lượng oxy thở nhằm cải thiện độ bão hòa oxy của người bệnh. Đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại vi, truyền salbutamol, tiêm tĩnh mạch corticoid, khí dung bằng ventolin, pulmicort.
  • Cơn tăng huyết áp: Sử dụng thuốc lợi tiểu và hạ huyết áp.
  • Dị ứng thuốc tê lidocain: xử trí cấp cứu theo phác đồ cấp cứu shock phản vệ và dị ứng của bộ y tế.
Biến chứng của suy hô hấp cấp tính
Suy hô hấp là một biến chứng có thể xảy ra sau khi nội soi lấy dị vật

Tóm lại, dị vật đường thở là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em và người cao tuổi. Lấy dị vật phế quản bằng ống soi mềm là phương pháp được dùng phổ biến hiện nay và đem lại hiệu quả cao, giúp cho người bệnh giảm đau đớn và kích thích hầu họng. Sau khi nội soi người bệnh có thể gặp một số biến chứng. Vì vậy, khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường như khó thở, vã mồ hôi, mệt mỏi,... cần khám ngay, nếu không sẽ dẫ đến tình trạng suy hô hấp và ngừng tim, cần gặp bác sĩ chuyên khoa hô hấp lấy dị vật cấp cứu qua nội soi phế quản.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan