Phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch

Vết thương chảy máu tại mạch máu được xem như một cấp cứu khẩn cấp, nếu không sơ cứu kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Nắm rõ những đặc điểm của chảy máu tĩnh mạch, chảy máu động mạch sẽ phần nào giúp bảo tồn được chi thể và tính mạng của chính bản thân mình.

1. Thông tin chung về vết thương mạch máu

1.1. Phân loại vết thương mạch máu

Vết thương mạch máu có thể được phân thành những loại sau:

  • Do nguyên nhân gây ra: Vết thương do vật sắc nhọn, do mảnh kim loại, mảnh đạn, do tiêm chích...
  • Dựa vào vị trí vết thương: Vết thương mạch máu vùng cổ, vùng chi trên, chi dưới...
  • Tính chất vết thương: Vết thương mạch máu đơn thuần hay phối hợp.
  • Mạch máu bị thương: Vết thương tĩnh mạch, vết thương động mạch, vết thương mao mạch.

1.2. Cách phát hiện vết thương mạch máu

Bệnh nhân có thể phát hiện được các vết thương mạch máu dựa vào các đặc điểm sau đây:

  • Ngay đường đi của mạch máu có các vết thương có chảy máu ra ngoài, có thể chảy nhanh chậm, thành tia hoặc rỉ ra.
  • Tụ máu xung quanh vết thương.
  • Các triệu chứng kèm theo như giảm cảm giác và vận động, chân tay tê, lạnh, những mạch máu ở ngoại vi không bắt được hoặc đập yếu, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ngất xỉu, da niêm mạc nhợt nhạt, huyết áp tụt kẹt...
  • Độ bão hòa của oxy máu giảm.

1.3. Vết thương mạch máu nguy hiểm như thế nào ?

Mạch máu được xem như những “con đường” của hệ thống tuần hoàn cơ thể, giúp dẫn máu đến các bộ phận trong cơ thể. Máu chứa các thành phần quan trọng như oxy, chất dinh dưỡng...giúp cung cấp và nuôi dưỡng nhằm duy trì sự hoạt động bình thường của cơ thể. Các vết thương mạch máu làm gián đoạn những con đường vận chuyển này, đặc biệt là những vết thương mạch máu lớn có thể làm gián đoạn hoàn toàn tuần hoàn cơ thể. Từ đó, gây ra những biến chứng nguy hiểm như thiếu máu não, thiếu máu tạng, suy đa cơ quan, hoại tử chi...Đặc biệt, những vết thương tại mạch máu thường là vết thương hở, đây là điều kiện để các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, bệnh uốn ván hay hoại thư sinh hơi...Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời có thể dần đi đến sốc mất máu và tử vong nhanh chóng.

2. Phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch

2.1 Chảy máu tĩnh mạch

Công việc của các tĩnh mạch là đưa máu đã khử oxy trở lại tim. Huyết áp trong tĩnh mạch thấp hơn huyết áp trong động mạch, do đó, một chấn thương ở tĩnh mạch có thể khiến máu chảy ra chậm, rỉ rả. Tuy nhiên, vết thương ở các tĩnh mạch lớn có thể khiến máu chảy nhiều, ồ ạt giống như chảy máu ở động mạch.

Lúc này, ta có thể dựa vào máu chảy ra để xác định chính xác là loại mạch máu nào bị tổn thương. Vì máu tĩnh mạch là máu không còn oxy, hay đã khử oxy nên màu máu tĩnh mạch có màu đỏ sẫm hoặc hơi xanh.

2.2 Chảy máu động mạch

Chức năng của động mạch là mang máu có oxy từ tim và đến cơ quan nội tạng trong cơ thể. Sau đó, oxy sẽ được các cơ quan hấp thụ và các tĩnh mạch mang máu thiếu oxy trở về tim.

Do huyết áp bên trong động mạch có xu hướng cao hơn nhiều so với huyết áp trong tĩnh mạch, nên một vết thương ở động mạch lớn có thể dẫn đến một số hiện tượng chảy máu khá rõ ràng và nghiêm trọng, gây mất lượng máu lớn trong thời gian ngắn. Biểu hiện của dạng chảy máu động mạch là sự chảy máu ồ ạt, liên tục, máu phun mạnh và chảy thành tia. Bởi vì được cung cấp nhiều oxy, máu động mạch được cho là có màu đỏ tươi. Tuy nhiên, cách tốt nhất để xác định chảy máu là thông qua vị trí vết thương và áp lực của vết thương, vì màu sắc của máu đôi khi có thể khó phân biệt.

So với chảy máu tĩnh mạch, chảy máu động mạch khó kiểm soát hơn. Lực đập của mỗi nhịp tim làm gián đoạn quá trình đông máu, có thể dẫn đến mất nhiều máu hơn.

2.3 Chảy máu mao mạch

Các mao mạch nhỏ là những mạch máu nhỏ nhất trong cơ thể và có đường kính chỉ từ 5 - 10 μm. Chúng tồn tại gần bề mặt da, cũng như các cơ quan bên trong như mắt và phổi. Chảy máu mao mạch là loại chảy máu phổ biến nhất.

Khi bị tổn thương, máu mao mạch rỉ ra hoặc nhỏ giọt ra khỏi cơ thể. Khi mới bị thương, ban đầu có thể thấy máu chảy rất nhanh, nhưng sau đó sẽ nhanh chóng chậm lại thành nhỏ giọt và thông thường có thể dễ kiểm soát. Hầu hết chảy máu mao mạch sẽ đơn giản tự ngừng.

3. Sơ cứu vết thương mạch máu

Nguyên tắc trong sơ cứu chảy máu

  • Nhanh chóng, khẩn trương và chính xác.
  • Sơ cứu theo đúng tính chất của vết thương, có thể dựa vào vị trí, kích thước, mức độ chảy máu...

3.1. Sơ cứu vết thương chảy máu tĩnh mạch

Các bước sơ cứu cho các vết thương ở tĩnh mạch hoặc mao mạch:

  • Mang một đôi găng tay cao su nếu bạn không có găng tay, hãy bọc tay vào túi nhựa hoặc nhiều lớp vải sạch.
  • Tìm vết thương. Nếu cần, hãy cởi hoặc cắt quần áo của người đó để bộc lộ vết thương.
  • Nếu có thể, hãy nâng vết thương lên trên tim của người đó.
  • Đặt gạc hoặc vải sạch, như khăn tay lên vết thương. Nếu không có những món đồ này, nếu vết thương nhỏ, hãy dùng ngón tay. Nếu vết thương lớn, hãy dùng lòng bàn tay của bạn.
  • Bịt chặt và chắc chắn trong ít nhất 5 phút.
  • Có thể sát trùng vết thương bằng nước sạch, hoặc cồn iốt hay nước muối sinh lý nếu có sẵn.
  • Nếu máu vẫn tiếp tục chảy trong 10 phút, hãy đặt thêm một miếng vải lên trên. Tránh cởi bỏ lớp vải đã ép đầu tiên, vì điều này có thể làm gián đoạn quá trình đông máu.
  • Gọi 115 hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất nếu máu không ngừng chảy, chảy quá nhiều máu hoặc người đó bất tỉnh.
  • Chảy máu tĩnh mạch thường dễ kiểm soát hơn chảy máu động mạch. Tuy nhiên, nếu tĩnh mạch rất sâu, máu khó cầm được.

3.2. Sơ cứu vết thương chảy máu động mạch

Các bước sơ cứu cho các vết thương ở động mạch:

  • Bước đầu tiên là tạo áp lực để bịt chặt vết thương gây chảy máu bằng tay có đeo găng cao su và gạc vô trùng. Điều quan trọng nữa là liên hệ với số điện thoại khẩn cấp 115 để được trợ giúp y tế.
  • Trong thời gian chờ đợi sự giúp đỡ y tế, nếu thao tác bịt chặt làm máu ngừng chảy, bước tiếp theo là băng vết thương bằng băng gạc vô trùng và băng lại để tiếp tục tạo áp lực lên vết thương.
  • Khi máu xuất phát từ động mạch ở tay hoặc chân, có thể giúp nâng phần cơ thể lên trên mức của tim.
  • Nếu mọi nỗ lực cầm máu không thành công, biện pháp cuối cùng là đặt garô phía trên vết thương đang chảy máu. Chỉ nên sử dụng garô khi bị chảy máu động mạch ở tay và chân. Nên nới garo 1 phút sau mỗi 15 phút, để tránh tình trạng hoại tử chi.
  • Nếu có phương tiện sát khuẩn hãy sát trùng vết thương bằng bông gạc sạch rồi băng lại để tránh nhiễm trùng.
  • Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Chảy máu động mạch và chảy máu tĩnh mạch có tính chất và mức độ nguy hiểm khác nhau. Vì thế, việc tìm hiểu những thông tin cơ bản của hai loại chảy máu này, cũng như biết được những cách sơ cứu ban đầu sẽ giúp tránh những biến chứng nguy hiểm cũng như bảo vệ đến tính mạng của chính bản thân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan